Werner Gitt (sinh năm 1937)
Nếu có một lý thuyết được mệnh danh là khoa học nhưng lại chiếm giải vô địch về số lượng các giả thuyết vô bằng chứng thì đó là Thuyết tiến hóa Darwin. Giả thuyết vô vọng nhất là “thuyết tiến hóa hóa học” (chemical evolution) – giả thuyết cho rằng thông tin của sự sống nẩy sinh từ các phản ứng hóa học!
Dựa trên những nguyên lý không thể chối cãi của khoa học thông tin, cuốn sách “In the beginning was information”[1] (Khởi đầu đã có thông tin) của Werner Gitt, được xuất bản lần đầu tiên ngày 01/12/2000, đã chỉ ra rằng thuyết tiến hóa hóa học là một ảo tưởng.
Thật vậy, ngay trong Lời Nói Đầu của cuốn sách của mình, Werner Gitt đã khẳng định:
“Vì thông tin là nền tảng của sự sống nên mọi nỗ lực giải thích sự sống chỉ dựa trên vật lý và hóa học sẽ thất bại. Đây là nan đề chủ yếu của sinh học hiện đại, tức nền sinh học dựa trên thuyết tiến hóa”[2].
Nền sinh học dựa trên Thuyết tiến hóa là nền sinh học của Lamarck và Darwin, trong đó sự sống chỉ đơn giản là một cỗ máy vật lý và hóa học. Ngày nay, dưới ánh sáng của những khám phá về thông tin của sự sống, một học sinh lớp 12 cũng đủ kiến thức để thấy mô hình sự sống của Lamarck và Darwin là ngây thơ, ấu trĩ, vì nó chỉ nhìn thấy cái vỏ vật chất bề ngoài của sự sống mà không biết rằng sự hình thành của cái vỏ ấy được quyết định bởi bản thiết kế nằm bên trong DNA – chương trình kiến tạo và duy trì sự sống.
Tất nhiên Lamarck và Darwin không thể có khái niệm gì về thông tin của sự sống, vì các ông không biết gì về Mendel. Nhưng hôm nay, những người đáng chê cười là những người trung thành với chủ nghĩa Lamarck-Darwin đến mức “cuồng tín” để nghĩ rằng thông tin của sự sống xét cho cùng cũng chỉ là kết quả của các phản ứng hóa học, khi các phản ứng này đạt tới trình độ “siêu phức tạp”.
Sự “cuồng tín” này lộ rõ ở “thuyết tiến hóa hóa học”, mà tư tưởng cốt lõi của nó được mô tả cô đọng trong sơ đồ sau đây, trích ở trang 56 cuốn “5 vấn đề lớn nhất chưa giải quyết được trong khoa học” của Charles Wynn & Arthur Wiggins, do NXB Dân Trí xuất bản năm 2015, trang 56:
Mũi tên cuối cùng trong “sơ đồ tiến hóa hóa học” ấy thể hiện cuộc “đại nhảy vọt” từ một tổ chức hóa học vô sinh sang một tổ chức sống – từ một tổ chức thuần túy vật chất sang một hệ xử lý thông tin.
Cuộc “đại nhảy vọt” đó là chuyện đoán mò của Darwin vào năm 1871, không được hỗ trợ bởi bất cứ một thực tế nào hoặc một thí nghiệm kiểm chứng nào trong suốt 152 năm qua (1871 – 2023). Thực ra chuyện đoán mò này là phản khoa học, vì nó chống lại Định luật Tạo Sinh do Louis Pasteur nêu lên từ năm 1861, rằng “sự sống chỉ ra đời từ sự sống”. Tính chất phản khoa học này là một trong 9 lý do để tạp chí New Scientist số ra ngày 24/01/2009 tuyên bố: “DARWIN WAS WRONG”[3].
Tại sao Darwin lại nêu lên một giả thuyết chống lại một định luật khoa học đã được cộng đồng khoa học công nhận?
Khó tin rằng Darwin và các môn đệ của ông không biết gì về Định luật Tạo Sinh. Chỉ có thể nghĩ rằng họ đã chót “đâm lao thì phải theo lao” – đã chót tuyên bố rằng sự sống tiến hóa từ loài này đến loài khác nên buộc phải bịa ra một giả thuyết cho sự sống đầu tiên cũng “tiến hóa” từ “loài” vô sinh, bất chấp giả thuyết này có đúng hay không. Có thể trong thâm tâm, nhiều nhà tiến hóa cũng ngờ vực Darwin, nhưng lòng tôn thờ dành cho ông lớn hơn mối nghi ngờ.
Nhưng thật không may cho Darwin và Thuyết tiến hóa, việc khám phá ra DNA và thông tin của sự sống đã “ban một phát súng ân huệ cuối cùng” cho hy vọng hão huyền về cuộc “đại nhảy vọt” nhờ hóa học từ một tổ chức vô sinh sang một tổ chức sống.
Câu chuyện của Werner Gitt trong cuốn sách của ông, “Khởi đầu đã có thông tin” chính là câu chuyện về “phát súng ân huệ cuối cùng” ấy. Đó là câu chuyện về khoa học thông tin, bắt đầu từ câu hỏi thông tin là gì?
Thông tin là gì?
Stephen Hawking từng khuyên người đời rằng không thể mô tả trái đất bằng một bản đồ duy nhất, mà phải có nhiều bản đồ khác nhau chồng chất lên nhau cùng mô tả trái đất, mỗi bản đồ chỉ mô tả được một khía cạnh của trái đất, các bản đồ khác nhau sẽ bổ sung cho nhau, cùng góp phần làm nên một bức tranh đầy đủ hơn về trái đất. Tư tưởng này của Hawking thực ra là một hệ quả về nhận thức luận của Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, định lý này chỉ ra rằng không tồn tại một lý thuyết nào là đầy đủ đến mức không cần đến sự giải thích của một lý thuyết khác. Điều này cũng đúng khi định nghĩa khái niệm thông tin.
Quả thật, biểu lộ của thông tin rất đa dạng, do đó không thể có một định nghĩa duy nhất thâu tóm được mọi khía cạnh của thông tin. Tuy nhiên, một số định nghĩa sau đây có ý nghĩa quan trọng nhất:
1 – Thông tin là một thông điệp có ý nghĩa, có mục đích, có chủ ý, được tạo ra bởi một nguồn có trí tuệ thông minh.
2 – Thông tin là một tư tưởng, một tri thức, một trí tuệ, do một nguồn trí tuệ thông minh sáng tạo ra
3 – Thông tin là một chương trình hướng dẫn, một bộ luật chi phối các đối tượng do nó quản lý, một bản thiết kế do một nhà thiết kế nào đó ban hành.
4 – Thông tin là một tập hợp các ký hiệu được gọi là các mã, được sắp xếp thành một dãy hoặc một chuỗi theo một trình tự xác định nhằm thể hiện một ý nghĩa, một tư tưởng, một chỉ dẫn, một mệnh lệnh, hoặc một ý muốn cụ thể mà nguồn sáng tạo muốn gửi gắm, nhằm tác động đến một đối tượng nào đó với một mục đích cụ thể nào đó. Thí dụ:
– Chữ LOVE trên bãi cát bên bờ biển là một thông tin sử dụng các mã (chữ cái) trong tiếng Anh. Thứ tự các chữ cái sẽ quyết định nội dung của bản thông điệp, tức là quyết định giá trị của thông tin được gửi đi. Thay đổi thứ tự các chữ cái, lập tức thông tin sẽ thay đổi.
– Bản nhạc Romance của Beethoven là một thông tin sử dụng các mã gồm 7 nốt nhạc trong gam âm nhạc tây phương. Các mã này được Beethoven sắp xếp một cách tài tình theo một trình tự xác định làm cho linh hồn người nghe thăng hoa lên những cõi giới thơ mộng, siêu thoát. Nếu gõ những nốt nhạc này sai trình tự mà Beethoven đã viết, thông tin của bản nhạc sẽ biến thành một mớ âm thanh hỗn tạp khó chịu làm cho Beethoven nổi giận!
– Cuộc cách mạng sinh học trong thế kỷ 20 làm cho nhân loại kinh ngạc trước các PHÉP LẠ của sự sống. Khi ấy con người bừng tỉnh nhận thấy hóa ra các thành phần của sự sống không kết hợp với nhau một cách NGẪU NHIÊN như Thuyết tiến hóa vẫn tuyên truyền, mà được sắp xếp CÓ CHỦ Ý theo những trình tự xác định. Trình tự này tiết lộ THÔNG TIN CỦA SỰ SỐNG – hệ điều hành sự hình thành và duy trì sự sống. Thí dụ: các acid amin được kết nối với nhau theo một trình tự xác định để tạo thành các chuỗi polypeptide; các nucleotides cũng được sắp xếp theo trình tự xác định trong DNA. Các nhà sinh học ngày này có nhiệm vụ GIẢI TRÌNH TỰ (sequencing) để GIẢI MÃ thông tin chứa đựng trong DNA. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh học hiện đại. Nếu vì lý do nào đó, trình tự này bị vi phạm, DNA sẽ bị lỗi, sinh vật sẽ mắc bệnh, hoặc chết.
Thấm nhuần định nghĩa thông tin như một tập các mã được sắp thứ tự, Tiến sĩ Vũ Hữu Như, tác giả cuốn “Tiên đề Thứ tự”, đã sáng tạo ra một công thức rất đẹp:
Có nghĩa là thông tin ra chỉ thị để các phân tử sắp xếp đúng thứ tự, và ngược lại, thứ tự ấy tiết lộ thông tin của sự sống.
Mã vạch (bar codes) trên hàng hóa cũng là một thí dụ tiêu biểu cho thấy thông tin là một tập hợp ký hiệu được sắp thứ tự. Thí dụ:
Khoa học ngày nay chỉ nhận biết được sự tồn tại của hai nguồn thông tin: thông tin do con người tạo ra và thông tin của sự sống!
Tín hiệu liên lạc của loài vật, theo Werner Gitt, chưa đạt tới trình độ của một ngôn ngữ thực sự và do đó, không phải là một hệ thông tin cao cấp.
Liệu có tồn tại thông tin của một nền văn minh nào ngoài trái đất không? Francis Crick, một trong hai người khám phá ra cấu trúc DNA, tin rằng có, và theo ông, thông tin trong DNA được gửi đến trái đất từ một nền văn minh nào đó cao hơn chúng ta trong vũ trụ. Tuy nhiên, nhiều người khác coi tư tưởng của Crick là một trò hề của những người không muốn tin vào Đấng Sáng Tạo.
Sau khi định nghĩa khái niệm thông tin như thế, Werner Gitt rút ra những hệ luận vô cùng quan trọng – những NGUYÊN LÝ CỦA KHOA HỌC THÔNG TIN – làm cơ sở cho khoa học về thông tin và cơ sở cho khoa học về sự sống, vì sự sống, như chúng ta biết, rốt cuộc là một hệ xử lý thông tin, như David Baltimore đã nói.
Những định luật khoa học về thông tin
● Thông tin là một thực thể phi vật chất (non-material entity), độc lập với vật chất, mặc dù biểu lộ thông qua vật chất.
Đừng nên nhầm lẫn một cuốn sách với nội dung cuốn sách. Cuốn sách là vật chất chứa đựng thông tin trong cuốn sách. Tương tự, đừng nhầm lẫn chiếc computer với thông tin mà nó chứa đựng. Đừng nhầm lẫn phân tử DNA với mã DNA – thông tin chứa đựng trong phân tử DNA. Đừng nhầm lẫn một con người với hệ di truyền chứa đựng trong con người ấy. Thiết tưởng đây là điều dễ hiểu, nhưng dường như đoán biết có nhiều người lẫn lộn khái niệm thông tin với vật chất chứa đựng thông tin, nên Norbert Wiener, cha đẻ của Điều khiển học (Cybernetics), tuyên bố mạnh mẽ để nhắc nhở chớ nên lầm lẫn như thế. Ông nói:
“Thông tin là thông tin, nó không phải vật chất cũng không phải năng lượng” (Information is information, not matter or energy)[4].
Có nhiều cách để chứng minh thông tin là thực thể phi vật chất. Chẳng hạn: thông tin có khối lượng bằng 0; thông tin không bắt nguồn từ vật chất; cùng một thông tin có thể biểu lộ thông qua nhiều dạng vật chất khác nhau; thông tin không tương tác với vật chất …
● Thông tin không bao giờ nẩy sinh từ bản thân vật chất
Đây là kết luận của Hội nghị quốc tế lần thứ 7th về Nguồn gốc sự sống từ ngày 10 đến 15/07/1983 ở Mainz, CHLB Đức. Sự thật này đã được ghi rõ trong cuốn “Khởi đầu đã có thông tin” của Werner Gitt. Kết luận này trực tiếp bác bỏ giả thuyết tiến hóa hóa học, bác bỏ sơ đồ tiến hóa hóa học đã nói ở trên.
Giải thưởng Evolution 2.0 do Perry Marshall ở Mỹ thành lập hiện đang sẵn sàng trao một phần thưởng lớn trị giá 10 triệu USD (bằng 10 Giải Nobel) cho bất kỳ ai chứng minh được rằng một cơ chế vật chất nào đó có thể tạo ra mã DNA, tức thông tin của sự sống. Các nhà tiến hóa im lặng không dám nhắc đến Giải thưởng này, vì họ ngầm biết rằng dự án tiến hóa hóa học của họ là BẤT KHẢ THI.
Như đã biết, hai tác giả cuốn “5 vấn đề lớn nhất chưa được giải quyết trong khoa học” đã phải thốt lên rằng bài toán Nguồn gốc sự sống quá nan giải, “và điều chúng ta cần chính là một Pasteur của thế kỷ 21”, ý nói rằng phải có một thiên tài như Louis Pasteur mới giải quyết nổi bài toán này.
Nhưng nếu hai tác giả của cuốn sách đó hiểu rõ Pasteur, thì sẽ phải kết luận điều ngược lại, rằng Pasteur sẽ bác bỏ thuyết tiến hóa hóa học, vì ông đã tuyên bố: “Sự sống chỉ ra đời từ sự sống” – sự sống không bao giờ ra đời từ vật chất vô sinh. Ý nghĩ cho rằng sự sống có thể ra đời từ vật chất vô sinh là quá ngây thơ, ấu trĩ, giống ý nghĩ của những người theo học thuyết sự sống hình thành tự phát trong thế kỷ 19 đã bị Pasteur bác bỏ, hoặc ý nghĩ ấy là quá điên khùng, vì thông tin của sự sống không bao giờ nẩy sinh từ vật chất thuần túy!
● Thông tin luôn bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh – nhà lập trình hoặc người sáng tạo ra thông tin.
Chữ “LOVE” trong hình ảnh dưới đây là một thông tin, bắt nguồn từ một chàng trai, hoặc một cô gái nào đó. Nếu bạn không tin điều này, thì bạn có vấn đề về thân kinh. Vậy cớ sao một thông tin vĩ đại như mã DNA lại không có tác giả. Chúng ta không thể mô tả tác giả đó, không thể thực chứng tác giả đó, nhưng về logic, chắc chắn NGÀI tồn tại. Ngài chính là Nhà Lập trình, hoặc Nhà Thiết kế cho sự sống!
Để kết, xin trích vài ý kiến của Werner Gitt
“Các định luật khoa học về thông tin[5]:
- Một thực thể vật chất không thể sản sinh ra một thực thể phi vật chất
- Thông tin là một thực thể nền tảng phi vật chất.
- Thông tin chỉ có thể được tạo ra bởi một người gửi có trí tuệ thông minh.
- Không có thông tin mới xuất hiện mà không có một người gửi thông minh.
- Mọi chuỗi mắt xích chuyển tiếp thông tin đều có thể truy ngược về một người gửi có trí tuệ thông minh”.
“Vật chất và năng lượng được coi là những thực tại cơ bản. Tuy nhiên, khái niệm thông tin đã trở thành thực tại cơ bản thứ ba. Một trong những đặc trưng nội tại của sự sống là thông tin. Một phân tích nghiêm ngặt về các đặc trưng của thông tin chứng minh rằng sinh vật về bản chất phản ánh cả tâm trí lẫn ý chí của Đấng Tạo Hóa”[6].
“Thuyết tiến hóa biến đổi loài sẽ được ủng hộ nếu nó có thể chứng minh bằng thực nghiệm rằng thông tin có thể phát sinh từ bản thân vật chất mà không cần có sự giúp đỡ của trí tuệ thông minh. Nhưng bất chấp những nỗ lực chuyên sâu nhất trên toàn thế giới, điều này chưa bao giờ xảy ra”[7].
PVHg 03/08/2023
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
[1] https://www.amazon.com/Beginning-Was-Information-Werner-Gitt/dp/0890514615 > https://tailieumienphi.vn/doc/in-the-beginning-was-information-bek3tq.html
[2] Because information is required for all life processes … All efforts to explain life processes in terms of physics and chemistry only will always be unsuccessful. This is the fundamental problem confronting present-day biology, which is based on evolution > In the beginning was information, Preface > https://answersingenesis.org/answers/books/in-beginning-was-information/
[3] https://viethungpham.com/2013/11/28/hoc-thuyet-darwin-sai-darwinism-is-wrong/
[4] https://www.goodreads.com/quotes/7526170-information-is-information-not-matter-or-energy
[5] https://creation.com/laws-of-information-1
[6] https://answersingenesis.org/genetics/information-theory/information-science-and-biology/
[7] https://creation.com/laws-of-information-1