Home Chuyên Đề Cửa, Cổng Và Những Lối Vào Trong Kinh Thánh

Cửa, Cổng Và Những Lối Vào Trong Kinh Thánh

by AdrianChua
30 đọc

Những cánh cửa mở ra những lối vào – chúng đưa ta từ không gian và môi trường này sang không gian và môi trường khác. Bạn đã bao giờ nhận ra rằng mỗi khi bạn đi qua một ngưỡng cửa, là bạn đang rời khỏi một không gian và bước vào một không gian khác? Cứ như vậy, bạn không còn ở hành lang nữa – bạn đang ở phòng chờ! Một phút trước, bạn còn ở trong nhà, ngay sau khi bạn bước qua ngưỡng cửa thì bạn đã ở ngoài sân! Điều này cũng phù hợp với những khái niệm lớn hơn, bởi vì khung cửa khiêm tốn của chúng ta cũng hướng đến những thực tế thuộc linh sâu sắc. Đây là lý do tại sao Đức Chúa Trời muốn dân sự của Ngài viết lên khung cửa nhà và trước cổng thành của họ…

Viết các lời đó lên khung cửa!

Đức Chúa Trời đã truyền những chỉ dẫn này cho dân Y-sơ-ra-ên và bảo họ hãy buộc những lời nhắc nhở vào tay và đeo trên trán cũng như viết chúng trên khung cửa nhà và cổng thành của họ.

Vậy hãy ghi lòng tạc dạ những lời tôi nói với anh em, buộc chúng vào tay làm dấu và đeo lên trán làm hiệu. Hãy dạy dỗ những lời đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy. Cũng phải viết các lời đó lên khung cửa nhà và trước cổng thành để ngày nào các tầng trời còn che trên đất thì anh em và con cái anh em còn được sống trong xứ mà Đức Giê-hô-va đã thề ban cho tổ phụ anh em. (Phục-truyền 11:18-21)

Ngày nay người Do Thái tuân giữ điều răn này bằng cách dán một “mezuzah” (một mảnh giấy da) bên cạnh cửa nhà họ, trong đó có viết lời cầu nguyện “Shema” (những lời này được ghi trong Phục-truyền 6:4-5). Khi được yêu cầu tóm tắt luật pháp, Chúa Giê-xu đã đề cập đến những lời đó trước tiên: phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà yêu mến Chúa, trước khi nói thêm rằng chúng ta nên yêu người lân cận như chính mình. Những người Do Thái Karaite (là những người không chấp nhận thẩm quyền của luật truyền miệng Talmud) và người Sa-ma-ri đã thực sự viết ra Mười Điều Răn và dán trước cửa nhà của họ. Dù thế nào đi nữa, chúng ta thấy rằng những cánh cửa được coi là cần phải có cho sự đến và đi, của chính cuộc đời chúng ta, cũng giống như bàn tay và cái đầu đại diện cho tâm trí và hành động của chúng ta vậy.  Không phải ngẫu nhiên mà buổi lễ dành cho người đầy tớ, sẵn sàng ở lại với chủ mình suốt đời cũng có liên quan đến khung cửa nhà.

Từ mezuzah (מזוזה) được dịch sang tiếng Anh là khung cửa hoặc trụ cửa, và được kết nối với từ tiếng Do Thái là di chuyển (זוז) vì cánh cửa di chuyển trên bản lề được gắn vào trụ cửa hoặc khung cửa. Toàn bộ khái niệm về cổng hoặc cửa là ý tưởng về việc di chuyển: đến, đi, chuyển tiếp từ nơi này sang nơi khác.

Tầm quan trọng của những cánh cửa trong Kinh Thánh

Có không ít lần trong Kinh Thánh, khi mọi sự sắp chuyển từ thực tế này sang thực tế khác, từ một giai đoạn của câu chuyện sang một chương hoàn toàn mới, thì lại có một cánh cửa được đề cập trong câu chuyện. Có những cuộc gặp gỡ quan trọng tại những ô cửa như thế này. Lần đầu tiên Chúa xuất hiện trước cửa trại của Áp-ra-ham và Sa-ra, và toàn bộ lịch sử nhân loại, từ đó đã thay đổi mãi mãi:

Đức Giê-hô-va hiện ra với Áp-ra-ham gần các cây sồi của Mam-rê, khi ông đang ngồi nơi cửa trại vào lúc trời nắng gắt trong ngày. Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt mình. Vừa thấy họ, ông liền từ cửa trại chạy ra đón và quỳ sấp mặt xuống đất…
Các vị ấy hỏi Áp-ra-ham: “Sa-ra vợ của con đâu?” Ông thưa: “Kìa, nàng đang ở trong trại.” Một vị nói: “Khoảng thời gian nầy năm sau, ta chắc chắn sẽ trở lại đây với con, và lúc ấy Sa-ra, vợ con, sẽ có một con trai.” Sa-ra nghe được lời đó tại cửa trại, sau lưng vị ấy.
 (Sáng-thế 18:1,2,9,10)

Một trong những vị khách đó là chính Chúa, trong hình dạng con người. Họ đang ở đỉnh điểm của một sự chuyển đổi mà sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta… chín tháng sau, đứa con trai của lời hứa ra đời, Đấng Mê-si của thế gian sẽ đến từ dòng dõi đó. Sau đó trong sách Các Quan-xét, một người nữ son sẻ khác đã đến thỉnh cầu thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li, người lúc đó đang ngồi gần bên trụ cửa đền thờ (1 Sa-mu-ên 1:9). Một người mẹ khác lại được kinh nghiệm quá trình chuyển đổi sau khi Đức Chúa Trời mang Sa-mu-ên đến thế gian, người mà sẽ mở ra thời đại của các vị vua sau thời các quan xét.

Và tất nhiên khung cửa nổi tiếng trong câu chuyện Lễ Vượt Qua. Những mày cửa vấy huyết của con sinh tế đã được thiên sứ hủy diệt bỏ qua, và những gia đình bên trong được cứu. Vâng, những khung cửa rất quan trọng. Các nhà lãnh đạo của Y-sơ-ra-ên như Môi-se và Giô-suê đã được thưa chuyện với Đức Chúa Trời tại cửa lều hội kiến, biểu thị sự cởi mở trong giao tiếp – cổng thông tin giữa trời và đất. Đức Chúa Trời cố tình tạo ra không gian này để Ngài có thể gặp gỡ dân sự của Ngài. Có rất nhiều câu chuyện về những cánh cửa mở, những cánh cổng, những cánh cửa dẫn đến những cơ hội mới, những lựa chọn cần thực hiện, sự bắt đầu của những cuộc phiêu lưu và những mùa mới… nhưng cũng có những lúc cánh cửa phải đóng lại.

Khi những cánh cửa phải đóng lại

Chúa Giê-xu bảo chúng ta hãy đóng cửa khi cầu nguyện, và chúng ta cũng thấy các tiên tri ngày xưa đóng cửa khi cầu nguyện để xin những phép lạ  (xem 2 Các-vua 4) để chỉ ra mức độ nghiêm túc trong cuộc gặp gỡ thân tình với Đức Chúa Trời. Cánh cửa của con tàu Nô-ê đã được đóng lại bởi chính Đức Chúa Trời (Sáng-thế 7:16), và là một hình ảnh của sự cứu rỗi. Sẽ có ngày cánh cửa cứu rỗi được Chúa đóng lại.

Có người thưa với Ngài: “Lạy Chúa, có phải chỉ có một số ít người được cứu chăng?” Ngài phán với họ: “Hãy nỗ lực để vào cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi, nhiều người sẽ tìm cách vào đó mà vào không được. Khi chủ nhà trỗi dậy và đóng cửa lại rồi, các ngươi ở ngoài gõ cửa kêu rằng: ‘Lạy Chúa, xin mở cho chúng tôi!’ Chủ sẽ trả lời: ‘Ta không biết các ngươi đến từ đâu.’ Bấy giờ các ngươi sẽ thưa: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Chúa, và Chúa đã dạy dỗ trong các đường phố của chúng tôi.’ Nhưng Chủ sẽ nói với các ngươi: ‘Ta không biết các ngươi đến từ đâu. Tất cả những kẻ làm điều bất chính kia, hãy lui ra khỏi ta!’ Khi ấy, các ngươi sẽ thấy Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp cùng tất cả các nhà tiên tri đều ở trong vương quốc Đức Chúa Trời, còn các ngươi sẽ bị ném ra ngoài là nơi có khóc lóc và nghiến răng. Rồi từ đông, tây, nam, bắc, người ta sẽ đến ngồi dự tiệc trong vương quốc Đức Chúa Trời. Thật vậy, có những người cuối sẽ trở nên đầu, và những người đầu sẽ trở nên cuối.” (Lu-ca 13:23-30)

Chúa Giê-xu mô tả chính Ngài là cửa của chiên, trong Giăng 10 (câu 7 và 9) nhấn mạnh rằng Ngài là con đường duy nhất vào Nước Trời. Ngài là con đường duy nhất để được cứu rỗi. Không có cách nào khác để vào, giống như được minh họa trong mô hình Đền-tạm mà Đức Chúa Trời ban cho Môi-se: chỉ có một lối vào. Cuối cùng, tất cả quyền mở và đóng cửa đều thuộc về Chúa Giê-xu, Con vua Đa-vít (Ê-sai 22:22, Khải-huyền 3:7).

Cánh cửa của những quyết định

Giống như chủ đề về cánh cửa dẫn đến sự cứu rỗi được mở ra trong một thời gian giới hạn được lặp lại trong suốt Tân Ước, chúng ta cũng thấy một lời đề nghị đáng chú ý thực sự mang lại cho chúng ta cơ hội mở hoặc đóng cánh cửa cuộc đời mình trước Chúa. Trong sách Khải-huyền, Chúa Giê-xu nói với chúng ta rằng Ngài đợi chúng ta mở cửa và mời Ngài vào:

“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta.” (Khải-huyền 3:20)

Chúa Giê-xu sẽ không ép buộc bất cứ ai phải nhận sự cứu rỗi. Điều đó tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta được ban cho thời kỳ ân điển này để đưa ra quyết định của riêng mình, và đó là lựa chọn của chúng ta cho dù chúng ta có muốn để Ngài vào và tìm hiểu Ngài… hay là không. Bạn có thể làm điều này ngay hôm nay, thậm chí là ngay bây giờ! Những lời này của Chúa Giê-xu được viết cho một hội thánh nhưng cũng được áp dụng cho tất cả chúng ta. Bạn sẽ mở cửa và đón Chúa Giê-xu vào chứ? Bạn sẽ chấp nhận món quà cứu rỗi của Ngài chứ? Vì sẽ đến lúc cánh cửa quyết định một ngày nào đó sẽ đóng lại vĩnh viễn. Điều này đòi hỏi sự khôn ngoan.

“Khi ấy, vương quốc thiên đàng sẽ ví như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Những cô dại đem đèn nhưng không đem dầu theo; còn những cô khôn đem đèn và đem cả dầu theo. Vì chàng rể đến trễ nên tất cả các cô đều buồn ngủ và ngủ thiếp đi. Nhưng đến nửa đêm, có tiếng gọi: ‘Kìa, chàng rể đến! Hãy ra đón người!’ Các trinh nữ thức dậy và sửa soạn đèn của mình. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị sớt cho chúng tôi ít dầu vì đèn chúng tôi sắp tắt.’ Nhưng các cô khôn trả lời: ‘Không thể được, sẽ không đủ cho cả chúng tôi và các chị; tốt hơn, các chị nên đi đến người bán dầu mà mua.’ Nhưng trong lúc họ đi mua, thì chàng rể đến. Những người đã sẵn sàng thì đi với chàng rể vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Một lúc sau, các trinh nữ kia cũng đến, thưa rằng: ‘Chủ ơi, chủ ơi, xin mở cửa cho chúng tôi!’ Nhưng người chủ đáp: ‘Ta nói thật với các cô, ta không biết các cô là ai cả.’ Vậy, hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày, cũng không biết giờ.” (Ma-thi-ơ 25:1-13)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like