Home Chuyên Đề Khải Tượng Nào Cho Thiếu Nhi Tại Hội Thánh?

Khải Tượng Nào Cho Thiếu Nhi Tại Hội Thánh?

by ChristianToday
30 đọc

Đây là một câu hỏi quan trọng. Rất nguy hiểm khi chúng ta cho rằng trẻ con cần giải trí để không quấy rầy người lớn thờ phượng và học lời Chúa, trong khi tác giả sách Châm-ngôn lại dạy “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó.” (Châm-ngôn 22:6).

Tôi hy vọng các hội thánh sẽ muốn con cái mình trở thành những môn đồ vững mạnh, để các con có thể tự mình đưa ra lựa chọn theo Chúa Giê-xu.

Với suy nghĩ này, chúng ta hy vọng gì cho con cái mình trong 5 năm, 10 năm, và 25 năm nữa? Hiểu được khải tượng chúng ta có là điều thật sự quan trọng để định hình cách chúng ta thực hành.

Ở tuổi đôi mươi, tôi đã rất hăng hái tham gia công tác thiếu nhi ở hội thánh địa phương. Tôi nghĩ mình biết chính xác những gì cần làm để giúp các bé lớn mạnh trong đức tin. Mỗi sáng Chúa Nhật, tôi sẽ chơi thật vui với các bé trong khi đan xen những câu chuyện về Đức Chúa Trời để truyền đạt đức tin Cơ-đốc nhiều nhất có thể trong khoảng thời gian một giờ mỗi tuần đó.

Tụi nhỏ sẽ về nhà với khuôn mặt rạng rỡ và mỗi tuần các em lại biết thêm nhiều điều về Chúa từ những câu chuyện Kinh Thánh. Số lượng trẻ tham gia tăng lên, và mọi người đều hài lòng vì công tác thiếu nhi tăng trưởng.

Tuy nhiên, từ khi có con, cách tôi hiểu về vai trò của hội thánh địa phương đã thay đổi rất nhiều. Có một thống kê đáng buồn là chỉ phân nửa số trẻ lớn lên trong các gia đình Cơ-đốc vẫn còn giữ đức tin đến năm 18 tuổi.

Ngày nay, tôi vẫn tham gia vào công tác trẻ em ở hội thánh địa phương, nhưng cách tiếp cận của tôi đã thay đổi triệt để. Tôi dần nhận ra trẻ em bị định hình và ảnh hưởng như thế nào trong suốt cả tuần, tại sân chơi của trường học và qua các chương trình truyền hình mà các em xem. Khi còn trẻ, cách tiếp cận của tôi chỉ là chú trọng vào một giờ sinh hoạt của trường Chúa Nhật. Một giờ sinh hoạt tại hội thánh đó có thể rất mạnh mẽ, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế.

Bình quân một con trẻ 5 tuổi có thể dành 77 giờ một tuần để ngủ, khoảng thời gian còn lại sẽ là ở trường và những câu lạc bộ hay lớp học thêm. So với 77 giờ đó, một giờ ở hội thánh, giả sử các em đến đều đặn hàng tuần, cũng chỉ như muối bỏ biển. Nhưng điều thú vị là một bé 5 tuổi khả năng cao sẽ dành 30 giờ một tuần ở nhà với cha mẹ hay người chăm sóc mình. Vậy nên đây là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống của trẻ.

Thế nên tôi đã ngừng cái suy nghĩ chỉ cần một giờ ở trường Chúa Nhật là đủ. Nếu chúng ta cố gắng giúp một con trẻ nắm bắt đời sống Cơ-đốc là thế nào chỉ trong một giờ ở sảnh nhà thờ thì đó gần như là điều bất khả thi. Đức tin Cơ-đốc không chỉ là những lẽ thật ta học được trong một lớp học, mà còn là cách chúng ta sống một đời sống tốt đẹp, theo gương Chúa Giê-xu.

Một trong những phân đoạn Kinh Thánh hữu ích nhất xuất hiện những 3 lần trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký.

Vậy hãy ghi lòng tạc dạ những lời tôi nói với anh em, buộc chúng vào tay làm dấu và đeo lên trán làm hiệu. Hãy dạy dỗ những lời đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy.” (Phục-truyền 11:18-19)

Môi-se ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải truyền lại những lẽ thật của Đức Chúa Trời. Nhưng mạng lệnh này không phải chỉ dành riêng cho các thầy tế lễ, thầy dạy luật và những người tình nguyện, mà là cho tất cả mọi người; và điều này không chỉ đòi hỏi phải thực hiện ở những buổi nhóm đặc biệt mà là trong cuộc sống hàng ngày.

Những năm qua, trong công tác của tôi với Dự-án Bàn Ăn Nhà Bếp (Kitchen Table Project), chúng tôi đã suy nghĩ làm sao để có thể trang bị và khuyến khích các bậc cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ chia sẻ về đức tin Cơ-đốc trong khoảng thời gian 30 giờ một tuần được ở với trẻ.

Chúng tôi nhận ra rằng một phần, chúng tôi cần phải suy nghĩ lại cách chúng ta tiếp cận công tác thiếu nhi ở hội thánh địa phương. Điều nguy hiểm là chúng ta có quan niệm rằng hội thánh địa phương sẽ chịu trách nhiệm dạy dỗ con cái thay cho mình. Thay vì vậy, chúng ta cần phải tìm kiếm một cách toàn diện hơn để vận hành trường Chúa Nhật, cũng như cách chúng ta hỗ trợ những bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ để họ có thể làm tốt công việc dạy trẻ về Đức Chúa Trời trong thời gian còn lại trong suốt cả tuần, và cuối cùng làm sao để toàn thể hội thánh có thể cùng tham gia. 

Phần lớn những suy nghĩ này tạo nền tảng cho bộ tài liệu mới của chúng tôi: “Children’s Faith: A Whole Church Approach to Family Ministry” (tạm dịch là, “Đức Tin của Con Trẻ: Cách Hội-thánh Tiếp Cận Mục-vụ Gia Đình”). Chúng tôi hiện đang đồng hành cùng với 80 hội thánh là một phần của cộng đồng học trực tuyến và khám phá 2 khía cạnh của hoạt động trong hội thánh: đầu tiên là chương trình và những việc chúng ta làm; và thứ hai là văn hóa và cách chúng ta làm.

Vậy nên nếu khải tượng của bạn cho những em thiếu nhi của hội thánh là các em sẽ trở nên những môn đồ vững mạnh của Đấng Christ, thì có thể chúng ta cần xem xét lại cách tiếp cận công tác thiếu nhi và suy nghĩ thấu đáo xem chúng ta cần phải thích nghi như thế nào.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: christiantoday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like