Home Lời Chứng Hành Trình Theo Chúa – Phần 26: Suy Nghĩ Về Công Tác Đào Tạo Môn Đồ

Hành Trình Theo Chúa – Phần 26: Suy Nghĩ Về Công Tác Đào Tạo Môn Đồ

by Sưu Tầm
30 đọc

SUY NGHĨ VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

CHỈ LÀM MỘT TÍN ĐỒ ĐỂ ĐƯỢC CỨU HAY SẼ LÀM MỘT MÔN ĐỒ ĐỂ ĐƯỢC THƯỞNG

Trong những ngày nghỉ bắt buộc ở nhà, bị cách ly để tránh bệnh dịch và tránh gây bệnh dịch cho người khác, tôi có dịp đọc sách và viết sách. Tôi có dịp đọc lại quyển sách nhỏ đề tài DISCIPLESHIP: THE ROAD LESS TAKEN của Greg Laurie do Kerygma xuất bản năm 2011. Tôi học được những bài học mới trên nền tảng cũ của Kinh Thánh Tân Ước, theo gương mẫu đào tạo môn đồ của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su không chỉ kêu gọi người ta tin Chúa nhưng Ngài đã dành phần lớn thời giờ để kêu gọi và đào tạo những người theo Ngài. Chúa muốn có những môn đồ. Chiến lược đào tạo người lãnh đạo.

Mục sư Greg Laurie nhận định rằng, “Mỗi môn đồ là một tín đồ nhưng không phải mỗi tín đồ là một môn đồ.” Chúa Giê-su đang kêu gọi tất cả các tín đồ thành môn đồ. Chúng ta không chỉ tin nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế nhưng cũng phải nhận Ngài là Đấng Chủ tể, là Chúa, là Vua.

Tin Chúa là nhận món quà. Là được giải cứu. Là bắt đầu hành trình theo Chúa.

Theo Chúa là nhận nhiệm vụ. Là chịu huấn luyện. Theo Chúa là kết ước làm việc Chúa giao.

Tín đồ là con trẻ, môn đồ là người trưởng thành.

“Ấy vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về Tin Lành của Đấng Christ, mà tấn tới sự trọn lành, chớ nên lập lại nền nữa, tức là: từ bỏ các việc chết, tin Đức Chúa Trời, 2 sự dạy về phép báp-têm, phép đặt tay, sự kẻ chết sống lại, sự phán xét đời đời” (Hê-bơ-rơ 6:1).

Đây là chỗ bắt đầu của Hội Thánh. Hội Thánh là trường học. Hội Thánh là chuồng chiên. Hội Thánh có chỗ cho sự giáo dục và rao giảng. Đức Chúa Trời đã trang bị cho các Mục Sư và Giáo Sư để gây dựng các tín hữu,

“chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê-phê-sô 4:14).

Chúa Giê-su đưa ra các yêu cầu của sự đào tạo các môn đồ trong Lu-ca 14.

Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. 27 Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.

28 Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao? 29 E khi đã xây nền rồi, không làm xong được, thì mọi người thấy liền chê cười, 30 và rằng: Người nầy khởi công xây, mà không thể làm xong được! 31 Hay là có vua nào đi đánh trận cùng vua khác, mà trước không ngồi bàn luận xem mình đem đi một muôn lính có thể địch nổi vua kia đem hai muôn cùng chăng sao? 32 Bằng chẳng nổi, khi vua kia còn ở xa, sai sứ đi xin hòa. 33 Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta. Lu-ca 14:26-33.

Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng:

“Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. 24 Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu. Lu-ca 9:23-24.

Nền tảng để làm môn đồ của Chúa là yêu Chúa hơn yêu bất cứ người nào khác hay yêu bất cứ điều gì khác.

Làm môn đồ của Chúa nghĩa là sẵn sàng để chết với Chúa. Thập giá là dấu hiệu của sự chết và sự xấu hổ. Mang thập giá là chết với Đấng Christ và chết với chính mình. Ga-la-ti 2:20.

Làm môn đồ là nghiêm túc cam kết theo Chúa và làm việc Chúa suốt đời. Làm môn đồ là nhận biết mọi sự mình có là của Chúa, là thuộc về Chúa.

Trở thành môn đồ là một tiến trình đi tới của những tín hữu từ “curious” (tò mò), đến “convinced” (thuyết phục), và đến “committed (kết ước, dấn thân)” (Giăng 6:68-69; Giăng 16: 13-16).

Kết quả của môn đồ là:

1. Mang kết quả (Giăng 15:8)

2. Học tập và làm theo Lời Chúa (Giăng 8:31).

3. Yêu mến lẫn nhau (Giăng 13:35).

Bí quyết để làm môn đồ của Chúa là:

1. Ở trong Chúa (abiding). Giống như nhánh nho gắn liền với gốc nho (Giăng 15:4). Giống bà Ma-ri chọn phần tốt nhất ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Chúa (Lu-ca 10).

2. Ở gần với Chúa Giê-su (They had been with Jesus). Công vụ 4:13.

3. Cầu nguyện với Chúa Giê-su, như Chúa Giê-su (Công vụ 4:29).

4. Chịu khổ như Chúa Giê-su, với Chúa Giê-su (Matt.5:10; 2 Ti-mô-thê 2:3).

5. Nương dựa hoàn toàn vào Đức Thánh Linh như Chúa Giê-su (Lu-ca 4:14).

Tôi thích những lời giải nghĩa hợp thời của Mục Sư Rick Warren. Ông gởi bài học hy vọng qua email đến với tôi mỗi ngày. Sau đây là một vài bài học mẫu:

Môn Đồ Chúa Sẵn Sàng Dâng Tất Cả Cho Chúa.

“Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường nầy, thì ngần ấy có thấm vào đâu?” (Giăng 6:9)

Đức Chúa Trời chờ để xem chúng ta làm gì với những gì mình có trước khi Ngài ra tay để biến ít thành nhiều. Sứ đồ Giăng, trong ký thuật về việc cho 5,000 người ăn, đã cho chúng ta biết anh hùng của câu chuyện chính là một bé trai: “Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường nầy, thì ngằn ấy có thấm vào đâu?” (Giăng 6:9)

Có ba điểm cần ghi nhận nơi bé trai này.

Cậu bé dâng những gì mình có. Cậu bé không có gì nhiều, nhưng đã dâng những gì mình có. Đừng bao giờ đánh giá thấp điều Đức Chúa Trời có thể làm qua những người tầm thường và tài nguyên ít ỏi được dâng cho Ngài bởi đức tin. Nếu bạn muốn được Đức Chúa Trời sử dụng, hãy sẵn sàng.

Cậu bé dâng tất cả những gì mình có. Cậu bé dâng năm cái bánh và hai con cá. Cậu không giữ gì lại mà không dâng cho Chúa. Nếu bạn muốn phép lạ xảy ra trong đời sống mình, bạn không thể giữ lại bất cứ điều gì nhưng phải dâng hết cho Chúa.

Cậu bé dâng ngay khi được hỏi. Cậu bé không lưỡng lự. Ngay khi Chúa Jesus cần, cậu bé dâng cho Ngài.

Tại sao chúng ta không dâng với tinh thần như vậy khi chúng ta cần một phép lạ? Hoặc là chúng ta không tin rằng Đức Chúa Trời sẽ lo liệu nhu cầu của chúng ta nếu chúng ta dâng cho Ngài với tấm lòng hy sinh, hoặc chúng ta nghĩ: “Đâu có thấm thía gì? Điều nhỏ nhoi của tôi có giúp được gì đâu?”

Điều quan trọng là sẵn lòng dâng hết khả năng mình có thể dâng. Đó là điều Đức Chúa Trời vui nhận.

Trở Thành Môn Đồ Là Một Tiến Trình Trở Nên Giống Đấng Christ

“Chúng ta sẽ nên bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4:13b.)

Môn đồ hóa là một tiến trình để trở nên giống như Đấng Christ; cuộc hành trình của bạn sẽ kéo dài trọn đời. Mỗi ngày Chúa muốn bạn giống Ngài thêm một chút: “Bạn đã bắt đầu sống cuộc đời mới, là người đang đổi ra mới theo hình ảnh Đấng dựng nên bạn.” (Cô-lô-se 3:10a)

Ngày nay chúng ta thường bị ám ảnh bởi tốc độ, nhưng Chúa quan tâm đến sức mạnh và sự ổn định hơn sự là nhanh nhẹn. Chúng ta muốn cách giải quyết tức thì, đi đường tắt, giải pháp tại chỗ. Chúng ta muốn một bài giảng, một khóa hội thảo, hay một kinh nghiệm sẽ ngay lập tức giải quyết tất cả các vấn đề, loại bỏ mọi cám dỗ, và thoát khỏi mọi cơn đau đang hoành hành.

Nhưng sự trưởng thành thật sự không bao giờ là kết quả của một kinh nghiệm đơn độc, bất kể là nó có mạnh mẽ hay xúc động đến thế nào. Sự trưởng thành thì từ từ. Kinh Thánh chép, “Đời sống chúng ta dần dần sáng tươi và càng tươi đẹp khi Đức Chúa Trời ngự vào đời sống mình và giúp chúng ta trở nên giống như Ngài.” (2 Cô-rinh-tô 3:18b)

Người ta thường nhận diện mình theo những khiếm khuyết của họ. Chúng ta nói, “Đó là giống tôi y chang…” và “Tánh tôi là vậy đó.” Sự lo lắng ăn sâu trong tiềm thức là nếu tôi bỏ thói quen của tôi, tổn thương của tôi, tật xấu của tôi, tôi sẽ là ai?

Thói quen cần có thời gian để phát triển. Hãy nhớ rằng cá tính của bạn là tổng hợp tất cả những thói quen của bạn. Bạn không thể nói là mình nhân từ, trừ khi bạn luôn có thói quen nhân từ — nghĩa là bạn tỏ lòng nhân từ một cách tự nhiên mà không hề suy nghĩ về điều đó. Bạn không thể tự cho mình là người liêm chính, trừ khi bạn có thói quen luôn luôn thành thật. Một người chồng chung tình với vợ mình hầu như phần lớn thời gian là không chung tình gì cả. Những thói quen định nghĩa cá tính của bạn.

Chỉ có một cách duy nhất để phát triển những thói quen của cá tính giống Đấng Christ: Bạn phải thực hành chúng — và phải cần thời gian! Không thể tạo được thói quen trong nháy mắt. Phao-lô thúc giục Ti-mô-thê, “Hãy chuyên tâm thực hành những việc đó hầu cho mọi người thấy sự tấn tới của con.” (1 Ti-mô-thê 4:15).

Môn Đồ Là Người Trở Nên Duy Nhất Và Hiệu Quả

“Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-su Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10 BTT).

Nếu bạn muốn biết ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc sống của bạn, bạn cần phải nhìn vào những biệt tài của bạn. Tại sao Chúa ban cho bạn những ân tứ, khả năng, và tài năng nào đó mà Ngài lại không trông mong bạn sử dụng chúng? Nếu vậy thì thật là lãng phí.

Đức Chúa Trời ban cho bạn những ân tứ, nhiệt huyết/đam mê, các khả năng, một cá tính, và những kinh nghiệm để khiến bạn trở nên duy nhất, và khi bạn dành thời gian để tìm hiểu Đức Chúa Trời tạo nên bạn như thế nào, bạn sẽ định hướng được cuộc đời của mình. Hãy tự hỏi: “Tôi giỏi về việc gì? Tôi yêu thích làm gì? Niềm đam mê của tôi là gì? Điều gì khiến tôi thấy thú vị, và điều gì làm tôi thấy nhàm chán? Điều gì nơi tôi được mọi người xác nhận? Đức Chúa Trời có thể sử dụng những khả năng đó cho Vương quốc của Ngài như thế nào?”

Ê-phê-sô 2:10 ghi rằng, “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-su Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (BTT). Chữ “công trình của Đức Chúa Trời” trong tiếng Hy lạp là từ “thơ”, từ đó chúng ta có được chữ “bài thơ.” Bạn là bài thơ của Đức Chúa Trời. Bạn là một tác phẩm nghệ thuật. Bạn là duy nhất. Không có ai giống bạn!

Nhưng đối với cuộc sống thì có nhiều việc hơn là trở thành duy nhất. Đức Chúa Trời muốn bạn trở nên duy nhất và hiệu quả. Ngài đã thiết kế ra bạn theo cách Ngài đã làm để bạn có thể làm được nhiều việc tốt. Ngay cả trước khi bạn ra đời, Đức Chúa Trời đã thiết kế trước một vai trò cho bạn trong cuộc sống. Ngài đã nói, “Ta sẽ tạo dựng người này với những ân tứ, khả năng, và tài năng nhất định, và ta sẽ cho phép người này trải qua những kinh nghiệm nhất định – một chút tốt, một chút đau đớn và một chút học vấn. Ta sẽ tổng hợp những điều này, bởi vì đó là mẫu người sẽ hoàn thành được công việc mà Ta cần làm cho thế giới.”

Chúng ta được cứu rỗi để phục vụ. Đó là ý nghĩa của mục vụ – bạn sử dụng tài năng và ân tứ của mình để giúp đỡ người khác. Làm trọn vẹn bổn phận có nghĩa là hãy trở thành người như Chúa muốn và hoàn thành những gì mà Đức Chúa Trời đã định cho bạn.

Kinh thánh ghi, “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau” (1 Phi-e-rơ 4:10a BTT).

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Hành Trình Theo Chúa – Phần 25: Suy Nghĩ Về Địa Vị Làm Con Của Chúa

Hành Trình Theo Chúa – Phần 27: Suy Nghĩ Về Mạng Linh Truyền Bá Tin Lành

Bình Luận:

You may also like