Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 203: Hát Thơ Thánh

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 203: Hát Thơ Thánh

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 26:30

30 Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đi ra mà lên núi Ô-li-ve.

Lời ngỏ

Phần lớn người Việt ngày nay rất ít ai còn khả năng “ngâm thơ” và cũng ít người thích “đọc thơ” Thậm chí, con người thời hiện đại còn cho rằng những người yêu thích thơ ca là những người hay “thơ thẩn” tức là sống thiếu thực tế, hay mơ mộng và sống trong ảo tưởng.

Tuy nhiên, trong văn hóa thơ ca ngày xưa của Việt Nam thì đối với người miền Bắc hay “hát ả đào” “hát quan họ” còn ở miền Trung, nhất là xứ Huế thường hay “ngâm thơ” trong khi đó ở miền Nam thường hay hát “6 câu vọng cổ” hay “hát cải lương”. Đó là văn hoá cổ truyền của ba miền quê hương Việt Nam thường được nhắc đến.

Trong thời của Chúa Giê-xu, việc đọc thơ, hát thơ ca cũng được ưa chuộng. Trong buổi lễ Vượt Qua, Đức Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài đã cùng “hát thơ thánh” với nhau trong suốt thời gian của buổi Lễ Tiệc Thánh. Ngài và các môn đồ đã hát những bài ca mà ngày nay chúng ta gọi là Thi thiên, đó là những bài thơ chia thành từng đoạn, từng phần. Đối với người Việt chúng ta thì thường “ngâm thơ” cách riêng rẽ từng người. Thế nhưng, người Do thái thì họ “hát thơ thánh” chung với nhau trong Cộng đồng.

Trong Lễ Vượt qua thì người Do thái thường “hát thơ thánh” với những bài Thi thiên từ 113 đến 118. Nếu chúng ta lật qua những Thi thiên này thì chúng ta sẽ cảm biết nội dung liên quan đến sự cảm tạ, ngợi khen vì sự được cứu rỗi. Chẳng hạn như phân đoạn được nhấn mạnh liên quan đến lời hứa và sự cảm tạ về Đấng Christ đến để cứu rỗi và ban sự phước hạnh thuộc linh lẫn thuộc thể. “Tôi sẽ cảm tạ Chúa, vì Chúa đã đáp lời tôi, trở nên sự cứu rỗi cho tôi. Hòn đá mà thợ xây loại ra, đã trở nên đá đầu góc nhà. Điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va, Một sự lạ lùng trước mặt chúng tôi. Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên, chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy. Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy cứu; Đức Giê-hô-va ơi, xin ban cho chúng tôi được thới thạnh.” (Thi 118: 21-25)

Điều này có khiến cho chúng ta cảm kích và ngạc nhiên không? Bởi vì Chúa Giê-xu đã hát ngợi khen và cảm tạ Đức Chúa Cha khi bắt đầu tiến đến sự thương khó trên con đường Gô-gô-tha, thậm chí là Ngài biết sắp phải đối diện với sự đau thương, nỗi đau thương khó tả sắp đến khiến tâm thần của Chúa cũng rối reng, ưu sầu. Nhưng Chúa biết cần phải nói trước cho môn đồ của Ngài về giờ phút đau thương đó để họ không bị vấp phạm nên Chúa Giê-xu dẫn các môn đồ ra khỏi phòng cao nơi dự Lễ vượt qua để cùng lên núi Ô-li-ve.

Vậy thì, Ngài và các môn đồ lên núi Ô-li-ve để làm gì vào ban đêm? Tại sao Chúa và các môn đồ không cứ ở tại Phòng cao đó để nghỉ một giấc qua đêm? Chúng ta biết rằng trong lúc bấy giờ không có đèn đuốc hay phương tiện chiếu sáng để có thể leo núi vào ban đêm nên cần phải đi sớm khi còn thấy đường và Ngài cần dẫn họ đến nơi đó.

Tại trên núi Ô-li-ve có một khu vực gọi là Vườn Ghết-sê-ma-nê. Chúa Giê-xu đưa các môn đồ đến Vườn Ghết-sê-ma-nê để cùng cầu nguyện. Ngài biết rằng giờ phút quan trọng sắp đến, trong tâm thần Ngài có nhiều ưu tư, trong Chúa có cả thần tánh và nhân tánh. Về mặt thần tánh Chúa biết Ngài đến thế gian để đi con đường thập giá, là chịu chết và mang hết gánh nặng tội lỗi của nhân loại, còn về mặt nhân tánh thì Ngài biết đây là việc khó có thể làm được bởi sự đau thương và chịu hy sinh rất lớn. Với sự dằn xé đó Chúa cần phải đến với Cha cầu nguyện và Chúa cũng cần cảnh báo cho các môn đồ của Ngài trước giờ phút đau thương sẽ xảy đến để họ luôn chuẩn bị tinh thần, hầu không bị vấp phạm.

Bài học áp dụng

Ngày nay, rất nhiều Cơ Đốc nhân khi đối diện trước những nan đề thì dễ dàng sống buông thả, tìm những thú vui, tổ chức ăn uống no say, nhẹ nhàng thì kéo nhau đi hát karaoke, đi chơi bowling, nếu phấn khích nữa thì đi vũ trường, đến câu lạc bộ đêm khuya để nhảy múa cho đến khi kiệt sức mới lết về nhà; nghiêm trọng hơn là không thể về đến nhà mà phải ngủ trên vỉa hè hoặc ở những nơi không đáng để đến. Chúng ta cần học biết chừng mực, tiết độ trong sinh hoạt của mình. Để không bị sa đà trong những sinh hoạt chơi bời, lầy lội trong những cám dỗ thì chúng ta cần tập thói quen là bước đi đến nơi thánh để cầu nguyện cùng Chúa. Đây là thói quen tốt mà chúng ta là môn đồ của Chúa cần học và áp dụng. Bởi vì, sự cầu nguyện với Chúa là phương cách tốt nhất để đắc thắng cám dỗ và vượt qua sự thử thách trăm bề thoạt đến với chúng ta.

Các bạn thân mến, khi chúng ta khi nhóm họp cùng nhau thì nhớ nhắc nhau về Giao ước mới của Chúa với sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu vì cớ chúng ta. Chúng ta hãy nhóm họp để hát ngợi khen, tôn vinh Chúa. Cho dù, có những lúc chúng ta biết mình sắp phải bước đi trên con đường khổ nạn để đồng chịu khổ với Ngài, thì chúng ta cũng nên bắt đầu với lời hát tôn vinh, ngợi khen Chúa. Bởi Ngài là tốt lành, chương trình của Ngài dành cho chúng ta là tốt lành. Hãy bước đi trong Chúa với sự tạ ơn và hãy tập thói quen tốt trong sự thờ phượng Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

Chúa Giê-xu đã có thể hát trong sự ngợi khen và cảm tạ trước khi Ngài phải chịu thương khó. Cầu xin Chúa cho chúng con cũng biết hát để tạ ơn Cha và ngợi khen Ngài ngay trước nan đề và những hoạn nạn ngay trước mắt.

Cầu xin Chúa cùng đồng hành với Ngài trong việc bước đến nơi thánh của Chúa là nơi hẹn ước để dốc lòng cầu nguyện cùng Cha trước mọi khó khăn sắp phải đối diện.

Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Thiên Gia Vĩnh

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like