Home Dưỡng Linh Bốn Bước Để Tha Thứ Cho Người Khác

Bốn Bước Để Tha Thứ Cho Người Khác

by Rick Warren
30 đọc

“Hãy lột bỏ khỏi anh chị em tất cả những cay đắng, giận hờn, thịnh nộ, kêu rêu, xúc phạm cùng mọi điều hiểm độc. Anh chị em hãy đối xử với nhau cách nhân từ, thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Chúa Cứu Thế.” (Ê-phê-sô 4:31-32 – BDM)

Có quá nhiều người trong chúng ta không thật sự hiểu sự tha thứ là gì. Chúng ta đối diện với đủ loại quan niệm sai lầm về ý nghĩa của việc tha thứ cho người khác. Tôi tin chắc rằng nếu càng nhiều người biết sự tha thứ thật sự giống như thế nào, họ sẽ sẵn lòng tha thứ hơn nhiều thay vì cứ ôm lấy những tổn thương trong quá khứ đến một mức độ không lành mạnh.   

Kinh Thánh rõ ràng kêu gọi chúng ta tha thứ cho những người khác. Ga-la-ti 6:1 chép, “Thưa anh chị em, nếu có ai tình cờ phạm lỗi gì, thì anh chị em là những người thuộc linh, hãy lấy tinh thần khiêm nhu mà sửa chữa người ấy.” (Ga-la-ti 6:1 – BDM).

Vậy nếu Chúa yêu cầu chúng ta tha thứ cho người khác, thì sự tha thứ tích cực, theo đúng Kinh Thánh giống như thế nào? Đây là một tiến trình gồm 4 phần mà chúng ta nên đi qua khi chúng ta đang giải quyết tổn thương do người khác đem lại.

1. Nhận biết rằng không ai là hoàn hảo. Khi chúng ta ghét một người nào, chúng ta thường có khuynh hướng đánh mất quan điểm của mình về người đó. Khi chúng ta đầy dẫy lòng buồn giận, cay đắng và tổn thương, chúng ta có khuynh hướng coi người phạm tội không phải là con người nữa. Chúng ta đối xử với họ như một con vật.

Nhưng chúng ta đều ở cùng trong một con thuyền. Kinh Thánh chép: “Thật ra, trên đời này, không có một người công chính nào luôn làm điều phải và không hề phạm tội.” (Truyền đạo 7:20 – BDM). Tất cả chúng ta đều bất toàn.

2. Từ bỏ quyền trả thù của bạn. Đây là trọng tâm của sự tha thứ. Kinh Thánh chép: “Đừng tự báo thù ai, nhưng hãy nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Chúa, vì Thánh Kinh đã chép: ‘Sự báo trả thuộc về Ta; Ta sẽ báo ứng! Chúa phán vậy’” (Rô-ma 12:19 – BDM). Bạn có quyền ăn miếng trả miếng, nhưng bạn cần phải cam kết không làm như thế. Điều đó không công bằng, nhưng điều đó lành mạnh. Đây không phải là một quyết định chỉ một lần mà là một quyết định hằng ngày, thậm chí còn đòi hỏi quyết định từng phút từng giây nữa.

3. Đáp lại cái ác bằng cái thiện. Đây là cách giúp bạn biết rằng mình đã hoàn toàn tha một người nào đó ra khỏi điều sai họ đã làm với bạn. Nói theo cách của con người, việc đáp lại cái ác bằng điều thiện là điều gần như không thể làm được. Bạn sẽ cần sự giúp đỡ của Chúa. Bạn sẽ cần phải có tình yêu của Chúa Jesus đầy dẫy trong bạn. Tại sao vậy? Vì tình yêu thương của Chúa không ghi lại những việc sai trái (xem trong I Cô-rinh-tô 13).

4. Tập trung lại vào kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời bạn. Bạn nên ngừng chú tâm vào sự tổn thương và người đã làm tổn thương bạn. Thay vào đó, bạn tập trung trở lại vào mục đích của Chúa dành cho cuộc đời bạn, là điều tuyệt vời hơn bất cứ vấn đề hay tổn thương nào mà bạn có thể đang đối diện.

Chừng nào bạn còn tiếp tục chú ý đến người làm tổn thương mình thì người đó vẫn còn kiểm soát bạn. Thật ra, bạn có thể mang điều này một bước xa hơn nữa. Nếu bạn không phóng thích người có lỗi với mình, bạn sẽ bắt đầu trở nên giống như người đó.

Vì vậy, đừng ở trong sự oán giận thêm một ngày nào nữa. Nếu bạn đang ôm giữ nỗi đau do người khác gây nên, hãy đi qua bốn bước này và tiếp tục sống tiếp quãng đời còn lại mà bạn đã được tạo dựng nên để sống!

Mục Sư Rick Warren

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like