Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 211: Làm Chứng Dối

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 211: Làm Chứng Dối

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 26:59-63a

59 Bấy giờ các thầy tế lễ cả và cả tòa công luận kiếm chứng dối về Ngài,cho được giết Ngài. 60 Dầu có nhiều người làm chứng dối có mặt tại đó, song tìm không được chứng nào cả. Sau hết, có hai người đến, 61 nói như vầy: Người nầy đã nói: Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày. 62 Thầy cả thượng phẩm bèn đứng dậy mà nói với Ngài rằng: Những người nầy làm chứng mà kiện ngươi, ngươi không thưa lại gì sao? 63 Nhưng Đức Chúa Jêsus cứ làm thinh.

Lời ngỏ:

Theo quy định tại khoản 4, điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 của Việt nam thì ngoài việc phải có mặt theo triệu tập của cơ quan tố tụng, người làm chứng phải “trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó”. Trường hợp người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự. Cụ thể, theo quy định tại điều 307 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, người làm chứng khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, nếu phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Trong luật pháp của Chúa thì điều răn thứ 9 “Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.” (Xuất 20:16); “Ngươi chớ làm chứng dối cho kẻ lân cận mình” (Phục truyền 5:20) đã quy định “nói chứng dối” hay “làm chứng dối” đó là một tội nghiêm trọng. “Nói chứng dối” là những lời chứng bằng môi miệng được nhiều người nghe ghi nhận bằng tai cách công khai, và “làm chứng dối” là những bằng chứng, vật chứng để chứng tỏ “lời nói” đó là chính xác. Những điều đó được xác minh độc lập tương ứng với sự kiện, nơi chốn, con người liên quan khi chứng kiến sự thật và chứng thực sự thật đó… Việc làm chứng này phải được tiến hành cách công khai khi đối chất với nghi phạm cho đến khi nghi phạm thừa nhận. Nếu nghi phạm không thừa nhận bằng lời nói thì phải có những vật chứng hay tối thiểu là có từ hai người làm chứng uy tín trở lên đứng ra để đối chất. Nếu những người làm chứng nói lời chứng không đồng nhất, khác biệt hoặc đối lập nhau thì biết đó là sự làm chứng dối bởi sự ghen ghét hay âm mưu gian ác nào đó ở đằng sau.

Tòa công luận khi xét xử Chúa Giê-xu họ cũng đã cố tình tìm nhân chứng dối để cáo buộc Ngài. Những lãnh đạo này đã âm mưu và cấu kết với nhau trước để hình thành một tổ chức thu gọn của Toà Công luận. Họ đã có buổi họp tối tại nhà Thầy tế lễ thượng phẩm An-ne, sau đó là Cai-phe, đại diện cho giới thẩm quyền trong Do thái giáo đương thời, nhưng chưa đủ nguyên tắc của Toà Công luận. Thật ra, đêm hôm đó họ chỉ có quyền là lấy cung để hình thành bản cáo trạng, rồi sau đó phải mở Toà Công luận vào sáng hôm sau thì mới đúng nguyên tắc toà án. Thế nhưng, khi xem xét quá trình hỏi cung và xét xử thì đây chính là bản án của Toà Công luận. Họ đã lập thành bản án trước khi hỏi cung, ra phán quyết tử hình trước khi toà bắt đầu, họ đã tuyên tội tử hình Chúa trước khi chính thức bắt Chúa Giê-xu. Sáng ngày hôm sau họ cũng không mở và xử công khai, và không đợi sang thêm một đêm ân điển của Toà Công luận tại đền thờ, mà lập thành án hoàn chỉnh giao cho Toà án chính trị của Phi-lát để thi hành bản án.

Thế thì họ lấy những chứng cớ gì để luận tội Chúa? Họ đã đưa rất nhiều người âm thầm theo dõi Chúa trong suốt 3 năm qua, những người từng thách đố Chúa, từng hỏi những câu hỏi hóc búa và những câu gài bẫy Chúa đều có mặt ở toà để cáo gian Chúa. Tuy nhiên, họ không đưa ra được những chứng cứ, vật chứng nào để chứng tỏ là Chúa có tội hay phạm luật pháp gì cả. Bởi vì, nếu xem xét từng sự kiện ấy thì chính những kẻ chứng dối ấy đã phải ngậm miệng và thừa nhận thất bại thảm hại khi Chúa đã phán với họ. Ngay việc có kẻ cho rằng Chúa Giê-xu phán là hãy phá đền thờ Giê-ru-sa-lem xây dựng 46 năm thì Ngài sẽ xây lại đền thờ mới trong 3 ngày; và cho rằng Chúa là kẻ chủ trương phá hoại. Trong khi đó thì Ngài nói đến đền thờ thân thể, đền thờ thuộc linh qua sự chết chính mình Ngài (Giăng 2:19-22). Điều đó chứng tỏ kẻ đứng ra làm chứng dối là kẻ mù lòa thuộc linh, là kẻ không có sự hiểu biết về điều Chúa phán. Vậy thì những bằng chứng đó không chỉ là dối trá, nhưng còn là vô tín, đui mù thuộc linh, và bày tỏ sự cứng cỏi của hệ thống tôn giáo hình thức.

Chúa Giê-xu biết rõ tất cả những lời chứng đó về Ngài đều là giả dối, nhưng Ngài đã hoàn toàn giữ yên lặng đến mức thầy tế lễ cả phải ngạc nhiên. Tại sao Chúa yên lặng? Thứ nhất, đối từng sự kiện khi xảy ra thì Ngài đã phán rõ ý của Ngài, và kẻ phản bác được cài vào đã cứng miệng, nên Ngài không đối đáp bất cứ lời nào nữa để chứng tỏ đó là lời chứng dối vì không có bằng chứng thật.

Thứ hai, quyền yên lặng trước toà án bất công là quyền nói lên sự phản kháng đúng đắn và hợp lý. Sự phản kháng ôn hoà trong sự giữ yên lặng làm thất bại âm mưu “moi tin” và “chụp mũ” trong từng câu chữ; nghi phạm càng nói nhiều, càng phản bác nhiều sẽ có khuynh hướng bạo động, khi đó sẽ rơi vào bẫy của toà án bất công. Sự yên lặng bày tỏ sự phủ nhận công khai về quyền phán quyết và xử án là hoàn toàn bất công, không đáng để trả lời.

Kết luận

Chúng ta là con cái thật của Chúa đừng ngạc nhiên khi thấy trong Giáo hội hay trong tổ chức tôn giáo cũng có những sự kiện phán xử bất công. Tuy vậy, chúng ta vẫn nên đặt trọn lòng tin nơi Đức Chúa Trời vì Ngài có phương cách để thanh lọc Hội thánh của Ngài. Có những lúc những đầy tớ hay con cái Chúa chịu hoạn nạn, bị vu oan giá hoạ, bị những lời chứng dối… Trong những hoàn cảnh cùng khốn hơn hết và dường như không ai thấu hiểu thì hãy giữ sự yên lặng. Sự yên lặng giống như Chúa Giê-xu đã giữ yên lặng sẽ là phản kháng ôn hoà tốt nhất thể hiện lòng tin trọn vẹn nơi chính mình Chúa. Nếu sự phán xử không công bình, không đúng tinh thần theo ý Chúa thì không vì đó mà thất vọng, sa ngã, bỏ cuộc; vì biết rằng sau này trước toà án công bình, thánh khiết của Chúa thì sự việc sẽ được tái thẩm phán cách công minh và chính trực.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, tạ ơn Ngài vì sự yên lặng của Ngài trước những sự vu cáo trắng trợn đã được mưu toan với những lời chứng dối. Cầu xin Chúa cho chúng con biết phản ứng cách khôn ngoan và theo lời hằng sống của Chúa khi đối diện trước những bẫy gài, lưới giăng gian ác và biết giữ yên lặng trước toà án bất công.

Nguyện xin Thánh Linh ở cùng chúng con không chỉ trong những lúc thuận cảnh, khi rao giảng phúc âm cứu rỗi cho tha nhân, nhưng cũng ở cùng môi miệng và tâm linh chúng con để biết giữ yên lặng hay phải nói điều mà Cha muốn để làm sáng danh Chúa.

 Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Thiên Gia Vĩnh

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like