Home Dưỡng Linh Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 14 và hết: Biến Đổi Môn Đồ

Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 14 và hết: Biến Đổi Môn Đồ

by AdrianChua
30 đọc

Ma-thi-ơ 28:19-20 – “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.” Amen.

Nhiều người đánh đồng môn đồ hóa với việc truyền thụ kiến thức, nhưng bản chất của môn đồ hóa là tính biến đổi chứ không phải thông tin. Chúa Giê-xu không chỉ yêu cầu chúng ta dạy lại mọi điều Ngài đã truyền. Ngài yêu cầu chúng ta dạy mọi người tuân giữ mọi điều Ngài đã truyền, và sự khác biệt này rất quan trọng. Kết quả cuối cùng của việc làm môn đồ không chỉ là sự hiểu biết về tất cả những gì Chúa Giê-xu đã truyền mà là sự vâng theo tất cả những gì Chúa Giê-xu đã truyền. Chính sự vâng giữ Lời Ngài đã mang lại sự biến đổi trong đời sống của chúng ta.

Khi mục tiêu chính của người đào tạo môn đồ là truyền thụ kiến thức từ tâm trí này sang tâm trí khác, thì đây là môn đồ mang tính thông tin, điều này rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu chức vụ của chúng ta chỉ dừng lại ở đó, chúng ta chỉ đang tạo ra những môn đồ có hiểu biết. Thay vào đó, chúng ta cần lưu tâm đến việc biến đổi môn đồ, nghĩa là, tập trung cả vào việc đầu tư có chủ đích (vào việc giảng dạy) và vào mối quan hệ. Chúng ta không nên hài lòng với việc thay đổi hành vi đơn thuần mà phải tìm kiếm sự thay đổi các giá trị cốt lõi và ưu tiên của họ.

Các mối quan hệ cho phép nội dung của những giá trị cốt lõi và ưu tiên của chúng ta được nhận biết trong đời sống thực. Khi một người nhìn thấy một đời sống được biến đổi được thể hiện ra ngoài đời thực thông qua các mối quan hệ, thì khả năng biến đổi trong đời sống của chính người đó cũng được phát triển theo cấp số nhân. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nhiều bài học cuộc sống vô cùng quý giá có được là nhờ nắm bắt chứ không phải nhờ được dạy.

Những cuộc đời đích thực & được biến đổi

1 Cô-rinh-tô 11:1 – “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.” 

Phi-líp 4:9 – “Những gì anh em đã học, đã nhận, đã ngheđã thấy trong tôi, hãy làm đi…” 

Chức vụ của chúng ta nên bắt nguồn từ đời sống đã được biến đổi của chính chúng ta, vì chúng ta không thể mong đợi được sử dụng để biến đổi người khác nếu bản thân chúng ta không được biến đổi trước tiên. Hãy nghĩ về thời điểm chúng ta chia sẻ sự khôn ngoan, kiến thức và kinh nghiệm sống của mình với ai đó, với hy vọng rằng những lời dạy của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến các giá trị và ưu tiên trong cuộc sống của họ. Điều này là không thể nếu những lời dạy của chúng ta không khớp với con người và cách chúng ta cư xử.

Chúng ta dạy những gì chúng ta biết, nhưng chúng ta sản sinh ra chính con người thật của mình. Triết lý này đúng một cách nhất quán cho bất kỳ ai ở vị trí có thể ảnh hưởng đến người khác. Mọi người sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn về lâu về dài bởi những gì chúng ta làm hơn là những gì chúng ta nói. Khi chúng ta kết ước để trở thành con người đúng đắn, cuối cùng chúng ta sẽ sản sinh ra những con người đúng đắn. Nói cách khác, trước hết, chúng ta phải là một môn đồ đích thực của Đấng Christ nếu chúng ta muốn sản sinh ra những môn đồ đích thực.

Thời gian thông công chất lượng

Nhiều người có xu hướng thực hiện mục vụ đào tạo môn đồ trong quần chúng, thông qua việc tổ chức các lớp học hoặc hội thảo. Tuy nhiên, đào tạo môn đồ là truyền đạt cách sống, và chúng ta không thể thực hiện điều đó một cách hiệu quả thông qua quần chúng. Chúng ta cần phải chủ tâm trong việc đáp ứng những nhu cầu nhận thấy được của các cá nhân. Chúa Giê-xu đã làm mẫu cho hình thức đào tạo môn đồ hiệu quả nhất qua việc ban cho chúng ta “nguyên tắc ở với ngài”.

Mác 3:14 – “Ngài lập mười hai người, gọi là sứ đồ, để ở với Ngài, sai họ đi truyền giảng…

Sau khi chọn ra mười hai người, Ngài đã dành ba năm ở với họ để chỉ cho họ cách sống và lãnh đạo trong vương quốc của Ngài. Đây là bản chất chương trình đào tạo của Ngài, “kỹ năng sống thực nghiệm”. Hầu hết các bài học trong cuộc sống thường được học thông qua biểu hiện thực tế hơn là giải thích suông – “Khỉ thấy sao sẽ làm y như vậy”, người ta làm theo những gì họ thấy.

Công việc của Đức Thánh Linh

Sự biến đổi thực sự không chỉ là làm hoặc biết một điều gì đó khác biệt; mà đó là trở thành một người khác nhờ công việc của Đức Thánh Linh trong đời sống của chúng ta. Môn đồ hóa là kết nối mọi người với Đức Chúa Trời và dạy họ cách tiếp tục sống một cách lành mạnh trong mối quan hệ đó. Chúng ta có thể ví cuộc hành trình của môn đồ như môn trượt nước.

Trong môn trượt nước (người chơi đứng trên hai hoặc một ván trượt, được kéo phía sau thuyền hoặc cáp treo để lướt trên mặt nước), người được kéo đi phía sau không phải là người tự nâng mình lên khỏi mặt nước, toàn bộ lực kéo là nhờ con thuyền. Nhưng người trượt cũng phải đóng một vai trò nào đó. Anh phải đặt mình vào đúng tư thế phía sau thuyền và chuẩn bị trước khi lướt. Sự biến đổi thuộc linh cũng vậy. Đức Chúa Trời là Đấng tạo điều kiện cho dân sự của Ngài trưởng thành và lớn mạnh, trong khi chúng ta phải môn đồ hoá dân sự của Ngài với kỹ năng làm thế nào để đứng sau con thuyền và lèo lái cuộc hành trình thành công trên đất này.

Giê-rê-mi 17:9 –“Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, và rất là xấu xa…

Tấm lòng con người không phải là một thứ gì đó thuần khiết cần được bảo vệ; mà là một thứ gian ác cần được biến đổi. Nguyện tất cả chúng ta đóng góp một phần trong việc giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình biến đổi đặc biệt này.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like