Home Chuyên Đề Ý Nghĩa Của Câu “Hãy Cho Dân Ta Đi” Trong Tiếng Do Thái Có Thể Khiến Bạn Bất Ngờ

Ý Nghĩa Của Câu “Hãy Cho Dân Ta Đi” Trong Tiếng Do Thái Có Thể Khiến Bạn Bất Ngờ

by Oneforisrael.org
30 đọc

Cụm từ “Hãy cho dân Ta đi!” có một ý nghĩa tuyệt vời trong tiếng Do Thái. Và manh mối nằm trong phần còn lại của câu. Thường thì mọi người không bao giờ nói hết câu.

Môi-se được Đức Chúa Trời sai đi thực hiện một sứ mệnh khó khăn. Trước hết, công việc của ông là yêu cầu Pha-ra-ôn trả tự do ngay lập tức cho khoảng một triệu người Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ khắc nghiệt. Ông phải nói thẳng vào mặt Pha-ra-ôn rằng vua này phải cho phép các nô lệ người Hê-bơ-rơ, lực lượng lao động không lương của mình, rời đi. Thật là một yêu cầu lố bịch. Nhưng đó không thực sự là một yêu cầu. Trên thực tế, Môi-se đang đặt ra luật pháp, với tất cả thẩm quyền từ Vua của cõi hoàn vũ. Môi-se không cảm thấy mình có thẩm quyền đó. Có Đức Chúa Trời hậu thuẫn cùng với anh trai A-rôn ở bên cạnh để hỗ trợ tinh thần, Môi-se mạo hiểm trở lại nơi ông đã lớn lên để đối mặt với nhà cai trị độc tài, Pha-ra-ôn, chắc chắn ông cũng có chút lo ngại:

Kế sau, Môi-se và A-rôn đến tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: ‘Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Hãy cho dân Ta đi, đặng nó giữ một lễ cho Ta tại đồng vắng.’” (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:1)

Nhưng đó không hoàn toàn là sứ điệp mà Chúa đã bảo ông nói, phải không? Môi-se và A-rôn dường như đang yêu cầu một chuyến du ngoạn tạm thời cho những nô lệ người Hê-bơ-rơ. Một chuyến du lịch ngắn ngày, dã ngoại ở vùng hẻo lánh của xứ Ai Cập.

Đức Chúa Trời đòi hỏi sự giải phóng hoàn toàn!

‘…vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng Ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân Ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô.’ Môi-se bèn thưa rằng: ‘Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô?’ Đức Chúa Trời phán rằng: ‘Ta sẽ ở cùng ngươi; nầy là điều làm dấu cho ngươi biết rằng Ta đã sai ngươi đi: Khi ngươi dắt dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô rồi, thì các ngươi sẽ phụng sự Đức Chúa Trời tại trên núi nầy.’” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10-12)

Kế hoạch của Đức Chúa Trời là đưa họ ra khỏi Ai Cập hoàn toàn và mãi mãi—không có chuyện quay trở lại sau khi đã giữ lễ cho Ngài. Họ sẽ gặp Ngài ở Núi Si-nai trong xứ Ma-đi-an, nơi Ngài đã hiện ra với Môi-se trong bụi gai cháy. Tại đó, Ngài sẽ thiết lập giao ước của Ngài với cả nhà Y-sơ-ra-ên và biến họ thành một dân thánh với sự kêu gọi thánh. Rồi Ngài sẽ dẫn họ vào Xứ Hứa. Nhưng Môi-se cố gắng nói nhẹ đi và coi đó như một sự kiện tôn giáo chỉ diễn ra một lần trong sa mạc. Đó không phải là điều Chúa muốn. Đó là một cuộc ly khai. Một cuộc xuất hành—di dân ra khỏi xứ.

May mắn thay, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều này, và biết rằng dù họ có nói chuyện tử tế với Pha-ra-ôn đến đâu thì ông cũng sẽ không bao giờ đồng ý cho họ đi, nên Ngài đã vạch ra một kế hoạch. Với mỗi tai vạ, như một nhát roi quất vào dân Ai Cập, Đức Chúa Trời ngày càng nhấn mạnh yêu cầu không khoan nhượng của Ngài “Hãy cho dân Ta đi!”

Được cử đi làm sứ mệnh

Trong tiếng Việt, có vẻ như yêu cầu được đưa ra ở đây là: Thay vì siết chặt, hãy thả lỏng một chút.

Nhưng trong tiếng Do Thái thì hoàn toàn khác: “Hãy cho dân Ta đi!”—שַׁלַּח אֶת-עַמִּי có nghĩa là “Hãy CỬ dân Ta đi.”

Về cơ bản, Môi-se đang ra lệnh cho Pha-ra-ôn hãy CỬ dân Y-sơ-ra-ên đi để thực hiện sứ mệnh của họ.

Điều này làm sáng tỏ những gì đã thực sự xảy ra trong cuộc xuất hành. Chúa đã bắn một mũi tên và trúng nhiều con nhạn. Ngài đã đợi tội lỗi của dân A-mô-rít được đầy trọn (Sáng-thế Ký 15:16) trước khi thi hành công lý trên họ và ban xứ này cho các chi phái Y-sơ-ra-ên. Ngài đã giải cứu dân giao ước của Ngài khỏi địa ngục trần gian, và ném quân Ai Cập xuống biển giống như họ đã ném vô số trẻ sơ sinh người Hê-bơ-rơ xuống sông Nin. Ngài đang thực hiện lời hứa của Ngài với các tổ phụ là đưa con cháu của họ trở lại Xứ Hứa, và thiết lập một cộng đồng đức tin sẽ mang lời Ngài và ánh sáng của Ngài ra cho cả thế gian.

Họ không chỉ được đưa ra khỏi Ai Cập, mà còn được CỬ ĐI, với một sứ mệnh: trở thành ánh sáng cho dân ngoại.

Mỗi việc Chúa làm đều nhằm vào nhiều mục đích và mang nhiều cấp độ khác nhau chứ không chỉ có một. Chúng ta thường không biết có bao nhiêu khía cạnh trong các hành động và quyết định của Đức Chúa Trời, và có thể diễn giải một cách ngu ngốc rằng tất cả những gì Ngài làm đều là về chúng ta… cuộc sống của chính chúng ta, gia đình, cộng đồng hoặc quốc gia của chúng ta. Nhưng lăng kính của Chúa rất rộng. Đường lối của Ngài là hoàn hảo và những việc Ngài làm không bao giờ là lãng phí. Đức Chúa Trời đã mang đến sự giải cứu và phước lành cho con cháu của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp để thực hiện những lời hứa của Ngài với họ. Họ sẽ nhận được phần thừa kế từ tay Ngài, cùng với các phước lành về sự nuôi dưỡng, sự mặc khải và sự sống thuộc linh, mà họ sẽ truyền lại cho tất cả các quốc gia trên thế giới.

Mệnh lệnh “Hãy cho dân Ta đi” đã buộc Pha-ra-ôn phải đưa Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ và bước vào sứ mệnh cùng sự kêu gọi mang tính ảnh hưởng toàn cầu của họ. Theo cách tương tự, chúng ta đã được giải thoát khỏi ách nô lệ và sự chết đời đời nhờ huyết Chiên Con, và được đưa qua nước báp-têm. Nhưng sứ mệnh giải cứu của Đức Chúa Trời không phải để chúng ta chỉ ngồi chơi xơi nước—chúng ta cũng được sai đến thế gian với một sự kêu gọi và một sứ mệnh! Bất cứ khi nào chúng ta cảm tạ Chúa về sự cứu rỗi kỳ diệu của Ngài, những kế hoạch hoàn hảo của Ngài và tương lai mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta, hãy hỏi Ngài một lần nữa: Con có phần gì trong những kế hoạch và mục đích của Ngài? Ngài muốn con làm gì?

Lúc ấy, tôi nghe tiếng Chúa phán: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho Chúng Ta?” Tôi thưa: “Có con đây, xin Chúa sai con!”” (Ê-sai 6:8)

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like