Nếu được hỏi cái gì đẹp nhất, tôi nói ngay: Sự sống, và trong sự sống, con người đẹp nhất, đẹp cả thể xác lẫn linh hồn. Vì mê cái đẹp, tôi mê xem tranh, đặc biệt tranh chân dung. Một trong những họa sĩ Việt Nam vẽ tranh chân dung đẹp nhất hiện nay là Đinh Quang Tỉnh, tức Ba Tỉnh. Con người trong tranh của ông hiện lên rất sống động, thần thái suy tư lộ rõ qua ánh mắt, cứ như đang đối diện chuyện trò với người xem vậy …
Trước hết, xin nói một chút về cách tôi thưởng thức tranh. Tôi không phải họa sĩ, không nghiên cứu hội họa, nên tôi cảm nhận cái đẹp một cách hồn nhiên, chân thật, không bị lệ thuộc vào bất cứ một khung quy ước sách vở nào cả. Chẳng hạn, tôi xin thú nhận rằng tôi không thích tranh chân dung của Amedeo Modigliani, mặc dù tôi biết ông được ca tụng là một danh họa.
Tôi cũng từng xem tranh của Pablo Picasso và suy ngẫm về triết lý hội họa của ông, chẳng hạn ông nói: “Nghệ thuật là một lời nói dối để làm cho ta nhận ra sự thật” (Art is a lie to make us realize the truth)[1]. Có lẽ câu nói này chỉ áp dụng cho tranh của chính ông hoặc các học trò của ông, chứ không thể áp dụng cho tranh của những danh họa mà tôi mê thích như Claude Monet, Auguste Renoir, Camille Pissaro, Vincent Van Gogh, … bởi tranh của họ đều rất thật, không cần nói dối.
Ý tôi nói rằng trong hội họa có nhiều trường phái khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, và do đó cũng có nhiều “trường phái thưởng thức” khác nhau, và tôi tự cảm thấy mình thuộc vào “trường phái” yêu sự thật, đặc biệt là những sự thật ấn tượng.
Đối với tôi, nói về hội họa khó hơn rất nhiều so với nói về khoa học, vì khoa học có những chuẩn mực rõ ràng, trong khi hội họa cho phép “cái tôi” bộc lộ thoải mái, thậm chí nếu tranh không có “cái tôi” sẽ trở nên nhạt nhẽo. Nhưng có một định lý toán học có thể chia sẻ với bất cứ ai yêu sự thật, đó là Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) do Kurt Gödel tìm ra năm 1931. Định lý ấy nói rằng toán học không bao giờ có thể chứng minh được tất cả mọi sự thật của toán học. Nói cách khác, luôn luôn tồn tại những sự thật ở ngoài tầm với của toán học! Điều này dẫn tới một ngụ ý triết học “chết người” – không bao giờ chúng ta biết hết mọi sự thật! Nói sự thật không bao giờ là đủ. Điều này là kết luận của cả toán học lẫn ngôn ngữ học. Hội họa cũng không phải ngoại lệ. Không có một sự thật chung cuộc. Khoa học cũng như nghệ thuật chỉ có thể làm cho sự thật ngày càng phong phú hơn, đầy đủ hơn mà thôi.
Điều đó có nghĩa là không cần phải nói dối hoặc bóp méo sự thật để nhận ra sự thật. Bản thân sự thật vốn đã quá đẹp: “Mọi thứ đều có vẻ đẹp của nó, nhưng không phải ai cũng nhận thấy”, Khổng tử đã nói như thế. Vậy sứ mệnh của họa sĩ chính là giới thiệu vẻ đẹp vốn có ấy cho mọi người thấy.
Có người nói nhiếp ảnh từ lâu đã thay thế chủ nghĩa hiện thực trong hội họa, vì thế hội họa phải hướng tới “chủ nghĩa siêu thực” (surrealism), hoặc nhiều thứ chủ nghĩa khác, để không rơi vào sự nhàm chán … Đó là ngây thơ, ấu trĩ. Tranh hội họa và ảnh chụp mang lại những hiệu quả rất khác nhau, đơn giản vì hội họa có sự can thiệp trực tiếp của họa sĩ vào tranh, thể hiện được những gì bị khuất sau bề ngoài của hiện thực mà ảnh chụp không thể, và đặc biệt những gì mà trực giác của họa sĩ mách bảo. Vì thế, những người sành thưởng thức cái đẹp đều muốn có một bức chân dung hội họa hơn là một chân dung ảnh chụp. Xin nêu một thí dụ để chứng minh tranh chân dung là tuyệt tác mà ảnh chụp không thể tạo ra, đó là bức chân dung Nhà Nho xứ Bắc của Họa sư Nam Sơn.
“Nhà Nho xứ Bắc” của Họa sư Nam Sơn
Đó là một tuyệt tác! Người mẫu trong tranh này là nhà Nho Nguyễn Sĩ Đức, từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, và là cậu ruột của tác giả Nam Sơn.
Tôi mê bức tranh này không phải vì đó là tranh của Họa sư Nam Sơn, một trong hai nhà sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cũng không phải vì kỹ thuật hội họa bậc thầy của nó, mà vì vẻ quắc thước tinh anh của nhà nho xứ Bắc, đúng như những gì tôi nghĩ về Cụ nội và Ông nội của tôi. Tôi có ấn tượng về Cụ và Ông của tôi thế nào thì khi xem tranh Nhà Nho xứ Bắc, tôi thấy đúng như thế ấy. Bản thân cái tên “Nhà Nho xứ Bắc” đã hàm ý đầy văn hóa và lịch sử Việt Nam cận đại, nhưng bức tranh còn chứa đựng nhiều ý tứ hơn, vì nó cho thấy nhà Nho xứ Bắc đầy trí tuệ, thông minh, sâu sắc, sắc sảo, thâm trầm, và … rất CƯƠNG NGHỊ! Không biết các bạn trẻ bây giờ có thấm nhuần khái niệm “Nhà Nho xứ Bắc” là thế nào không, nhưng thế hệ của tôi, mặc dù đã bị nền văn minh hiện đại làm mờ nhiều di sản của cha ông, nhưng vẫn rất may mắn được hưởng một chút còn sót lại, tạm đủ để hiểu cái tinh túy trong di sản đó. Nghe nói Cụ Nam Sơn muốn thuyết phục ông bạn Victor Tardieu người Pháp về cái năng khiếu mỹ thuật của người Việt Nam nên Cụ đã vẽ bức tranh này rồi cho ông bạn người Pháp xem, y như rằng ông Tardieu mở to mắt ngạc nhiên thán phục, rồi bằng lòng hợp sức cùng với Cụ xin thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Câu chuyện lịch sử này quá hay, có bao nhiêu điều để nói trong đó về lịch sử hội họa Việt Nam, về gene thông minh của người Việt, nhưng điều chủ yếu hôm nay tôi muốn nói, ấy là tác phẩm “Nhà Nho xứ Bắc” là một thí dụ điển hình cho thấy không cần phải nói dối để hiểu sự thật. Đó cũng là một trong những bức tranh tiêu biểu mà tôi muốn lấy làm thí dụ để nói về xu hướng thưởng thức tranh của tôi. Theo sách vở, xu hướng ấy được gọi là “chủ nghĩa hiện thực” (realism).
Tôi không biết bức tranh “Nhà Nho xứ Bắc” có ảnh hưởng như thế nào đối với giới hội họa Việt Nam nói chung và đối với Họa sĩ Ba Tỉnh nói riêng, nhưng tôi cảm thấy tranh của Họa sĩ Ba Tỉnh, một cách vô thức hoặc ý thức, đã tiếp nối truyền thống hội họa của các bậc tiền bối, và làm sáng truyền thống đó bằng những tác phẩm để đời của riêng mình, với kỹ thuật mới. Bức chân dung người có “Đôi mắt kinh hoàng” là một thí dụ điển hình.
Chân dung người có “Đôi mắt kinh hoàng”
Đó là đôi mắt trong bức chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, do Họa sĩ Ba Tỉnh vẽ hồi Tháng 5 năm 2023 vừa qua. Có lẽ bất kỳ ai yêu hội họa, đặc biệt những ai yêu thích tranh chân dung, đều không thể bỏ quá bức tranh này, vì quả thật nó rất “kinh hoàng”!
Họa sĩ Ba Tỉnh đặt tên cho bức tranh này là “Đôi mắt nhà thơ”, nhưng trong bài này, tôi mạn phép tác giả mà gọi nó là bức tranh “Đôi mắt kinh hoàng”. Đọc xong câu chuyện dưới đây, hy vọng tác giả và độc giả sẽ lượng thứ cho tôi.
Họa sĩ Ba Tỉnh giới thiệu bức tranh này bằng những lời lẽ đầy suy tư, giúp tôi hiểu tại sao tranh của ông cũng gợi lên nhiều suy tư, và đó chính là cái làm cho tôi thích, vì đối với tôi, mọi tri thức đều nhạt nhẽo nếu không đạt tới trình độ suy tư triết học. Suy tư, hay đúng hơn, tư tưởng, mới là giá trị đích thực của con người – cái làm cho chúng ta khác hẳn với phần còn lại của vũ trụ. Đây, ông viết:
“Nụ cười có thể che giấu được nỗi buồn. Bận rộn có thể che giấu sự đau thương. Lời nói có thể che giấu được những quan tâm thầm lặng. Thế nhưng đôi mắt là điều duy nhất không thể che giấu được tâm trạng, cảm xúc thực sự.”
Nhà thơ Nguyễn Duy từng nói: “Nguyễn Quang Thiều là một tác giả đa tài, sáng tác thơ, văn xuôi, làm báo và anh từng cùng công tác với tôi ở báo Văn Nghệ, thuở đó tôi còn thấy anh vẽ tranh. Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là Nguyễn Quang Thiều thi sĩ – một thi sĩ nổi bật trong làng thơ đương đại Việt Nam!”
Vậy là quá đủ cảm xúc để vẽ chân dung một nhà thơ đương đại!
Nguyễn Quang Thiều (sinh năm 1957) Ở Làng Chùa (Hà Đông), là một nhà thơ ấn tượng. Ngoài lĩnh vực chính là thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ông hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi; Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Tập thơ mới nhất của anh: Cây ánh sáng – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2009 đang thu hút sự chú của dư luận và giới phê bình…
Tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng được hãng phim truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim Chuyện làng Nhô, phát sóng phổ biến trên VTV trong những năm 1998.
Sách dịch: Khoảng thời gian không ngủ, thơ Mỹ, 1997, Chó hoang Đingô, truyện ngắn Úc, 1995, Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, 2002…
Làm báo: Ông được coi là người cùng với nhà văn, trung tướng công an Hữu Ước sáng lập nên hai tờ báo là tờ An Ninh Thế giới cuối tháng và Cảnh Sát Toàn Cầu.
Trọng cái tình cái nghĩa – mến về tài – về nhân cách một nghệ sỹ! Nên tôi vẽ “Đôi mắt Nhà thơ!”[2].
Ngay sau khi được xem bức chân dung ấy cùng với lời giới thiệu, tôi đã gửi ngay một thư tới họa sĩ, với lời bình phẩm sau đây:
Bức tranh chân dung Nguyễn Quang Thiều RẤT ĐẸP, rất cá tính – vừa thể hiện chính xác Nguyễn Quang Thiều, vừa thể hiện phong cách hội họa rất đặc trưng của Ba Tỉnh (mà có người khẳng định với tôi rằng ông là họa sĩ chân dung số 1 VN hiện nay). Tôi chưa gặp anh Nguyễn Quang Thiều, nhưng trông thấy ảnh anh ấy trên mạng nhiều lần nên tôi cũng nhận ra chân dung anh ấy ngay tức khắc, trước khi đọc lời giới thiệu của anh. Chi tiết nổi bật trong chân dung này là đôi mắt và bộ râu, rất ấn tượng! Đôi mắt rất sắc, như biết hết mọi thứ trên đời! Về ánh sáng, nửa tối nửa sáng, tôi chưa hiểu ý họa sĩ, nhưng tôi cảm thấy có ý tứ gì đó. Xin chúc mừng HS Ba Tỉnh vì một bức tranh mới rất thành công và rất xuất sắc này, và cũng xin chúc mừng anh Nguyễn Quang Thiều vì một tài sản rất quý giá. (PVH).
Nhận được thư, Họa sĩ Ba Tỉnh hồi âm ngay:
Cảm ơn anh đã có lời nhận xét rất xúc động. Đây là phản hồi của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi xem tranh: “Ôi, em lặng người đi khi nhìn bức vẽ này, đây là người vẽ đôi mắt em “kinh hoàng” nhất. Xin biết ơn anh vô cùng!”
Vì thế, trong câu chuyện hôm nay, tôi mạn phép tác giả mà gọi bức chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là bức tranh “Đôi mắt kinh hoàng”, một trong những bức chân dung ấn tượng nhất mà tôi đã từng chiêm ngưỡng.
Ý kiến của “người trong cuộc” – nhân vật trong tranh, tức nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – có lẽ là lời bình luận hay nhất về bức tranh này. Lời bình luận ấy tự nó đã nói lên rằng họa sĩ không chỉ đặc tả được diện mạo nhân vật, mà còn đặc tả được cả linh hồn nhân vật, mà linh hồn của một con người mới thực sự là con người ấy.
Thật vậy, một nhà triết học người Anh là C. S. Lewis, Giáo sư Đại học Oxford, từng nói: “Không phải chúng ta có một linh hồn, mà chúng ta chính là một linh hồn, và chúng ta tình cờ có một thể xác” (We don’t have a soul. We are a soul. We happen to have a body)[3]. Câu nói khá mạnh bạo này muốn nhấn mạnh rằng cái làm nên sự khác biệt thực sự ở mỗi cá nhân là ở linh hồn của người ấy chứ không phải cái thể xác, đúng như ông cha ta đã nói: “Cha mẹ sinh con Trời sinh tính”. Nếu thế thì quả thật Họa sĩ Ba Tỉnh đã thành công vượt bậc trong bức tranh “Đôi mắt kinh hoàng”.
Chân dung Họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Tôi đã xem nhiều tranh của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, và tôi từng ngưỡng mộ thốt lên “Đẹp quá!”. Cái gì đẹp thì phải thấy ngay là đẹp! Ai muốn phân tích gì thì đó là việc của họ, còn tôi, tôi thưởng thức cái đẹp bằng trực cảm, một là thích ngay, hai là không thích.
Một người giàu cảm xúc bậc nhất như Charlie Chaplin đã từng nói “Tôi không đủ kiên nhẫn với một cái đẹp mà cần phải được giải thích mới hiểu” (I do not have much patience with a thing of beauty that must be explained to be understood)[4].
Claude Monet cũng nói: “Mọi người thảo luận về nghệ thuật của tôi và làm ra bộ hiểu, như thể cần phải hiểu, trong khi đơn giản là chỉ cần yêu thích mà thôi” (Everyone discusses my art and pretends to understand, as if it were necessary to understand, when it is simply necessary to love)[5].
Trong hàng trăm “bản diện kim cương” của Họa sĩ Ba Tỉnh, tôi thích nhất chân dung Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, chân dung Họa sĩ Thành Chương, chân dung nghệ sĩ Lê Vi, chân dung GS Trần Ngọc Vương, …
Được biết chân dung Họa sĩ Nguyễn Gia Trí được vẽ qua ảnh chụp, nhưng tôi có cảm tưởng như chân dung này được vẽ trực tiếp khi người mẫu ngồi trước mặt, vì THẦN THÁI của Cụ Trí lộ ra rõ ràng ấn tượng quá. Rất có thể linh hồn Cụ Trí đã nhập vào bức chân dung đó khi ta ngắm nhìn.
Trong lúc tôi loay hoay tìm kiếm từ ngữ chính xác để diễn đạt cảm nhận của mình mà tìm mãi không ra, thì một bài báo đã giúp tôi làm điều đó. Đó là bài báo “Ba họa sĩ vẽ chân dung Nguyễn Gia Trí”[6] của tác giả Vũ Thanh Nhàn, đăng trên trannhuong.com ngày 01/01/2013, với những bình phẩm về bức tranh không thể nào hay hơn:
“Niềm tin và khát vọng (của Đinh Quang Tỉnh) đã giúp ông chưng cất từng đặc điểm từ những bức ảnh quý hiếm để rồi hình dung ra một Nguyễn Gia Trí thông tuệ và phi phàm của riêng mình và ông đã “chép” lên toan dung mạo ấy trong men say và mỹ cảm hội họa của người nghệ sĩ – Tác phẩm này là một trong những tranh chân dung đặc sắc nhất của Đinh Quang Tỉnh trong Triển lãm mang tên “Bản diện kim cương bất hoại” trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam năm 2009, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.”
Bài báo đó cho biết “kỳ nhân điêu khắc” Phạm Văn Hạng đã xem triển lãm và phê một chữ duy nhất cho bức tranh này: “TUYỆT!”.
Chân dung Họa sĩ Thành Chương
Họa sĩ Thành Chương là người nổi tiếng, ai cũng biết. Thậm chí ai cũng biết tính cách “tay chơi thượng thừa” của ông, lộ ra qua tranh vẽ rất riêng của ông, và qua cả “biệt phủ” cũng có một không hai của ông ở Sóc Sơn. Không ngờ hình ảnh của một Thành Chương như thế đã được thu gọn vào … không phải ống kính, mà được thu gọn vào trong tranh chân dung cũng rất riêng của Đinh Quang Tỉnh, như sau đây:
Nhìn kỹ bức tranh ở cự ly gần có thể thấy những nhát bút sắt li ti rất táo bạo, tạo nên độ sáng tối đậm nhạt khác nhau, thì ra Đinh Quang Tỉnh xử lý ánh sáng không chỉ bằng màu dầu, mà phối hợp cả với những nhát bút sắt li ti đó. Không biết bút pháp này ông học ở đâu, hay ông tự sáng tạo ra? Điều quan trọng là kỹ thuật này – dùng bút sắt mực nho kết hợp với cây cọ phủ sơn dầu đã đạt tới độ nhuần nhuyễn đến mức nhìn xa không thấy, chứng tỏ một kỹ thuật tạo dựng chân dung bậc thầy. Nhưng hiệu quả cuối cùng mới là cái đáng nói. Hiệu quả ấy không phụ thuộc vào kỹ thuật, mà phụ thuộc vào trực giác sâu kín bên trong của họa sĩ, vào con mắt tinh đời bắt được linh hồn nhân vật mà ông mô tả. Nếu tôi là Họa sĩ Thành Chương, tôi sẽ treo bức tranh này tại một vị trí trang trọng nhất trong “biệt phủ Thành Chương”.
Chân dung Giáo sư Trần Ngọc Vương
Tôi quen biết khá thân với Giáo sư Trần Ngọc Vương nên khi trông thấy chân dung ông, do Họa sĩ Ba Tỉnh vẽ, tôi kêu lên ngay: “Rất đẹp!”, có nghĩa là rất giống, rất đúng, không chỉ đúng hình dạng, mà đúng cả về tính cách. Có lẽ Họa sĩ Ba Tỉnh biết tôi thân quen với Giáo sư Vương nên ông gửi tranh cho tôi xem ngay sau khi ông hoàn thành, để tôi góp một ý kiến thẩm định.
Phải nói điều này: chụp một bức ảnh chân dung sao cho đẹp cũng khó chứ đừng nói vẽ một chân dung đẹp. Tôi không biết Họa sĩ Ba Tỉnh quan sát Giáo sư Trần Ngọc Vương vào lúc nào để có thể dựng tranh chân dung nhanh như thế, chính xác như thế. Thắc mắc này đã được họa sĩ giãi bày trong một trang facebook, xin trích:
“Trần Ngọc Vương là người rất cá tính, nhưng chân tình và sâu sắc … có thể nhận thấy một khái niệm thường xuyên được ông nhắc lại nhiều lần: Hệ hình. Nếu ngôn ngữ là sự phản ánh tư duy thì hệ hình là khái niệm phản ánh trung thành nhất “Đường lối tư duy Trần Ngọc Vương”. Là một nhà nghiên cứu ngữ văn nhưng trên hết, là một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, cái nhìn của Trần Ngọc Vương luôn là một cái nhìn mang tính tổng thể … Nếu Văn chương là một “hệ hình”, ngôn ngữ là sự phản ánh tư duy, thì Hội hoạ cũng là những hệ hình mà nét cọ phản ánh tư duy thần thái của nhân vật vậy! Tôi vẽ chân dung ông bằng hàng ngàn nét mực nho bút sắt chồng chéo, đan xen, rồi phủ lên một lớp sơn dầu mỏng như muốn đọng lại tấm chân tình của tôi với ông”.
Xem ra Họa sĩ Ba Tỉnh không chỉ vẽ đẹp, mà viết cũng rất hay, đúng với câu ngạn ngữ “Người thông minh làm gì cũng thông minh”. Tôi khám phá ra một chất liệu đồng điệu giữa tranh của Ba Tỉnh với những dòng viết của ông, đó là triết lý. Một lần nữa tôi muốn nói rằng chính cái triết lý làm nên sức hấp dẫn trong tranh của ông. Và nếu tôi không nhầm thì Họa sĩ Ba Tỉnh đã thể hiện cái tâm hồn triết của GS Trần Ngọc Vương qua đôi mắt rất tinh của ông trong tranh, mặc dù đôi mắt nằm trong vùng tối của bức tranh.
…………………….
Có lần Họa sĩ Ba Tỉnh ngẫu hứng tiết lộ: “Tôi ít vẽ phụ nữ, vì đàn ông có nhiều góc cạnh, dễ thể hiện hơn”. Tôi định nói: “Ồ, thế thì tiếc quá, bởi phụ nữ là tác phẩm tuyệt vời nhất của Tạo Hóa, anh không vẽ thì phí quá”. Nhưng tôi kịp ngăn lại, không nói, vì hai lý do: một, họa sĩ họ sành sỏi về cái đẹp hơn mình, nói với họ về cái đẹp là nói ngược; hai, biết đâu họa sĩ có những chân dung đẹp của phụ nữ mà mình chưa biết đấy thôi. Y như rằng chẳng bao lâu sau tôi được xem ba tranh chân dung của ba phụ nữ do ông vẽ, và tôi thấy cả ba đều rất đẹp.
Chân dung nghệ sĩ múa Lê Vi
Khác với chân dung cánh mày râu, chân dung nghệ sĩ Lê Vi có vẻ đẹp dịu dàng, nhẹ nhàng. Tôi thích nhất gam màu của bức tranh này, toàn bộ trên tông vàng, nhìn qua ảnh chụp có cảm giác như tranh sơn mài. Tông vàng ấy là màu của pháp luân công, một môn tu tập cả thân xác lẫn tâm đạo, mà Lê Vi đang theo đuổi với cái tâm Chân – Thiện – Nhẫn. Nhìn nhân vật trong tranh, tay ôm cuốn Pháp Luân Đại Pháp, mắt ngước lên tầng cao, miệng nở nụ cười tươi tắn, tôi thấy nhân vật trong tranh có một tâm hồn thật trong sáng. Đó là tâm Đạo, chắc Lê Vi muốn họa sĩ thể hiện được tâm nguyện của cô, và tôi nghĩ họa sĩ đã thể hiện chính xác tâm nguyện đó.
Bản thân họa sĩ Ba Tỉnh giới thiệu bức tranh này như sau:
“Vẽ một Lê Vi ở cảnh giới khác, nơi Lê Vi đọc “Chuyển Pháp Luân” – Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) là môn tu luyện Phật gia thượng thừa, do ông Lý Hồng Chí, Sư phụ của pháp môn sáng lập. Pháp môn lấy đồng hoá với đặc tính “Chân Thiện Nhẫn” của vũ trụ làm căn bản, lấy đặc tính tối cao của vũ trụ làm chỉ đạo, là chiểu theo nguyên lý diễn hoá của vũ trụ mà tu luyện để thay đổi chính mình. Lê Vi thấm nhuần từng trang sách lời giảng dung dị hàm chứa những nguyên lý dạy làm người vô cùng sâu sắc, uyên thâm, thuyết phục, ngọt như những giọt mật ong rừng tinh khiết. Bức tranh ghi lại khoảnh khắc gương mặt dịu dàng khi Lê Vi đón nhận vầng sáng êm ả của mặt trăng sáng bạc biểu tượng Pháp Luân Đại Pháp như thể thấu thị tâm can hiền hoà, êm ả, chân thành mà nhân ái”.
Chân dung Tố Quyên, một nghệ sĩ múa đã khuất
Tài năng đặc biệt hiếm có ở Họa sĩ Ba Tỉnh là khả năng phục dựng chân dung của người đã khuất mà ông không quen biết, không có ảnh chụp, mà dựa theo lời kể của thân nhân. Đó là trường hợp Bùi Tố Quyên – người yêu đầu tiên của chính bản thân tôi.
Quyên là một nghệ sĩ múa xuất sắc thuộc Đoàn văn công không quân, một cô gái rất đẹp, nhân hậu, lúc nào cũng có nụ cười tươi tắn trên môi, làm ai cũng yêu mến. Đối với tôi, Quyên là một người đẹp hoàn hảo, cả thể xác lẫn tâm hồn. Vậy mà nàng lại phải ra đi sớm vì một tai nạn vào năm 1969, khi tuổi đời mới có 24. Sau khi mất, Quyên nhiều lần hiện về gặp tôi thông qua những kênh giao tiếp siêu hình rất lạ lùng. Có người chứng kiến, có người chỉ được nghe kể, nhưng ai cũng thúc giục tôi nên viết lại thành truyện. Năm 2021, bản thảo Tự truyện Tố Quyên hoàn thành, đúng vào dịp kỉ niệm tròn 60 năm chúng tôi bắt đầu yêu nhau. Năm 2022, tôi gửi bản thảo cho Họa sĩ Ba Tỉnh và nhà báo Vũ Thanh Nhàn, như một tâm sự bạn bè. Không ngờ nhà báo Thanh Nhàn cảm động đến mức viết ngay Lời Giới Thiệu cuốn sách, rồi giúp tôi biên tập và làm mọi việc cho cuốn sách ra mắt. Lời Giới Thiệu rất hay, làm cho cuốn sách đắt giá hơn nhiều. Nhưng điều bất ngờ nhất xảy ra khi Tự truyện “Tố Quyên, Mối Tính Đầu” đã tạo cảm hứng để Họa sĩ Ba Tỉnh vẽ chân dung nhân vật chính của truyện. Đọc bản thảo, ông phác họa chân dung đầu tiên. Lúc ấy tôi đã về Úc. Ông gửi phác họa cho tôi xem. Tôi rất xúc động, nhưng chân dung phác họa trông tây cách quá, tôi nói với họa sĩ rằng Quyên đẹp thuần chất Việt, mặc dù thân hình cao lớn nở nang không kém con gái tây phương. Họa sĩ liền trao đổi liên tiếp với tôi qua email và tin nhắn, chỉnh sửa lại theo ý tôi. Vài hôm sau ông cho tôi xem phác họa thứ hai, tôi giật mình, vì chân dung đã ra dáng một cô gái thuần Việt nhân hậu vui tươi. Tôi lại góp ý, họa sĩ lại sửa. Tôi không nhớ là phải sửa bao nhiêu lần, nhưng nhớ là nhiều lần, mãi đến khi tôi thốt lên: “Đây rồi, Quyên đây rồi, anh đừng sửa nữa”. Họa sĩ có vẻ chưa thật hài lòng, nên ông lại sửa thêm chút ít, tôi vội nói: “Không, anh đừng sửa nữa, hình trước giống Quyên lắm rồi, giống nhất là cái thần của Quyên”. Ngay cả cái hình mà tôi ưng ý, họa sĩ cũng vẽ nhiều phiên bản, và ông gửi tất cả cho tôi để tôi chọn ra hình nào giống nhất, ưng ý nhất. Đó chính là bức chân dung Tố Quyên đã được dùng làm bìa sách Tự Truyện Tố Quyên, do NXB Hồng Đức xuất bản Tháng 10 năm 2022.
Khi tôi tặng sách này cho người thân và bạn bè, rất nhiều người sửng sốt thốt lên: “Đẹp quá!”. Cái đẹp được thốt lên ở đây vừa là Tố Quyên đẹp quá, vừa là bức tranh đẹp quá! Bà Võ Hòa Bình (con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ngắm bức tranh trên bìa khá lâu rồi nhận xét: “Cứ như linh hồn nhập vào hình đó vậy, bức chân dung quá sinh động”, rồi bà hỏi tôi: “Ai vẽ đấy anh?”, tôi mở trang bên trong sách và chỉ cho bà tên tác giả. Nhưng có lẽ tôi sung sướng nhất khi một chú em tôi, từng biết rõ chị Quyên, vừa nhìn tranh đã thốt lên: “Giống quá, giống nhất là vẻ đẹp trong sáng nhân hậu của chị ấy”.
Gần đây, Họa sĩ Ba Tỉnh đã có một bài viết ngắn giới thiệu bức tranh này trên face book của ông. Tôi đã vào xem, và cảm động muốn khóc khi đọc hai bình luận sau đây:
Văn Huy Lê: Với tôi vẽ chân dung đã khó, vẽ bằng trực cảm tâm linh còn khó hơn nhiều. Nghe anh Ba Tỉnh nói mà tôi xin kính nể vô cùng. Tôi chỉ thấy bức chân dung này ở ánh mắt và đôi môi của tấm hình có cái gì đó thật sinh động như một người đang sống vậy, một chân dung có linh hồn!!!
Ngô Xuân Khôi: Đẹp quá. Rất kỳ diệu, ngoài sự nắm bắt lĩnh hội theo lời miêu tả chắc còn có sự dẫn dắt của tâm linh. Nhân vật rất có Thần thái, khoẻ mạnh, trong sáng, vui, nền nã.
Ngày 11/01/2023, tôi đã mang sách Tố Quyên đến mộ của nàng trên nghĩa trang Yên Kỳ, Sơn Tây để hóa trước mộ, tặng nàng tại chỗ, với lời ghi tặng trong sách như sau:
“Yêu thương tặng Tố Quyên, người yêu đầu tiên và suốt đời của anh. Em là thiên thần đến trần gian này để cho anh và mọi người biết rằng sự hoàn hảo là có thật”.
Xin độc giả đừng ngạc nhiên vì những lời tôi thủ thỉ tâm sự với Quyên. Đối với tôi, nàng vẫn sống. Thật thế, sau khi Quyên mất, chúng tôi gặp gỡ nói chuyện với nhau nhiều lần rồi. Điều này đã được kể rõ trong Tự Truyện. Nhưng lần này, tôi tin chắc Quyên cảm động lắm, không chỉ cảm động vì tình yêu tha thiết tôi dành cho nàng bất chấp thời gian, mà còn vì quà tặng rất bất ngờ, đó là bức chân dung rất giống nàng, được tái tạo sau 60 năm trời, nhờ bàn tay tài hoa của một nghệ sĩ tranh chân dung bậc nhất Việt Nam hiện nay! Có lẽ chính Quyên đã dẫn tôi đến gặp Họa sĩ Ba Tỉnh và nhà báo Thanh Nhàn để thổ lộ về mối tình của tôi với nàng, để tôi có thể hoàn tất những ao ước trong mấy chục năm qua, rằng phải làm gì để tạ lỗi với nàng.
Chân dung Louis Pasteur, đại ân nhân của nhân loại
Phải là người vô cùng ngưỡng mộ nhà khoa học trứ danh Louis Pasteur thì Họa sĩ Ba Tỉnh mới có thể hoàn tất bức chân dung này. Và đây là điểm gặp gỡ bất ngờ giữa Họa sĩ Ba Tỉnh với tôi. Vâng, nếu phải lập một danh sách 10 nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại, những nhà khoa học có công lớn nhất với nhân loại, tôi sẽ đặt Louis Pasteur ở vị trí số 1. Ông không chỉ được lịch sử khoa học thừa nhận là nhà sinh học vĩ đại nhất, cha đẻ của vi sinh học, cha đẻ của khoa học về vaccine và miễn nhiễm học, cha đẻ của y khoa hiện đại mà còn là “đại ân nhân của nhân loại” (The great benefactor of humanity).
Năm 2022, nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh của ông, NXB Tri Thức đã ký hợp đồng với tôi xuất bản một cuốn sách về Pasteur và Mendel. Cả năm ấy gần như tôi đã dốc toàn bộ công sức vào việc viết cuốn sách này. Mệt mỏi nhưng đam mê, vì nhiều lý do, trong đó có lý do cần phải nói cho mọi người biết rằng Pasteur lớn hơn rất nhiều so với những gì người đời đã biết và đã nói về ông. Tôi muốn làm một việc gì đó để tỏ lòng biết ơn vị ân nhân này. Đầu Tháng 12/2022, mọi việc đã hoàn thành, NXB Tri thức đã chuyển bản thảo tới nhà in, sao cho kịp có sách ra mắt trước ngày kỉ niệm sinh nhật lần thứ 200 của ông, ngày 27/12/2022. Lòng tôi khấp khởi đợi đứa con tinh thần của mình ra mắt. Bỗng tôi nhận được tranh chân dung Louis Pasteur do Họa sĩ Ba Tỉnh vẽ.
Ông gửi qua email. Mở ra xem, tôi reo lên “đẹp quá!”, và có ngay ý nghĩ phải thay bức hình chân dung Louis Pasteur trong bản thảo mà NXB Tri Thức đã gửi tới nhà in bằng bức tranh của Họa sĩ Ba Tỉnh, vì tranh của Họa sĩ Ba Tỉnh mô tả chính xác chân dung Pasteur một cách nghệ thuật. Hơn nữa, tranh của Họa sĩ Ba Tỉnh nói lên tấm lòng của người Việt Nam đối với Cụ Pasteur. Vả lại, tranh vẽ luôn luôn hấp dẫn hơn ảnh chụp (hình Pasteur trong bản thảo sắp in là ảnh chụp). Tôi vội vàng liên lạc với biên tập viên nhà xuất bản, hỏi ngay câu đầu tiên: “Còn kịp để thay thế một hình minh họa không cháu ơi?”, hỏi xong tôi lo đến xót ruột rằng câu trả lời sẽ là không. Nhưng biên tập viên trả lời: “Chú đợi một chút để cháu hỏi nhà in nhé”. Tôi hồi hộp chờ … Lạy Chúa, vài phút sau tôi nhận được câu trả lời mong đợi: “Kịp chú ạ!”. Tôi thở phào sung sướng. Và như độc giả có thể thấy, bức tranh chân dung Louis Pasteur của Họa sĩ Ba Tỉnh, vẽ bằng bút sắc mực nho, đã xuất hiện trang trọng trên trang 36 cuốn “Louis Pasteur – Gregor Mendel và cuộc Cách mạng Sinh học – Y khoa” (kỉ niệm 200 năm ngày sinh của hai ông), do NXB Tri Thức xuất bản ngày 23/12/2022.
Nghe nói Họa sĩ Ba Tỉnh định tặng bức tranh này cho một “học trò của Cụ Pasteur” – một người thành công vượt bậc trong đời nhờ áp dụng phương pháp thanh trùng trong công nghệ sản xuất bia rượu – nhưng việc đó không thành, và cuối cùng ông đã bán bức tranh này cho một nhà sưu tập tranh với giá xứng đáng. Còn cuốn sách của tôi “vô tình” đã được hưởng lợi từ tấm lòng từ thiện quý báu của họa sĩ. Vâng, Họa sĩ đã tặng không, biếu không cho tôi phiên bản điện tử của bức tranh đó để tôi đưa vào sách của mình. Chắc chắn độc giả khi xem cuốn sách này, ngắm bức tranh đó ở trang 36 sẽ thầm nghĩ, họa sĩ Việt Nam không kém gì họa sĩ thế giới cả về tài nghệ lẫn lòng biết ơn dành cho một đại ân nhân như Louis Pasteur! Điều đó sẽ làm cho người Việt Nam cảm thấy tự hào!
Thay Lời Kết
Bên cạnh sự nghiệp hội họa, Đinh Quang Tỉnh đồng thời còn là một nhà báo tên tuổi, chuyên viết tiểu sử những nhân vật đặc biệt có đóng góp đặc biệt cho đất nước. Khi biết điều này, tôi có cảm tưởng ông là “người được chọn” (chosen people) để đóng góp thêm vào bức tranh lịch sử đương đại của đất nước thông qua các chân dung tiêu biểu do chính ông chọn lựa. Khái niệm “người được chọn” là một khái niệm của Do Thái giáo và Cơ-đốc giáo, ám chỉ những người được Chúa chọn để thực hiện một sứ mệnh nào đó. Có lẽ chính vì thế nên ông đã được giới thiệu một cách trân trọng trong một cuốn sách đồ sộ mang tên “VINH QUANG LAO ĐỘNG SÁNG TẠO VIỆT NAM”, dày 400 trang, một tập hợp tuyển chọn một số gương mặt tiêu biểu bao gồm các Nghệ sĩ, Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bài giới thiệu về ông do nhà văn Hoàng Minh Tường viết, nhan đề “Người văn Ba Tỉnh”.
Khi tôi nói với họa sĩ Ba Tỉnh rằng “anh có sứ mệnh đặc biệt đấy”, họa sĩ đáp: “Nếu đúng như thế thì tôi rất vinh dự”. Khái niệm “sứ mệnh” mà tôi nói ở đây là những người sống vì người khác. Cụ Albert Einstein, trong cuốn “Thế giới như tôi thấy”, đã thổ lộ điều này rất đằm thắm, làm tôi cảm động:
“Tình cảnh những đứa con Trái Đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng TA ĐẾN ĐÂY VÌ NGƯỜI KHÁC – trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông”[7].
Tôi nghĩ, Họa sĩ – Nhà báo Đinh Quang Tỉnh vẽ những bức chân dung để đời, bằng cây cọ hoặc bằng ngòi bút, có lẽ trước hết đều vì người khác – những người mà ông yêu mến hoặc nể phục – chứ không vì bản thân. Vì thế nữ ký giả xinh đẹp Kiều Minh đã thốt lên rằng “Chú Ba sống tốt nên có nhiều người tốt yêu thương”.
Riêng tôi, tôi thích ông vì tranh ông vẽ rất đẹp, và vì tính cách ông rất lãng tử, hảo hán, mặc dù ông rất chỉn chu, chu đáo trong ứng xử, giao tiếp. Câu chuyện hai cuốn sách của tôi đã kể ở trên có lẽ tạm đủ để độc giả đoán ra rằng tôi chịu ơn ông, nhưng chính ông có vẻ không thích nhắc đến chuyện ơn huệ. Ông không phải người Công giáo như tôi, nhưng vô tình ông đã sống theo cách mà dân Công giáo chúng tôi được Chúa Giê-su dạy:
“Cho thì có phúc hơn là nhận” (It is more blessed to give than to receive) (Sách Công vụ Tông đồ / Act 20:35)
PVHg, Sydney 24/01/2024
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
[1] https://www.goodreads.com/quotes/67884-we-all-know-that-art-is-not-truth-art-is
[2] Trích thư HS Ba Tỉnh gửi cho tôi ngày …
[3] https://www.goodreads.com/quotes/862118-we-don-t-have-a-soul-we-are-a-soul-we
[4] https://www.brainyquote.com/quotes/charlie_chaplin_158956
[5] https://www.goodreads.com/quotes/263631-everyone-discusses-my-art-and-pretends-to-understand-as-if
[6] http://trannhuong.net/tin-tuc-14675/ba-hoa-si-ve-chan-dung-nguyen-gia-tri.vhtm
[7] “Thế giới như tôi thấy”, Albert Einstein, NXB Tri Thức 2005, trang 15.