Home Chuyên Đề Than Khóc Cho Đền Thờ: Tại Sao 2.000 Năm Sau Chúng Ta Vẫn Còn Than Khóc

Than Khóc Cho Đền Thờ: Tại Sao 2.000 Năm Sau Chúng Ta Vẫn Còn Than Khóc

by Oneforisrael.org
30 đọc

Thi-thiên 137:5, “Hỡi Giê-ru-sa-lem, nếu ta quên ngươi, nguyện tay hữu ta quên tài năng nó đi!

Con trai tôi có cái chăn yêu thích của mình; cái chăn mà thằng bé đã dùng từ khi còn nằm nôi. Trong nhiều năm, chúng tôi đã cố gắng thay thế cái chăn cũ đó nhưng không được. Bây giờ cháu đã mười tuổi, chúng tôi cũng từ bỏ việc đó. Tôi cố gắng phản đối khi thấy thằng bé xếp cái chăn để vào hành lý chuẩn bị cho kỳ nghỉ của cả nhà tại một khách sạn ở Jerusalem, tuy nhiên tôi biết rằng cái chăn đó sẽ đi cùng với chúng tôi.

Kỳ nghỉ thật tuyệt vời cho đến khi chúng tôi trở về khách sạn sau bữa sáng đầu tiên. Nhân viên dọn phòng đã đến dọn phòng. Tôi đang nằm chợp mắt một lát thì nghe thấy tiếng hét của con trai tôi. Cái chăn của thằng bé đã biến mất. Tôi gọi cho ban quản lý nhưng sau khi tìm kiếm và hỏi những người dọn phòng, chúng tôi cũng chẳng thu được gì. Người nhân viên cuối cùng được hỏi cho rằng cái chăn có thể đã bị cuốn vào ga trải giường của khách sạn và đã được gửi đi giặt. Người đứng đầu bộ phận dọn phòng hứa sẽ để ý nhưng không quên báo trước rằng một mảnh vải rách có thể đã bị vứt ra ngoài.

Kỳ nghỉ đã thành ra một sự mất mát. Giờ đi ngủ là một cơn ác mộng khi con trai tôi cố chống chọi để đi vào giấc ngủ, khao khát được cuộn mình trong cái chăn quen thuộc. Khi chúng tôi trở về nhà (mà không có cái chăn), con trai tôi vẫn luôn tiếc nuối cái chăn yêu thích của mình.

Điều này nghe có vẻ vô lý quá phải không? Con trai tôi có phản ứng thái quá không? Khi than khóc cho Giê-ru-sa-lem, một số người nghĩ rằng người Do Thái đang hành động như một đứa trẻ hư bị lấy mất cái chăn yêu thích. Chúng ta không thể quên Si-ôn đi và hòa nhập vào các quốc gia khác được sao? Bao nhiêu lần một năm chúng ta phải nhịn ăn và than khóc cho một ngôi đền đã bị phá hủy vào cái thời mà La Mã vẫn còn là một cường quốc khi đó?

Đối với những trường hợp nhà có người thân qua đời, Do Thái giáo quy định một khoảng thời gian để tang bắt đầu bằng bảy ngày khóc thương dữ dội, sau đó là 30 ngày ít dữ dội hơn và việc than khóc sẽ lên đến đỉnh điểm vào cuối một năm. Ngay cả việc thương tiếc một người thân yêu cũng có giới hạn.

Nhưng khi nói đến Đền-thờ ở Giê-ru-sa-lem, 2.000 năm sau người Do Thái vẫn còn than khóc. Trên thực tế, Kinh Talmud (luật truyền miệng của Do Thái giáo) coi việc than khóc cho Giê-ru-sa-lem  là điều đáng khen ngợi, vì các nhà hiền triết dạy, “Ai than khóc cho Giê-ru-sa-lem sẽ xứng đáng được nhìn thấy niềm vui của thành ấy.”

Hàng năm, từ ngày 17 tháng Tamuz cho đến ngày 9 tháng Av theo lịch Do Thái, người Do Thái tuân thủ một khoảng thời gian than khóc được gọi là “ba tuần lễ”. Khoảng thời gian ba tuần này là gì và tại sao chúng ta vẫn thương tiếc một tòa nhà đã bị phá hủy khoảng 2.000 năm trước?

“Ba tuần lễ” là khoảng thời gian than khóc về sự tàn phá thành Giê-ru-sa-lem và Đền-thờ. Việc này bắt đầu vào ngày 17 tháng Tamuz, một ngày kiêng ăn tưởng nhớ việc các bức tường của thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, và kết thúc với Tisha B’Av (ngày 9 thángAv), một ngày kiêng ăn nghiêm khắc hơn để tưởng nhớ sự tàn phá thực sự của Đền-thờ. Ba tuần lễ than khóc này ngày càng dữ dội, lên đến đỉnh điểm vào ngày 9 tháng Av.

Không một người Do Thái nào còn sống ngày nay đã từng nhìn thấy Đền-thờ. Tuy nhiên, chúng ta thương tiếc như thể đó là một mất mát của bản thân. Luật Talmud giải thích điều này: “Mỗi thế hệ mà Đền-thờ không được xây dựng lại thì coi như chính thế hệ đó đã phá hủy nó.

Luật Talmud nói rằng có một ngôi đền thực sự tiềm năng đáng lẽ phải được xây dựng trong đời mình. Và cũng giống như Đền-thờ của Sa-lô-môn và Đền-thờ thứ hai đã bị phá hủy vì tội lỗi của nhân loại, thì Đền-thờ dành cho thế hệ của tôi, Đền-thờ của tôi, không ở đây vì những hành động của tôi, vì tội lỗi của tôi.

Khi tôi thương tiếc sự tàn phá của Đền-thờ, tôi đang thương tiếc cho Đền-thờ vẫn chưa được xây cất.

Điều này để lại cho tôi hai lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên (ít ai chọn làm) là đến cửa hàng vật liệu xây dựng, mua một lượng lớn vật liệu và vận chuyển tất cả đến Núi Đền.

Lựa chọn tốt hơn là sửa chữa những gì bị hư hoại. Người Do Thái biết chính xác lý do tại sao Đền-thờ bị phá hủy. Luật Talmud dạy rằng chính sự thù ghét vô cớ vốn là đặc hữu của thế hệ này đã dẫn đến việc Đền-thờ bị phá hủy. Nếu chúng ta muốn Đền-thờ được xây dựng lại, chúng ta phải đảm bảo rằng sự thù ghét vô cớ không còn tiếp tục hành hạ chúng ta nữa.

Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn xung quanh khách quan chúng ta sẽ thấy sự thù ghét vô cớ vẫn chưa nguôi ngoai.

Vì thế tất nhiên là tôi vẫn còn đau buồn. Thương tiếc Đền-thờ không chỉ là đối mặt với sự mất mát, mà còn là đau buồn về một điều gì đó mà chúng ta khao khát nhưng chưa xây dựng được. Mất mát là quá khứ, thất bại trong việc xây dựng lại là hiện tại. Trong khi thông thường chúng ta có xu hướng không bận tâm đến những mất mát của mình, thì việc mất Giê-ru-sa-lem và Đền-thờ lại khác. Vì lý do này, người Do Thái đã dành ba tuần mỗi năm trong suốt 2.000 năm qua để thương tiếc sự tàn phá của Đền-thờ.

Nhưng chúng ta vẫn chưa từ bỏ hy vọng. Chúa đã hứa với chúng ta bằng những lời ngọt ngào nhất rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ thành công. Chúng ta sẽ vượt qua được hận thù vô cớ và xứng đáng được nhìn thấy vinh quang của Đền-thờ.

Xa-cha-ri 8:19, “Đức Giê-hô-va vạn quân có phán như vầy: Sự kiêng ăn về tháng tư, sự kiêng ăn về tháng năm, sự kiêng ăn về tháng bảy, sự kiêng ăn về tháng mười sẽ làm sự vui mừng, hớn hở, và ngày lễ vui chơi cho nhà Giu-đa. Vậy hãy ưa sự chân thật và bình an.

Và khi điều đó xảy ra, lỗ hổng lớn trong lòng chúng ta sẽ được lấp đầy, nỗi buồn của chúng ta sẽ chuyển thành niềm vui, và theo lời của Xa-cha-ri, việc kiêng ăn và than khóc về sự mất mát của chúng ta (trong quá khứ và hiện tại) sẽ được thay thế bằng sự vui mừng.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: theisraelbible.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like