Home Dưỡng Linh Nhận Biết Chúa – Phần 1: Nghiên Cứu Thần Học Về Đức Chúa Trời

Nhận Biết Chúa – Phần 1: Nghiên Cứu Thần Học Về Đức Chúa Trời

by AdrianChua
30 đọc

Từ ‘theo-’ [trong chữ theology] có nghĩa là “thần” trong tiếng Hy Lạp và hậu tố ‘logy’ có nghĩa là “nghiên cứu về”. Như vậy, thần học theo nghĩa đen là nghiên cứu về Đức Chúa Trời. Đối với Cơ-đốc nhân, đó là nỗ lực để nhận biết Đức Chúa Trời khi Ngài bày tỏ chính mình Ngài trong Kinh Thánh một cách có cấu trúc và có hệ thống. Đó là việc khám phá ra Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào khi Ngài bày tỏ chính mình Ngài qua các danh xưng của Ngài, các thuộc tính của Ngài và cách Ngài đối xử với nhân loại trong lịch sử Kinh Thánh. Nói một cách đơn giản, đó là sự hiểu biết trong việc tìm kiếm đức tin.

Nghiên cứu bản chất và đặc tính của Đức Chúa Trời giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Đức Chúa Trời, Ngài là một dạng hữu thể như thế nào và Ngài là Đấng như thế nào, đồng thời khẳng định đức tin của chúng ta về lý do tại sao chúng ta có thể tin cậy Ngài. Có khá nhiều người tin Chúa, nhưng đáng buồn thay, rất ít người có thể hoàn toàn tin cậy và vâng lời Ngài. Một trong những lý do chính là chúng ta chưa biết Chúa một cách đầy đủ.

Đức Chúa Trời vô hạn

Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng chúng ta không bao giờ có thể biết tất cả những gì cần biết về Đức Chúa Trời. Chúng ta là những sinh vật hữu hạn và do đó, kiến thức bị hạn chế. Đức Chúa Trời là một Đấng vô hạn, Ngài là vô hạn về tri thức, khoảng cách giữa chúng ta và Ngài không bao giờ có chiếc cầu nối nào có thể bắt qua được .

Thi-thiên 145:3; 147:5 – “Đức Giê-hô-va thật vĩ đại và đáng ca ngợi; Sự vĩ đại vô cùng của Ngài không ai thấu hiểu đượcSự thông sáng Ngài vô cùng vô tận.

Rô-ma 11:33 – “Ôi! Sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời thật sâu nhiệm biết bao! Sự phán xét của Ngài làm sao biết được, đường lối Ngài làm sao hiểu được!

Gióp 11:7-9 – “Liệu anh có thể hiểu thấu sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và khám phá giới hạn của Đấng Toàn Năng không? Điều ấy cao hơn các tầng trời—anh làm gì được? Sâu hơn âm phủ—làm sao anh hiểu thấu? Dài hơn quả đất, rộng hơn đại dương.

Gióp 37:5 – “Đức Chúa Trời phát tiếng sấm rền kỳ diệu; Ngài làm những việc lớn lao mà chúng ta không sao hiểu nổi.

Tuy nhiên, một Đức Chúa Trời không thể hiểu hết được không có nghĩa là Đức Chúa Trời hoàn toàn không thể hiểu được; Điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là Ngài không thể được hiểu một cách đầy đủ hoặc thấu đáo. Mặc dù chúng ta không bao giờ có thể hiểu được tất cả những gì cần biết về Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta có thể phát triển trong sự hiểu biết về Ngài qua cách Ngài cư xử trên đất và những gì Ngài bày tỏ trong các trang Kinh Thánh.

Nhận biết Chúa

Giăng 17:3 – “Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật, cùng Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cha đã sai đến.

Sự sống đời đời là gì? Đó có phải là sự tồn tại vĩnh cữu và sự sống cứ thế kéo dài vô tận không? Sự sống đời đời không chỉ là về số năm chúng ta sống, mà còn là chất lượng của cuộc sống. Điều đó bắt đầu khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-xu là Chúa và Cứu Chúa của mình và tiếp tục khi chúng ta nhìn thấy Ngài mặt đối mặt. Chúa Giê-xu nói một cách rõ ràng, mục đích của sự sống đời đời không chỉ là thoát khỏi lửa địa ngục mà là để biết Chúa, và đây là điều viên mãn nhất mà chúng ta sẽ làm trong cõi đời đời. Tuy nhiên, không phải là biết Ngài theo cách các nhà thần học biết Ngài, có thể giải thích ba ngôi Đức Chúa Trời, có thể phác thảo đặc điểm của Ngài và bản chất của Ngài, v.v., mà là biết Ngài một cách cá nhân và kinh nghiệm Ngài.

Thi-thiên 103:7 – “Ngài bày tỏ cho Môi-se đường lối Ngài, và cho Y-sơ-ra-ên biết các công việc Ngài.

Dân Y-sơ-ra-ên biết những công việc vĩ đại của Đức Chúa Trời. Ngài đã rẽ Biển Đỏ và đánh bại người Ai Cập, Ngài cho họ ăn ma-na mỗi ngày, Ngài đã làm phép lạ cho họ nên trang phục và giày dép của họ không bao giờ cũ mòn; Ngài đã cho dân chúng biết những việc làm của Ngài. Tuy nhiên, một cách riêng tư, tại một nơi yên tĩnh trên đỉnh núi, Đức Chúa Trời đã đưa Môi-se vào sự hiểu biết sâu sắc hơn về Ngài. Ngài đã cho Môi-se biết đường lối của Ngài. Đây phải là sự khao khát tha thiết trong lòng chúng ta, được biết Ngài như chúng ta được Ngài biết đến, biết Ngài một cách mật thiết và lớn lên trong sự hiểu biết về bản chất và đặc tính của Ngài.

Phi-líp 3:10 – “Để tôi được biết Ngài, quyền năng phục sinh của Ngài, được chia sẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài.

Phao-lô là một “người Do Thái điển hình trong những người Do Thái”, một người Pha-ri-si, được nuôi nấng dưới chân Ga-ma-li-ên, một giáo sư lớn và được kính trọng về luật pháp Do Thái. Ông được đào tạo bài bản về thần học, nhưng ông rất khao khát được biết Đức Chúa Trời một cách kinh nghiệm. Để làm được điều đó, thông thường, Đức Chúa Trời phải cho phép chúng ta đi đến tận cùng của khả năng và nguồn lực của chính mình để chúng ta tuyệt vọng mà chọn cách dựa vào Ngài để rồi kinh nghiệm được những bước đột phá của Ngài trong đời sống của chúng ta.

Chúng ta thường tự hỏi, liệu các nguyên tắc, kỹ năng, chiến lược có hữu ích để giải quyết những thách thức trong cuộc sống không? Vâng, nhưng để Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài một cách cá nhân cho chúng ta, thì đôi khi, Ngài có thể cho phép những khó khăn và thử thách trong cuộc sống của chúng ta xảy ra theo cách mà sự khôn ngoan của con người không thể giải quyết được. Tất cả những điều đó chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta biết quyền năng sự phục sinh của Chúa Giê-xu, đó là bằng cách nhận biết Đức Chúa Trời một cách cá nhân giữa những khó khăn của chúng ta. Vì vậy, những khó khăn của chúng ta ở đây là có lý do. Những nan đề của chúng ta, những thách thức của chúng ta, đều có lý do. Đức Chúa Trời đã sắp xếp một cuộc hành hương cho mỗi cá nhân vì Ngài muốn chúng ta nhận biết Ngài.

Khi chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh của Ngài, đó là nơi chúng ta nhận biết Ngài một cách mật thiết nhất. Nhận biết Đức Chúa Trời là tiếp tục khao khát tấm lòng Ngài như thể đó là điều cần thiết chính trong cuộc đời của chúng ta vậy. Trừ khi chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời cùng với những cách mà Ngài đối xử với chúng ta trong đời sống thực tiễn, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành mục đích của đời sống mình. Quan trọng hơn hết thảy, nếu mục đích của sự sống đời đời là biết Chúa, và, nếu chúng ta không dành phần lớn thì giờ của mình để theo đuổi sự hiểu biết về Ngài, thì chúng ta có thể lãng phí cả cuộc đời trên đất này. Tất cả những gì chúng ta đang theo đuổi có thể là những điều sai trái trong cuộc sống.

Biết Chúa là điều vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của mỗi một người trong chúng ta. Bỏ qua sự học biết về Chúa, anh chị em đang tự kết án mình để vấp ngã và phạm sai lầm liên tục trong suốt cuộc đời của anh chị em, vì anh chị em bị bịt mắt, nên không có ý thức về phương hướng và không hiểu được những gì xung quanh mình. Cứ như vậy, anh chị em có thể lãng phí cuộc đời mình và đánh mất linh hồn.”  – J I Packer

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like