Home Chuyên Đề Nuôi Dưỡng Một Đứa Trẻ Nội Lực

Nuôi Dưỡng Một Đứa Trẻ Nội Lực

by Hongan Doan
30 đọc

Mình có hai bé trai, bé lớn rất trưởng thành, nghe lời và có tính trách nhiệm cao. Đứa nhỏ lại biết cách để quản lý cảm xúc và làm mọi điều theo ý mình thích, tự làm mình vui. 

Theo con mắt của người ngoài, đứa lớn là đứa trẻ ngoan ngoãn vì rất vâng lời người lớn, còn đứa nhỏ được gọi là nghịch ngợm. 

Đứa nhỏ luôn thích mang ủng đi mưa dù trời có mưa hay nắng, còn đứa lớn thì rất chỉnh chu nên chỉ mang giày. Một ngày mình thấy trời sắp mưa nên hỏi đứa lớn “con có muốn mang ủng với em cho vui không?” Nhưng con từ chối: “trời không mưa nên con không mang đâu, mang ủng xấu hổ lắm.” Mình đã rất ngạc nhiên vì câu trả lời này vì trước kia con cũng rất thích mang ủng. Mình đã hỏi con tại sao con lại cảm thấy xấu hổ khi mang ủng thì được biết là một ngày trời hơi mưa con mang ủng đến trường và các cô cười và nói trời có mưa đâu mà mang ủng. Chỉ một câu nhận xét vô cùng đơn giản nhưng bé đã từ bỏ việc mang ủng đã từng rất thích trước đây. 

Đứa nhỏ thì ngược lại, có lần mang ủng bị các anh chị cười đùa em bé mang ủng giống bán cá, nhưng sự chê bai đó cũng không làm lung lay được sở thích mang ủng. Hay có lần đi siêu thị được các cô khen: “em bé mang ủng dễ thương” cũng không vì lời khen đó mà thích mang ủng hơn. Mang ủng vì đơn giản là thích mà thôi. 

Nhìn hình ảnh của hai con, mình nhìn thấy mình. Đứa nhỏ rất giống ba, một đứa trẻ đầy nội lực. Ai nói gì không quan trọng bằng việc con thích gì, miễn thích mình sẽ làm bằng được. Những đứa trẻ nội lực bên trong mạnh mẽ sẻ đối diện với khó khăn nhưng không hề lung lay ý chí thay vào đó càng thách thức đứa trẻ càng trở nên kiên cường. 

Đứa lớn lại mang hình ảnh của mình, một người sống nội tâm. Tuy là người nội tâm sẽ có phần sâu sắc, nhưng điểm yếu của đó là sự lo lắng cả nghĩ,  sống cho người khác hơn là sống cho chính bản thân mình. Mình đã thường cố để làm hài lòng người khác, dù điều đó có làm cho bản thân không thoải mái hay có khi là đau đớn nhưng mình vẫn thường hay phủ nhận bản thân và quan trọng sự đánh giá của người khác hơn là cảm xúc của bản thân. Những điều đó khiến mình cảm thấy rất khổ sở, cho đến khi mình học được cách yêu và trân trọng bản thân cũng như nuôi dưỡng bên trong thật mạnh mẽ. Khi mà nôi lực bên trong dần lớn lên, thì chính nội lực đó sẽ chi phối những hoàn cảnh và môi trường xung quanh. Nếu không đủ mạnh, hoàn cảnh sẽ chi phối lại chính con người mình. 

Vậy nên mình đã quyết tâm nuôi dưỡng những đứa trẻ đầy nội lực

NUÔI DƯỠNG NỘI LỰC TRONG CON LÀ:

1.Nuôi dưỡng lòng tự trọng trong con

Đứa trẻ được nghe những lời khen tặng và khích lệ từ cha mẹ sẽ trở nên tự tin hơn rất nhiều. 

2.Giúp con nhận diện bản thân.

Việc giúp con nhận diện được mình là ai, mình như thế nào, cảm xúc của mình ra sao chính là lúc chúng ta đang nuôi dưỡng nội lực trong trẻ lớn dần lên. 

Mình đã dạy con nguyện tắc 3 Quyết định. Nghĩa là chỉ duy nhất có ba người nói về con như thế nào mới quan trọng, còn lại bất cứ ai nói gì đều không có ý nghĩa hay giá trị gì với cuộc đời của con cả. Vì họ đã không có công nuôi dưỡng con ngày nào, nỗi đau con mang cũng không phải của họ, họ cũng không sống được cuộc đời của con. 

Người quan trọng thứ nhất là chính con, những gì con thích và bản thân con thấy thoải mái là chính là con người của con và cá tính của con.

Người thứ hai chính là cha mẹ, vì cha mẹ là người đã sinh ra con, và nhận trách nhiệm trước mặt Chúa sẽ nuôi dưỡng con cho Ngài. vậy nên những gì cha mẹ nói trên cuộc đời của con chính là những lời có thẩm quyền và được khai phóng, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên con người con và cho cả cuộc đời con.

Người cuối cùng nhưng lại là người có sức nặng nhất trong cuộc đời con, chính là Chúa. vì Ngài là Đấng tạo nên con, con là bản thiết kế hoàn hảo của Ngài, Ngài biết rõ từng chân tơ kẽ tóc, từng bộ phận và cấu tạo trên người con. Trước khi con chưa được sinh ra Ngài đã ở đó và suy ngẫm về con, từ khi con được sinh ra đến khi con lớn lên và già đi Ngài vẫn dõi theo con, Ngài tạo ra con và nắm giữ tương lai con. Vậy nên những lời Ngài nói với con là chân thật và chính xác nhất rằng con là ai, con làm được gì, tương lai con ra sao. 

3. Dạy trẻ kỹ năng để đối diện với thách thức

Khi trẻ không được trang bị kỹ năng để xử lý những vấn đề xung quanh mình, trẻ sẽ bị lúng túng và trở nên dần sợ hãi. Hãy dạy cho trẻ cách để trở nên chính mình, để có thể quản lý được những vấn đề xung quanh mình: khi bị bắt nạt cần phải làm như thế nào, khi gặp người lạ sẽ hành động ra sao, làm sai thì cần phải làm gì, bị đau thì phải xử lý như thế nào v.v…

4. Cho trẻ trải nghiệm và cùng đồng hành với trẻ

Cha mẹ không nên bao bọc con quá nhiều nhưng lại muốn con trở nên mạnh mẽ. Anh hùng chỉ được sinh ra khi có những trận chiến. Đôi khi cha mẹ cần cho con những món quà của sự thất bại. Đi học muộn bị phê bình lần sau trẻ sẽ tự biết cách điều chỉnh để đi học sớm hơn, mang dép trái bị mọi người cười chê lần sau sẽ tự điều chỉnh mang cho đúng, không làm bài tập bị cô phạt sau này phải cố làm bài tập trước khi đến lớp. Chúng ta cần học cách không được tước mất cơ hội. và quyền được thất bại của trẻ, để trẻ trải nghiệm sự thất bại chính là cho trẻ sức mạnh để đối diện với khó khăn trong cuộc đời và kỹ năng để ứng phó sau thất bại. 

5. Là tấm gương cho trẻ:

Trẻ con không học bằng tai nhưng chúng học bằng mắt, chắc chắn rằng khi chúng ta giải thích hay hướng dẫn con trẻ bằng lời nói, chúng sẽ không tiếp thu bằng cách chúng ta dạy con bằng hành động. Muốn con trở nên mạnh mẽ chủ động trong việc đương đầu với thách thức, cha mẹ cần học cách xử lý mọi tình huống và đừng cố để lẫn tránh nan đề. 

Mình thường chia sẻ với con những khó khăn mình gặp phải theo ngôn ngữ của con, và mình cho con nhìn thấy dáng vẻ của sự nỗ lực của mình là xinh đẹp như thế nào. Khi con nhìn thấy cách mà chúng ta đối diện với khó khăn và đi qua chúng, con sẽ làm theo những gì ba mẹ làm. Nếu ba mẹ không sợ thất bại và không cố lẫn tránh nan đề, con sẽ học được kiên cường trước khó khăn trước mắt. Nếu ba mẹ không từ bỏ mà tìm cách này hay cách khác để xử lý, con sẽ học được cách kiên trì và bền bỉ. Ba mẹ chính là tấm gương cho con, con chính là hình ảnh phản chiếu của ba mẹ. 

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like