Louis Pasteur là một nhà hóa học và vi sinh học người Pháp. Ông là một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất mọi thời đại, người khám phá ra các kiến thức khoa học đem lại những kết quả kỳ diệu. Các công trình nghiên cứu thiên tài của ông tạo ra các bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực vi sinh học, các lý thuyết về vi trùng gây bệnh, thanh trùng, khử khuẩn, và miễn dịch học đã dẫn đến thành tựu vĩ đại nhất của ông: vắc-xin. Một trong những phẩm chất vĩ đại nhất của Pasteur là khả năng kết hợp những lý thuyết trừu tượng về nguồn gốc sự sống từ những lĩnh vực khác nhau với những khám phá khoa học thực tiễn đã tạo ra biến đổi cách kinh ngạc cho sức khỏe cộng đồng. Tư duy của Pasteur là một “sự tương tác liên tục… giữa những suy nghĩ rất logic, chặt chẽ và trí tưởng tượng rất sáng tạo về những bí ẩn của sự sống”, cho phép ông “có các suy nghĩ về vũ trụ hùng vĩ và vượt xa thực tế thực tại” (Rene Dubos).
Pasteur đã cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta về nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh tật qua những đóng góp như lý thuyết về mầm bệnh và hệ miễn dịch. Ông tạo ra các vắc-xin đầu tiên cho bệnh dại và bệnh than. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều nhất qua phát minh mang tên mình: kỹ thuật thanh trùng (pasteurization), một phương pháp chế biến sữa và rượu để ngăn ngừa mầm bệnh.
Ông sinh năm 1822 trong một gia đình nghèo ở vùng Jura nước Pháp. Hồi trẻ, ông được đánh giá là học sinh trung bình, dù ông là người đam mê hội họa và một số bức tranh của ông vẫn được trưng bày ở bảo tàng Viện Pasteur ở Paris. Ông vào đại học Ecole Normale Superieure và tốt nghiệp cả hai bằng Cử Nhân Khoa Học và Cử Nhân Nghệ Thuật.
Những công trình nghiên cứu của Pasteur trong lĩnh vực hóa học, đặc biệt là phát hiện của ông về cơ sở phân tử cho sự bất đối xứng của một số tinh thể đã giúp ông có được vị trí ở đại học Strasbourg, và sau đó là đại học Lille. Năm 1837, nhà hóa học người Pháp Auguste Laurent đề xuất thuyết hạt nhân của phân tử. Theo thuyết này, đặc tính của các phân tử phụ thuộc vào sắp xếp hình học của những nguyên tử cấu thành chúng. Ông đặt ra một hệ thống đặt tên cho hóa hữu cơ dựa trên việc phân nhóm cấu trúc của những nguyên tử bên trong phân tử. Pasteur làm việc với Laurent khi họ cùng là sinh viên cao học. Công trình nghiên cứu của ông giúp hoàn thiện hơn nữa nghiên cứu của Laurent trong việc lấy các cấu trúc của phân tử làm cơ sở cho các đặc tính của chúng. Pasteur được truyền cảm hứng bởi một báo cáo năm 1844 rằng một số tinh thể tartrate – trong cặn rượu vang – có hoạt tính quang học, nhưng một số tinh thể khác thì không, dù cả hai loại đều giống hệt nhau về mặt hóa chất. Năm 1849, Pasteur phát hiện rằng tất cả các tinh thể tartrate đều có hoạt tính quang học nhưng axit này kết tinh thành một trong hai dạng khúc xạ ánh sáng đi những hướng trái ngược nhau. Vào cuối thập niên 1850, Pasteur để ý rằng mốc penicillin chỉ ăn một trong các loại này và đặt ra giả thuyết rằng sắp xếp hình học của những nguyên tử quyết định tính chất này. Vậy nên, Pasteur đã đóng góp vào ý tưởng mang tính cách mạng rằng các đặc tính của phân tử không chỉ phụ thuộc vào thành phần nguyên tử cấu thành chúng, mà còn vào cách những nguyên tử đó được sắp xếp trong không gian. Ý tưởng này dẫn tới việc tạo ra một lĩnh vực khoa học mới gọi là Hóa Học Lập Thể.
Cả Laurent và Pasteur đều học dưới sự hướng dẫn của Jean-Baptiste Dumas, một nhà hóa học vĩ đại người Pháp khác, người đã hướng dẫn thế giới cách xác định khối lượng nguyên tử và phân tử bằng cách đo mật độ hơi của chúng. Dumas là một Cơ Đốc nhân tin kính và sử dụng các lập luận khoa học để bảo vệ đức tin của mình vào Đức Chúa Trời và Đấng Christ.
Năm 1849, Pasteur cưới Marie Laurent, và họ có với nhau 5 người con. Pasteur động viên con cái mình làm việc chăm chỉ và sống sốt. Trong một bức thư, Pasteur viết cho con trai mình là Jean Baptiste: “Vinh dự được diện kiến Hoàng Đế và làm việc trong triều đình một tuần mà cha vừa nhận được sẽ giúp con hiểu về phần thưởng của việc làm việc chăm chỉ và có hạnh kiểm tốt. Vậy nên con cũng hay làm việc chăm chỉ, để một ngày nào đó, nếu Chúa cho phép, con có thể nhận được niềm vui như vậy” (Debra)
Pasteur làm rất nhiều nghiên cứu về sữa, bia, và rượu, và chứng minh rằng vi sinh vật là nguyên nhân khiến chúng bị hư hỏng theo thời gian. Ông giải thích quá trình lên men, và phát triển một kỹ thuật tiệt trùng chất lỏng gọi là “thanh trùng” (pasteurization). Rồi ông bắt đầu các công trình nghiên cứu về mầm bệnh. Cho đến thời điểm đó, những người tin theo thuyết tiến hóa khẳng định cách sai lầm rằng vi sinh vật có thể xuất hiện ngẫu nhiên từ những vật chất vô cơ. Pasteur đã đặt dấu chấm hết cho thuyết này bằng thực nghiệm năm 1859 khi ông đun sôi nước súp thịt trong một cái bình cổ ngỗng và chứng minh rằng không sinh vật sống nào phát sinh từ thịt luộc. Bất chấp những bằng chứng thuyết phục của Pasteur, những người tin theo thuyết tiến hóa vẫn tin rằng sự sống nguyên thủy phát sinh phi sinh học từ những vật chất vô cơ.
Về sau ông phát triển Lý Thuyết Mầm Bệnh dựa trên những quan sát từ thí nghiệm ông thực hiện trong khoảng 1860 và 1864. Năm 1862, chàng trai trẻ Pasteur viết một bức thư rất dài cho bộ trưởng phụ trách giám sát việc nghiên cứu: “Tôi đã đi đến kết luận rằng sự phân hủy của vật chất hữu cơ chủ yếu là do sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn đã được ban cho khả năng đặc biệt là phá hủy các chất hữu cơ phức tạp để bắt đầu quá trình cháy chậm và ô-xy hóa, những năng lực mà nhờ đó các sinh vật này trở thành những tác nhân tích cực nhất để trả lại cho môi trường mọi thứ đã từng có sự sống mà tôi đã nói ở phần trước. Tôi đã chứng minh rằng môi trường chúng ta sống luôn chứa đựng mầm mống của những vi sinh vật này, luôn sẵn sàng phát triển trong vật chất chết, nơi chúng có thể hoàn thành vai trò phân hủy và duy trì sự sống của chính mình. Và nếu Chúa đã không sắp đặt những luật sinh học quản lý việc biến đổi của tế bào và chất lỏng trong cơ thể sống để ngăn cản không cho chúng lây lan, ít nhất là ở trong trạng thái đời sống và sức khỏe bình thường, chúng ta sẽ luôn phải sống dưới mối đe dọa bị chúng lấn át.” (Debra)
Những lời này cho thấy Pasteur tin rằng cơ thể con người được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời, và hệ thống miễn dịch được thiết kế cách kỳ diệu là rất quan trọng để chiến đấu chống lại các mầm bệnh chết người.
Những ý tưởng của Pasteur trong Lý Thuyết Mầm Bệnh được áp dụng vào thực tế bởi bác sĩ phẫu thuật người Anh Joseph Lister và bác sĩ người Hungary Ignaz Semmelweis, và những nỗ lực của họ đã đưa việc vệ sinh khử khuẩn trong môi trường y tế vào thực tiễn, giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng truyền nhiễm. Pasteur cũng giải cứu ngành công nghiệp tơ tằm của Pháp bằng việc tư vấn những người nuôi tằm cách tiêu diệt ký sinh trùng làm chết nhộng tằm. Thời gian ngắn sau, Pasteur bắt đầu nghiên cứu của mình về trận dịch bệnh than ở cừu và phát minh ra vắc-xin bệnh than. Tiêm chủng là quá trình giúp cơ thể ta được bảo vệ chống lại mầm bệnh. Bằng cách đưa một thể yếu của nhân tố lây nhiễm vào cơ thể mình, hệ thống sản xuất những kháng thể chống lại các nhân tố lây nhiễm của hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt. Và khi các thể mạnh hơn của tác nhân truyền nhiễm thâm nhập vào cơ thể trong tương lai, hệ miễn dịch sẽ chiến đấu với nó cách tích cực bằng trí nhớ miễn dịch. Phát hiện đột phá này dẫn đến việc sản xuất ra hàng loạt các vắc-xin trên thế giới. Bất chấp các điều huyền hoặc xung quanh, vắc-xin đã cứu hàng triệu mạng người khắp thế giới.
Mùa hè năm 1885, một phụ nữ Pháp đến phòng thí nghiệm của Pasteur xin giúp đỡ cho con trai mình bị chó dại cắn. Con trai 9 tuổi của cô, Joseph Meister đã chọc một con chó dại bằng bằng gậy khiến nó cắn cậu gây thương tích nặng nề. Mặc dù việc nghiên cứu của mình chưa hoàn thiện, Pasteur vẫn đồng ý cứu chữa cậu bé và cho cậu tiêm 14 mũi một dạng yếu hơn của vắc-xin dại. Mặc dù không phải là bác sĩ y khoa, Pasteur chấp nhận rủi ro lớn khi chữa chạy cho cậu bé. Ông có thể bị bắt vì điều trị cho cậu bé Joseph mà không có giấy phép y tế. Việc chữa trị của Pasteur đã thành công rực rỡ, cứu cậu bé khỏi bàn tay tử thần.
Ông thành lập Viện Pasteur vào năm 1887 như một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng liên ngành của khoa học đời sống. Trong những năm cuối đời, sức khỏe của Pasteur suy giảm do những lần đột quỵ. Nhà khoa học vĩ đại đã an nghỉ vào 28/09/1895 ở tuổi 72. Ông được vinh dự bằng lễ quốc tang với một đoàn diễu hành khổng lồ qua Paris, kết thúc tại Nhà Thờ Đức Bà nơi Pasteur được chôn cất. Sau này, hài cốt ông được dời đến một ngôi mộ ở Viện Pasteur.
Đức Chúa Trời Trong Cuộc Đời Của Pasteur
Pasteur được sinh ra trong một gia đình Công Giáo. Trong những năm đầu đời, ông chỉ theo truyền thống gia đình chứ không kết ước, ông là “một người tin kính, không phải một người theo hệ phái” (Debre). Ông tin rằng Đức Chúa Trời là nguồn gốc thật sự làm nên sự cao quý của con người, của tự do và nền dân chủ hiện đại. Ông từng viết: “Nghĩ về Đức Chúa Trời là nghĩ về sự vô hạn. Khi nào bí ẩn về Đấng vô hạn còn đè nặng lên suy nghĩ của con người, các đền đài vẫn sẽ được dựng lên để sùng bái những điều vô hạn, dù vị thần đó được gọi là Brahma, Allah, Giê-hô-va, hay Chúa Giê-xu. Và trên sàn gạch của những đền đài đó, ta vẫn sẽ thấy con người quỳ gối, cúi đầu, đắm chìm trong những suy nghĩ về những điều vô hạn… Đâu là nguồn gốc thật làm nên sự cao quý của con người, của tự do, và nền dân chủ hiện đại, nếu không phải ý nghĩ về Đấng vô hạn mà trước Đấng đó mọi người đều bình đẳng như nhau?”
Ông miêu tả đam mê khoa học của mình là một đam mê được Chúa ban cho. Ông từng viết: “Người Hy Lạp hiểu được sức mạnh bí ẩn của những điều ẩn giấu này khi họ tạo ra từ “nhiệt huyết” (enthusiasm), nghĩa đen là “có Chúa ở trong” (Debra). Ông tin rằng “trong mỗi chúng ta có 2 con người, con người khoa học và con người của đức tin hay sự nghi ngờ… Hai lĩnh vực này là riêng biệt (không ảnh hưởng tới nhau)” (Cross). Ông xem công việc của mình trong các ngành khoa học là theo đuổi khám phá những điều bí mật ẩn giấu trong các tạo vật của Đức Chúa Trời. Ông viết cho cha mình là ông đang làm việc chăm chỉ để “cố gắng vén góc nhỏ của bức màn mà Đức Chúa Trời đã che lên tất cả những gì Ngài đã tạo dựng” (Debra)
Ông là một người Công Giáo tin kính suốt đời mình, tuyên xưng niềm tin vững chắc vào Đức Chúa Trời. Ông thẳng thừng chối bỏ niềm tin của Darwin (thuyết tiến hóa) vì những khẳng định của thuyết này không đứng vững trước những kiểm chứng khoa học. Ông chứng minh giả thuyết lâu đời của những người theo thuyết tiến hóa rằng sự sống có thể tiến hóa từ những vật chất không có sự sống qua thí nghiệm nổi tiếng với chai cổ ngỗng của mình (thí nghiệm chứng minh rằng thực phẩm sẽ không hư hỏng sau khi đã được tiệt trùng trong chai kín, vì sự sống không thể tự phát sinh từ các vật chất không sống.) Ông từng nói: “Một ngày nào đó hậu thế sẽ cười nhạo sự ngu ngốc của những triết gia duy vật hiện đại. Càng nghiên cứu về thiên nhiên, tôi càng kinh ngạc trước công việc của Đấng Tạo Hóa. Tôi cầu nguyện khi đang làm công việc của mình trong phòng thí nghiệm” (Russell).
Nhiều nhà tiến hóa đưa ra các giả thuyết từ những tưởng tượng của họ mà không có bằng chứng cụ thể nào trong tự nhiên. Họ vẫn tin vào sự xuất hiện ngẫu nhiên của sự sống từ vật chất vô cơ mặc dù Pasteur đã chứng minh điều này là sai từ thí nghiệm nổi tiếng của mình. Câu nói của Pasteur là lời nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ đặt niềm tin vào trí tưởng tượng khi nó trái với bằng chứng thực nghiệm: “Trí tưởng tượng thêm cánh cho suy nghĩ chúng ta, nhưng chúng ta luôn cần một bằng chứng thực nghiệm mang tính quyết định, và khi đến lúc để đưa ra kết luận và diễn giải những điều quan sát được, trí tưởng tượng phải bị kiểm tra và thống trị bởi kết quả thực tế của thí nghiệm.”
Louis Pasteur đã chứng minh một người có thể trở thành một nhà khoa học vĩ đại trong khi vẫn tin vào Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hóa.
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: doctorpaul.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com