JERUSALEM, Israel – Việc phát hiện ra một giáo đường Do Thái (nhà hội) 2.000 năm tuổi ở vùng Ga-li-lê đang mở ra một cánh cửa mới về đời sống của những người thời Chúa Giê-xu.
Các nhà khảo cổ học Israel cho biết họ đã tìm thấy giáo đường Do Thái ở thị trấn Migdal, nằm trên bờ bắc của Biển Ga-li-lê. Migdal là một khu định cư lớn của người Do Thái trong Thời-kỳ Đền-thờ thứ hai. Kinh Thánh cho biết Ma-ri Ma-đơ-len sinh ra ở Migdal và đó là nơi Chúa Giê-xu dành phần lớn thời gian khi Ngài còn trên đất.
Dina Avshalom-Gorni, một trong những giám đốc của cuộc khai quật, cho biết, “Chúng ta có thể tưởng tượng ra cảnh Ma-ri Ma-đơ-len cùng gia đình của cô ấy đến nhà hội tại nơi đây, cùng với những cư dân khác của Migdal, để tham gia vào các sự kiện tôn giáo và cộng đồng. Sự xuất hiện của một giáo đường thứ hai trong vùng này đã cho thấy rõ đời sống cộng đồng của người Do Thái ở Ga-li-lê, là khu vực mà theo Tân Ước, Chúa Giê-xu đã thực hiện các phép lạ của Ngài.”
Giáo đường là một tòa nhà hình vuông được làm từ đá bazan và đá vôi với một hội trường trung tâm và hai phòng bổ sung. Các bức tường của sảnh trung tâm được phủ bằng thạch cao màu trắng và thạch cao màu. Nó chứa một băng ghế đá, cũng được phủ một lớp thạch cao, chạy dọc theo các bức tường.
Các nhân viên khai quật đã tìm thấy một chiếc kệ phủ thạch cao trong một căn phòng nhỏ ở phía nam của hành lang, nơi có thể đã cất giữ các cuộn sách Torah.
Avshalom-Gorni cho biết giáo đường Do Thái “phản ánh nhu cầu về một tòa nhà dành riêng cho việc đọc và nghiên cứu Kinh Torah cũng như cho các cuộc hội họp mang tính chất xã hội” trong thời Chúa Giê-xu.
Đây là lần thứ hai một giáo đường Do Thái được tìm thấy ở Migdal, trở thành nơi duy nhất trên thế giới có hai giáo đường từ Thời-kỳ Đền-thờ thứ hai được tìm thấy trong cùng một khu vực.
Cơ-quan Quản-lý Cổ-vật Israel đã khai quật phía đông Migdal hơn một thập kỷ trước và tìm thấy giáo đường Do Thái đầu tiên vào năm 2009. Giáo đường Do Thái đó chứa một viên đá khắc hình một menorah (chân đèn bảy nhánh). Các nhà khai quật cho rằng hình ảnh menorah đó là sao chép từ chân đèn bảy nhánh trong Đền-thờ tại Jerusalem.
Giáo-sư Adi Erlich, người đứng đầu Viện khảo cổ Zinman tại Đại-học Haifa cho biết, “Thực tế của việc chúng tôi đã tìm thấy hai giáo đường Do Thái trong thời kỳ Đền-thờ thứ hai cho thấy người Do Thái thời đó đang tìm kiếm một nơi hội họp để sử dụng cho mục đích tôn giáo cũng như các hoạt động xã hội. Hòn đá có hình phù điêu Menorah từ giáo đường Do Thái khác ở Migdal, gợi ý rằng những người Do Thái địa phương coi Jerusalem là trung tâm tôn giáo của họ, và các hoạt động địa phương của họ diễn ra dưới vị trí trung tâm này. Giáo đường Do Thái mà chúng tôi đang khai quật bây giờ nằm gần khu vực dân cư, trong khi tòa nhà được khai quật vào năm 2009 được bao quanh bởi một khu công nghiệp. Từ đó, có thể kết luận các giáo đường Do Thái địa phương thường được xây dựng thuận theo cấu trúc xã hội của khu định cư.”
Giáo đường Do Thái và kết quả của cuộc khai quật sẽ được trưng bày lần đầu tiên vào Thứ Ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021, tại hội nghị của Viện Khảo-cổ học Đại-học Haifa.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com