Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 209: Tình Yêu Mạnh Hơn Gươm Giáo

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 209: Tình Yêu Mạnh Hơn Gươm Giáo

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 26:51-56

51 Và nầy, có một người trong những người ở với Đức Chúa Jêsus giơ tay rút gươm ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt một cái tai của người. 52 Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hãy nạp gươm vào vỏ;vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm. 53 Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao? 54 Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến? 55 Lúc bấy giờ, Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Các ngươi đem gươm và gậy đến mà bắt ta, khác nào như ta là kẻ cướp. Ta thường ngày ngồi trong đền thờ và giảng dạy tại đó, mà các ngươi không bắt ta. 56 Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm. Khi ấy, hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi.

 Lời ngỏ

Quyển truyện: “Tình thương mạnh hơn bão tuyết”  là một câu chuyện rất cảm động được diễn ra trong khung cảnh đồi núi tuyết phủ quanh năm của nước Thụy Sĩ. Nhân vật chính là hai đứa trẻ, Duyên và An. Duyên vô ý làm bé Danh, em của An rơi xuống triền núi và bị gãy chân. An oán ghét Duyên và không từ bỏ một cơ hội nào để trả thù, mặc dù Duyên luôn luôn tìm hết cách để đền bù tội lỗi của mình. May mắn được học biết về tình thương ở trong Thánh Kinh, Duyên đã thắng hơn sự sợ hãi. Nó phấn đấu vất vả với bão tuyết, một mình vượt một khoảng đường xa bằng giày trượt tuyết, giữa đêm khuya, để tìm một vị danh y chữa tật ở chân cho bé Danh. Duyên suýt chết trong đêm đó, nhưng cuộc mạo hiểm của nó có kết quả. Chân bé Danh được chữa lành, nó đi lại được như thường. An tha thứ và thương mến Duyên. Mọi người đều vui vẻ đón mừng một mùa xuân mới. Câu chuyện trên đây được mô tả cách rất linh động và ý nhị. Lời văn vừa dí dỏm vừa cảm động. Người lớn cũng như trẻ em, mọi người đều thích thú khi đọc quyển sách này. Hơn cả sức mạnh vượt qua bão tuyết, Chúa Giê-xu đã chinh phục thế giới bằng tình yêu thương và chấp nhận chịu xử tử bằng bạo lực và gươm giáo.

Khi bọn lính theo dấu hiệu của Giu-đa đến bắt Chúa, thì Chúa Giê-xu vẫn điềm tĩnh và đứng ra để hỏi những kẻ cầm giáo mác hùng hổ tấn công Ngài “Các ngươi tìm ai?”. Khi chúng trả lời rằng “Tìm Giê-xu người Na-xa-rét” thì Ngài đã không chạy trốn hay lẩn trốn mà nói rõ: “Chính ta đây!” Điều đó chứng tỏ không cần Giu-đa lấy cái hôn Chúa để chỉ điểm thì họ cũng có thể xác định ai là Giê-xu.

Ngài sẵn sàng tự nguyện đứng ra để chịu bị bắt và bảo với họ để cho các môn đồ Ngài thoát khỏi sự bị bắt này. Thế nhưng, phản ứng bình thường của một con người khi bị tấn công là phản công như là một cách phòng thủ. Cũng vậy, sự phản công trước những vấn đề liên quan đến bạo lực thường là bạo lực. Quy luật phòng thủ này không thể nằm ngoài cách mà Phi-e-rơ đã phản ứng. Khi ấy Phi-e-rơ đang ngủ chợt tỉnh, thấy quân lính cầm giáo mác bao vây Chúa Giê-xu và các môn đồ anh em mình, thì ông nhanh chóng phản ứng chống trả bằng cách dùng thanh gươm cùn, là một dụng cụ vốn được dùng để làm hành trang cho đoàn truyền giáo lưu động như làm thức ăn, khai khẩn nơi um tùm trong rừng núi để làm chỗ ngủ tạm thời, cũng như để canh chừng dã thú. Ông đã dùng thanh gươm cùn ấy để chém đứt vành tai của một người đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm tên là Man-chu (Giăng 18:10). Có lẽ tên này đã cầm dây để trói Ngài trong khi các tên lính xung quanh cầm giáo mác chĩa vào Ngài.

Tuy vậy, Chúa đã lấy tay Ngài rờ đến vành tai của đứa đầy tớ thầy tế lễ để chữa lành cho nó. Sau đó Ngài bảo Phi-e-rơ hãy bình tĩnh và nạp gươm vào vỏ gươm. Ngài phán rằng nếu Chúa muốn dùng bạo lực thì chỉ cần một câu nói của Ngài cũng làm cho toán lính ngã rạp rồi. Thậm chí Chúa không cần động tay, mà chỉ cần ra lệnh thì lập tức một thiên sứ trong 12 đạo thiên binh cũng đủ diệt gọn toán lính này. Bởi trong lịch sử Đức Chúa Trời chỉ sai một thiên sứ thì đã có thể tiêu diệt hơn 185 nghìn quân tinh nhuệ của San-chê-ríp, vua A-si-ri chỉ trong 1 đêm (Ês 37:36). Vấn đề là “ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” người chủ động dùng bạo lực để giải quyết nan đề thì cuối cùng người đó cũng chết bởi bạo lực leo thang.

Đối với Đức Chúa Trời, Ngài sai Chúa Giê-xu đến thế giới này không dùng bạo lực, chiến tranh để chiến thắng gốc rễ của mọi điều ác. Nhưng Chúa dùng chính tình yêu thương của Ngài dành cho nhân loại. Ngài sẵn sàng hy sinh để trở nên sinh tế đời đời cho sự cứu rỗi tận gốc rễ mọi tội lỗi của toàn nhân loại. Đó là ý muốn của Cha mà Ngài đã nhận được. Và giờ đây, Chúa Giê-xu sẵn sàng để tự nguyện chịu chết trong tay kẻ có tội.

Chúa Giê-xu bị bọn lính ô hợp đầy sát khí đến vây bắt nhưng họ thiếu quy củ và gần như quy tụ những kẻ giống như những kẻ sát thủ, muốn ăn tươi nuốt sống Ngài. Bởi vì Chúa Giê-xu bày tỏ rằng Ngài là Đấng chân thần, thường xuyên rao giảng công khai tại đền thờ, nhà hội, khắp đường phố trong thành Giê-ru-sa-lem lẫn toàn nước Do thái. Nếu muốn bắt Ngài cách đúng đắn và công khai thì hãy ra trát của toà công luận cho đoàn quân có trật tự và binh chủng đến đọc trát bắt Ngài giữa thanh minh bạch nhật. Còn phương cách họ đang làm là bố ráp để bắt những tên cướp hay những kẻ lưu manh.

Tuy nhiên, điều này xảy ra cũng để ứng nghiệm cho từng chi tiết nhỏ của lời tiên tri là Ngài bị liệt vào kẻ ác. Về việc sau đó là hết thảy môn đồ bỏ Ngài trốn đi cũng là để ứng nghiệm lời tiên tri nói về họ. 

Kết luận

Đức Chúa Trời không yếu hèn, nhu nhược hay thất bại trong kế hoạch của Ngài khi để Chúa Giê-xu phải chịu thương khó cho đến chết trên cây thập tự đâu. Song Chúa muốn bày tỏ Ngài có thể sử dụng cả phương pháp thấp hèn nhất, xấu hổ nhất, bần cùng nhất của xã hội loài người để làm nên những việc phi thường hầu có thể cứu rỗi cả nhân loại lầm than. Bởi vì thế gian cậy sự khôn ngoan của mình, cậy sức mạnh quân sự, cậy triết lý cao xa, cậy phép lạ và xem đó là sự khôn ngoan của con người. Nhưng con người trở nên rồ dại vì cớ cậy vào những điều đó. Trong khi Ngài lại chọn sự rồ dại nhất của thế gian để làm nên sự cứu rỗi. Điều đó bày tỏ nếu Đức Chúa Trời lấy sự khôn ngoan thật của Ngài thì sẽ mạnh đến mức nào.

Tuy nhiên, bản chất của Chúa là Đấng tự hạ mình, khiêm nhường, lấy tình yêu thương để chinh phục lòng người, để giải quyết nan đề tội lỗi, để đối lại với bạo lực chết người. Vì cớ đó mà khi tin kính Chúa chúng ta thật tâm phục khẩu phục, thật lòng kính yêu Ngài bằng tất cả tấm lòng mình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con thật ngưỡng vọng Ngài vì Ngài đã chinh phục chúng con không bởi ép buộc, cưỡng chế bằng bạo lực, gươm giáo, hay khủng bố tinh thần; nhưng bởi sự nhân từ và đầy lòng nhịn nhục chờ đợi đến khi được thuyết phục mà tự nguyện mở cửa lòng đón nhận Ngài. Tạ ơn Chúa đã cứu rỗi cuộc đời chúng con và gia ân với sự kêu gọi chúng con được cơ hội phục vụ Ngài.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con trung thành với Chúa, chung thuỷ trong tình yêu của Ngài dành cho. Nguyện xin Chúa cho chúng con sống và vui thích trong tình yêu Ngài hơn là chạy theo bạo lực của trào lưu xã hội hiện tại này. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Thiên Gia Vĩnh

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like