Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 167: Sự Phô Trương

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 167: Sự Phô Trương

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 23:5-7

5 Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy, mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài; 6 ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhứt trong nhà hội; 7 muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy!

 Lời ngỏ

Các bạn thân mến cụm từ “selfie” hay “chụp ảnh tự sướng” dường như chỉ được ghi nhận kể từ năm 2002 khi kỹ thuật máy ảnh được cải tiến và máy điện thoại thông minh có gắn camera có thể xoay chiều để người cầm máy tự chụp. Nhất là từ khi mạng truyền thông xã hội phát triển thì việc “selfie” bắt đầu lan tỏa nhanh chóng.

Thế nhưng, từ trước khi kỹ nghệ máy tính ra đời đã có rất nhiều hoạ sĩ đã vẽ những bức chân dung tự hoạ như hoạ sĩ Van Gogh.

Cũng như vậy, trong bản thân chúng ta tiềm ẩn “tính tự sướng”. Đó là khi xem một tấm hình tập thể chúng ta sẽ có khuynh hướng tìm kiếm và dừng ánh mắt mình lâu hơn trước hình ảnh của chính mình. Ngược lại chúng ta thường lướt qua nhanh những tấm ảnh không có mình ở trong đó. Điều đó cho thấy “con người thường tự coi bản thân mình là trung tâm của vũ trụ”. Như vậy, dù muốn dù không trong tiềm thức con người chúng ta vẫn tồn tại những ý nghĩ về bản thân hay những băn khoăn về hình ảnh của chính mình trong mắt người khác.

Trong đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng xem Chúa Giê-xu đã khiển trách những nhà lãnh đạo tôn giáo ngày xưa thế nào về việc họ quá phô trương bản thân đến mức gây phản cảm cho dân chúng và che mờ vinh hiển của Chúa. Từ đó chúng ta sẽ áp dụng vào chính mình.

Những người lãnh đạo Do thái trong thời bấy giờ đã bị Đức Chúa Giê-xu khiển trách rằng “họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy”. Tại sao điều này bị gọi là không tốt và đáng trách? Tại đây, cụm từ “làm việc gì cũng cố để người ta thấy” chỉ hành động có mục đích phô trương, tức cố ý cố tình khoe khoang điều mình đã làm để được khen ngợi hay tán dương. Như vậy, nếu không có ai thấy thì họ sẽ không làm hay sẽ làm cách khác. Ví dụ như trong câu chuyện “người Sa-ma-ri nhân lành” thầy tế lễ, người Lê-vi cũng như thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã bỏ mặc người anh em mình bị thương nghiêm trọng bên lề đường; tại sao họ lại không giúp người anh em mình? Đó là bởi họ biết bởi không có ai thấy nên dù có làm thì cũng không được khen ngợi hay tán dương. Tóm lại, họ làm công việc này hay công việc khác cũng chỉ vì muốn phô trương, muốn khoe khoang. Mục đích họ làm là vì chính bản thân họ mà thôi.

Trong khi đó lời Chúa trong sách Cô-lô-se 3:23 đã dạy rằng “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta”. Hay “Hãy giữ, đừng làm sự công bình mình trước mặt người ta cho họ đều thấy” “Song khi các ngươi bố thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì” (Ma-thi-ơ 6:1,3). Chúng ta là con dân Chúa, khi làm việc gì cũng cần phải công khai, minh bạch. Tức là làm việc có nhiều người thấy rõ ràng chứ không làm cách giấu giếm hay mờ ảo. Tuy nhiên, chúng ta không nên khoa trương hay phô trương để người khác thấy mà khen mình, tán dương mình.

Những người lãnh đạo Do thái đã phô trương chính mình bằng cách nào? Chúa Giê-xu phê phán họ cố ý phô trương trong ba việc sau:

Thứ nhất, “mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài” những người này thích đeo thẻ bài bằng da nhỏ nơi cổ tay, hay trên trán. Thẻ này bên trong có 4 ngăn chứa một cuộn giấy ghi bốn đoạn Kinh thánh trong đó có Xuất Ê-díp-tô ký 13:1-16 và Phục truyền luật lệ ký 6:4-9; 11:13-21 có nói rằng: “điều đó sẽ làm một dấu hiệu nơi tay ngươi, làm một kỷ niệm ghi nơi trán ở giữa cặp mắt ngươi”. Thế nhưng, họ làm vậy không chỉ để làm dấu hiệu và kỷ niệm mà thôi; nhưng những người này còn cố đeo thẻ bài lớn hơn làm bằng da cao cấp nhằm phô trương mình là người gương mẫu trong sự tuân giữ luật pháp, và bắt mọi người khác phải kính nể mình. Tương tự như vậy, luật pháp Chúa dạy họ hãy làm một cái tua nơi chéo áo (Dân số ký 15:37-47 và Phục truyền luật lệ ký 22:12) để khi họ nhìn thấy chúng thì nhớ lại các mạng lệnh của Chúa. Nhưng những người này đã làm cho các tua áo dài ra, rộng ra để phô bày lòng sốt sắng của mình gây sự chú ý đối với người khác để bắt mọi người tôn họ lên vị trí cao trong xã hội.

Thứ hai, “ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội” việc ăn trên ngồi trước, “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau” là một trong những điều mà nhiều người vướng phải. Trong đó những người Pha-ri-si và thầy thông giáo đương thời bị cám dỗ nhiều. Họ thích được ngồi trong những nơi cao nơi chính của các buổi tiệc, thích ngồi bên tay trái và tay phải của chủ nhà để được mọi người chú ý và tôn trọng. Bởi họ cho rằng ngồi phía sau bị xem là kém quan trọng vì đó là chỗ dành cho phụ nữ và trẻ em. Đúng ra những chiếc ghế danh dự là dành cho người phát biểu hay trình bày điều cần thiết cho hội chúng nghe vào từng buổi tiệc khác nhau nên người chủ nhà có thể mời người nào tuỳ ý. Có thể chỗ đó là chỗ dành cho cha mẹ hay người thầy của chủ nhà; hay dành cho người đại diện gia đình để trình bày một việc nào cần thiết. Nhưng những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo lại tự ý ngồi ở đó dù chủ nhà có mời hay không. Điều đó khiến gây phản cảm cho nhiều người tham dự và gây khó xử cho chủ nhà.

Thứ ba, “muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy!” những thầy thông giáo và người Pha-ri-si thích mọi người chào hỏi mình giữa nơi công cộng đông người và thích người ta gọi họ bằng thầy với sự tôn kính. Việc chào hỏi và gọi bằng thầy khi gặp người dạy đạo cho mình là việc làm đúng đắn và đáng khích lệ. Nhưng nếu quá nhấn mạnh và cố ý bắt mọi người làm điều này để phô trương địa vị và thân thế thì sẽ trở nên hình thức và giả tạo.

Kết luận

Các bạn thân mến chúng ta ngày nay cũng có thể rơi vào sự cám dỗ và suy nghĩ sai lầm như những thầy thông giáo và người Pha-ri-si xưa. Chúng ta rất dễ đánh giá một người là thành công khi chỉ nhìn hình thức bên ngoài mà không quan tâm đến sự chấp nhận của Đức Chúa Trời từ bên trong. Chúng ta rất dễ dùng chiếc áo tôn giáo bên ngoài để gây ảnh hưởng và bắt mọi người chú ý đến mình, thay vì giúp họ nhìn xem Chúa và bước đi theo lời Ngài.

Chúng ta cũng rất dễ cho rằng địa vị và chiếc ghế cao trước hội chúng, là dấu chỉ về sự cao trọng. Trong khi chỗ ngồi ở nơi cao không thể thay thế cho giá trị đích thực của chính đời sống đạo đức được Chúa thừa nhận.

Và chúng ta cũng rất dễ cho rằng các danh xưng cao quý, các tước hiệu là điều bày tỏ sự cao trọng nên say mê theo đuổi những điều này. Trong khi chúng ta lại bỏ quên bản chất thật của những danh hiệu này là sự hy sinh và phục vụ để làm sáng danh Chúa như chính Chúa Giê-xu đã làm gương. Những điều hy sinh này đôi khi làm trong sự âm thầm và nhịn nhục thậm chí cho đến khi nhiệm vụ mình đã hoàn tất, đã thuyên chuyển, hay đến khi về hưu hoặc về nước Chúa rồi thì người ta mới thấy được những điều đó mà thừa nhận.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin Chúa tha thứ cho chúng con về những nhận thức và đời sống sai lầm trong sự thành công, trong sự cao trọng với những hình thức tôn giáo và đạo đức giả tạo bên ngoài. Xin giúp chúng con biết hạ mình trước mặt Chúa và âm thầm trong sự phục vụ Chúa để mọi người thấy Chúa bên trong chúng con.

Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Viết bởi Thiên Gia Vĩnh

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like