Kurt Gödel (1906 – 1978)
Gödel là một nhà toán học, nhưng Định lý Bất toàn của ông có ý nghĩa lớn lao về triết học nhận thức, tác động đến mọi hệ logic, bao gồm Sinh học. Định lý này chỉ ra rằng sự sống phụ thuộc vào một tác nhân bên ngoài sự sống, đó chính là ẩn số về Nguồn mã DNA.
Mặc dù không nghiên cứu sinh học, nhưng Gödel quan tâm tới nguồn gốc sự sống và bản chất con người. Ông công khai bộc lộ quan điểm phê phán và bác bỏ học thuyết Darwin. Đó là lý do ông có mặt trong câu chuyện của chúng ta về khoa học sự sống.
Câu hỏi về NGUỒN GỐC SỰ SỐNG vốn không chỉ là câu hỏi của sinh học, mà là một trong những câu hỏi lớn nhất về BẢN THỂ LUẬN (Ontology) – một chủ đề triết học xưa nay vẫn dày vò tâm trí con người, nhất là những người bận tâm tới nguồn gốc của thế giới, của sự sống và của chính bản thân mình. Đầu tiên chủ đề này chỉ được nghiên cứu bởi các cá nhân, nhưng dần dần đã trở thành một nỗ lực quốc tế. Đó là lý do ra đời các tổ chức quốc tế và các hội nghị quốc tế về nguồn gốc sự sống. Hội nghị quốc tế đầu tiên về nguồn gốc sự sống diễn ra năm 1957 tại Moskva. Hội nghị quốc tế gần đây nhất về nguồn gốc sự sống diễn ra năm 2021 tại trung tâm NASA, Mỹ.
Nhưng đáng chú ý nhất là Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về nguồn gốc sự sống diễn ra từ ngày 10 đến 15/07/1983 tại Mainz, CHLB Đức, với kết luận đi vào lịch sử của khoa học thông tin và khoa học về sự sống, rằng THÔNG TIN KHÔNG BẮT NGUỒN TỪ VẬT CHẤT!
Kết luận ấy vượt khỏi phạm vi khoa học vật chất, mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài khoa học, bởi nó gợi ý khoa học tìm đến nguồn gốc của thông tin.
Thật tiếc vì Kurt Gödel đã sống không đủ lâu đến ngày đó (ông mất năm 1978). Nhưng bản thân Định lý Gödel đã gợi ý cho chúng ta nghĩ đến những thế giới bên ngoài sự sống – đây là hệ quả rất bất ngờ về mặt triết học để trả lời những câu hỏi về bản thế luận.
Định lý Gödel và bài toán nguồn gốc sự sống
Năm 1900, David Hilbert nêu lên 23 bài toán thách thức thế kỷ 20, trong đó Bài toán số 2 kêu gọi các nhà toán học “Hãy tìm một hệ tiên đề đầy đủ và phi mâu thuẫn cho số học”.
Nếu bạn không quan tâm tới toán học và triết học, bạn sẽ không hiểu ý nghĩa của Bài toán số 2, và do đó sẽ không hiểu ý nghĩa sâu xa của Định lý Bất toàn của Gödel. Khi đó bạn cũng sẽ không thấm nhuần những hệ quả triết học của định lý này, và do đó, bạn sẽ không hiểu tại sao một định lý toán học như Định lý Gödel lại có ý nghĩa quan trọng đối với những câu hỏi về bản thể luận như câu hỏi về nguồn gốc sự sống.
Vậy hãy thảo luận về Bài toán số 2.
Không phải ngẫu nhiên Hilbert nêu lên bài toán đó. Số là toán học giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 lâm vào khủng hoảng – xuất hiện nhiều bài toán không giải được, những nghịch lý toán học để lộ cho thấy những rạn nứt ngay trong nền tảng toán học, điển hình là Giả thuyết Continuum và Nghịch lý Russell – làm cho các nhà toán học lo lắng, nhất là một người như David Hilbert, một nhà toán học lỗi lạc có đòi hỏi gắt gao về tính hoàn hảo của toán học, và tin chắc rằng lý trí con người có thể tìm thấy một hệ thống toán học hoàn hảo như thế. Tuyên bố của ông, “Chúng ta phải biết; chúng ta sẽ biết”, được khắc trên bia mộ của ông, phản ánh khát vọng và niềm tin mạnh mẽ của chủ nghĩa duy lý. Với khát vọng và niềm tin ấy, Hilbert chủ trương phải tái thiết lại tòa lâu đài toán học, bắt đầu từ nền móng, tức hệ tiên đề. Để làm gương, Hilbert đã đích thân lao vào xây dựng lại hệ tiên đề cho Hình học Euclid[1], và năm 1900, ông kêu gọi các nhà toán học cùng nhau xây dựng lại hệ tiên đề cho số học, sao cho vừa đầy đủ vừa nhất quán. Đó là Bài toán số 2.
Gần như toàn bộ thế giới toán học đầu thế kỷ 20 đã theo đuôi Hilbert, trừ một vài người như Henri Poincaré, Jan Brower, … giống y như trong nửa sau thế kỷ 19, số đông các nhà sinh học đều theo đuôi Darwin, trừ một vài người như Louis Pasteur, Gregor Mendel. Nhưng năm 1931, chủ nghĩa Hilbert sụp đổ khi Kurt Gödel công bố Định lý Bất toàn, giống như năm 1953, chủ nghĩa Darwin sụp đổ, khi tiên đoán của Gregor Mendel về sự tồn tại của “elemente”, tức “gene”, phần tử rời rạc chịu trách nhiệm làm công việc di truyền, trở thành hiện thực – đó là lúc khoa học khám phá ra DNA và thông tin của sự sống!
Định lý Gödel chỉ ra rằng không tồn tại một hệ tiên đề của số học vừa đầy đủ vừa phi mâu thuẫn. Nếu đầy đủ thì sẽ mâu thuẫn. Để tránh mâu thuẫn, sẽ không đầy đủ. Để tránh mâu thuẫn, toán học buộc phải chấp nhận không đầy đủ – tồn tại những sự thật toán học bất khả quyết định (undecidable), tức là không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ.
Toán học là hệ logic mạnh nhất mà còn “yếu” như thế, suy ra mọi hệ logic khác cũng “yếu”. Cái “yếu” ấy được phát biểu rõ ràng thành một định lý về nhận thức, rằng trong mọi hệ logic, tồn tại những sự thật không thể chứng minh được hoặc không bác bỏ được.
Nguyên nhân đầu tiên của một hệ logic, tức hệ tiên đề, là một sự thật không thể chứng minh được. Ngay từ thế kỷ 17, Blaise Pascal đã khẳng định không có cách nào để kiểm tra một hệ tiên đề của một hệ logic là chắc chắn và hoàn hảo. Chỉ có một phương tiện duy nhất để thiết lập hệ tiên đề, đó là TRỰC GIÁC, và điều này có nghĩa là khoa học vẫn cần đến Chúa, bởi trực giác chính là ánh chớp do Chúa gửi tới bộ não của chúng ta. Định lý Gödel đã chứng minh nhận định của Pascal một cách toán học đến mức không thể chối cãi được nữa, rằng toán học không thể chứng minh hệ tiên đề của nó là đầy đủ và phi mâu thuẫn. Suy rộng ra, mọi hệ logic không thể tự chứng minh hệ tiên đề của nó là hoàn hảo. Muốn chứng minh hệ tiên đề của toán học, phải đi ra ngoài toán học. Chẳng hạn, bằng quan sát thực tế và đo đạc, tức là bằng những phương pháp phi toán học, ta có thể xác nhận các tiên đề toán học là đúng. Như vậy cái đúng của toán học phụ thuộc vào những phương tiện và quan sát bên ngoài toán học. Vì thế GS Tạ Quang Bửu nói: “cái đúng của toán học nằm ngoài toán học”. Tổng quát hóa nhận định này, có thể nói:
Mọi hệ logic đều phụ thuộc vào một cái gì đó nằm bên ngoài hệ ấy. Nói cách khác, không có một hệ logic nào không cần đến một chỗ dựa nằm bên ngoài nó.
Đây là một trong những hệ quả triết học quan trọng nhất của Định lý Gödel. Áp dụng hệ quả này vào cuộc sống hàng ngày, ai cũng nhận thấy sự thật sau đây:
Computer là một hệ logic, do đó tính hợp lý của computer, cả phần cứng lẫn phần mềm, phụ thuộc vào những kỹ sư phần cứng hoặc phần mềm của computer.
Áp dụng hệ quả này vào vật lý học, chúng ta tuyên bố:
Vũ trụ là một hệ logic, do đó tính hợp lý của vũ trụ phụ thuộc vào một TÁC NHÂN nằm bên ngoài vũ trụ. Lý thuyết Big Bang cho thấy vai trò thiết yếu của Tác Nhân đó – Đấng đã tạo ra “nguyên tử nguyên thủy” / “điểm kỳ dị” rồi gây ra vụ nổ lớn!
Bạn có thể gọi “Tác Nhân” đó là Đấng Sáng tạo / Đấng Tạo Hóa / Chúa / Nhà Thiết kế / Nhà Lập trình / Thần / Allah / Brahma / Ông Trời / … Việc lựa chọn tên gọi là vấn đề văn hóa.
Perry Marshall, một kỹ sư và nhà doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin ở Mỹ, gọi “Tác Nhân” ấy là Chúa. Trong bài báo nổi tiếng của ông nhan đề, “Định lý bất toàn của Kurt Gödel – Khám phá toán học #1 trong thế kỷ 20”, Perry Marshall đã đưa ra một kết luận chí lý:
“Không có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại mà đức tin vào Chúa lại trở nên có lý hơn, logic hơn, hoặc hoàn hảo hơn bằng khi nó được hỗ trợ bởi chính khoa học và toán học”[2]
Tương tự, áp dụng hệ quả triết học của Định lý Gödel vào khoa học về sự sống, có thể kết luận:
Sự sống là một hệ logic, do đó tính hợp lý của sự sống phụ thuộc vào một TÁC NHÂN nằm bên ngoài sự sống. Khám phá về DNA và thông tin của sự sống đã xác nhận vai trò thiết yếu của Tác Nhân ấy – Đấng đã tạo ra mã DNA và buộc các phân tử của sự sống kết hợp với nhau theo sự điều hành của mã DNA.
Đó là lý do để Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Bản đồ Gene Người, hiện là Giám đốc Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, gọi mã DNA là “NGÔN NGỮ CỦA CHÚA”.
Còn Antony Flew, nhà triết học vô thần nổi tiếng người Anh nổi tiếng với “triết học bằng chứng” (evidentialism), nguyên là nhà biện hộ số 1 của Thuyết tiến hóa Darwin, đã phản bội giới tiến hóa để tuyên bố:
“Bây giờ tôi tin có Chúa … Gần như hoàn toàn nhờ vào những nghiên cứu về DNA tôi đã thấy bằng chứng cho sự hiện hữu của một Trí thông minh sáng tạo. Điều mà DNA đã làm được là nó đã cho thấy, bằng sự phức tạp gần như không thể tin được của những cách sắp xếp cần thiết để tạo ra sự sống, trí thông minh chắc hẳn đã tham gia vào việc làm cho các yếu tố đa dạng lạ thường này hoạt động cùng với nhau”[3].
Tóm lại, Định lý Gödel chỉ ra rằng sự sống ắt phải dựa vào một nguyên nhân bên ngoài sự sống. Nguyên nhân bên ngoài ấy là gì, nếu không phải TÁC GIẢ của mã DNA, tức Nhà lập trình cho sự sống? Đó chính là kết luận cần thiết của sinh học hiện đại, nếu không, sinh học sẽ bế tắc trước câu hỏi về nguồn mã DNA!
Kết luận ở trên cho thấy Định lý Gödel tự động bác bỏ Thuyết tiến hóa Darwin, nhưng câu hỏi đặt ra là bản thân Gödel nghĩ gì về Thuyết tiến hóa Darwin?
Câu hỏi này làm chúng ta liên hệ với Pasteur và Mendel: các định luật do Pasteur và Mendel khám phá tự động chống lại Thuyết tiến hóa Darwin, và chính bản thân Pasteur và Mendel cũng bác bỏ Thuyết tiến hóa Darwin (mặc dù Pasteur không bao giờ nhắc đến Darwin). Điều tương tự cũng đúng đối với Gödel: Định lý Gödel tự nó đã bác bỏ học thuyết Darwin về nguồn gốc sự sống, và chính bản thân Mendel cũng bác bỏ học thuyết Darwin. Đó là một sự thật mà những ai quan tâm đến sự thật của Thuyết tiến hóa nên biết.
Gödel trực tiếp bác bỏ học thuyết Darwin
Những tuyên bố của chính Gödel sau đây cho thấy Gödel quan tâm tới Thuyết tiến hóa Darwin và ông bác bỏ nó một cách rõ ràng, dứt khoát, không phải vì lý do tôn giáo, mà vì lý do khoa học. Thật vậy, Gödel tuyên bố:
● “Tôi tin rằng hệ thống trong sinh học là một định kiến trong thời đại chúng ta sẽ bị bác bỏ. Trong trường hợp này, theo ý kiến của tôi, một sự bác bỏ sẽ bao gồm một định lý toán học về khả năng hình thành một cơ thể con người theo các định luật vật lý trong thời gian địa chất … khởi đầu từ một sự phân bố ngẫu nhiên các hạt cơ bản và trường, sẽ khó xảy ra như sự phân tách ngẫu nhiên của khí quyển thành các thành phần của nó”[4].
Gödel là nhà toán học nên cách diễn đạt của ông thường chặt chẽ, và do đó hơi khó hiểu. Vì vậy, tôi xin trình bày lại ý kiến của ông sao cho dễ hiểu hơn như sau:
– Sinh học trong thời đại của Gödel, ý nói sinh học tiến hóa của Darwin, là một định kiến, tức là một niềm tin cố hữu.
– Định kiến ấy sẽ bị bác bỏ. Niềm tin ấy sẽ bị chứng minh là sai. Thực tế, điều này đang xảy ra.
– Để bác bỏ sinh học tiến hóa, có thể áp dụng toán học. Cụ thể, có thể tính xác suất xuất hiện một cơ thể con người, kể từ khi các hạt cơ bản ngẫu nhiên tập hợp lại thành các nguyên tử, các nguyên tử ngẫu nhiên tập hợp thành phân tử, các phân tử ngẫu nhiên tập hợp thành sinh vật, sinh vật ngẫu nhiên đột biến gene … cho đến khi hình thành con người. Theo Gödel, xác suất ấy sẽ vô cùng bé, tương tựu như xác suất để khí quyển ngẫu nhiên tách biệt thành các thành phần của nó. Ý nghĩ này của Gödel đã trở thành hiện thực. Trong nửa sau thế kỷ 20, các nhà toán học quan tâm đến sinh học đã tính xác suất để sự sống hình thành ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh. Điển hình là Sir Fred Hoyle, nhà toán học và thiên văn học lỗi lạc của Anh, đã tính xác suất để hình thành một loại protein từ các acid amin tự do, kết quả bằng 1/10^40.000, và ông kết luận con số này “đủ để chôn vùi Darwin cùng với toàn bộ thuyết tiến hóa”[5].
Một ý kiến khác của Gödel:
● “Tôi không nghĩ rằng bộ não hình thành theo kiểu của Darwin. Thực ra có thể phủ nhận học thuyết Darwin. Cơ chế đơn giản không thể tạo ra bộ não”[6]
Đối với Gödel, bộ não là một “cỗ máy” quá kỳ diệu, vượt quá khả năng giải thích của con người. Thật vậy, ông nói:
● “Bộ não là một cỗ máy tính được kết nối với một linh hồn”[7].
Darwin từng thú nhận rằng ông chẳng biết gì về sự hình thành của năng lực tinh thần, vậy làm sao ông có thể biết gì về sự hình thành bộ não? Thú nhận này của ông nằm trong Chương 7 – Bản năng gốc, cuốn “Về nguồn gốc các loài của ông”, xuất bản lần đầu tiên năm 1859. Nguyên văn ông nói:
“Tôi phải nói ngay từ đầu rằng tôi chẳng có gì để nói về nguồn gốc của những năng lực tinh thần nguyên thủy, cũng như chẳng có gì để nói về nguồn gốc của chính bản thân sự sống”[8].
Ấy thế mà đến năm 1871, chính Darwin lại đoán mò rằng sự sống đầu tiên đã ra đời một cách ngẫu nhiên từ các phản ứng hóa học vô sinh trong “cái ao nhỏ ấm áp”. Mỉa mai thay, chuyện đoán mò này đã trở thành một lý thuyết tiêu tốn rất nhiều tiền trong 152 năm qua (1871 – 2023), nhưng chẳng đem lại một kết quả nào cả.
Tuy nhiên, tài liệu thú vị nhất cho thấy quan điểm rõ ràng của Gödel về Thuyết tiến hóa Darwin là cuốn “Incompleteness” (Bất toàn) của nữ tác giả Rebecca Goldstein, một người hiện được coi là một chuyên gia về Gödel. Tác giả kể lại một cuộc tranh luận trong một ăn trưa giữa Gödel với một nhà triết học ở viện nghiên cứu, hai bên bất đồng quan điểm về Thuyết tiến hóa Darwin, rồi kết thúc bằng những lời sau đây:
● “Gödel tự nhận mình là một người không tin vào thuyết tiến hóa và kết thúc cuộc tranh luận một cách thích thú bằng cách chỉ ra rằng, như thể đây là bằng chứng bổ sung cho việc ông bác bỏ thuyết Darwin: “Bạn biết đấy, Stalin cũng không tin vào thuyết tiến hóa, và ông ấy là một người rất thông minh đấy””[9].
Để kết, xin dẫn một câu nói đầy ắp triết học và thần học của Gödel, một lần nữa cho thấy ắt phải có Tác Giả của vũ trụ và sự sống:
“Cái mà tôi gọi là thế giới quan thần học là ý tưởng cho rằng thế giới và mọi thứ trong đó đều có ý nghĩa và lý do … Ý tưởng cho rằng mọi thứ trên thế giới đều có một ý nghĩa [lý do] là hoàn toàn tương tự với nguyên lý cho rằng mọi thứ đều có nguyên nhân, tức luật nhân quả mà khoa học dựa trên đó”
Một cách logic, Gödel lập luận rằng nếu thế giới và mọi thứ trong đó đều có ý nghĩa và lý do thì nó phải tuân thủ luật nhân quả (The Law of Cause and Effect), do đó vũ trụ và sự sống phải có NGUYÊN NHÂN. Kết luận này hoàn toàn phù hợp với câu hỏi về nguồn mã DNA: Ai là Tác Giả của mã DNA?
Câu trả lời duy nhất hợp lý: Mã DNA là một thông tin, mọi thông tin đều bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh, vậy Mã DNA là bằng chứng của một TRÍ TUỆ THÔNG MINH đã lập trình cho sự sống!
PVHg 04/08/2023
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
[1] Khoảng năm 300 trước CN, Euclid đã xây dựng Hình học Euclid với hệ 5 tiên đề. Hilbert chê Hệ tiên đề Euclid không đầy đủ. Năm 1899 ông đã xây dựng nên Hệ 20 tiên đề cho Hình học Euclid, nhưng không có cách nào để chứng minh hệ tiên đề này là đầy đủ. Để biết rõ hơn, xem bài “Hệ tiên đề Hilbert có hoàn hảo?” trên Tia Sáng số 8/2002 > https://viethungpham.com/2013/12/16/ve-he%CC%A3-tien-de-hilbert-on-hilberts-set-of-axioms/
[2] Định lý Gödel – Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại, Phạm Việt Hưng, NXB tri Thức 2022, trang 94.
[3] https://www.goodreads.com/quotes/546457-i-now-believe-there-is-a-god-i-now-think-it
[4] I believe that mechanism in biology is a prejudice of our time which will be disproved. In this case, one disproof, in my opinion, will consist in a mathematical theorem to the effect that the formation within geological times of a human body by the laws of physics (or any other laws of a similar nature), starting from a random distribution of the elementary particles and the field, is as unlikely as the separation by chance of the atmosphere into its components.> https://www.jamesrmeyer.com/ffgit/godel-quotes.php
[5] https://viethungpham.com/2018/03/24/quotes-on-darwinism-trich-dan-ve-hoc-thuyet-darwin-1/
[6] I don’t think the brain came in the Darwinian manner. In fact, it is disprovable. Simple mechanism can’t yield the brain > https://www.jamesrmeyer.com/ffgit/godel-quotes.php
[7] The brain is a computing machine connected with a spirit. > https://www.jamesrmeyer.com/ffgit/godel-quotes.php
[8] I have nothing to do with the origin of the primary mental powers, any more than I have with that of life itself.> https://quotepark.com/quotes/1939120-charles-darwin-i-have-nothing-to-do-with-the-origin-of-the-primar/
[9] Gödel professed himself a nonbeliever in evolution and topped this off by pointing out, as if this were additional corroboration for his own rejection of Darwinism: “You know Stalin didn’t believe in evolution either, and he was a very intelligent man” > https://www.basicincome.com/bp/kurtgodel.htm