“Một trong những câu hỏi mà tôi thường xuyên được hỏi là ‘Thưa mục sư, có tội lỗi nào mà Chúa không thể tha thứ được không?’
Theo Chúa Giê-xu, có một tội con người có thể phạm mà không bao giờ nhận được sự tha thứ dù là ở đời này hay trong cõi đời đời: nói phạm đến Đức Thánh Linh. Nhưng nói phạm đến Đức Thánh Linh có nghĩa là gì?”
Tiến-sĩ David Jeremiah giải thích cách duy nhất để hiểu những lời này là xem xét chúng trong ngữ cảnh của toàn bộ phân đoạn.
Dưới đây là 10 điều bạn cần biết về ‘tội lỗi không thể tha thứ’:
1. Chúa Giê-xu đề cập đến tội lỗi không thể tha thứ trong sách Phúc Âm của Mác.
Chúa Giê-xu đã đề cập đến chủ đề này trong Mác 3:20-30, phân đoạn kết thúc bằng những lời này: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy; nhưng ai nói phạm đến Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời” (Mác 3:28-29).
Đây là câu được trích dẫn bất cứ khi nào Cơ-đốc nhân đề cập đến vấn đề này. Nhưng phân đoạn này không dừng lại ở đó.
2. Để hiểu đúng phân đoạn nói về tội lỗi không thể tha thứ, bạn cần nhìn vào cụm từ cuối cùng.
Hãy xem lại lời kết của Chúa Giê-xu trong các câu 28-30: “’Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy; nhưng ai nói phạm đến Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời.’ Ngài phán như vậy, vì họ nói rằng: ‘Người bị tà ma ám.’”
Phân đoạn này đã là nguồn gốc của những hiểu lầm lớn trong cộng đồng các Cơ-đốc nhân. Để giải thích một cách chính xác, chúng ta phải bắt đầu bằng cụm từ cuối cùng, điều này giải thích tại sao Chúa Giê-xu đưa ra tuyên bố này. Ngài đưa ra sự dạy dỗ này vì những kẻ chống đối Ngài đang cáo buộc Ngài bị tà linh ô uế nhập (câu 22). Về bản chất, Chúa của chúng ta đang nói với họ, “Có một tội lỗi mà các ngươi sắp phạm phải. Các ngươi phải hết sức cẩn thận, bởi vì các ngươi sắp làm một điều mà không bao giờ nhận được sự tha thứ.”
3. Tội lỗi không thể tha thứ không phải là một sai lầm thiếu suy nghĩ.
Hãy để tôi nói một chút ở đây rằng tội lỗi không thể tha thứ không phải là điều gì đó mà một người vô ý phạm phải cách tình cờ. Các thầy thông giáo đến từ Giê-ru-sa-lem không chỉ làm việc này một cách tùy tiện nhất thời. Nếu bạn theo dõi các tham chiếu về các thầy thông giáo này trong suốt sách Mác, bạn sẽ thấy có sự tiến triển trong sự vô tín của họ. Ban đầu họ tò mò về Chúa Giê-xu và chức vụ của Ngài. Sau đó, họ đặt câu hỏi. Theo thời gian, họ trở nên thờ ơ; nhưng sau đó, sự thờ ơ của họ chuyển sang một thái độ ác ý dần trở nên căm ghét và mang tính thù địch đến nỗi cuối cùng đã đóng đinh Chúa Giê-xu Christ vào thập tự giá.
4. Có một động từ trong tiếng Hy Lạp chứng minh rằng đó không phải là một phản ứng nhất thời.
Trong câu chuyện của chúng ta ở Mác 3, có một sự thật thú vị mà chỉ được thấy rõ ràng trong Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp. Theo câu 22, các thầy thông giáo nói, “Người này bị Bê-ên-xê-bun ám.” Từ “nói” ở đây được chia ở dạng thì chưa hoàn thành. Nó có thể được dịch là, “Họ cứ nói hoài như vậy.” Đó không chỉ là vấn đề của một lời nói thiếu suy nghĩ đường đột hay một phản ứng nhất thời. Lời nói của họ thể hiện một thái độ cứng nhắc và một tấm lòng cay đắng không muốn ăn năn.
5. Điều này cho chúng ta thấy sự chối Chúa liên tục có thể là điều nguy hiểm nhất.
Khi Chúa cáo trách chúng ta về tội lỗi và nói cho chúng ta biết về Tin Lành của Ngài, thật là nguy hiểm nếu phớt lờ điều đó, đặc biệt nếu sự trì hoãn của chúng ta trở thành chứng bệnh kinh niên. Chúng ta cứ thế chống đối rồi lại chống đối. Sau một thời gian, tấm lòng chúng ta có thể trở nên chai sạn và tội lỗi đến mức linh hồn chúng ta trở nên chai lì. Đôi tai của chúng ta không thể tiếp nhận lẽ thật nữa. Tâm trí chúng ta rũ bỏ sự cáo trách của Thánh Linh. Chúng ta trở nên hoài nghi với lương tâm. Và mặc dù ân điển của Đức Chúa Trời vẫn còn dành cho chúng ta, nhưng chúng ta lại tự đẩy mình ra xa khỏi đó.
6. Biết Lời Chúa thôi thì chưa đủ.
Các thầy thông giáo này đã trở nên những người chống đối Chúa Giê-xu vì thái độ của tấm lòng họ đã trở nên xấu xa suốt một thời gian dài. Thật là bi thảm, vì các thầy thông giáo này đã dành cả đời để sao chép Lời của Đức Chúa Trời. Những người này cứ chép đi chép lại Kinh Cựu Ước. Mỗi ngày, họ phải viết bằng tay một cuộn Kinh Thánh cổ.
Họ đã chép Ê-sai 53, về Người Tôi Tớ chịu khổ. Họ đã sao chép Thi-thiên 22, về cái chết của Đấng Mê-si. Họ biết Mi-chê 5 và lời tiên tri về sự ra đời của Chúa chúng ta. Tuy nhiên, tấm lòng của họ đã trở nên chai cứng đến nỗi họ không thể nhận được ân điển của Ngài khi điều đó đến trong con người của Chúa Giê-xu.
7. Chúng ta có thể bị cứng lòng trước lẽ thật thuộc linh trong khi vẫn sống ở giữa nó.
Chúng ta có thể đến nhà thờ và đọc Kinh Thánh nhiều đến nỗi những lời này không còn gây ấn tượng nhiều với chúng ta nữa. Các thầy thông giáo đã quá quen thuộc với những điều tôn giáo đến nỗi khi Con Đức Chúa Trời xuất hiện, họ không biết Ngài là ai và họ cáo buộc Ngài là thuộc về Sa-tan.
8. Tội lỗi không thể tha thứ là chối bỏ thần tính của Đấng Christ.
Qua việc cho rằng các phép lạ của Chúa Giê-xu là đến từ Sa-tan, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã phủ nhận thần tính của Chúa Giê-xu Christ. Họ đang nói rằng Ngài không thể là Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, bằng những phép lạ của Ngài, Ngài đã cho thấy chính Ngài không gì khác hơn là Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được những gì Ngài đã làm. Những người theo Ngài tin vào thần tính của Ngài.
9. Khước từ Đức Thánh Linh và chối bỏ thần tính của Đấng Christ có liên hệ với nhau.
Chính Đức Thánh Linh là Đấng làm chứng cho thần tính của Đấng Christ trong thế giới của chúng ta ngày nay.
Vì vậy, khi bạn từ chối chấp nhận chức vụ của Đức Thánh Linh hoặc gán chức vụ của Ngài cho Sa-tan ma quỷ, bạn đã từ bỏ cơ hội cuối cùng để được cứu. Bạn phải tin Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời. Chúng ta phải chấp nhận lời chứng của Thánh Linh và hành động theo niềm xác tín mà Ngài mang lại.
10. Nếu bạn lo lắng rằng bạn có thể đã phạm một tội lỗi mà Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ… thì có thể bạn đã không phạm phải tội lỗi này đâu.
Ý nghĩ về một tội lỗi không thể tha thứ đã ám ảnh những Cơ-đốc nhân nhạy cảm qua mọi thế kỷ, và có thể điều đó cũng đã ám ảnh bạn. Tôi muốn nói rõ rằng nếu tâm linh bạn cảm thấy phiền muộn rằng bạn có thể đã phạm một tội lỗi mà Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ, thì việc bạn lo lắng về điều đó là bằng chứng cho thấy bạn đã không phạm tội. Nếu Ngài vẫn hành động trong lòng bạn, thì bạn không thể phạm phải tội lỗi không thể tha thứ. Thực tế bạn đang đọc bài viết này là một dấu hiệu to lớn cho thấy bạn không phạm phải tội lỗi không thể tha thứ được mô tả trong Phúc Âm Mác.
Tóm lại, như thế này mới là “tội lỗi không thể tha thứ”:
Về bản chất, tội lỗi không thể tha thứ sẽ khiến tấm lòng bạn chai sạn chống lại Đức Chúa Trời và liên tục từ chối đáp lại những lời kêu gọi của Ngài đối với linh hồn bạn. Bằng cách tiếp tục chống đối và từ chối Chúa, bạn tạo nên những vết chai trên tâm hồn mình cho đến khi sự cáo trách của Thánh Linh Chúa không còn trong lòng bạn nữa. Qua một thời gian, bạn trở nên cứng nhắc. Bạn nghe Lời Chúa và điều đó không ảnh hưởng gì đến bạn. Nếu bạn chết trong tình trạng đó, thì không có sự tha thứ nào nữa. Đối với những người từ chối Chúa Giê-xu Christ, không có sự tha thứ dù là ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, ở thế giới này hay thế giới tiếp theo. Ngài đã chết vì bạn, và nếu bạn từ chối điều đó, thì không có sự hy sinh nào khác cho tội lỗi.
Vì vậy, đừng lo lắng rằng bạn đã phạm phải tội lỗi không thể tha thứ. Nhưng nếu bạn không biết Chúa Giê-xu Christ là Cứu Chúa của cá nhân bạn, thì hãy lo lắng rằng bạn có thể đã phạm phải tội đó.
Suy ngẫm:
Bạn có đang chống Chúa?
Nếu bạn đã chống đối Đấng Christ và từ chối Ngài là Cứu Chúa của bạn, và nếu điều gì đó xảy ra và bạn chết, bạn sẽ phạm tội không thể tha thứ. Bạn không có cơ hội thứ hai sau khi chết. Bất cứ điều gì chúng ta làm liên quan đến Đấng Christ, chúng ta làm trong đời này. Đừng đánh cược rằng bạn sẽ vẫn còn nhiều thời gian hoặc bạn có thể trả lời sau. Kinh Thánh nói, “Hãy tìm kiếm Chúa trong khi còn tìm được,hãy kêu cầu Ngài đang khi Ngài ở gần” (Ê-sai 55:6).
Tôi ở đây để nói với bạn rằng Chúa Giê-xu là đường đi, chân lý và sự sống. Ngài là con đường duy nhất đưa chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Ngài là Con Đức Chúa Trời và cũng là Con Người, Chúa Cứu Thế của chúng ta, Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, Đấng sinh trước nhất từ trong những kẻ chết. Ngài là Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đấng Bảo Vệ, Đấng Cứu Chuộc và Bạn Hữu của chúng ta. Ngài là Đấng Christ, Vầng Đá của Thời đại, Nền vững chắc, Đá Góc Nhà. Một khi bạn không quên Ngài là Cứu Chúa của bạn, thì bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về tội lỗi không thể tha thứ.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com