Vạch ra một con đường
Sự hòa giải ở Nam Phi thời hậu phân biệt chủng tộc có nhiều khía cạnh. Một trong số đó là chương trình Pilgrimage of Grace, lấy cảm hứng từ những phụ nữ cầu nguyện trung tín như Anneke Rabe và Hanneli Rupert-Koechelenberg và được tổ chức bởi mục vụ South African Christian Leadership Initiative (SACLI).
Hanneli và gia đình cô đã tạo ra một nơi yên bình mang lại sự chữa lành tuyệt đẹp giữa khu nhà máy sản xuất rượu lớn của họ ở Franschhoek được gọi là “in Harmonie“. Các nhân viên của trung tâm bồi linh này đã điều phối cuộc hành hương và bày tỏ lòng hiếu khách tuyệt vời của họ với chúng tôi.
SACLI làm việc cùng với South African Evangelical Alliance (SAEA) do Moss Nthla dẫn đầu, người đã mời vợ chồng tôi cùng tham gia chuyến hành hương vào ngày 23-25 tháng 9 năm nay tại tỉnh Cape. Chuyến đi đó đã trở thành một hành trình mang lại sự bình an và hòa giải mà chúng tôi không thể nào quên.
Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu tại Hội-thánh Moravian Hill ở Quận 6 của Cape Town. Từng là nơi sinh sống của tộc người Khoi bản địa, quận nội thành của Cape Town này trở nên nổi tiếng vì chế độ phân biệt chủng tộc đã buộc những người Khoi phải rời khỏi nơi cư trú của họ một cách vô nhân đạo bằng cách dẹp bỏ những khu dân cư, phá đi nhà cửa và cơ sở kinh doanh cũng như đóng cửa những nhà thờ của họ.
Hơn 60.000 cư dân trong khu vực đã bị cưỡng chế di dời trong những năm 1970 bởi chế độ của người da trắng. Chỉ sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc, tòa nhà lịch sử từ năm 1886 mới được trao lại và ngày nay, hội thánh đầu tiên không phải của người da trắng ở mũi đất này là nhân chứng hùng hồn về cuộc đấu tranh cho sự tự do và quyền con người của người Khoi và các bộ lạc Nam Phi khác.
Buổi nhóm thờ phượng trong hội thánh này đã đưa 60 người tham gia chuyến hành hương vào con đường hòa giải. Họ đến từ các giáo phái và tổ chức Cơ-đốc giáo khác nhau trên khắp Nam Phi. Một vài vị khách đến từ nước ngoài. Chúng tôi đã được mời đến để chứng kiến và ủng hộ một hành động hòa giải giữa hai nhà thờ lâu đời nhất trong nước: Nhà-thờ Dutch Reformed Church (DRC) và Nhà-thờ Moravian bản địa.
Trong suốt 300 năm, hai giáo hội này đã sống trong tình trạng căng thẳng liên tục khi mà người Moravia đã liên tục bị đối xử một cách vô nhân đạo, bị lạm dụng và ngược đãi, trong khi DRC đã đứng về phía kẻ áp bức và thậm chí đưa ra những lời biện minh mang tính thần học không rõ ràng cho hệ thống áp bức. Sau buổi nhóm ở Hội-thánh Moravian Hill, chúng tôi đi bộ qua thành phố, cầu nguyện cho cư dân nơi đây và xưng nhận tội lỗi của quân xâm lược châu Âu tại Lâu-đài Good Hope, hiện là một trung tâm phục hồi. Sau đó, chúng tôi tiếp cận Groote Kerk ở trung tâm Cape Town, được xây dựng ban đầu vào năm 1678 và là nhà thờ Cơ-đốc giáo lâu đời nhất ở Nam Phi. Tòa nhà DRC ấn tượng ngày nay được xây dựng vào năm 1704 và được mở rộng vào năm 1843, trở thành trung tâm tôn giáo đáng tự hào của người da trắng ở Nam Phi.
Hiện đã có nhiều người Capetonia khác tham gia chuyến hành hương, nhóm lại tại hội thánh để thờ phượng và Nthla rao giảng, nhắc nhở những người hành hương về phước lành lớn lao từ sự hiện diện của Cơ-đốc nhân châu Âu giữa các bộ lạc bản địa châu Phi và sự phát triển không mong ai mong muốn của nạn phân biệt chủng tộc trong vòng Cơ-đốc giáo ở Nam Phi.
Ông khẩn thiết kêu gọi đồng bào Nam Phi vượt qua lịch sử đau thương đó, hàn gắn ký ức và chung tay xây dựng vương quốc Chúa giữa các quốc gia Nam Phi. Những câu chuyện về sự hòa giải cá nhân giữa các anh chị em da trắng và da đen tiếp nối bài giảng. Một vài câu chuyện trong số đó đã chạm vào tấm lòng của chúng tôi một cách sâu sắc. Cùng nhau cầu nguyện và ca hát, chúng tôi, những người hành hương đã sẵn sàng để đi tiếp đến Genadendal, nơi bắt đầu sứ mệnh truyền giáo giữa vòng các bộ lạc bản địa ở Nam Phi.
Trong trũng ân điển
Genadendal (tiếng Nam Phi nghĩa là Trũng Ân Điển) là một thị trấn nhỏ ở Eastern Cape. Tại đây nhà truyền giáo người Đức Georg Schmidt (1709-1785) đã bắt đầu truyền giáo giữa tộc người Khoi vào năm 1737. Và tại đây hội thánh đầu tiên của các bộ tộc châu Phi giữa người tộc Khoi và người tộc San được thành lập vào năm 1738. Chính tại nhà thờ lịch sử Genadendal vào Ngày Di Sản (Heritage Day), ngày 24 tháng 9 năm 2022, hai nhà thờ lâu đời nhất của Nam Phi đã quyết định hòa giải với nhau sau 300 năm căng thẳng và thậm chí là sự đàn áp của những người da trắng thuộc nhà thờ DRC trên những người Moravia.
Sự kiện quan trọng này bắt đầu với phần giới thiệu về lịch sử mối quan hệ của hai nhà thờ bởi phó chủ tịch của Nhà-thờ Moravian ở Western Cape, Mục-sư Martin Abrahams. Trong khi ông giới thiệu, một chú chim bồ câu đã bay vào nhà thờ và đậu xuống phía trên bục giảng của phòng trưng bày. Ngay sau khi Abrahams mời mọi người hiệp ý cầu nguyện và ủng hộ hành động hòa giải, chú chim bồ câu đã bay qua khu bảo tồn. Đó là một bức tranh tuyệt vời.
Chúng tôi đã cùng nhau hát trước người điều hành DRC, mục sư N Janse van Rensburg, đọc Kinh Thánh và xưng nhận tội lỗi của DRC với người Moravia và Chúa. Ông đặc biệt nhấn mạnh thực tế rằng DRC đã cản trở Nhà-thờ Moravian của những người bản địa phát triển.
“Nhà thờ của chúng tôi đã cản đường sứ mệnh của Đức Chúa Trời trên các bộ lạc bản địa châu Phi,” Ông nói. “Chúng tôi đã phạm tội với Chúa và với anh em – xin hãy tha thứ cho chúng tôi.“
Van Rensburg đã nói một cách vô cùng xúc động và những giọt nước mắt của ông khiến hầu hết chúng tôi đều dâng trào cảm xúc. Và trong khi ông thực hiện lời xưng tội của mình, chú chim bồ câu quay trở lại phía trước nhà thờ và lại đậu xuống phía trên bục giảng, như thể Đức Thánh Linh đã sai chú đến để làm chứng cho lời xưng nhận mang tính lịch sử này.
Sau đó, lời xưng tội của ông đã được giới lãnh đạo Nhà-thờ Moravian đáp lại. Họ không chỉ tha thứ cho DRC, mà còn chỉ ra tội lỗi của chính họ, đặc biệt là về việc không chịu thừa nhận công lao của những phụ nữ trong nhà thờ. Và một lần nữa, họ cầu xin sự tha thứ từ những người phụ nữ, và sự hòa giải giữa nam và nữ trong giới lãnh đạo của Nhà-thờ Moravian đã được thiết lập bằng cách nêu tên một số nữ lãnh đạo phi thường nhất trong số những người Moravia và tôn vinh sự đóng góp của họ cho cả sứ mệnh truyền giáo giữa tộc Khoi trong những ngày đầu và cuộc đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi trong thế kỷ 20.
Khi kết thúc buổi nhóm, cả hai nhà thờ cam kết làm việc cùng nhau để xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời ở Nam Phi vượt ra ngoài bất kỳ sự phân chia chủng tộc, sắc tộc hoặc văn hóa nào.
“Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau vì một quốc gia, mà trong đó sứ mệnh của Đức Chúa Trời bao trùm tất cả mọi người,” giám mục của nhà thờ DRC nhấn mạnh.
Phải thú thật rằng, hiếm khi tôi tham gia vào một buổi nhóm được đầy dẫy Thánh Linh như vậy. Chúa hiện diện trong ngôi nhà thờ cổ kính này, trong từng lời nói, từng bản nhạc, tiếng hát và trong từng lời cầu nguyện. Cuộc hành hương của chúng tôi đã đưa chúng tôi đến một nơi có sự hiện diện thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Chúng tôi, những người hành hương đang chứng kiến Chúa hành động.
“Hòa giải thực sự là điều mà Chúa của chúng ta luôn hướng đến,” một người anh em đến từ Nam Phi nói sau khi chúng tôi rời nhà thờ. Và suy nghĩ của anh ấy cũng là của chính tôi.
Sau khi buổi lễ kết thúc, mọi người tiếp tục nhóm xung quanh sân nhà thờ. Những người trẻ tuổi từ Genadendal đã tái hiện lại cảnh những nhà truyền giáo người Đức đầu tiên đến với tộc người Khoi, và tất cả các tòa nhà lịch sử đã mở cửa. Ngay cả tiếng chuông lịch sử cũng đã vang lên một lần nữa mời gọi các tín hữu bày tỏ lòng biết ơn những gì Chúa đã làm trong 300 năm lịch sử và cách Ngài vừa bắt đầu chữa lành những ký ức của Cơ-đốc nhân từ Nhà-thờ DRC và Moravian. Những người hành hương cảm thấy vô cùng biết ơn và tiếp tục lên đường với niềm kỳ vọng sâu sắc về những điều tuyệt vời sẽ đến với quốc gia Nam Phi.
Muối cho mảnh đất châu Phi
Tọa lạc trong một thung lũng xinh đẹp ở Western Cape, trung tâm Cơ-đốc hướng tới sự bình an và hòa giải này được thành lập bởi một nhóm nhỏ các tín hữu Cơ-đốc tận tụy từ các giáo phái khác nhau làm việc cùng với giáo sư thần học nổi tiếng John W de Gruchy, tác giả của cuốn sách được nhiều người biết đến, Reconciliation: Restoring Justice (tạm dịch là ‘Sự Hòa Giải: Phục-hồi Công-lý’).
Ngày nay trung tâm kết hợp một tu viện theo dòng thánh Bê-nê-đích cùng một trung tâm hội nghị và bồi linh Cơ-đốc phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn.
de Gruchy nói trong bài diễn văn chào mừng đoàn hành hương của chúng tôi, “Tất cả những gì chúng tôi quan tâm là sự hòa giải, hay việc khôi phục nhân loại và thiên nhiên trở về hình ảnh ban đầu của Đức Chúa Trời. Ở đây, ở Volmoed, bạn thấy các Cơ-đốc nhân được hòa giải với nhau, làm việc cùng nhau mang lại sự hòa thuận cho mọi giáo phái. Bạn được hoan nghênh tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực này, và chúng tôi chắc chắn sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình hòa giải.“
Vâng, chúng tôi cảm thấy được chào đón ở ngôi nhà thuộc linh yên bình này.
“Chúng tôi đến đây thường xuyên với trường đào tạo môn đồ YWAM của chúng tôi,” lãnh đạo của YWAM Nam Phi, M Filies giải thích.
“Thật thú vị khi thấy những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới được biến đổi như thế nào ở Volmoed. Không có gì chân thực bằng việc Chúa hiện diện ở đây và Thần của Ngài biến đổi những cuộc đời để trở thành tác nhân của hòa bình. Đối với nhiều người trong số họ, cuộc hành hương mang lại sự hòa giải cho chính cá nhân họ bắt đầu chính xác ở đây. Giống như Taizé ở châu Âu, Volmoed phục vụ mọi người để biến họ trở thành đại sứ của hòa bình.“
Thật là một nơi tuyệt vời cho một nhóm những người hành hương như chúng tôi!
Trạm cuối cùng trong chuyến hành hương của chúng tôi được ghi dấu ấn tại Mũi Agulhas, điểm cực nam của lục địa Châu Phi. Ở đây, tại bờ biển nơi Ấn Độ Dương gặp Đại Tây Dương, chúng tôi đã nhóm lại xung quanh một bản đồ cứu trợ khổng lồ của lục địa. Và ở đây một lần nữa chúng tôi xưng nhận tội lỗi của các quốc gia châu Âu chống lại các bộ lạc châu Phi. Anh, Hà Lan, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và trong những năm gần đây, Mỹ và Nga đều khiến hầu hết các quốc gia châu Phi phải chịu thêm nhiều khổ sở.
Thay mặt cho các quốc gia đó, một số đại diện từ Châu Âu và Châu Mỹ đã cầu xin người Châu Phi và Chúa tha thứ cũng như cầu xin Chúa hòa giải chúng tôi với nhau để hoàn thành sứ mệnh Chúa giao.
Điều này đã được thể hiện trong những lời xưng tội và thở than. Các đại diện từ các quốc gia châu Phi đã tha thứ cho chúng tôi và cầu xin Chúa biến đổi các hội thánh Cơ-đốc của chúng tôi thành một lực lượng thống nhất để trở thành tác nhân thực sự của sự biến đổi và bình an của Đức Chúa Trời.
Thật xúc động khi chứng kiến cách hai nhà thờ hòa giải ở Genadendal, DRC và Moravian, chung tay vì một khải tượng chung cho châu Phi và thế giới. Trong những câu chuyện về sự cầu nguyện, thờ phượng và làm chứng, họ đã khích lệ nhóm chúng tôi tích cực trong sứ mệnh hòa giải. Họ nhắc nhở chúng tôi trở thành muối của đất và ánh sáng của thế gian. Để minh họa cho điều này, Mục-sư van Rensburg đã cho mọi người có mặt lúc đó một ít muối, và chúng tôi cùng nhau phủ muối lên bản đồ Châu Phi, hứa hẹn sẽ là muối – một khoáng chất bảo quản và nuôi dưỡng – cho đất Châu Phi. Đây là một hình ảnh mang tính biểu tượng!
Cuộc hành hương ân điển của chúng tôi đã kết thúc tại Mũi Agulhas, nhưng sứ mệnh vẫn chưa dừng lại. Từ ngày 26 tháng 9, chuỗi 54 ngày cầu nguyện toàn cầu cho Châu Phi đã được bắt đầu. Tất cả các Cơ-đốc nhân trên khắp thế giới được mời tham gia cầu nguyện có hệ thống cho các quốc gia châu Phi, hết quốc gia này đến quốc gia khác. Tôi cho rằng sẽ cần nhiều cuộc hành hương như Pilgrimage of Grace để hòa giải thế giới tan vỡ của chúng ta, và tất cả chúng ta đều có thể trở thành những người tham gia tích cực. Hãy bắt đầu với sự cầu nguyện ngay bây giờ, hỡi các anh chị em!
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: christiantoday.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com