Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 197: “Thành Sự Tại Thiên”

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 197: “Thành Sự Tại Thiên”

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 26:1-5

1 Vả, Đức Chúa Jêsus đã phán những lời ấy xong rồi, thì phán cùng môn đồ rằng: 2 Các ngươi biết rằng còn hai ngày nữa thì đến lễ Vượt qua, và Con người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự. 3 Bấy giờ các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân nhóm lại trong tòa thầy cả thượng phẩm tên là Cai-phe; 4 và bàn với nhau dùng mưu chước gì đặng bắt Đức Chúa Jêsus mà giết. 5 Song họ nói rằng: Không nên làm trong ngày lễ, e trong dân chúng sanh ra điều xào xạc chăng.

Lời ngỏ

Người đời có câu nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” có nghĩa là mưu tính và hành động là do con người nhưng thành hay bại là do Chúa. Đây cũng là điều mà chính Lời Chúa trong Châm Ngôn 16:1 đã nói “Việc toan liệu của lòng thuộc về loài người; còn sự đáp lời của lưỡi do Đức Giê-hô-va mà đến.”  Thật vậy, con người được tự do, có quyền chọn lựa và mưu tính mọi việc, nhưng thành quả không bao giờ ra ngoài sự tể trị của Chúa, vì ngay con người cũng do Đức Chúa Trời tạo dựng nên thì tất cả mọi sự kiện, mọi biến cố trong cuộc sống của con người không thể vượt qua sự cho phép của Chúa.

Sau khi con người phạm tội và đánh mất mối tương giao với chính Đấng tạo dựng nên mình thì Đức Chúa Trời đã hoạch định chương trình cứu rỗi nhân loại. Kế hoạch của Đức Chúa Trời là sự chịu chết của Đấng đến từ trời để làm giá chuộc tội cho con người. Vì thế, sự chết của Đấng Christ là ý muốn của Đức Chúa Trời với mục đích cao cả là hy sinh làm giá cứu chuộc nhưng điều này lại được thực hiện bởi mưu đồ gian ác, xấu xa của con người.


Đoạn 24-25 là sự ký thuật của sứ đồ Ma-thi-ơ về những lời dạy của Chúa Giê-xu với tên gọi là Bài Giảng Trên Núi Ô-li-ve. Trong đó, Ngài đã nói trước sự huỷ diệt đền thờ, các dấu hiệu của ngày tận thế, rồi Chúa sẽ tái lâm “trong đại quyền đại vinh” và sự phán xét của Ngài đối với mọi dân trên đất. Qua đến đoạn 26 này, quay lại với thực tế đang đối diện là “Con người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự”. Đây là lần thứ tư Chúa Giê-xu nói cho các môn đồ của Ngài biết về sự thật này. Chúa Giê-xu vốn biết rõ mục đích Ngài giáng thế và phải chịu chết. Chúa cũng biết chính xác Ngài sẽ chết như thế nào nữa. Và giờ đây, tấm màn cuối cùng của tấn thảm kịch thập tự giá đã mở ra.

Chúa phán với các môn đồ rằng “Các ngươi biết rằng còn hai ngày nữa thì đến lễ Vượt qua” Lễ Vượt Qua là kỳ lễ trọng thể của người Do Thái kỷ niệm sự giải cứu của Đức Chúa Trời ra khỏi Ai cập. Trong kỳ lễ này người ta sẽ dâng con chiên làm của lễ chuộc tội. Huyết của con sinh tế tượng trưng sự chuộc tội của người dâng. Cơ Đốc nhân không phải dâng của tế lễ chuộc tội cho mình nữa vì sự hy sinh của Chúa Giê-xu là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). Giống như lời của Phao-lô đã nói trong I Côrinhtô 5:7: “Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi“.

Tại đây, Chúa Giê-xu một lần nữa nhắc lại lời Ngài đã báo trước với các môn đồ rằng “Con người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự.” Đã nhiều lần trước đó, người ta cũng đã tìm cách giết Ngài. Khi vừa mới sinh ra tại Bết-lê-hem, vua Hê-rốt đã tìm cách giết Ngài. Rồi nhiều lần trong chức vụ, qua những lời giảng dạy của Chúa phơi bày tội lỗi giấu kín của các lãnh đạo chính quyền lẫn các lãnh đạo tôn giáo nên họ đã nhiều lần kích động dân chúng triệt hạ Ngài. Rồi những phe phái Do Thái giáo nhiều phen bàn tính âm mưu giết hại Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu biết chương trình Ngài sẽ chịu khổ và chịu giết, dù người ta bày tính nhiều mưu kế để giết hại Ngài nhưng chương trình của Chúa chưa đến thì không ai có thể làm hại được Chúa. Giờ đây, Chúa biết còn khoảng thời gian rất ngắn “hai ngày nữa” là đến lúc Chúa sẽ bị giết theo như kế hoạch của Đức Chúa Trời. Vì thế, Chúa Giê-xu một lần nữa muốn cảnh báo cho các môn đồ của Ngài về những điều sẽ xảy đến.

Đó cũng là lúc những lãnh tụ Do Thái đang bàn mưu với nhau làm thế nào để bắt Đức Chúa Giê-xu đặng giết Ngài như câu 3 cho biết “các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân nhóm lại trong tòa thầy cả thượng phẩm tên là Cai-phe”. Về phương diện chính trị thì nước Do Thái ở dưới sự thống trị của Đế Quốc La Mã,  người La Mã thì không cho phép dân chúng nổi loạn. Vì thế, đối với thầy cả thượng phẩm đương nhiệm là Cai-phe không muốn bất kỳ cuộc nổi loạn nào xảy ra, nếu ông không dàn xếp ổn thỏa thì chắc chắn ông sẽ bị mất chức ngay. Thầy thượng phẩm Cai-phe cũng như các trưởng lão không muốn hành động của họ kích động dân chúng biểu tình phản đối, vì lúc đó có nhiều khách hành hương người Ga-li-lê, đối với dân chúng lúc bấy giờ xem Chúa Giê-xu là một tiên tri, Ngài có năng quyền chữa bệnh, có năng quyền để diệt trừ tà ma, thậm chí kêu kẻ chết sống lại nên tiếng tăm của Chúa Giê-xu được đồn ra khắp xứ vì vậy những lãnh đạo tôn giáo không dám bắt Ngài trong kỳ lễ vượt qua này. Kế hoạch của Cai-phe là muốn trì hoãn việc bắt bớ Chúa ngay lúc này. Họ nói với nhau “Không nên làm trong ngày lễ, e trong dân chúng sanh ra điều xào xạc chăng” Họ muốn đợi cho qua kỳ lễ, khi ấy dân chúng hành hương trở về quê hương của họ, thành phố sẽ yên tĩnh hơn, thì Cai-phe sẽ tìm cách bắt Chúa Giê-xu trong bí mật và yên lặng. Mặc dù họ đã dự trù đẩy lui sự bắt bớ Chúa ra sau mấy ngày, nhưng Đức Chúa Trời đã tể trị chọn lấy Lễ Vượt Qua làm thời điểm của sự hy sinh và chịu chết của Chúa Giê-xu để ứng nghiệm mọi điều trong chương trình cứu rỗi nhân loại.

Bài học áp dụng

Qua lời Chúa hôm nay chúng ta thấy, ý muốn và kế hoạch của Đức Chúa Trời đó là Đức Chúa Giê-xu phải đi con đường Gô-gô-tha, chịu đóng đinh trên cây thập tự để làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri về Ngài. Con đường Chúa Giê-xu đi không phải là con đường thất bại nhưng bày tỏ tình yêu rất lớn của Ngài dành cho chúng ta. Nhưng những kẻ chống đối Chúa thì không hề biết về con đường hy sinh và chịu chết của Ngài, họ lo sợ nếu Chúa cứ tiếp tục được nhiều người ủng hộ, tin theo để tung hô và tôn Ngài làm vua thì họ sẽ mất quyền lợi, địa vị mà họ đang nắm giữ, nên họ bày mưu để triệt hạ Ngài. Nhưng họ không ngờ rằng khi quyết tâm loại trừ Đấng có thể mang lại sự sống thì chính họ mới là những người đánh mất sự sống thật. Họ ra lệnh truy lùng Chúa như một tội phạm mà không nhận ra chính họ mới là những tội nhân đang đi vào sự hư mất. Tại đây, Đức Chúa Trời là Đấng có thể sử dụng sự tàn ác nhất của con người để hoàn tất ý chỉ thiêng liêng và đời đời của Ngài.

Các bạn thân mến, nhiều người trong chúng ta nói rằng mình tin Chúa nhưng đời sống chúng ta tỏ rõ là đang chống nghịch lại với Ngài khi môi miệng nói nói điều tốt đẹp, thiêng liêng là vì Chúa, vì Hội Thánh… nhưng thâm tâm là để tôn mình mà loại trừ Chúa ra khỏi đời sống, khinh thường người khác và chỉ muốn hạ bệ người khác mà thôi. Như thế thì chúng ta cũng không khác gì các lãnh đạo Do Thái giáo ngày xưa, chúng ta cũng đang đi vào vết xe đổ của những kẻ chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Kẻ nào chống nghịch lại Chúa tức là thuộc về Sa-tan. Đến ngày sau rốt mọi mưu chước của Sa-tan và những kẻ theo nó cũng sẽ bị đánh bại và Đức Chúa Giê-xu luôn là Đấng đắc thắng, từ ngay trên thập tự giá Ngài đã đắc thắng và đến ngày sau rốt cả thế gian sẽ chứng kiến mọi sự đều được thành tựu ở trong Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

Xin tha thứ cho chúng con vì sự phản loạn trong con người chúng con luôn chống nghịch lại Chúa và luôn mưu tính chống lại chương trình tốt lành của Ngài. Chúng con biết rằng cho dù mọi mưu chước của con người và của thế gian có đến đâu thì mọi sự đó không thể vượt qua được chương trình vĩ đại của Đức Chúa Trời, và cuối cùng ý muốn tốt lành của Chúa sẽ luôn thành tựu. Lạy Chúa, xin cho nhận biết ý muốn của Ngài và luôn vâng phục Chúa hầu cho trong mọi việc làm của con luôn được thôi thúc từ động cơ kính Chúa yêu người. Con cảm tạ Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Grace Ngo

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like