Trong khi nhiều cái tên được tìm thấy trong Kinh Thánh vẫn còn phổ biến ngày nay như—A-đam, Đa-vít, Ma-thi-ơ, Giăng, Ma-ri—thì lại có rất ít cha mẹ chọn tên Ghẹt-sôn hay Ê-li-ê-se cho các con mình. Khả năng bé trai nhận được một trong hai cái tên này là rất nhỏ, không phải vì cha mẹ nghĩ rằng đây là những cái tên xấu hoặc vì họ chưa bao giờ nghe nói về chúng. Có thể chỉ là vì họ đã quên hai cái tên này thực sự có nghĩa là gì.
Mặc dù các bậc cha mẹ có thể không sử dụng hai cái tên này để đặt cho con, nhưng biết được ý nghĩa của chúng có thể giúp chúng ta rất nhiều khi chúng ta bước đi với Chúa và tìm cách hầu việc Ngài. Tên Ghẹt-sôn và Ê-li-ê-se có nghĩa là gì? Chúng ta đọc trong Xuất Ê-díp-tô Ký 18:1-4: “Giê-trô, thầy tế lễ xứ Ma-đi-an, ông gia của Môi-se, hay được mọi điều Đức Chúa Trời đã làm cho Môi-se cùng Y-sơ-ra-ên, là dân sự Ngài, và nghe Ngài đã dẫn dân ấy ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Người bèn dẫn Sê-phô-ra, vợ Môi-se, đã cho trở về nhà cha, cùng hai con trai, một tên là Ghẹt-sôn, vì Môi-se đã nói rằng: Tôi kiều ngụ nơi ngoại bang; và một tên là Ê-li-ê-se, vì người lại có nói: Đức Chúa Trời của tổ phụ tôi đã vùa giúp và giải cứu tôi khỏi gươm Pha-ra-ôn.”
Khi Môi-se 40 tuổi, người đã giết một đốc công người Ai Cập đang đánh đập một nô lệ người Do Thái. Kết quả là người bị buộc phải chạy trốn khỏi Ai Cập. Sau khi lang thang trong đồng vắng, Môi-se được dẫn đến xứ Ma-đi-an, nơi người đã sống trong 40 năm tiếp theo (Xem Xuất 2:11-22; Công-vụ 7:23-30). Môi-se kết hôn với Sê-phô-ra, con gái của Giê-trô, và họ có hai con trai. Những cái tên mà Môi-se chọn cho các con trai mình phản ánh những kinh nghiệm mà người đã trải qua. Xuất Ê-díp-tô Ký 2:22 nói rằng, “Nàng sanh một con trai; Môi-se đặt tên là Ghẹt-sôn, vì nói rằng: Tôi kiều ngụ nơi ngoại bang.” Tên Ghẹt-sôn có nghĩa là “người tạm trú,” “người ngoại bang” hoặc “khách lạ.” Tên Ê-li-ê-se có nghĩa là “Đức Chúa Trời là sự giúp đỡ của tôi.” Môi-se nhận ra rằng Đức Chúa Trời đang làm việc trong cuộc đời mình. Chúa đã cứu Môi-se từ khi người còn là một em bé. Ngài giúp người trốn thoát khỏi Ai Cập và đã chăm sóc cho người khi người đi lang thang trong sa mạc và cuối cùng dẫn người đến nhà của Giê-trô ở xứ Ma-đi-an. Nhưng Môi-se cũng biết rằng người chỉ tạm trú ở Ma-đi-an mà thôi. Đức Chúa Trời có kế hoạch khác dành cho người.
Một tình thế khó khăn
Kinh nghiệm cả đời của Môi-se đã dạy cho người rất nhiều điều về Đức Chúa Trời người phụng sự và về chính bản thân mình. Người đã học được nhiều bài học quan trọng, và những cái tên mà người đặt cho các con trai phản ánh một số chân lý người học được. Bằng cách xem xét kỹ những cái tên này, chúng ta cũng có thể học được từ đó những bài học Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta. Cái tên Ghẹt-sôn trước hết nhắc nhở chúng ta về tình thế khó khăn của chúng ta trong thế gian này.
Vị trí của chúng ta
Là Cơ-đốc nhân, chúng ta là khách lạ trong thế gian bởi vì chúng ta thuộc về một thế giới khác. Chúng ta đã kinh nghiệm sự sinh lại; vì vậy, chúng ta không còn là thành viên thực sự của xã hội này nữa. Thay vào đó, chúng ta thuộc về thế giới trên trời. Trong Phi-líp 3:20 Phao-lô nói rằng chúng ta là công dân trên trời. Quyền công dân của một người được xác định bởi nơi sinh của người đó; vì chúng ta được sinh ra trong thiên quốc, nên chúng ta là công dân nước thiên đàng.
Trong Giăng 3:7 Chúa của chúng ta đã nói với Ni-cô-đem thế này, “Các ngươi phải sanh lại.” Từ Hy Lạp được dịch là “lại” trong phân đoạn này cũng có nghĩa là “từ trên cao.” Vậy nên, Chúa Giê-su đang nói rằng chúng ta phải được sinh ra từ trên cao. Khi một người được sinh ra lần đầu tiên, người đó được sinh ra từ bên dưới—trong hoàn cảnh thế tục. Người đó sinh ra là con của A-đam. Tuy nhiên, sự ra đời thứ hai luôn thuộc về trời. Chúng ta được sinh ra một lần nữa với tư cách là con của Đức Chúa Trời; Ngài là Cha thiên thượng của chúng ta. Quyền công dân của chúng ta ở trên trời, sự ra đời của chúng ta là từ trời, Cha của chúng ta ở trên trời, và tên của chúng ta được viết trên trời. Trong Lu-ca 10:20, Chúa phán với các môn đồ Ngài, “Hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên đàng.” Đức Chúa Trời đang giữ một danh sách các công dân của Ngài, và mọi người đã tin nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa, đều có tên được ghi trong sách của Đức Chúa Trời.
Bởi vì chúng ta là công dân trên trời chứ không phải dưới đất, những ưu tiên và mục tiêu của chúng ta nên tập trung vào thiên đàng. Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta, “Chớ chứa của cải ở dưới đất… nhưng phải chứa của cải ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:19, 20). Của cải, tài sản hay danh vọng chỉ là tạm thời; chỉ những gì chúng ta làm cho Chúa Giê-su mới tồn tại. Vì lý do này, chúng ta chỉ nên tìm kiếm những điều có thể giúp chúng ta gặt hái được phần thưởng trên trời. Tương lai của chúng ta là thiên đàng. Chúng ta nên liên tục tìm kiếm sự trở lại của Đấng Christ và sống như thể Ngài sẽ trở lại bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ nên quan tâm đến trời mà không để ý đến những điều trên đất. Chúng ta được đồng ngồi trong các nơi trên trời với Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:6), nhưng chúng ta phải bước đi trên đất. Và đây là một tình thế khó khăn. Chúng ta là khách lạ và người ngoại bang trên thế gian này. Khi gửi lời chào các Hội Thánh ở khu vực Tiểu Á, Sứ-đồ Phi-e-rơ đã viết, “Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Giê-su Christ, gởi cho những người kiều ngụ rải rác trong xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni” (I Phi-e-rơ 1:1). Những Cơ-đốc nhân ban đầu nhận thức được rằng họ không còn là công dân của đất nước họ nữa. Họ chỉ đơn thuần là những lữ khách trên con đường dẫn đến một nơi tốt đẹp hơn. Họ cũng có thể được gọi là khách trọ, như chúng ta thấy từ câu 17: “Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy.”
Giống như một người chuyển đến một đất nước xa lạ, một khi chúng ta trở thành Cơ-đốc nhân, các tập quán và phong tục của thế gian sẽ trở nên xa lạ với chúng ta. Nếu đường lối của thế gian vẫn còn quá quen thuộc, thì có lẽ chúng ta đang không sống như những gì chúng ta nên làm. Mặt khác, bởi vì chúng ta vẫn còn bị giới hạn trong thân thể không toàn hảo của mình, bản chất cũ thuộc về đất của chúng ta sẽ tiếp tục vật lộn với bản chất mới từ trời. Chúng ta sẽ ở trong một trận chiến liên tục với chính mình và với thế gian. Trong I Phi-e-rơ 2:11,12, Phi-e-rơ đã khuyên giục, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn. Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại [những người không tin Chúa], hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời.” Chúng ta nên sống sao để tỏ cho những người ngoại thấy rằng chúng ta không thuộc về thế giới của họ. Tất nhiên, khi chúng ta không tham gia vào các hoạt động của thế gian, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bắt bớ.
Đích đến của chúng ta
Là kiều dân và khách tha hương, vị trí của chúng ta trong thế gian không còn như trước nữa. Tương tự như vậy, đích đến của chúng ta bây giờ cũng khác. Giờ đây chúng ta đang theo bước những tiền nhân như Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Khi mô tả Áp-ra-ham, Hê-bơ-rơ 11:9,10 viết, “Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc, ở trong các trại, cũng như Y-sác và Gia-cốp, là kẻ đồng kế tự một lời hứa với người. Vì người chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập.” Cũng trong đoạn này sau đó nói thêm rằng, “Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉn trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất” (câu 13). Điều gì đã giữ cho Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, Môi-se và tất cả các anh hùng đức tin bước tiếp? Họ đã sống như những khách lạ và kẻ lữ hành trên đất. Họ hát vang rằng, “Thế giới này không phải là nhà của tôi, tôi chỉ là một lữ khách đi ngang qua.” Mặc dù họ chưa nhận lãnh những điều đã hứa cho mình, họ có thể nhìn thấy điều đó qua đôi mắt đức tin.
Bạn luôn có thể chỉ ra được sự khác biệt giữa du khách và công dân trong một nước. Người khách kiều ngụ thường nói về việc sẽ đi đến một nơi khác nữa. Tương tự như vậy, bạn luôn có thể nhận ra một trong những kiều dân của Đức Chúa Trời. Mắt người tập chú vào tương lai chứ không phải quá khứ. Tấm lòng của người đó luôn hướng về ngôi nhà tương lai của mình.
Chúa Giê-su Christ đã gọi chúng ta ra khỏi thế gian. Bởi vì Đấng Christ không thuộc về thế gian, Ngài đã bị khước từ và bắt bớ. Với tư cách là kiều dân và khách trọ cũng như Ngài, chúng ta có thể mong đợi sự đối xử tương tự. Chúa Giê-su nói, “Con đã truyền lời Cha cho họ, và thế gian ghen ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian vậy” (Giăng 17:14). Lưu ý rằng Chúa Giê-su không nói chúng ta không ở trong thế gian; Ngài nói rằng chúng ta không thuộc về thế gian. Mặc dù chúng ta đã được gọi ra khỏi thế gian, nhưng hiện giờ chúng ta vẫn còn ở lại đây để làm chứng cho thế gian. Giăng 17:18 cho chúng ta biết, “Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian.” Mục đích của Chúa là gì khi Ngài để chúng ta ở lại đây? “Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa” (câu 20). Mục đích của chúng ta ở đây là để những người khác có thể biết Chúa.
Chúng ta chia sẻ về Đấng Christ với những người khác không phải chỉ bằng lời nói của mình. Thế gian đang dõi theo chúng ta; do đó, chúng ta phải làm gương cho họ. Mặc dù chúng ta phải sống trong thế gian này, chúng ta không nên tham gia vào các hoạt động của thế gian. Hành vi của chúng ta phải nói lên đức tin của chúng ta. Bởi vì chúng ta khác biệt, chúng ta sẽ bị nói xấu và ngược đãi bởi những người không tin Chúa. Tuy nhiên, cuối cùng, họ sẽ tôn vinh Đức Chúa Trời vì những việc lành của chúng ta là lời chứng dành cho họ (xem I Phi-e-rơ 2:11,12). Thế gian ghét chúng ta, thế gian dõi theo chúng ta, và thế gian cần chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta ở lại đây.
Tất nhiên, làm một kiều dân và lữ khách trong thế gian này không hề dễ dàng. Bởi vì những người theo thế gian ghét chúng ta, họ sẽ không ngừng cố gắng thuyết phục chúng ta tuân theo các tiêu chuẩn của họ. Phao-lô cảm thấy áp lực này. Ông cảnh báo chúng ta, “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình” (Rô-ma 12:2). Thế gian sẽ cố gắng gài bẫy chúng ta và lợi dụng chúng ta, nhưng chúng ta có thể vượt qua những áp lực này nếu chúng ta nhớ rằng cuộc sống này không phải là đích đến—mà là một hành trình. Chúng ta chỉ đi ngang qua đời này khi đang trên đường về nhà.
Đời sống Cơ-đốc không phải là một bến đỗ; mà là một bệ phóng. Là kiều dân và lữ khách, chúng ta phải luôn di chuyển. Mặc dù Áp-ra-ham là một người giàu có, ông đã sống cả đời trong một cái trại. Áp-ra-ham đi đến đâu, ông dựng trại của mình và xây dựng bàn thờ ở đó. Cái trại là một lời nhắc nhở cho bản thân và những người khác rằng ông là một lữ khách. Tương tự như vậy, bàn thờ là một lời nhắc nhở và làm chứng rằng ông đã thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật.
Là Cơ-đốc nhân, chúng ta đừng bao giờ trở nên quá thoải mái trong thế gian. Chúa không chỉ đơn thuần đặt để chúng ta ở đây để tận hưởng những gì cuộc sống mang đến trong khi chúng ta chờ đợi Ngài trở lại. Mọi thứ chúng ta có—thân thể, tiền bạc, của cải của chúng ta—đều đến từ Chúa. Ngài sử dụng các nguồn lực thế gian để chu cấp cho nhu cầu của chúng ta và trang bị cho chúng ta để phục vụ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng những điều này chỉ là tạm thời. Thân thể và tài sản của chúng ta chỉ là những công cụ chúng ta sử dụng để hoàn thành hành trình của mình. “Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra” (II Cô-rinh-tô 5:1). Thân thể vật lý của chúng ta chỉ đơn giản là một cái lều tạm chứa đựng linh hồn và tâm linh của chúng ta. Khi Đấng Christ trở lại, chúng ta sẽ nhận được một thân thể vinh hiển sẽ tồn tại cho đến đời đời.
Cái tên Ghẹt-sôn nhắc nhở chúng ta về tình thế khó khăn của chúng ta trong thế gian này. Chúng ta là kiều dân và khách lạ. Chúng ta không thuộc về thế gian; do đó, thế gian ghét chúng ta bởi vì chúng ta khác biệt. Đối với chúng ta, đời sống này chỉ đơn thuần là một cuộc hành trình, một nơi chúng ta phải đi qua để đến được đích—là thành thánh nơi Chúa Giê-su Christ là sự sáng và Vua (xem Khải-huyền 21:23).
Điều quan trọng cần nhớ là chúng ta là kiều dân và lữ khách trong thế gian này—không phải những kẻ lang thang hay sống tị nạn. Một kẻ lang thang không có nhà cửa, và một người tị nạn thì luôn rời xa quê nhà. Tuy nhiên, kiều dân chỉ sống xa nhà trong một khoảng thời gian, và khách lữ hành thì đang trên đường trở về nhà. Bạn và tôi không phải là những người tị nạn đang chạy loạn. Chúng ta không phải là những kẻ lang thang không mục đích. Chúng ta là kiều dân và những khách lữ hành đang trên đường trở về nhà. Bởi vì chúng ta biết mình đang đi đâu và có Lời Chúa soi đường cho chúng ta (xem Thi-thiên 119:105), nên chúng ta có thể tự tin mà tiến về đích.
Sự chu cấp đầy đủ của chúng ta
Tất nhiên, Đức Chúa Trời không bắt chúng ta thực hiện cuộc hành trình này một mình. Cái tên Ê-li-ê-se nhắc nhở chúng ta rằng “Đức Chúa Trời là sự giúp đỡ của tôi.” Chúa đã ban cho chúng ta sự chu cấp đầy đủ cho hành trình về thiên quốc.
Chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để tìm ra đường lối cho bản thân mình trong thế gian này. Chúng ta có nhiều trận chiến phải đánh và nhiều gánh nặng phải mang. Đôi khi chúng ta tự hỏi liệu mình có thực sự sống sót qua cuộc hành trình này hay không. Có lẽ vì con đường phía trước dường như quá dài hoặc quá sức đối với chúng ta. Chính những lúc như thế này, chúng ta cần nhớ rằng sự trợ giúp của chúng ta đến từ đâu. Nếu chúng ta ỷ vào sức mình hoặc lệ thuộc vào sức của người khác, chúng ta chắc chắn sẽ thất bại. Chúng ta phải để lời Chúa trở thành kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta trên hành trình về thiên quốc của mình. Nếu không có sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta sẽ không thể duy trì việc tách mình ra khỏi thế gian.
Khi chúng ta gặp khó khăn, Đức Chúa Trời không chỉ gửi đến sự giúp đỡ—Ngài là sự giúp đỡ của chúng ta. Tất nhiên, Chúa gửi đến sự giúp đỡ theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi, chúng ta không hề hay biết, Ngài sai các thiên sứ của Ngài đến để bảo vệ chúng ta và để hoàn thành ý muốn của Ngài cho chúng ta. Đôi khi Ngài sai một Cơ-đốc nhân khác đến giúp đỡ chúng ta hay có thể Ngài sử dụng một lá thư hoặc một tấm séc. Nhưng, trong mọi sự, Đức Chúa Trời làm cho sự hiện diện của Ngài được biết đến trong đời sống của chúng ta. Ngài nhận ra rằng chúng ta muốn nhiều hơn là các giải pháp cho những nan đề của mình—chúng ta đang tìm kiếm những con người để giúp đỡ mình. Khi cần gặp bác sĩ, chúng ta muốn một con người bằng xương bằng thịt để có thể nghe được mạch đập và kiểm tra thân nhiệt cho chúng ta. Nếu chúng ta liên quan đến một vụ tai nạn ô-tô, chúng ta không muốn một cuốn sách luật—mà chúng ta cần một luật sư biết cách giải quyết nan đề của chúng ta vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta gặp vấn đề với một hóa đơn hoặc bảng sao kê được vi tính hóa, chúng ta không muốn nói chuyện với một cái máy. Chúng ta muốn gặp người phụ trách. Cũng như vậy, Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta một cách cá nhân và triệt để.
Làm thế nào để chúng ta nhận được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời trong đời sống mình? Thi-thiên 27:8,9 cho chúng ta biết, “Khi Chúa phán rằng: Các ngươi hãy tìm mặt Ta; Thì lòng tôi thưa cùng Chúa rằng: Đức Giê-hô-va ôi! tôi sẽ tìm mặt Ngài. Hỡi Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi tôi, xin chớ ẩn mặt Chúa với tôi, chớ xô đuổi kẻ tôi tớ Chúa trong khi Chúa nổi giận. Khi trước Chúa là sự tiếp trợ tôi, xin chớ lìa tôi, chớ bỏ tôi.” Khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và đặt mạng sống của mình trong tay Ngài, thì Ngài sẽ luôn ở đó để giúp đỡ chúng ta. Đa-vít đã phát hiện ra điều này và sau đó có thể nói rằng, “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và là cái khiên của tôi; Lòng tôi đã nhờ cậy nơi Ngài, và tôi được cứu tiếp; Vì vậy, lòng tôi rất mừng rỡ, tôi sẽ lấy bài ca mà ngợi khen Ngài, Đức Giê-hô-va là sức lực của dân Ngài. Đồn lũy cứu rỗi cho người chịu xức dầu của Ngài” (28:7,8; xem thêm 30:10).
Khi chúng ta kêu cầu Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta. Ngài có thể thay đổi hoàn cảnh của chúng ta, hoặc Ngài có thể thay đổi chúng ta để chúng ta có thể giải quyết hoàn cảnh của mình. Bất kể câu trả lời của Ngài là gì, thì Ngài sẽ luôn ban cho chúng ta ân điển mà chúng ta cần. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải sẵn lòng chờ đợi Ngài: “Linh hồn chúng tôi trông đợi Đức Giê-hô-va; Ngài là sự tiếp trợ và cái khiên của chúng tôi. Lòng chúng tôi sẽ vui vẻ nơi Ngài, vì chúng tôi đã để lòng tin cậy nơi danh thánh của Ngài” (Thi-thiên 33:20,21). Không phải lúc nào Chúa cũng hành động theo thời gian và cách thức của chúng ta. Nhưng khi chúng ta tin cậy Chúa, cầu nguyện cùng Ngài và chờ đợi Ngài, thì chúng ta sẽ có thể vui mừng trong Ngài: “Vì Chúa đã giúp đỡ tôi, dưới bóng cánh của Chúa tôi sẽ mừng rỡ” (63:7). Hãy lưu ý rằng Đa-vít không mừng rỡ về những nan đề đã được giải quyết, mà mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, Đấng đã cung cấp câu trả lời cho những nan đề.
Thường thì chúng ta có thể không nghĩ rằng Chúa ở gần chúng ta, nhưng Ngài luôn ở gần. Thi-thiên 46:1 bảo đảm với chúng ta về điều này, “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.” Trong cơn hoạn nạn, Đức Chúa Trời luôn che chở và giúp đỡ chúng ta. Ngài sẽ không để chúng ta bị rúng động (câu 5). Ngài đã hứa sẽ luôn ở cùng chúng ta (Ma-thi-ơ 28:20). Chúng ta có lời của Ngài rằng Ngài sẽ không bao giờ lìa chúng ta hay bỏ chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:5). “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng” (4:16).
Với tư cách là kiều dân và khách lạ, chúng ta đang ở trong một tình thế khó khăn nơi thế gian này. Nhiều lúc hành trình cuộc sống của chúng ta sẽ đầy dẫy những trở ngại và thử thách. Người đời sẽ bắt bớ và làm tổn thương chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không nên sợ hãi hay nản lòng, vì sự chu cấp của Chúa là quá đủ cho nhu cầu của chúng ta rồi. Mỗi bước trên đường đời Chúa ở bên ta. Khi chúng ta đặt tay mình trong tay Chúa và tin tưởng Ngài trong mọi sự, Ngài sẽ dẫn chúng ta về nhà an toàn.
Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible
Nguồn: Sưu Tầm
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com