Cựu Ước có nhiều phân đoạn nói về tầm quan trọng của việc dạy dỗ con cái yêu mến và thờ phượng Đức Chúa Trời (Phục-truyền 6:7, Châm-ngôn 22:6). Các bậc cha mẹ được nhắc nhở rằng con cái là cơ nghiệp từ Chúa (Thi-thiên 127:3-5). Và con cái được dạy phải vâng lời cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).
Chính trong các sách Phúc Âm chúng ta thực sự thấy được tình cảm của Chúa dành cho con trẻ. Ngài dịu dàng và nhân từ với trẻ nhỏ, đồng thời Ngài cũng quan tâm đến việc bảo vệ các con khỏi bị tổn hại.
Đây là ba phân đoạn mà Chúa Giê-xu đã bày tỏ tấm lòng của Ngài dành cho trẻ nhỏ:
1. Người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng
“Lúc ấy các môn đồ đến hỏi Đức Chúa Giê-xu rằng: “Ai là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng?” Ngài gọi một đứa trẻ đến, để đứng giữa các môn đồ và phán: “Thật, Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như con trẻ, các con sẽ không bao giờ được vào vương quốc thiên đàng đâu. Vậy, người nào khiêm nhường như đứa trẻ nầy sẽ là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng. Còn ai vì danh Ta tiếp một đứa trẻ như thế nầy tức là tiếp Ta.”” (Ma-thi-ơ 18:1-5)
Chúa Giê-xu thường sử dụng những điều quen thuộc xung quanh để dạy những lẽ thật thuộc linh. Trong trường hợp này, có trẻ nhỏ trong đám đông và Chúa Giê-xu đã dùng một em bé để nhấn mạnh một trọng điểm:
“Ai là người cao trọng hơn hết trong vương quốc thiên đàng?”
Đây có vẻ như là một câu hỏi đơn giản. Từ bối cảnh tôn giáo của các môn đồ, rất có thể một người nào đó sẽ trả lời, người cao trọng hơn hết là “người tuân giữ luật pháp”. Nhưng Chúa Giê-xu gọi một đứa trẻ lại rồi nói với họ:
“Thật, Ta bảo các con, nếu các con không biến đổi và trở nên như con trẻ, các con sẽ không bao giờ được vào vương quốc thiên đàng đâu.”
Có rất nhiều suy đoán về ý của Chúa Giê-xu khi Ngài nói những lời này. Chúng ta phải thực sự bé lại; trở nên ngây thơ như con trẻ? Chúng ta phải tin Chúa như trẻ thơ? Tạ ơn Chúa, chúng ta không phải đoán xem ý Chúa Giê-xu là gì. Ngài đã nói rõ với chúng ta rồi.
Trẻ em không có nhiều quyền lợi trong thế kỷ thứ nhất. Không ai quan tâm các em nói gì hay nghĩ gì. Chúng ta thấy điều này trong Lu-ca 18 khi cha mẹ mang theo con trẻ đến để được Chúa Giê-xu đặt tay ban phước, thì các môn đồ đuổi họ đi (câu 15). Theo họ, Chúa có nhiều việc quan trọng hơn để làm.
“Nhưng Đức Chúa Giê-xu gọi họ lại mà phán rằng: “Hãy để các con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng; vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy. Thật, Ta phán với các con, ai không tiếp nhận vương quốc Đức Chúa Trời như một đứa trẻ thì sẽ chẳng vào đó được.” (Lu-ca 18:16-17)
Chúa Giê-xu tận dụng cơ hội này để nhắc lại một trong những quan điểm của Ngài về sự lãnh đạo tin kính. Giống như con trẻ, những lãnh đạo trong vương quốc của Chúa không nên tranh giành địa vị, tìm cách phô trương thân thế trên người khác hoặc lo lắng về cách mọi người nhìn nhận về mình. Họ nên phục vụ Chúa bằng cách phục vụ người khác. Bằng cách chào đón và phục vụ những người mà xã hội không coi trọng, chúng ta chào đón và phục vụ Chúa. Trong trường hợp này, chúng ta phục vụ Chúa bằng cách chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
2. Lời cảnh báo nghiêm khắc của Đấng Christ về việc bảo vệ trẻ em
“Ai gây cho một trong những đứa trẻ đã tin Ta sa vào tội lỗi thì thà buộc cối đá vào cổ người ấy, mà ném xuống biển sâu còn hơn.” (Ma-thi-ơ 18:6)
Khi Chúa Giê-xu có điều gì quan trọng cần nói, Ngài thường dùng lối nói cường điệu. Đây là cách Ngài truyền đạt tầm quan trọng tuyệt đối của những gì Ngài đang cố gắng truyền đạt. Bạn thấy điều này trong Bài Giảng Trên Núi khi Chúa Giê-xu nói với đoàn dân đông, “Nếu tay phải của con gây cho con phạm tội, hãy chặt và ném nó đi!” (Ma-thi-ơ 5:30)
Khi nói đến sự cám dỗ, tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình. Nhưng ở đây, Chúa Giê-xu muốn những người nghe Ngài hiểu sự nguy hiểm của việc trở thành kẻ gây cám dỗ. Nếu hành vi của bạn khiến trẻ thơ vô tội lầm đường lạc lối, thì thà bị ném xuống biển sâu còn hơn đối mặt với sự phán xét của Chúa Giê-xu.
3. Chúa Giê-xu khiến một bé gái sống lại từ cõi chết
“Đức Chúa Giê-xu vào nhà viên quản lý nhà hội, thấy phường thổi sáo và đám đông gây ồn ào, Ngài bảo: “Hãy lui ra! Bé gái nầy không phải chết đâu, nhưng nó đang ngủ.” Chúng nhạo cười Ngài. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, Ngài bước vào, cầm tay bé gái thì nó liền trỗi dậy. Tin nầy được loan ra khắp vùng đó.” (Ma-thi-ơ 9:23-26).
Trong chức vụ của Chúa Giê-xu, Ngài đã khiến ba người từ cõi chết sống lại. Một người là La-xa-rơ (Giăng 11), người bạn mà Chúa Giê-xu yêu mến. Một người khác là chàng thanh niên ở thành Na-in. Chúa Giê-xu tình cờ thấy một đám tang và cảm động trước nỗi đau mất con của người mẹ nên Ngài đã khiến con trai của bà sống lại (Lu-ca 7).
Trong trường hợp thứ ba, một viên quản lý nhà hội tên là Giai-ru đến gặp Chúa Giê-xu vì con gái của ông bị bệnh gần chết (Lu-ca 8:41). Ông cầu xin Chúa Giê-xu đến và làm gì đó cho con mình, nhưng khi Chúa đến nơi thì đứa trẻ đã chết.
Thời đó y tế chưa phát triển và tỷ lệ tử vong ở trẻ em rất cao, Chúa Giê-xu đã cảm động trước đức tin của người cha này—Ngài thể hiện lòng trắc ẩn và tình yêu của Ngài dành cho con trẻ bằng cách khiến con gái của Giai-ru sống lại từ cõi chết.
Chúa yêu con trẻ. Trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy tấm lòng trìu mến của Chúa dành cho trẻ nhỏ. Ngài sẵn sàng dành thời gian cho các em, Ngài công nhận địa vị của các em trong xã hội và lòng nhiệt thành của Ngài trong việc bảo vệ sự vô tội của trẻ thơ.
Người lớn chúng ta, đặc biệt là con cái Chúa, phải chăng cũng có trách nhiệm này? Không chỉ là đối với con em chúng ta, mà còn là những em bé trong bụng mẹ, những sinh linh không có cơ hội chào đời chỉ vì sự thỏa hiệp và thờ ơ của người lớn. Những em bé bị bỏ rơi trong các cô nhi viện hay những đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới nhưng phải vất vả mưu sinh trên đường phố và phải học làm người lớn quá sớm…
Không phải con nít nào cũng đáng yêu. Đôi khi thật khó để yêu thương những đứa trẻ già trước tuổi hoặc khó bảo. Nguyện tình yêu của Chúa cũng chảy tràn qua chúng ta để chúng ta có thể quan tâm, yêu thương, bảo vệ, hay ít nhất là cầu nguyện cho các em nhỏ đang sống trong thời đại đầy nhiễu nhương này.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: jesusfilm.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com