ĐỨC CHÚA TRỜI THỰC HỮU
Chúng ta có rất nhiều bằng chứng để tin Đức Chúa Trời thực hữu. Chính sự thực hữu của Đức Chúa Trời giải đáp thỏa đáng những vấn nạn của bạn và tôi.
Mời bạn hãy cùng tôi xem xét một số luận chứng quan trọng về sự thực hữu của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa.
Luận chứng về sự hiện hữu của vũ trụ
Hãy bắt đầu bằng sự thực hữu của vật chất, của thế giới, của vạn vật đang hiện diện xung quanh chúng ta. Luận chứng về vũ trụ đặt câu hỏi, “Tại sao có vạn vật, vũ trụ?” Giả sử như chung quanh chúng ta không có gì hết cả. Nếu không có gì hết (nothingness) thì có cần phải giải thích gì hay không? Dĩ nhiên là hư không chẳng cần một lời giải thích nào cả. Nhưng rồi giả sử chỉ trong nháy mắt mọi vật xuất hiện chung quanh chúng ta. Trong giấy phút ngắn ngủi đó chúng ta buộc phải đặt câu hỏi, “Tại sao? Tại sao vạn vật hiện hữu? Tại sao có vạn vật thay vì không có gì cả? Thời gian, không gian và vật chất từ đâu mà đến?” Những câu hỏi nầy không có câu giải đáp nếu không có Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá đã sáng tạo nên tất cả mọi vật hiện hữu.
Điều quan trọng nữa cần ghi nhớ là nhu cầu tương quan lệ thuộc của mọi vật. Mọi vật đều tùy thuộc vào một vật khác hơn chính mình để sống. Chẳng hạn cây cối cần không khí, cỏ rau cần nước, con người cần thiên nhiên, người nầy cần người kia, quả đất cần ánh mặt trời… Không có vật gì hoàn toàn sống độc lập hoặc tự mình tồn tại. Kinh nghiệm thực tế đang xác nhận những điều quan sát và nhận xét của chúng ta.
Có một định luật trong thiên nhiên mà không cần học ai cũng đều biết đó là nếu để tự nhiên thì mọi vật sẽ cũ mòn, phân rã, dần dần hư hoại, tàn phai, mất dần năng lực. Sự kiện mọi vật tương thuộc lẫn nhau để sống và mọi vật đều có khuynh hướng tan rã dẫn chúng ta đến một vấn nạn quan trọng: Nếu mọi vật đều tương thuộc lẫn nhau thì ai là nguồn gốc của những tương thuộc nầy? Nếu mọi vật đều nương dựa trên một vật khác để sống còn thì ai làm căn bản nâng đỡ cho tất cả mọi vật đó?
Một trong những lý thuyết Khoa học về sự thành hình của vũ trụ đang được nhiều Khoa học gia chủ trương là thuyết Big Bang (Vụ Nỗ Lớn). Tuy nhiên thuyết nầy đã không giải đáp được câu hỏi căn bản của loài người. Nếu có một Vụ Nỗ Lớn xảy ra từ đầu để có vạn vật như hiện nay thì ai là người đầu tiên bấm cái ngòi nỗ ấy? Ai đã cung cấp chất liệu cho vụ nỗ ấy? Ai tiếp tục điều khiển để Vụ Nỗ Lớn không dẫn tới phá hoại?
Nếu không có ai điều khiển “Vụ Nỗ Lớn” nầy thì tại sao vũ trụ và thế giới có trật tự; tại sao các thiên thể, các hành tinh đang di chuyển với tốc độ chóng mặt trong vũ trụ bao la nhưng không va chạm nhau mà lại đi theo những quĩ đạo chính xác vô cùng. Bạn có biết những thiên thể đang di chuyển một cách chính xác còn hơn những bộ phận của một chiếc đồng hồ tốt nhất không? Chỉ cần một thí dụ cũng đủ. Quả đất chúng ta quay xung quanh mặt trời một vòng trong 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 46 giây. Ai đã giữ cho vũ trụ vận hành cách chính xác như thế. Có phải tình cờ chăng? Quyền lực nào đã giữ cho những định luật vật lý vẫn duy trì không thay đổi để nhờ đó vũ trụ tồn tại và loài người vẫn được sống còn. Có phải tự nhiên chăng? Xưa nay nhờ vũ trụ vận hành trật tự chính xác vô cùng mà các Khoa học gia mới khám phá, thám hiểm, dự báo, đo lường, chụp hình và tiếp tục nghiên cứu thế giới, không gian, vũ trụ một cách thành công. Hãy tưởng tượng một vụ nỗ tự nhiên không ai điều khiển sẽ lộn xộn và tàn phá đến mức nào. Chúng ta chưa nói thuyết Big Bang đúng hay sai hoặc một mai đây sẽ có một lý thuyết khoa học khác thay thế cho thuyết Big Bang, nhưng nếu công nhận thuyết Big Bang thì dĩ nhiên phải công nhận vũ trụ có khởi đầu, nghĩa là vũ trụ hữu thỉ hữu chung.
Do có định kiến không tin sự thực hữu của Đấng Tạo Hóa mà một số người cố dựa vào thuyết Tiến Hóa để thỏa mãn lý trí và trấn an lương tâm nhưng chính thuyết Tiến Hoá đã không trả lời được câu hỏi vũ trụ từ đâu mà có. Thật ra thuyết Tiến Hóa không phải là học thuyết về nguồn gốc vũ trụ. Đó chỉ là học thuyết về sự biến đổi. Thuyết Tiến Hóa cố gắng giải thích làm thể nào một tạo vật nầy biến nên một tạo vật khác. Chỉ vậy thôi. Nó không biết khởi đầu các tạo vật do đâu mà có.
Nếu một người tin rằng thế giới tự tiến hóa thành, không do Đấng Tạo Hóa nào sáng tạo thì người đó phải duy trì lập trường tin rằng sự hỗn loạn tạo ra trật tự, vô sinh tạo ra hữu sinh, vô cơ tạo ra hữu cơ, may rủi tạo ra trí thông minh, tình cờ tạo ra mục đích, phi nhân tính tạo ra các kiểu mẫu. Nói như thế chẳng khác nào thừa nhận một hậu qủa (phức tạp, sống động, thông minh, có nhân cách) lớn hơn nguyên nhân của chính nó (vô trật tự, không có sự sống, tình cờ, may rủi). Nói như thế chẳng khác nào thần thánh hóa tự nhiên tôn lên ngang hàng Đấng Tạo Hóa.
Chúng ta hãy nghe Tiến sĩ Bill Hybels dẫn giải như sau: “Chúng ta hãy tưởng tượng đến tất cả các thiên hà, các ngôi sao, tất cả các hành tinh, cả thái dương hệ trong đó có quả đất chúng ta và tất cả vũ trụ. Rồi ta hãy vẽ một vòng tròn chung quanh tất cả mọi thứ nói trên, không để sót một vật nào dù là nhỏ nhất. Bây giờ mọi sự trong vũ trụ đều nằm trong cái vòng tròn nầy. Mọi vật trong vòng tròn nầy đều tùy thuộc vào một vật khác để hiện hữu và mọi vật bên trong vòng tròn nầy đang dần dần tàn phai, già cỗi, hư hoại, suy thoái. Đây là sự kiện không ai chối cải được. Bây giờ câu hỏi quan trọng là, “Ai đã làm cho vạn vật tùy thuộc lẫn nhau để sống còn?” Và câu hỏi thứ hai, “Ai đã làm cho vạn vật suy thoái dần?” Câu trả lời hợp lý nhất cho câu hỏi nầy phải nằm ở một trong hai chỗ mà thôi. Nguyên nhân đầu tiên của mọi vật phải nằm hoặc là bên trong hoặc là bên ngoài vòng tròn nói trên. Không có một lựa chọn nào khác. Vậy sự giải thích nào là hợp lý nhất? Nguyên nhân đó không thể nằm bên trong vòng tròn, nhưng chắc chắn phải nằm bên ngoài vòng tròn. Nếu có một ai đó nằm bên ngoài vòng tròn, thì theo định nghĩa Đấng ấy phải không tùy thuộc, không do ai dựng nên, tự hiện hữu và hoàn toàn độc lập. Nói một cách khác Đấng ấy phải là vĩnh cửu, vô hạn và toàn năng. Những đặc tính đó chỉ có trong định nghĩa cổ điển về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Tối Thượng.”
Luận chứng về kiểu mẫu và mục đích
Luận chứng nầy đặt ra câu hỏi, “Tại sao mọi vật đều trật tự và đa dạng? Tại sao mọi vật đều có kiểu mẫu riêng? Tại sao mọi sự trong vũ trụ từ nguyên tử nhỏ nhất cho đến thiên hà to lớn xa xôi nhất đều cho thấy bằng chứng của một bộ óc thông minh vẽ kiểu?” Càng biết rõ thế giới vật chất bao nhiêu, người ta càng chắc chắn về sự thực hữu của Đấng Tạo Hóa bấy nhiêu. Ngay cả những Khoa học gia thù nghịch với đức tin về Đấng sáng tạo cũng bối rối trước thực tế của các kiểu mẫu muôn hình vạn trạng trong thế giới và vũ trụ. Có người nói rằng không ai có thể vừa làm nhà sinh vật học mà lại vừa là người vô thần cùng một lúc.
Trải qua bao nhiêu thế hệ, người ta nhìn đến sự đa dạng và vẽ đẹp lạ lùng của vũ trụ để tin rằng đàng sau đó có một Đấng vẽ kiểu hết cả mọi vật. Trí khôn thông thường của con người cho họ biết điều đó. Ý nghĩ truyền thống nầy căn bản không thay đổi mãi cho đến thế kỷ thứ mười tám khi một số các khoa học gia bắt đầu suy luận rằng nguồn gốc sự sống có thể được giải thích bằng một quá trình tiến hóa trải qua những thời đại lâu dài. Theo lối giải thích nầy thì một thế giới đa dạng với muôn loài vạn vật, thiên hình vạn trạng đang sinh sống đã tự nhiên tiến hoá dần theo thời gian mà thành.
Lối giải thích mọi sự tự nhiên mà có rồi trở nên phức tạp dần, rồi trật tự dần và đẹp đẽ dần trong thực tế là vô lý, không hợp với lý trí bình thường. Nothing always produces nothing. Ai cũng biết hư không chỉ tạo ra hư không. Lối giải thích mọi vật tự nhiên mà có đòi hỏi một người phải có một lòng tin thật lớn vượt lên cả lý trí loài người mới có thể chấp nhận được. Hãy thử tưởng tượng một nhà máy thép tự nhiên bùng nỗ và trong quá trình đó một chiếc xe hơi sang trọng ra đời. Hoặc hãy tưởng tượng một đống sắt vụn tự nhiên lâu ngày lắp lại thành một cái đồng hồ.
Nhà Sinh vật học Trường Đại Học Princeton, Hoa Kỳ, là Giáo sư Edwin Carlson đã tuyên bố: “Việc khả dĩ của sự sống phát xuất từ sự tình cờ tự nhiên cũng giống như sự khả dĩ của một quyển từ điển xuất hiện do kết quả từ một vụ nổ xảy ra ở một nhà máy in.”
Có người cũng ví sánh lối giải thích nầy giống như cho một con khỉ ngồi đánh máy và cứ để cho nó có đủ thời gian gõ lung tung, một ngày kia nó sẽ tạo nên được một tác phẩm kịch nghệ cở như một vở kịch của Shakespeare hoặc một tập thơ cở như Truyền Kiều của Thi Hào Nguyễn Du. Ai cũng hiểu rõ đó là điều không tưởng. Ai cũng phải thừa nhận một kiểu mẫu phải có người vẽ kiểu và sự trật tự phải có sự chọn lựa.
Người Việt hay nói cách nôm na về qui tắc nguyên nhân và hậu quả: “Không có lửa làm sao có khói.” Người Việt xưa thường nói: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh.” “Trời sinh, Trời dưỡng,” “Trăm sự nhờ Trời.” Hoặc câu ca dao: “Lạy Trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm.” Người Việt tin có Ông Trời là Đấng Tối Thượng.
Giả thử bạn đang ngồi trong ngôi nhà của bạn, nếu có người bước vào nhà và tuyên bố ngôi nhà nầy tự nhiên mà có, không do ai dựng nên cả, do nhiều năm tháng mà những đống gạch, những khối gỗ tự nhiên ghép lại mà thành, rồi tự nhiên bạn dọn đến ở, bạn sẽ trả lời người đó ra sao? Dĩ nhiên bạn sẽ cho đó là một người điên và không thèm trả lời hay tranh cãi làm chi. Thế nhưng trong thực tế đã có người chủ trương như thế đối với ngôi nhà chung của nhân loại là quả đất mà chúng ta đang sống.
Mời bạn hãy cùng tôi tham khảo thêm vài tài liệu dưới đây, theo đó sự sống không thể có trên quả đất nếu bất cứ việc gì sau đây đã xảy ra:
– quả đất quay chậm hơn.
– quả đất quay nhanh hơn.
– quả đất xa mặt trời 2-5%.
– quả đất gần mặt trời 2-5%.
– 1% thay đổi trong ánh sáng mặt trời chiếu vào quả đất.
– quả đất nhỏ hơn.
– quả đất lớn hơn.
– mặt trăng nhỏ hơn.
– mặt trăng lớn hơn.
– có hơn một mặt trăng.
– vỏ quả đất mỏng hơn.
– vỏ quả đất dày hơn.
– tỉ lệ oxygen/nitrogen lớn hơn.
– tỉ lệ oxygen/nitrogen nhỏ hơn.
– ozone nhiều hơn hay ít hơn.
Để hiểu rõ hơn sự kỳ diệu trong công trình sáng tạo vũ trụ của Đấng Tạo Hóa, xin mời bạn theo dõi vài con số sau đây đăng trong cuốn “Reasons For Believing” của Frank Harber:
“Khoảng cách tuyệt hảo từ mặt trời đến quả đất là 93 triệu dặm. Nhiệt độ bề mặt của mặt trời là 11,500 độ Fahrenheit và trung tâm mặt trời có nhiệt độ hơn 40 triệu độ. Nhiệt độ nầy trải qua 93 triệu dặm đến tới mặt đất để sưởi ấm địa cầu của chúng ta. Nếu chỉ cần 50 độ nóng hơn hay lạnh hơn hằng năm chạm đến địa cầu của chúng ta, thì sự sống sẽ không còn trên mặt đất.
Quả đất quay với tốc độ hơn 1,000 dặm một giờ. Nếu quả đất quay với tốc độ một phần mười chậm hơn tốc độ hiện nay, thì sự sống sẽ bị hủy diệt bởi quá nóng ban ngày và quá lạnh ban đêm. Nếu quả đất quay quá nhanh, thì những cơn gió tai biến của vũ trụ sẽ xuất hiện cuốn đi tất cả. Điều kỳ diệu là quả đất vẫn quay với một tốc độ tuyệt hảo để quân bình cả nóng và lạnh.
Bốn mươi dặm bên trên mặt đất là một tầng mỏng ozone. Bầu khí quyển nầy đã che chắn cho điạ cầu khỏi 8 tia độc hại từ mặt trời và khỏi 20 triệu thiên thạch rơi vào quả đất mỗi ngày với tốc độ 30 dặm một giây.
Mặt trăng quay xung quanh quả đất với một khoảng cách tuyệt hảo khoảng 240,000 dặm để tạo nên thủy triều cần thiết trên các đại dương. Những thủy triều nầy làm sạch các đại dương và các bãi biển. Nhưng nếu mặt trăng di chuyển gần quả đất một phần năm khoảng cách nầy, thì các lục địa sẽ ngập tràn dưới nước hai lần mỗi ngày.”
Người ta không thể nghiên cưú sự kỳ diệu của vũ trụ mà không kết luận rằng có một Đấng nào đó đã vẽ kiểu và sáng tạo nên thế giới đẹp đẽ nầy. Không lạ gì khi 90 phần trăm những nhà Thiên Văn Học tin tưởng Đức Chúa Trời.
Tác giả Thi Thiên đã kinh ngạc khi nhìn lên bầu trời và tin tưởng, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi Thiên 19:1). Thánh Kinh cũng đã sử dụng lối lý luận nguyên nhân và hậu quả thông thường khi khẳng định rằng: “Vả, chẳng có một cái nhà nào không bởi có người dựng nên, mà Đấng dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 3:4).
Luận chứng về các qui luật đạo đức
Chắc chắn đây là điều gần gủi nhất bởi vì bạn và những người thân trong gia đình của bạn đang kinh nghiệm. Tại sao loài người ở khắp nơi trên thế giới đều nhận biết về một qui luật đạo đức chung? Mỗi ngày chúng ta thấy các chính trị gia, các bác sĩ, các luật sư, các nhà tâm lý học, các quan toà, các nhà xã hội học, các chủ bút, các nhân viên cảnh sát và nhân dân đang tranh cãi với nhau về công lý, công bằng, bình đẳng, khoan dung, thành thật, trách nhiệm, bổn phận, dân quyền, nhân quyền, quyền phụ nữ, v.v… Chúng ta tin rằng việc đối xử bình đẳng với mọi người là đúng. Chúng ta lên án nạn phân biệt chủng tộc, hiếp dâm, bạo động, hành hạ trẻ con, chiến tranh, tham nhũng, âm mưu, phản bội và nhiều hành vi hung ác khác. Chúng ta đang thực sự sống giữa một thế giới bị chi phối bởi những qui luật đạo đức. Những qui luật nầy từ đâu mà có?
Nếu không có Đức Chúa Trời thì không thể có những giá trị đạo đức khách quan. Nếu không có Đức Chúa Trời thì đạo đức trở thành một vấn đề thuộc sở thích bản thân. Các giá trị của bạn chỉ là ý riêng của bạn. Bạn phải tự phân biệt đúng sai không cần theo tiêu chuẩn nào. Nếu đạo đức không còn là vấn đề tuyệt đối thì bạn nghĩ sao khi một số nền văn hóa yêu thương người lân cận trong khi một số nền văn hóa khác lại ăn thịt kẻ láng giềng, bạn thích nền văn hoá nào?
Hãy thử suy nghĩ đến điều nầy. Nếu con người do tự nhiên tiến hóa thành thì làm sao giải thích được sự kiện trong hầu hết các nền văn hóa trên mặt đất, người ta đều đánh giá sự thật tốt hơn sự dối trá, tử tế tốt hơn ghen ghét, trung thành tốt hơn phản bội. Ở nền văn hóa Á Đông, ai cũng tôn trọng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu, đức hạnh. Liệu vật chất vô tri vô giác bằng một cách nào đó đã tình cờ tạo nên một hệ thống giá trị đạo đức rồi ghim sâu vào tâm trí và tấm lòng của hàng tỉ người đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới hay không?
Đạo đức không phải là vấn đề sở thích. Một điều sai thì sai dù người ta có cho là đúng. Chẳng hạn bạn thấy việc cướp của giết người, hành hạ trẻ con, khinh bỉ người tật nguyền… ở đâu cũng đều sai cả. Luôn luôn có sự khác nhau khách quan giữa đúng và sai. Làm sao bạn phân biệt đúng sai nếu bạn không có tiêu chuẩn nào để so sánh? Nếu có tiêu chuẩn đạo đức thì phải có Đấng lập nên tiêu chuẩn đó. Chính Đấng Tạo Hóa đã đặt tiêu chuẩn đó trong lòng mọi người, chúng ta không thể giải thích cách nào khác được. Một bằng chứng rõ ràng là lương tâm con người luôn luôn cắn rứt khi làm điều gì sai quấy. Có người nhận xét đúng khi nói về một con cọp giết người vẫn nằm ngủ ngon giấc nhưng cũng một hành động đó kẻ sát nhân không thể ngủ yên. Thánh Kinh khẳng định: “Việc nầy chứng tỏ các nguyên tắc luật pháp đã được ghi vào lòng họ, lương tâm cũng làm chứng khi lên tiếng buộc tội hay biện hộ” (Rô-ma 2:15).
Điều lạ lùng trên thế giới là có những người tự xưng theo chủ nghĩa Vô thần đang làm hội viên của những hội từ thiện, bác ái. Theo định nghĩa, một người Vô thần tin rằng loài người không phải là loài thọ tạo được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và không có một qui luật đạo đức thiên phú nào phú bẩm trong lòng người cả. Trong khi đó chính một số người Vô thần đang lớn tiếng kêu gọi người khác vận dụng qui luật đạo đức để bảo vệ môi trường, tha nợ cho các nước nghèo và giúp đỡ những người cùng khốn. Nếu mọi người chỉ là kết quả tình cờ thì tại sao ta phải quan tâm đến sự tình cờ của người khác? Bạn thấy không, trong thực tế không ai sống đời với thuyết Vô thần mà không tự mâu thuẩn với chính mình.
Có một câu chuyện thật về một sinh viên Triết Học đã viết một luận văn lý luận rằng không có gì tuyệt đối và mọi sự đều tương đối cả. Xét về nội dung, tài liệu, cách trình bày thì bài luận văn đáng được điểm “A”. Tuy nhiên, vị Giáo sư đã cho anh điểm “F” với lời ghi chú, “Tôi không thích bìa tập màu xanh!” Khi anh sinh viên nhận được điểm về bài luận văn, anh rất giận và chạy vào văn phòng giáo sư để kiện,
“Thế nầy là không công bằng! Thầy chấm điểm không đúng! Thầy phải chấm điểm theo nội dung bài viết chứ không phải chấm theo màu sắc của bìa tập.”
Vị Giáo sư nhìn vào mắt của anh sinh viên và hỏi, “Có phải bài nầy lý luận rằng không có những nguyên tắc đạo đức khách quan nào như công bằng, công lý và mọi sự đều là tương đối theo sở thích bản thân không?”
Anh sinh viên nhanh chóng trả lời, “Vâng! Vâng! Đó là bài luận văn của tôi!”
Vị Giáo sư nói, “Thế à, vậy tôi không thích tập bìa màu xanh. Điểm tôi cho bài nầy vẫn là “F”.
Bỗng nhiên anh sinh viên hiểu ra, anh tin tưởng ở sự công bằng, công lý và anh cũng mong người khác áp dụng cho anh!
Không ai tránh được những qui luật đạo đức khi sống giữa thế gian nầy.
Luận chứng về những kinh nghiệm tôn giáo
Luận chứng nầy dựa trên sự kiện có hàng triệu người đáng tin, đáng kính trên thế giới đang cảm thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đang cảm nhận sự dẫn dắt của Ngài và đang kinh nghiệm sức mạnh của Ngài thêm sức cho họ trong những công việc họ làm. Chúng ta không nói đến một vài trăm hay một vài ngàn nhưng nói đến hàng triệu, hàng tỉ người, trong số đó có những nhà chính trị, những nhà tri thức, những nhà tư tưởng, những khoa học gia, những nhà xã hội, những nhà kinh tế, những sử gia, luật gia, những nhà đạo đức và đủ mọi hạng người khắp nơi trên thế giới đã và đang làm chứng cho một kinh nghiệm thực sự với Đức Chúa Trời. Tất cả đều có một tiếng nói chung về việc họ cảm thấy được Đức Chúa Trời yêu thương, chăm sóc, dẫn dắt, tha thứ và được Ngài đổi mới, ban bình an, tin yêu, hy vọng. Họ biết Ngài thực hữu vì họ đã gặp được Ngài qua Chúa Cưú Thế Giê-su. Họ là những Cơ-đốc Nhân hay những Ki-tô Hữu. Họ đang ở khắp mọi nơi chung quanh bạn.
Không lẽ cùng một lúc hàng triệu người trên thế giới cùng bị thôi miên? Không lẽ hàng tỉ người cùng đang nói dối về kinh nghiệm của mình? Không lẽ hàng tỉ người đang cùng âm mưu để gạt gẫm người ta? Bạn nghĩ sao về sự tồn tại của các tôn giáo? Phải chăng đó chính là cố gắng của con người đi tìm Đấng Tối Thượng trải qua bao nhiêu thế kỷ trong dòng lịch sử của loài người. Bạn nghĩ sao về Cơ-đốc Giáo khi Chúa Cưú Thế, Đấng sáng lập Cơ-đốc Giáo, đã tự khẳng định là con đường duy nhất dẫn loài người đến cùng Đấng Tối Thượng? Bạn biết không, Cơ-đốc Giáo là cố gắng của Đấng Tối Thượng tìm kiếm loài người.
Các tôn giáo chính trên thế giới đang tôn thờ Đấng Tối Thượng.
Tất cả các tôn giáo đều tin có sự thực hữu của Đức Chúa Trời và có sự thưởng phạt ở đời sau. Cơ-đốc Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo tin tưởng sự thực hữu của một Đức Chúa Trời Tối Thượng. Trong khi đó, Ấn-độ Giáo, Khổng Giáo và Phật Giáo tin có Đấng Tối Thượng nhưng lại có những quan niệm khác nhau về Ngài là Đấng như thế nào. Số người tự xưng là vô thần không nhiều so với dân số thế giới.
Nhiều người đang âm thầm “Thờ Chúa Không Biết”
Nhiều gia đình người Việt Nam đã lập bàn thờ “Ông Thiên” ở trước nhà để thờ Trời. Ngày xưa, mỗi năm nhà vua thay mặt nhân dân lập đàn tế Trời. Người Việt đã biết thờ Trời trước khi có Khổng Giáo, Phật Giáo và các tôn giáo khác du nhập vào nước ta. “Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
Những người thờ Trời đều biết có Đức Chúa Trời Tối Thượng cần phải tôn thờ nhưng chưa biết Ngài là ai, chưa biết thờ thế nào cho đẹp lòng Ngài. Nhiều người Việt Nam chưa bắt được liên lạc với Đức Chúa Trời, chưa thiết lập được mối quan hệ phụ tử với Ngài.
Ngày xưa, trong thế kỷ thứ nhất, tại thành phố A-thên, thủ đô nước Hy-lạp, người ta theo triết lý Hy-lạp và thờ đủ thứ thần. Họ theo Triết học phái Epicurean (Hưởng Lạc) hoặc theo Triết học phái Stoic (Khắc Kỷ). Nhưng họ vẫn không yên tâm vì chưa biết Đấng Tối Thượng là ai. Vì thế họ lập một bàn thờ, “Thờ Chúa Không Biết.” Đức Chúa Trời đã không để cho người Hy-lạp tiếp tục lầm lạc nữa. Ngài đã sai sứ giả của Ngài đến với họ. Sứ đồ Phao-lô đã được Đức Chúa Trời sai phái đến thành A-thên và rao giảng:
“Vậy, Đấng các người thờ mà không biết đó, là Đấng ta đang rao truyền đây: Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất… Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống và mọi vật cho mọi người. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thời giờ đời người ta và giới hạn chỗ ở. Chúa đã tạo điều kiện cho con người tìm kiếm Ngài và cố gắng vươn lên để tìm gặp Ngài, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta, vì tại trong Ngài chúng ta được sống, động và hiện hữu… Trước kia loài người không biết Chúa, Ngài đã rộng lòng tha thứ, nhưng bây giờ Chúa truyền cho mọi người khắp thế giới phải ăn năn thờ phượng Ngài. Vì Chúa đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian, do Người Ngài đã chọn. Đức Chúa Trời đã xác nhận uy quyền của Người khi khiến Người từ kẻ chết sống lại…”(Công vụ Sứ đồ 17:22-31).
Đấng Tối Thượng mà loài người khắp nơi đang kính thờ mà không biết chính là Đức Chúa Trời đã hiện thân giữa loài người qua thân vị Đức Chúa Giê-su.
Loài người không thể sống mà không cần Đức Chúa Trời!
Có một số người đang sống nhờ ơn Đức Chúa Trời mỗi ngày nhưng ngoài miệng thì cứ lớn tiếng như là mình không cần đến Ngài. Thật ra người nói mình không cần Chúa là người dối lòng và không thực tế.
Có một câu chuyện rất có ý nghĩa kể về một nhà vô địch quyền anh hạng nặng, đáp máy bay đến điểm hẹn thi đấu. Sự thành công nơi đấu trường làm cho nhà vô địch trở nên tự phụ tự mãn. Trong lúc đó máy bay đang rơi vào chỗ có thời tiết thật xấu, máy bay chòng chành lên xuống. Phi công bắt đầu báo động, ông đang có ý muốn nói rằng, “Nếu bạn có niềm tin tôn giáo, thì đây là lúc bạn hãy bắt đầu bày tỏ đi.” Các hành khách được nhắc nhở phải nịt giây an toàn ngay. Mọi người vâng theo nhưng nhà vô địch quyền anh kia không chịu. Để ý thấy vậy, một nữ tiếp viên đến yêu cầu anh thi hành lệnh của phi công. Nhưng anh lớn tiếng trả lời,
– “Siêu nhân không cần nịt giây an toàn.”
Cô nữ tiếp viên lập tức nói thẳng,
– “Vậy siêu nhân cũng không cần đi máy bay.”
Bạn không thể sống mà không cần Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su phán, “Đức Chúa Trời khiến mọc trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác” (Ma-thi-ơ 5:45). Đức Chúa Trời vẫn yêu thương bạn mặc dù bạn không biết yêu thương Ngài. Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục ban ơn cho bạn mặc dầu bạn chưa biết mở miệng cảm ơn Ngài. Ngài không thể làm trái với bản tính của Ngài.
Đức Chúa Trời của Cơ-đốc Giáo là Đấng Tối Thượng
Không một người nào chân thành tìm kiếm chân lý về Đấng Tối Thượng mà thật sự thoả lòng khi “bắt đầu với con người rồi suy luận dần lên”. Như vậy con đường khôn ngoan nhất là hãy “bắt đầu với Đấng Tối Thượng và chấp nhận những gì Ngài đã mặc khải cho chúng ta.”
Kinh Thánh khẳng định Đức Chúa Trời thực hữu
Kinh Thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, là quyển sách duy nhất Đức Chúa Trời dùng để mặc khải cho loài người biết Ngài là ai và Ngài đã làm gì cho nhân loại chúng ta. Đức Chúa Trời đã tự bày tỏ chính mình Ngài qua lịch sử Thánh Kinh và qua Con Một của Ngài là Chúa Cưú Thế Giê-su.
Cơ-đốc Giáo tin rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng thần linh, vô hạn, vĩnh cửu, và bất biến trong bản chất, khôn ngoan, quyền năng, thánh khiết, công chính, tốt lành và chân thật của Ngài.” “God is a Spirit, infinite, eternal, and unchangeable in his being, wisdom, power, holiness, justice, goodness, and truth” (Westminster Shorter Catechism).
Kinh Thánh mô tả rõ ràng về sự thực hữu của Đức Chúa Trời và bản tánh của Ngài.
Đức Chúa Trời Tự Xưng là Đấng Tối Thượng: “Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem Ta và được cứu! Vì Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác” (Ê-sai 45:22). “Ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước Ta và cũng chẳng có sau Ta nữa. Ấy chính Ta, chính Ta là Đức Giê-hô-va, ngoài Ta không có Cưú Chúa nào khác” (Ê-sai 43:10-11). “Ta là đầu tiên và cuối cùng. Ngoài Ta không có Đức Chúa Trời nào khác” (Ê-sai 44:6). Đức Chúa Trời là Đấng Tối Thượng nên không ai lớn hơn Ngài. Ngài là Đấng duy nhất đáng cho chúng ta tôn thờ.
Đức Chúa Trời là Đấng Tự Có và Hằng Có: “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Rồi Ngài lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự Hữu đã sai ta đến cùng các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14). Đức Chúa Trời tự hữu nên không ai tạo nên Ngài, không ai có trước Ngài. Ngài hằng còn, hằng có mãi mãi.
Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng Thế Ký 1:1). “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Giăng 1:1-3). Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá nên Ngài khác với các tạo vật do Ngài dựng nên. Danh xưng Ngôi Lời và Con Một Đức Chúa Trời chỉ về Chúa Cưú Thế Giê-su là Đấng Tạo Hóa
Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh: “Chẳng hề có ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ có Con Một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1:18). “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ phượng Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng” (Giăng 4:24). Đức Chúa Trời là Thần nên không ai có thể thấy Ngài bằng mắt thường nhưng Ngài luôn luôn thấy rõ chúng ta. Không ai được phép tạc tượng về Ngài để thờ bởi vì làm như thế là hạ thấp Ngài, không tôn vinh Ngài. Hơn nữa Đức Chúa Trời lên án việc thờ hình tượng, Ngài đặt việc thờ hình tượng thành một trong Mười Điều Răn Cấm của Ngài.
Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16). “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, để chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9). Đức Chúa Trời yêu thương loài người nên Ngài đã giáng thế để “tìm và cứu kẻ bị hư mất.” Kinh Thánh mô tả Đức Chúa Trời đã bước vào lịch sử của nhân loại và hiện thân thành người trong thân vị Chúa Cứu Thế Giê-su.
Đức Chúa Trời ban thưởng cho người tìm kiếm Ngài. ” Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thể nào ở cho đẹp ý Ngài, vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Đức Chúa Trời ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài nhưng Đức Chúa Trời sẽ phán xét những người chối bỏ Ngài, không chịu tìm kiếm Ngài, không chịu tôn thờ Ngài.
Kinh Thánh còn mô tả Đức Chúa Trời là Đấng biết hết mọi sự, làm được mọi sự, ở khắp mọi nơi, không bao giờ thay đổi. Ngài là Đấng yêu thương nhưng cũng là Đấng Thánh Khiết, Ngài công bình nhưng giàu lòng thương xót. Ý muốn của Ngài luôn luôn tốt lành. Sự cưú rỗi của Ngài là một Tin Mừng. Sự cứu rỗi của Ngài là một món quà. Mời bạn hãy tìm đọc, học, nghiên cưú và làm theo Kinh Thánh để kinh nghiệm thêm về Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào và Ngài đã làm gì cho nhân loại chúng ta.
Kinh Thánh khẳng định Đức Chúa Trời là Đấng có nhân tính
Đức Chúa Trời đã được bày tỏ trong Kinh Thánh khác hẳn với các ý niệm về Ngài trong các tôn giáo khác. Trong một số tôn giáo Á Đông, kể cả Ấn-độ Giáo và Phật Giáo, Đấng Tối Thượng được quan niệm như là một lực lượng phi nhân tính, chứ không phải là “Cha chúng con ở trên trời” như Cơ-đốc Giáo tin tưởng. Ấn-độ Giáo theo thuyết Phiếm thần (Pantheism) tin rằng mọi sức mạnh và vạn vật trên vũ trụ là Đức Chúa Trời. Đá, cây, thú vật, quả đất, loài người… tất cả đều là một phần của Đức Chúa Trời. Thuyết nầy diễn tả: Vạn vật là Trời, Trời là vạn vật. Vì vậy, vấn đề tiếp theo là ta phải quyết định tin Đấng Tạo Hóa nầy là một Hữu Thể phi nhân tính hay có nhân tính. Ngài với tạo vật do Ngài dựng nên là một hay là Ngài độc lập với các tạo vật do Ngài dựng nên?
Sự trật tự của vũ trụ và vẻ đẹp của vạn vật cho thấy khi sáng tạo thế giới Đấng Tạo Hóa có kiểu mẫu trong đầu óc của Ngài giống như vị Kiến trúc sư xây dựng một công trình có bản vẽ trong tay. Chỉ cần nhìn vào sự cấu tạo và hoạt động của các bộ phận trong cơ thể con người, vô cùng phức tạp, tinh vi, nhạy cảm, không thừa không thiếu, với mục đích và công dụng rõ ràng của từng cơ quan, bộ phận cũng đủ thấy đầu óc kỳ diệu lạ lùng của Đấng Tạo Hóa là thể nào. Nhìn vũ trụ hiện hữu có trật tự, có kiểu mẫu đẹp đẽ, có mục đích hữu dụng như vậy, chúng ta phải đi đến kết luận rằng Đấng Tạo Hóa phải có nhân tính giống như con người và cao cả hơn con người rất nhiều, chứ không thể là một lực lượng vô tri, vô giác và phi nhân tính.
Sự hiện hữu của loài người và nhân tính của loài người là một bằng chứng hùng hồn nữa không chối cải được chứng minh Đức Chúa Trời có nhân tính. Sự hiện hữu của một người bao gồm thân xác, linh hồn và ý thức sống động của người đó. Nhân tính một người bao gồm lý trí, tình cảm và ý chí của người đó. Phi nhân tính nghĩa là không có khả năng suy nghĩ, cảm xúc, hoặc lựa chọn. Người có nhân tính là người có khả năng lựa chọn và quyết định. Trong chính con người có những khả năng lạ lùng, sống động như sự suy nghĩ, óc tưởng tượng, khả năng nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc, óc sáng tạo, khả năng cải thiện môi trường sống. Trong chính con người có những giá trị đạo đức mà ai cũng thừa nhận như sự thành thật, công bình, can đảm, hy sinh, tha thứ, nhân từ, đức tin, hy vọng, yêu thương… Tất cả những khả năng đó đều là khả năng thiên phú, dẫn người ta đến chỗ thừa nhận Đấng Tạo Hóa phải là Đấng Toàn Năng có thiên tính, nhân tính và hằng hữu. Loài người là sinh vật thọ tạo cao cả của Đấng Tạo Hóa được Ngài ban phú khả năng để cùng Ngài cai trị thế giới đẹp đẽ do Ngài dựng nên.
Không ai liên tục sống với triết lý loại bỏ ý nghĩa, giá trị và mục đích của cuộc sống. Khát vọng sống có mục đích là nhu cầu thiêng liêng của con người chắc chắn phải phát xuất từ Đấng Tạo Hoá Thiêng Liêng. Kinh Thánh cho biết loài người có những khả năng thiên phú khác hơn muôn loài vạn vật là vì loài người đang mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng có nhân tính nghĩa là Ngài yêu thương bạn và có một chương trình tốt đẹp cho đời sống bạn. Ngài vui mừng khi bạn trở về với Ngài và làm điều đẹp lòng Ngài. Ngài sẽ buồn lòng khi bạn xây lưng lại với Ngài và tiếp tục đi theo ý riêng của bạn. Bạn có muốn khám phá chương trình kỳ diệu Chúa dành cho bạn không?
Thánh Augustine of Hippo đã phát hiện ra rằng: “Ngài là Đấng dựng nên chúng con cho chính mình Ngài và tâm hồn chúng con không thể nào yên nghỉ cho đến khi chúng con được yên nghỉ trong Ngài.” (You have made us for Yourself and our heart are restless until they rest in You.)
Theo lời mặc khải của Đức Chúa Trời, các tạo vật do Chúa dựng nên đều có dấu ấn sáng tạo của Đức Chúa Trời. Loài người được Đức Chúa Trời dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Tuy nhiên các tạo vật không phải là Đức Chúa Trời cũng như cái nhà không phải là chủ nhà. Đức Chúa Trời dựng nên loài người nên con người không phải là Đức Chúa Trời. Những hình tượng do con người tạc nên không phải là Đức Chúa Trời. Hình ảnh “Thượng Đế” trong các chuyện cổ của người Trung Hoa không phải là Đức Chúa Trời chân thật. Hình ảnh các thần trong thần thoại Hy-lạp không phải là Đức Chúa Trời chân thật. Hình ảnh Đức Chúa Trời Chân Thần phải do Ngài mặc khải chứ không thể do trí óc con người tưởng tượng. Đức Chúa Trời hoàn toàn độc lập với thế giới tạo vật do Ngài dựng nên.
Nếu tin Đức Chúa Trời và vạn vật là một có nghĩa là tin Đức Chúa Trời vừa là Đấng Sáng Tạo vừa là vật thọ tạo, vừa là thiện vừa là ác, vừa xấu vừa tốt, vừa hữu hình vừa vô hình, vừa hữu hạn vừa vô hạn, vừa thay đổi vừa bất biến, vừa vô tri vừa tri giác, vừa công bình vừa bất công… Cơ-đốc Giáo không chấp nhận thuyết Phiếm Thần. “God Is God And I Am Not.” Lý trí bình thường của con người không thể chấp nhận ý niệm nầy. Thuyết Phiếm Thần là một triết thuyết tôn giáo chứ không phải là chân lý. Chân lý chỉ có ở trong Đức Chúa Trời và Lời Hằng Sống của Ngài.
Kinh Thánh khẳng định Chúa Giê-su là hiện thân của Đức Chúa Trời
Đức Chúa Trời Tạo Hóa cũng là Đức Chúa Trời Cưú Rỗi chúng ta. Ngài đã hoạch định chương trình cứu rỗi nhân loại qua công lao thực hiện sự cưú rỗi của Con Một Ngài là Đức Chúa Giê-su. Bằng chứng hùng hồn nhất chứng minh Đức Chúa Trời thực hữu và có nhân tính là Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su là hiện thân của Đấng Tối Thượng.
Đức Chúa Giê-su là Đấng duy nhất tự xưng là Con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời mang thân xác con người, ngang hàng với Đức Chúa Trời, vô tội như Đức Chúa Trời, có quyền tha tội, có quyền ban sự sống đời đời, đáng được nhân loại tôn thờ. Bằng chứng hùng hồn nhất chứng minh cho lời tuyên bố của Đức Chúa Giê-su là cuộc đời, lời nói, việc làm, những phép lạ, những bài giảng, sự chết và sự phục sanh của chính mình Ngài. So với tất cả những giáo chủ các tôn giáo khác, chỉ có một mình Đức Chúa Giê-su dám tuyên bố và hành động như một Đức Chúa Trời ở giữa loài người.
Kinh Thánh khẳng định: “Không ai nhìn thấy Đức Chúa Trời ngoại trừ Chúa Cứu Thế là Con Một của Đức Chúa Trời. Chúa Cứu Thế sống trong lòng Đức Chúa Trời và xuống đời dạy cho loài người biết về Đức Chúa Trời “(Giăng 1:18). Kinh Thánh mời gọi: “Hãy tin Chúa Giê-su thì ngươi và cả nhà ngươi đều được cưú rỗi” (Công Vụ Sứ Đồ 16:31). Kinh Thánh xác tín: “Chẳng có sự cưú rỗi trong một Đấng nào khác, vì ở dưới trời, chẳng có Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cưú” (Công vụ Sứ đồ 4:12). Chúa Giê-su phán quả quyết: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Cuộc đời và ảnh hưởng của Chúa Giê-su xác nhận hoàn toàn Ngài là hiện thân của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời Tạo Hóa cũng là Đức Chúa Trời Phán Xét chúng ta. Kinh Thánh khẳng định sẽ có một ngày tất cả những người không tin Đức Chúa Trời thực hữu, những người không tin Đức Chúa Trời là Đấng đã được mặc khải trong Kinh Thánh và trong Chúa Cưú Thế Giê-su đều sẽ bị ứng hầu trước Tòa Án Lớn Và Trắng của Đức Chúa Trời. Đây là Tòa Án Chung Thẩm và Đức Chúa Trời ngồi ghế Chánh Án.
“Tôi thấy những người đã chết, cả lớn và nhỏ đều đứng trước ngai. Các cuốn sách đều mở ra, kể cả Sách Sự Sống. Người chết được xét xử tùy theo công việc thiện ác họ làm mà các sách đó đã ghi. Sự Chết và Âm Phủ cũng giao nộp người chết chúng giam cầm. Mỗi người bị xét xử tùy theo công việc mình đã làm. Sự Chết và Âm Phủ bị quăng xuống Hồ Lửa. Vào Hồ Lửa là chết lần thứ hai. Người nào không có tên trong Sách Sự Sống đều bị ném xuống Hồ Lửa” (Khải Huyền 20:11-15).
Bạn thân mến. Đây là lời cảnh cáo nghiêm trọng, bạn không nên coi thường. Cơ hội để được thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời đang ở trong tầm tay bạn. Chúa Giê-su tuyên bố: “Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến Danh Con Một Đức Chúa Trời” (Giăng 3:18).
Cách duy nhất để khỏi bị Đức Chúa Trời phán xét là tin cậy Danh Con Một Đức Chúa Trời là Đức Chúa Giê-su.
Bạn cần một lựa chọn hợp tình, hợp lý nhất
Những luận chứng trên đây có thể không thay đổi quyết định có sẵn của những người cố tình phủ nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời nhưng nó sẽ giúp cho những người thật lòng không biết Đức Chúa Trời thực hữu hay không, có cơ hội nhận thấy được sự hợp tình, hợp lý của đức tin nơi sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Chúng tôi không trông mong bất cứ ai tin tưởng sự thực hữu của Đức Chúa Trời khi chỉ dựa vào lý trí và kinh nghiệm tôn giáo của người khác mà thôi, nhưng hãy thử bao gồm hết tất cả các luận chứng nói trên cùng một lúc, hãy lấy công tâm mà suy nghĩ, tôi hy vọng rằng bạn sẽ được thuyết phục để tin rằng vũ trụ có một Đấng sáng tạo, thế giới có người vẽ kiểu, các qui luật đạo đức phải có tác giả. Đấng Tạo Hóa đó chúng tôi xưng là Đức Chúa Trời Tự Hữu Hằng Hữu và chúng tôi tin Ngài là Đấng Tối Thượng. Chúng tôi đang yêu mến, cảm tạ và tôn thờ Ngài.
Giả sử một Bác sĩ bảo cho bạn biết rằng bạn đang mắc phải chứng bịnh hiểm nghèo. Bạn có may mắn “50-50” để sống nếu bạn đồng ý cho Bác sĩ giải phẩu. Sự lựa chọn tùy ở bạn. Dĩ nhiên là bạn chọn biện pháp giải phẩu bởi vì biện pháp nầy chắc chắn là tốt hơn không làm gì cả.
Vấn đề chọn lựa tin tưởng và tôn thờ Đức Chúa Trời còn quan trọng hơn rất nhiều. Sự chọn lựa nầy quyết định số phận của bạn trong đời nầy và cả đời sau. Kinh Thánh quả quyết: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Chết không phải là hết. Người Việt thường quan niệm chết là về “Chầu Trời.” Dù muốn hay không sau khi chết, mỗi người chúng ta đều phải ứng hầu trước mặt Chúa và phải trả lời với Ngài. Kinh Thánh khẳng định: “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt” (2 Cô-rinh-tô 5:10). Bạn không cần phải chịu phán xét khi về chầu Trời. Bởi vì Kinh Thánh khẳng định: “Hiện nay chẳng còn có sự định tội nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-su” (Rô-ma 8:1). Bạn chỉ cần được ở trong Đức Chúa Giê-su.
Bạn nên dành ít thì giờ để cân nhắc và so sánh hậu quả thiệt hơn giữa hai thái độ tin Chúa và không tin Chúa.
Nếu bạn không tin có Đức Chúa Trời và trong thực tế không có Đức Chúa Trời nào cả thì trong đời nầy bạn được gì? Bạn sẽ được tự do muốn làm gì thì làm miễn là không phải vào tù vì những hành vi phạm pháp mà thôi, phải không? Còn gì nữa? Bạn sẽ sống mà không còn bị bất cứ những qui luật đạo đức nào ràng buộc. Bạn chỉ được những điều tạm bợ trần gian. Bạn đến trên đời nầy rồi bạn sẽ ra đi khỏi đời nầy trong sự hư không, không để lại gì và không đem gì theo trong cõi vĩnh hằng.
Nhưng nếu bạn không tin có Đức Chúa Trời và thực tế Đức Chúa Trời có thật, thì bạn sẽ được gì và bạn sẽ mất gì? Bạn không được gì cả và bạn sẽ mất tất cả. Cái mất to lớn nhất là mất ý nghĩa, mất mục đích, mất bình an tâm linh trong cuộc sống hiện tại và cuối cùng sẽ là mất linh hồn.
Ngược lại nếu bạn tin có Đức Chúa Trời và thực tế Ngài thực hữu đúng như Kinh Thánh mặc khải, thì bạn có được tất cả. Bạn có được sự bình an, hy vọng, thương yêu, sự sống có ý nghĩa và sự sống vĩnh cửu. Bạn có Đức Chúa Trời là Cha, bạn không phải là đứa trẻ mồ côi. Đây chính là lý luận khởi xướng từ nhà Toán Học và Vật Lý Học người Pháp Blaise Pascal trong thế kỷ 17.
Mong bạn hãy nghĩ kỹ đến sự so sánh nầy. Nếu bạn không tin thờ Chúa, bạn không được gì cả và bạn sẽ mất tất cả. Nếu bạn tin cậy Đức Chúa Trời, bạn chẳng những không mất gì cả mà có được tất cả. Chúa Giê-su có lần đã cảnh cáo: “Một người nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy chi mà đổi lại linh hồn mình?” (Ma-thi-ơ 16:26). Bạn thấy không, quyết định nầy quan trọng hơn là bạn tưởng rất nhiều, có phải không?
Bạn cần quyết định ngay hôm nay
Bạn không nên chần chờ. Thái độ “Ngày Mai Hãy Tính” là mánh khóe của Ma quỉ để lừa dối bạn. Bạn không cần hiểu hết mới tin. Bạn không cần thấy hết mới tin. Bạn đang có đủ mọi dữ kiện và kinh nghiệm để tin. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đang vận dụng đức tin để đi xe hơi, đi máy bay, đi tàu lửa, đi học, đi chợ, đi làm… chúng ta đang vận dụng đức tin để ăn, để uống, để ngủ, để yêu… Bạn không cần hiểu hết mới thực hành những sinh hoạt đó.
Một phi hành gia người Nga sau khi bay lên không trung lần đầu trở về đã tuyên bố: “Tôi không thấy Đức Chúa Trời ở trên ấy”. Một Mục sư người Mỹ đã bình luận: “Nếu cởi bộ áo phi hành bước ra khỏi phi thuyền, ông ấy sẽ thấy Đức Chúa Trời ngay.”
Bạn có nghe câu chuyện hai người kia đang bàn về tôn giáo không?
Một người nói: -“Tôi không hiểu thì tôi không tin.”
Người bạn hỏi: -“Anh đã ăn điểm tâm sáng nay chưa?”
-“Tôi ăn rồi, nhưng việc ăn uống dính dáng gì đến vấn đề tôn giáo?”
Người bạn hỏi tiếp: -“Anh có ăn bơ với bánh mì không?”
-“Có chứ!”
Người bạn tiếp: -“Vâng, vậy anh cho tôi biết làm thể nào một con bò màu đen pha đốm trắng ăn toàn cỏ xanh rồi sản xuất ra sữa trắng và từ sữa trắng người ta làm được bơ màu vàng không?”
-“Tôi không trả lời được!”
-“Vậy thì từ nay anh đừng ăn bơ uống sữa nữa!”
Bạn cần một lựa chọn đúng
Bạn cần có ngay một quyết định đức tin về Đức Chúa Trời như Thánh Kinh đã bày tỏ. Bạn quyết định tiếp tục phủ nhận Ngài, hoặc là bạn quyết định tôn thờ Ngài. Đức Chúa Trời có thật và thái độ chần chờ, phân vân, thờ ơ, không quyết định của bạn là hành động thiếu khôn ngoan. Bạn không thể đứng trung dung. Bạn không quyết định gì cả về Chúa cũng có nghĩa bạn đang khước từ Ngài.
Hậu quả của một quyết định càng nghiêm trọng thì tính cách của quyết định đó càng quan trọng. Trong đời sống hằng ngày, bạn quyết định uống ly nước Coca Cola hay là uống ly nước Pepsy, thì hậu quả không khác nhau bao nhiêu. Nhưng nếu bạn vô tình uống một ly nước có thuốc độc mà bạn tưởng là một ly nước thường, thì hậu quả sẽ khác nhau rất nhiều. Người tin Chúa và người không tin Chúa có số phận rất khác nhau. Đó là sự khác nhau giữa bình an và bất an, giữa sống và chết, sự khác nhau giữa Thiên đàng và Địa ngục. Bạn phải có một quyết định khôn ngoan, sáng suốt nhất.
Bây giờ bạn chọn quyết định tin có Đức Chúa Trời, bạn tin đúng. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Bạn hãy bỏ ngay thái độ, “Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao…” Bạn tin có Chúa như thế bạn vẫn còn ở bên ngoài Chúa, bạn chưa phải là con trong gia đình của Ngài. Bạn chưa được cưú rỗi. Đức Chúa Giê-su có lần cảnh cáo: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21).
Bạn phải vâng theo lời dạy bảo và chỉ dẫn cụ thể của Ngài trong Kinh Thánh. Bạn phải ăn năn tội lỗi nghĩa là bạn phải quay bỏ khỏi ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa. Bạn phải tin cậy lòng tốt của Chúa hoàn toàn. Bạn phải nhờ cậy Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su là Đấng đã chịu chết thay đền tội cho bạn. Bạn phải thiết lập mối quan hệ với Ngài như người con đi hoang, trôi giạt xa nhà nay tỉnh ngộ và quyết định đứng dậy trở về nhà Cha. Đừng tự thị tự mãn, hãy hạ mình trước sự hiện diện của Chúa. Đừng cậy sức riêng nữa, hãy nhờ cậy Chúa. Hãy nhận lãnh món quà quí báu Chúa ban. Hãy chấp nhận điều kiện của Chúa, đừng đặt điều kiện của mình. Hãy quay về nhà Cha, đừng chạy trốn nữa. Bạn không thể trốn khỏi sự hiện diện của Chúa, bạn không thể trốn khỏi sự phán xét của Chúa, bạn cũng không thể kháng cự ân điển của Chúa và chắc chắn bạn không thể yên tâm khi nói “Không” với Ngài.
Nếu bạn thật lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời và muốn biết Ngài là ai, tôi đề nghị bạn hãy thật lòng kêu cầu Chúa bằng tiếng nói riêng của bạn hoặc bằng mấy lời tương tự sau đây:
“Kính lạy Đức Chúa Trời. Nếu Ngài thực hữu và Chúa Giê-su là Con Một của Ngài như Kinh Thánh khẳng định, xin hãy làm ơn giúp con thấy rõ bằng chứng để con có thể tin Ngài và theo Ngài suốt đời con. Muốn thật hết lòng.”
Đức Chúa Trời biết rõ lòng bạn và Ngài nghe rõ những tiếng lòng của bạn. Bạn hãy tìm đọc Thánh Kinh. Bạn hãy đặt câu hỏi cho các Mục sư hoặc những người tin Chúa.
Khi Chúa Giê-su còn ở thế gian nầy, có một người tên là Giăng Báp-tít nhận nhiệm vụ giới thiệu Đấng Cưú Thế cho thế gian. Ông đã bị Vua Do Thái đương thời bắt bỏ tù vì đã dám ngăn Vua phạm tội. Ở trong tù bị xiềng xích khổ sở, ông bỗng thấy hoài nghi. Ông sai môn đồ đến hỏi Chúa Giê-su: “Ngài có phải là Đấng Cưú Thế phải đến hay chúng tôi phải đợi Đấng khác?” Chúa Giê-su không trả lời ngay rằng phải hay không. Ngài phán: “Hãy về thuật lại cho Giăng những điều các ngươi đương thấy và nghe: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại và Tin Lành được giảng cho kẻ nghèo” (Lu-ca 7:22). Chúa Giê-su đã đưa ra những bằng chứng cụ thể để ông Giăng tự mình rút ra kết luận và ông Giăng đã chịu thuyết phục trước những bằng chứng. Tưởng cũng nên biết rằng những việc lạ lùng Chúa Giê-su đã làm trước mắt dân chúng đã ứng nghiệm những lời Tiên Tri nói về Đấng Cưú Thế trong Kinh Thánh Cựu Ước mà ông Giăng đã biết rõ.
Chúa Giê-su đã giới thiệu những bằng chứng vừa đủ cho những người sẵn lòng tin và muốn tin. Ngài cho mọi người quyền tự do quyết định. Chúa Giê-su luôn luôn đáp ứng những người chân thành muốn biết và tin chân lý. Ngài chính là đường đi, chân lý, và sự sống. Ngài là Đấng duy nhất mà bạn và tôi đang cần.
Bạn có quyền xem xét những bằng chứng tai nghe mắt thấy. Bạn hãy áp dụng nguyên tắc “Xem Trái Biết Cây.” Hãy thử so sánh các triết lý tôn giáo đã có ảnh hưởng như thế nào đến những dân tộc, và những người đi theo các triết lý tôn giáo đó. Hành động của một người thường là kết quả của những điều người đó tin. Hãy so sánh kết quả của các tôn giáo Á Đông ở Á Châu và kết quả của Cơ-đốc Giáo ở các nước Âu Mỹ cũng như khắp nơi trên thế giới, bạn sẽ thấy ngay. Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật và lẽ thật sẽ giải phóng các ngươi.” Tôi tin chắc Lời Chúa phán là chân lý. Lời Chúa sẽ giải phóng bạn thoát khỏi cảnh tối tăm, nô lệ, bất hạnh và dẫn bạn đến chỗ sáng láng, tự do, hạnh phúc khi bạn quyết tâm tin tưởng và vâng theo Lời Chúa.
Bạn cần một tâm hồn khiêm nhường như con trẻ
“Lúc đó Đức Chúa Giê-su nói rằng: Hỡi Cha là Chúa của Trời đất, tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay. Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành…” Đức Chúa Giê-su kêu gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta, thì linh hồn các ngươi được yên nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:25-30).
Có người nói rằng: “Nếu tôn giáo của bạn không thay đổi được bạn thì bạn nên thay đổi tôn giáo của bạn.” Bạn có đồng ý không?
Nguồn: Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com