Home Quốc Tế Tham Dự Một Buổi Nhóm Được Thực Hiện Bởi Phần Mềm ChatGPT Để Tìm Ra Câu Trả Lời

Tham Dự Một Buổi Nhóm Được Thực Hiện Bởi Phần Mềm ChatGPT Để Tìm Ra Câu Trả Lời

by Sưu Tầm
30 đọc

Hàng trăm tín hữu Tin Lành đã tham dự một buổi lễ nhà thờ được thực hiện gần như hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo ở Nuremberg của Bavaria, nước Đức, thứ Sáu, ngày 9 tháng 6 năm 2023. Buổi nhóm này được tạo ra bởi ChatGPT và Jonas Simmerlein, một nhà thần học và triết gia từ Đại-học Vienna. Chatbot ChatGPT, được nhân cách hóa bằng các hình đại diện khác nhau trên một màn hình lớn phía trên tòa giảng, đã dẫn dắt hơn 300 người trải qua 40 phút cầu nguyện, âm nhạc, thuyết pháp và ban phước lành. (Ảnh AP/Matthias Schrader)

FUERTH, Đức (AP) — Chatbot ChatGPT (một chương trình máy tính được dựa trên trí tuệ nhân tạo) đã yêu cầu các tín hữu đang ngồi trên các băng ghế chật kín người trong nhà thờ St. Paul thuộc thị trấn Fuerth của Bavaria đứng dậy và ngợi khen Chúa.

ChatGPT, được nhân cách hóa bằng hình đại diện của một người đàn ông da đen có râu trên màn hình lớn phía trên tòa giảng, sau đó bắt đầu thuyết giảng cho hơn 300 người đã có mặt vào sáng thứ Sáu để tham gia một buổi lễ thử nghiệm tại nhà thờ Lutheran gần như được thực hiện hoàn toàn bằng trí thông minh nhân tạo (AI).

Các bạn thân mến, tôi rất vinh dự được đứng đây và rao giảng cho các bạn với tư cách là trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại hội nghị Tin Lành năm nay ở Đức,” nhân vật ảo hiện ra trên màng hình nói với khuôn mặt vô cảm và chất giọng đều đều không cảm xúc.

Buổi lễ kéo dài 40 phút — bao gồm bài giảng, lời cầu nguyện và âm nhạc — được tạo ra bởi ChatGPT và Jonas Simmerlein, một nhà thần học và triết gia từ Đại-học Vienna.

Học giả 29 tuổi nói với Associated Press, “Tôi đã nghĩ ra ý tưởng tổ chức một buổi nhóm như thế này — nhưng thực ra tôi chỉ đóng vai trò như người đồng hành, bởi vì tôi có thể nói rằng khoảng 98% công việc là do máy móc thực hiện.

Buổi lễ nhà thờ được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo là một trong hàng trăm sự kiện tại hội nghị Tin Lành ở các thị trấn Nuremberg của Bavaria và vùng phụ cận Fuerth, sự kiện này đã thu hút sự quan tâm to lớn đến mức mọi người xếp hàng dài bên ngoài tòa nhà tân-Gothic thế kỷ 19 trong một giờ đồng hồ trước khi buổi lễ bắt đầu.

Hội nghị Deutscher Evangelischer Kirchentag trong tiếng Đức — diễn ra hai năm một lần vào mùa hè, không cố định tại một địa điểm cụ thể và thu hút hàng chục nghìn tín đồ đến cầu nguyện, ca hát và thảo luận về đức tin của họ. Họ cũng bàn về các vấn đề hiện tại trên thế giới và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chính, mà năm nay bao gồm sự nóng lên toàn cầu, chiến tranh ở Ukraine — và trí tuệ nhân tạo.

Cuộc họp mặt năm nay diễn ra từ Thứ Tư (7/6) đến Chúa Nhật (11/6) theo phương châm “Bây Giờ là Thời Điểm.” Khẩu hiệu đó là một trong những câu mà Simmerlein đã đưa ra cho ChatGPT khi anh yêu cầu chatbot phát triển bài giảng.

Tôi đã nói với AI rằng ‘Chúng ta đang ở nhà thờ, bạn là một nhà thuyết giáo… một buổi lễ nhà thờ sẽ như thế nào?’” Simmerlein nói. Anh cũng yêu cầu thêm các bài thi thiên, cũng như những lời cầu nguyện và một lời chúc phước vào cuối buổi nhóm.

Kết quả là bạn có một buổi lễ nhà thờ khá ổn,” Simmerlein nói, nghe có vẻ gần như ngạc nhiên trước sự thành công từ thí nghiệm của mình.

Thật vậy, các tín hữu trong nhà thờ đã chăm chú lắng nghe khi trí tuệ nhân tạo rao giảng về việc bỏ lại quá khứ phía sau, tập trung vào những thách thức của hiện tại, vượt qua nỗi sợ hãi cái chết và không bao giờ đánh mất niềm tin vào Chúa Giê-xu Christ.

Toàn bộ buổi nhóm được “dẫn dắt” bởi bốn nhân vật ảo khác nhau trên màn hình, hai phụ nữ trẻ và hai nam thanh niên.

Đôi khi, hình đại diện do AI tạo ra đã vô tình gây cười khi sử dụng những lời lẽ vô vị và nói với những người đi nhà thờ với vẻ mặt tỉnh bơ không cảm xúc rằng “để giữ đức tin của mình, chúng ta phải cầu nguyện và đi nhà thờ thường xuyên.

Một số người nhiệt tình quay video sự kiện bằng điện thoại di động của họ, trong khi những người khác tỏ ra nghiêm túc hơn và từ chối nói lớn tiếng trong khi đọc Kinh Lạy Cha.

Heiderose Schmidt, 54 tuổi, làm việc trong lĩnh vực CNTT, cho biết bà rất hào hứng và tò mò khi buổi nhóm này bắt đầu nhưng càng về sau, bà càng cảm thấy khó chịu.

Thật vô hồn và không thể chạm đến tấm lòng của con người ta,” bà nói. “Các nhân vật ảo không thể hiện cảm xúc gì cả, không có ngôn ngữ cơ thể cũng như nói quá nhanh và đều đều khiến tôi rất khó tập trung vào những gì họ nói.

Nhưng có lẽ giới trẻ có cảm nhận khác, vì họ đã lớn lên với tất cả những thứ này,” Schmidt nói thêm.

Marc Jansen, một mục sư Lutheran 31 tuổi đến từ Troisdorf gần thành phố Cologne phía tây nước Đức, đã đưa một nhóm thanh thiếu niên từ hội thánh của anh đến St. Paul. Anh đã khá ấn tượng với buổi nhóm thí điểm này.

Tôi đã thực sự tưởng tượng buổi nhóm sẽ tệ lắm. Nhưng tôi đã rất ngạc nhiên về hiệu quả của nó. Ngoài ra, ngôn ngữ của AI hoạt động tốt, mặc dù đôi khi vẫn còn hơi khập khiễng,” Jansen nói.

Tuy nhiên, điều mà vị mục sư trẻ cảm thấy còn thiếu sót là cảm xúc và sự dẫn dắt thuộc linh, mà anh nói là điều cần thiết khi anh soạn các bài giảng của chính mình.

Anna Puzio, 28 tuổi, nhà nghiên cứu về đạo đức công nghệ từ Đại-học Twente ở Hà Lan, cũng tham dự buổi lễ. Cô nói rằng cô nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong việc sử dụng AI trong tôn giáo — chẳng hạn như làm cho các buổi lễ tôn giáo trở nên dễ dàng và toàn diện hơn cho những tín đồ vì nhiều lý do có thể không thể trải nghiệm đức tin của họ một cách trực tiếp với những người khác tại các cơ sở tôn giáo.

Tuy nhiên, cô lưu ý rằng cũng có những mối nguy hiểm khi sử dụng AI trong tôn giáo.

Thách thức mà tôi thấy là AI rất giống con người và rất dễ bị nó đánh lừa,” cô nói.

Ngoài ra, chúng ta không chỉ có một quan điểm Cơ-đốc giáo, và đó cũng là điều mà AI phải đại diện,” cô nói. “Chúng ta phải cẩn thận rằng nó không bị lạm dụng cho những mục đích như chỉ truyền bá một quan điểm.

Simmerlein cho biết anh không có ý định thay thế các lãnh đạo tôn giáo bằng trí tuệ nhân tạo. Thay vào đó, anh coi việc sử dụng AI như một cách dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn để giúp họ hoàn thành công việc hàng ngày của mình trong hội thánh.

Anh nói, một số mục sư tìm kiếm nguồn cảm hứng từ văn học, vậy tại sao không hỏi AI về những ý tưởng liên quan đến bài giảng sắp tới. Những người khác muốn có nhiều thời gian hơn để chăm sóc thuộc linh một cách cá nhân cho giáo dân của họ, vậy tại sao không đẩy nhanh quá trình soạn bài giảng với sự trợ giúp của chatbot để dành thời gian cho những nhiệm vụ quan trọng khác.

Simmerlein nói, “Trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng chiếm lĩnh đời sống của chúng ta, ở mọi khía cạnh. Và đó là lý do tại sao học cách đối mặt với nó lại hữu ích.

Tuy nhiên, buổi lễ thử nghiệm cũng cho thấy những giới hạn trong việc triển khai trí tuệ nhân tạo trong nhà thờ hoặc trong tôn giáo. Không có tương tác thực sự giữa các tín đồ và chatbot, nó không thể đáp lại tiếng cười hoặc bất kỳ phản ứng nào khác của những người đi nhà thờ như một mục sư con người có thể làm được.

Simmerlein nói, “Mục sư ở trong hội thánh, họ sống với dân sự, chôn cất họ khi họ qua đời, họ biết dân sự của mình ngay từ đầu. Trí thông minh nhân tạo không thể làm điều đó. Nó không biết hội chúng.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: usnews.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like