Home Dưỡng Linh Đức Tin – Phần 16: Đức Tin Trong Nghịch Cảnh

Đức Tin – Phần 16: Đức Tin Trong Nghịch Cảnh

by AdrianChua
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/c8W4KGMv7_c

Gia-cơ 1:2-4 – Thưa anh em của tôi, hãy xem sự thử thách trăm chiều xảy đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra kiên nhẫn. Nhưng sự kiên nhẫn phải phát huy hết hiệu lực của nó, để chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì.

Việc chịu đựng và giữ vững đức tin khi gặp thử thách khó khăn đã là điều rất đáng khen ngợi, nhưng để có thể vui mừng, dường như là một kỳ vọng vô lý. Tuy nhiên, đó là bởi vì chúng ta có xu hướng tập trung vào nghịch cảnh, thay vì nhìn xa hơn, với con mắt đức tin, để xem Chúa đang muốn làm gì trong đời sống của chúng ta.

Đặc tính của Đức Chúa Trời và bản chất của Ngài là không hề thay đổi, và Ngài không bao giờ hành động trái với bản chất hay đặc tính của Ngài. Nếu chúng ta không tin cậy Chúa trong lúc nghịch cảnh, chúng ta đang nghi ngờ bản chất và tính cách của Ngài, tình yêu thương của Ngài, sự khôn ngoan của Ngài và quyền tể trị của Ngài. Chúng ta cần tin cậy Chúa ngay cả khi chúng ta không hiểu chuyện gì đang xảy ra!

Bướm chui ra khỏi kén

Có người đã từng chứng kiến một con bướm vật lộn để chui ra khỏi kén. Anh ta cố gắng giúp đỡ, nên đã phá vỡ lớp vỏ của cái kén. Con bướm thoát khỏi cái kén ngay sau đó nhưng tất cả các cánh của nó đều bị quăn lại và teo tóp. Cuộc đấu tranh để thoát ra khỏi kén là một phần thiết yếu để phát triển hệ thống cơ trên thân thể con bướm và đẩy chất lỏng trong cơ thể ra ngoài cánh để mở rộng chúng. Những nghịch cảnh của đời này cũng giống như cái kén của con bướm vậy. Đức Chúa Trời sử dụng nghịch cảnh để phát triển “hệ thống cơ bắp” thuộc linh thiết yếu trong đời sống của chúng ta.

Giăng 15:2 – “Bất cứ cành nào trong Ta không kết quả thì Ngài chặt đi, còn những cành nào kết quả thì Ngài tỉa sửa để được nhiều quả hơn.” 

Trong thế giới tự nhiên, việc tỉa cành là cần thiết để cây ra hoa kết trái. Trong lĩnh vực thuộc linh, Đức Chúa Trời cũng cần cắt tỉa chúng ta. Nhờ Lời Chúa, chúng ta được nuôi dưỡng, nhưng thông thường, chính qua nghịch cảnh, chúng ta mới được cắt tỉa. Và việc cắt tỉa thường xảy ra qua các thử thách vì đau khổ có xu hướng bày tỏ cho chúng ta thấy con người thực sự của chúng ta là như thế nào. Mặc dù chúng ta là những người tin Chúa, nhưng chúng ta vẫn có bản chất tội lỗi ở trong mình, và chúng ta có xu hướng dốc đổ năng lượng tinh thần của mình vào những điều mà sẽ không sản sinh ra bông trái thật sự. Chúng ta có xu hướng tìm kiếm địa vị, thành công và danh tiếng ngay cả trong thân thể của Đấng Christ. Chúng ta có xu hướng phụ thuộc vào tài năng thiên bẩm và trí tuệ con người. Chúng ta dễ bị phân tâm và bị thu hút bởi những thứ của thế gian – những lạc thú và của cải vật chất.

Đức Chúa Trời sử dụng nghịch cảnh để khiến chúng ta buông bỏ những điều đó. Nghịch cảnh khiến chúng ta từ bỏ những ước muốn và kỳ vọng của mình – ngay cả những điều tưởng chừng như tốt đẹp – theo ý muốn tối cao của Đức Chúa Trời. Nó khiến chúng ta ngày càng lệ thuộc vào Chúa nhiều hơn. Vấn đề lớn nhất của chúng ta không phải ở bên ngoài mà là bên trong tấm lòng của chính chúng ta. Hoàn cảnh bên ngoài không quyết định những gì có trong tấm lòng của chúng ta; đó chỉ đơn thuần là “giai đoạn” mà tình trạng tấm lòng chúng ta được bộc lộ ra.

Ca-thương 3:33 – “Vì trong thâm tâm, Ngài không muốn gây khổ đau hoặc buồn bã cho con cái loài người.” 

Đức Chúa Trời không vui thích gì với sự đau khổ của chúng ta; tuy nhiên, Ngài cho phép điều đó xảy ra để giúp chúng ta lớn lên. Nếu chúng ta có thể tin cậy Chúa sử dụng nỗi đau của chúng ta để khiến chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa Giê-xu hơn, thì chúng ta có thể có được niềm vui giữa những thử thách và vui vẻ chấp nhận sự tỉa sửa của Cha Thiên Thượng. Ý định của Ngài là chúng ta có thể ra hoa kết trái – sinh nhiều trái, và nhiều trái hơn để mang lại sự ngợi khen và vinh hiển cho Ngài. 

Rút kinh nghiệm từ nghịch cảnh

Rô-ma 5:3-4 – “Không những thế, chúng ta cũng vui mừng trong gian khổ nữa, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn sinh ra nghị lực, nghị lực sinh ra hy vọng.

Thử thách đức tin của chúng ta sinh ra sự kiên nhẫn, và sự kiên nhẫn dẫn đến sự trưởng thành trong tính cách của chúng ta. Vì Chúa hành động trong đời sống của chúng ta qua nghịch cảnh, nên chúng ta phải học cách phản ứng lại với những gì Ngài đang làm. Hãy biến mục đích của Ngài trở thành mục đích của chúng ta.

Chúng ta có thể tìm kiếm những câu Kinh Thánh liên quan đến những thử thách và hoàn cảnh của chúng ta, đồng thời nghiên cứu những câu đó để có được cái nhìn sâu sắc hơn về lẽ thật. Mặc dù chúng ta có thể chỉ tìm đến Kinh Thánh để học cách đối phó với những nghịch cảnh của mình, nhưng chúng ta sẽ thấy rằng những nghịch cảnh đó lại giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh hơn.  Chúng giúp chuyển đổi “hiểu biết trong đầu” thành “kinh nghiệm xương máu”. Lời Chúa và nghịch cảnh có tác dụng cộng hưởng khi Chúa sử dụng cả hai để mang lại sự tăng trưởng trong đời sống của chúng ta; cả Lời Chúa và nghịch cảnh sẽ không thể phát huy được hết tác dụng nếu chỉ được sử dụng riêng lẻ.

Bông trái Thánh Linh được phát triển qua nghịch cảnh

Ga-la-ti 5:22-23 – “Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ. Không có luật pháp nào cấm các điều đó.

Những đức tính này không thể học được chỉ bằng cách đọc Kinh Thánh, chúng thường được thai nghén trong nghịch cảnh. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có tình yêu thương thật sự của người tin Chúa cho đến khi ai đó xúc phạm hoặc đối xử bất công với chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có niềm vui Cơ-đốc thực sự cho đến khi cuộc sống của chúng ta tan vỡ bởi một tai họa bất ngờ nào đó hoặc một nỗi thất vọng ê chề.

Chúng ta phải phản ứng như thế nào khi thấy mình ở trong những tình huống bất lợi – một ông chủ khó chịu, một người phối ngẫu vô lý, một đứa con nổi loạn, v.v.? Chúng ta có thể tin tưởng rằng Đức Chúa Trời có thể và sẽ làm việc trong lòng những người đó một cách cá nhân để thực hiện kế hoạch của Ngài cho chúng ta không? Hoặc nếu ai đó muốn làm hại chúng ta, hủy hoại danh tiếng của chúng ta, hoặc gây nguy hiểm cho sự nghiệp hoặc chức vụ của chúng ta, chúng ta có thể tin cậy Đức Chúa Trời để can thiệp một cách toàn quyền vào lòng người đó để người đó không thực hiện ý định xấu xa của mình không?

Châm-ngôn 21:1 – “Lòng của vua trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài muốn làm nghiêng lệch nó bên nào tùy ý Ngài.

Ngày nay, chúng ta không có vua để làm minh họa, vì vậy chúng ta có thể không đánh giá được đầy đủ những gì mà Đức Chúa Trời muốn nói với chúng ta. Trong những ngày đó, lời của vua là luật pháp. Quyền hạn của vua là không giới hạn và không bị hạn chế (tất nhiên là ở trên đất này thôi). Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời điều khiển lòng vua. Đức Chúa Trời có thể dễ dàng điều khiển ý chí của một người có tấm lòng mạnh mẽ nhất dễ dàng như người nông dân điều khiển dòng nước trong việc tưới tiêu bất kể người đó có phải là người tin và thờ phượng Đức Chúa Trời hay không.

Giận dữ và bực bội thường là những triệu chứng cho thấy chúng ta không yên nghỉ trong quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Nếu có thể hoàn toàn yên nghỉ trong quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có thể trải nghiệm niềm vui giữa những thử thách khác nhau trong cuộc sống. Đối với người tin Chúa, mọi nỗi đau đều có ý nghĩa, mọi nghịch cảnh đều mang lại lợi ích!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like