Home Chuyên Đề Cuộc Sống Thoải Mái: Tốt Hay Xấu?

Cuộc Sống Thoải Mái: Tốt Hay Xấu?

by Ban Biên Tập
30 đọc

Mọi người đều khao khát sự thoải mái trong thế giới sa ngã này. Một cách nhân từ, Kinh Thánh không để cho chúng ta chìm đắm trong ảo tưởng rằng cuộc sống này sẽ không có đau khổ hay rắc rối nào hết, ngay cả với những Cơ-đốc nhân tốt nhất. Trên thực tế, một số người khẳng định rằng chính sự đau khổ đã tạo nên tính cách của họ theo một chiều hướng tốt. Tất cả các anh hùng đức tin của chúng ta đều phải chịu khổ. Nói vậy thì sự thoải mái là xấu có đúng không? Một giáo sĩ Do Thái đã từng đảm bảo với tôi rằng các Cơ-đốc nhân nghĩ đau khổ là tốt – chịu khổ càng nhiều càng tốt! Đó có phải là điều mà Tân Ước dạy không?

Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi

“Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta!” tiên tri Ê-sai kêu lên. Câu đầu tiên của chương thứ bốn mươi này mở đầu cho một quỹ đạo rất khác trong sách Ê-sai, không còn những tai họa hay sự phán xét mà hướng tới một thông điệp về hy vọng trong tương lai. Vâng, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của niềm an ủi (từ an ủi ở đây còn có nghĩa là xoa dịu, làm cho ai đó cảm thấy dễ chịu hoặc thoải mái). Từ này được nhắc đến khoảng 71 lần trong suốt Kinh Thánh, hầu hết là trong những hoàn cảnh khốn khổ.

Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ, là Cha nhân từ và Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi. Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp! Vì như sự đau đớn của Đấng Christ tràn đầy trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đấng Christ mà sự an ủi của chúng tôi cũng tràn đầy thể ấy. (2 Cô-rinh-tô 1:3-5)

Ở đây, chúng ta thấy rằng chính nhờ những hoạn nạn mà mình đã trải qua, chúng ta trở nên dễ dàng hơn trong việc mang lại sự an ủi cho người khác. Chúng ta nhận được sự an ủi của Đức Chúa Trời trong những lúc khó khăn để sau đó có thể an ủi những người đang phải chịu đau đớn giống như chúng ta trước đó.

Ra khỏi vùng thoải mái của bạn

Mọi việc đều có thời điểm, có kỳ tổn thương có kỳ chữa lành. Chúng ta cần những mùa đau thương để lớn lên, sau đó mới là sự an ủi, chữa lành và phục hồi. Nếu tất cả những gì chúng ta có chỉ là sự thoải mái, thì chúng ta sẽ không đi được xa!

Bạn có thể tưởng tượng một vận động viên muốn mình lúc nào cũng được thoải mái không? Bạn không thể tập luyện cho Thế Vận Hội như vậy được! Sự trưởng thành đòi hỏi sự đau đớn khi chúng ta rời khỏi vùng an toàn của mình và rời khỏi những bến bờ quen thuộc.

Chúng ta lớn dần và bước ra khỏi những khuôn mẫu và hành vi cũ kỹ, non nớt như những đứa trẻ trong quá trình lớn lên phải đi nhiều đôi giày khác nhau. Chúng ta để lại những hạn chế trước đây khi chúng ta học hỏi và phát triển. Bạn không thể ở mãi trong những cái khuôn cũ hoặc bạn sẽ không bao giờ đi đến đâu. Tương tự, thời gian tăng trưởng cũng cần một khoảng lặng để có thể phục hồi. Cơn đau thường tạo ra sự phát triển cho các cơ bắp cũng cần một số loại thuốc xoa dịu để chữa lành. Các vận động viên sẽ hiểu được điều này. Nghỉ ngơi trong khi tập luyện là điều không tốt, nhưng nếu bạn quá sức và không biết dừng lại đúng lúc thì cũng không phải là điều khôn ngoan. Bạn cũng sẽ không đi được xa theo cách đó.

Chịu khổ giúp con người ta trở nên nhạy cảm hơn

Mike Riddell đã mô tả sự đau khổ như việc khắc một hẻm núi trong tấm lòng chúng ta mà qua đó tình yêu có thể tuôn chảy. Tôi hiểu anh ấy muốn nói gì. Khi bạn đã quen với nỗi đau, bạn sẽ dễ dàng đồng cảm với người khác hơn rất nhiều. Thật vậy, những ai chưa từng thực sự nếm trải nỗi sầu khổ sẽ cảm thấy vô cùng khó thông cảm với những người khác. Nhưng điều này còn đi xa hơn nữa. Gióp nhận thấy, khi ông đang quằn quại trong đau đớn, ông không chỉ nhận được sự thờ ơ, mà còn là sự khinh miệt. Ông suy nghĩ một cách lệch lạc rằng “Người may mắn khinh thường người bất hạnh. Kẻ trượt chân còn bị đẩy cho nhào” (Gióp 12:5). Những người luôn cảm thấy thoải mái sẽ khó thông cảm với những người đang trong cơn đau đớn. Họ thường sẽ không muốn dây vào – vì điều đó sẽ làm hỏng sự thoải mái của họ. Thay vì đồng cảm và chia sẻ nỗi đau với người khác, họ lại thường có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Ngược lại, những người đã từng bị tổn thương và chịu nhiều đau đớn thường có thể trở nên nhạy cảm với cảm xúc của người khác.

Thế hệ này cần một cái ôm cảm thông an ủi

Hiểu được cách vận hành của nỗi đau, sự tăng trưởng, sự an ủi và chữa lành có thể giúp chúng ta biết cách đương đầu với một số cơn bão văn hóa mà chúng ta có thể thấy là đang lan tràn ngày nay. Cả một thế hệ đã kiệt quệ với tình trạng mồ côi cha trên một quy mô mà khó có thể hiểu được. Những người cha, cung cấp cho chúng ta một cảm giác an toàn về danh tính và khả năng tự liên hệ với chính mình, nhưng đã để lại vết thương lòng không thể nào khép miệng khi thiếu vắng sự dạy dỗ của họ. Đây là một vấn đề cực kỳ nhức nhối – rất nhiều người ngày nay không biết cha của mình là ai – hoặc thậm chí bản thân mình là ai. Khi Đấng Tạo Hóa bị khước từ và những người cha trốn tránh trách nhiệm, thì con cái sẽ là những người bị bỏ rơi nơi phố chợ, dễ bị tổn thương bởi tất cả những gợi ý về danh tính thực sự của họ. Trong khi đó, các thế hệ lớn hơn luôn thấy mình hoang mang trước sự nhạy cảm tột độ của một nền văn hóa thanh thiếu niên dễ bị vấp phạm.

Tuy nhiên, sự chữa lành mang lại bình an và viễn cảnh về một tương lai tốt đẹp. Những người đã chịu những vết thương lòng, đã tha thứ cho người làm tổn thương mình và được chữa lành sẽ ít có khả năng rơi vào những cạm bẫy dối trá hứa hẹn những điều không tưởng. Những người mang trong lòng vết thương lở loét dễ thu hút kẻ thù, và dễ bị lừa hơn. Đây là lý do tại sao những người có cuộc sống thoải mái, những người đã tìm thấy sự bình an, nên mở rộng tấm lòng và cảm thông với những người kém may mắn hơn mình – bằng cách mang lại sự an ủi và sự chữa lành cho những người cần được yêu thương.

Vậy, chúng ta phải làm gì bây giờ?

Bạn có cảm thấy cuộc sống của mình khá thoải mái, hoặc mọi chuyện tốt đẹp đến với bạn tương đối dễ dàng? Hãy cẩn thận để không rơi vào cái bẫy xem thường những người kém may mắn hơn mình, những người đang phải chịu đau đớn, nhưng thay vì như thế, hãy đồng cảm với họ và yêu thương họ ngay cả khi bạn phải trả giá bằng cách hy sinh sự thoải mái của mình.

Bạn có đang tổn thương? Chúng tôi cầu nguyện Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi mang lại cho bạn sự yên ủi và bình an, sự chữa lành và niềm vui mới.

Bạn có đang sầu não vì các cuộc chiến văn hóa? Chúng tôi cầu nguyện cho những người mồ côi tìm được Người Cha đích thực của họ, Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi. Cầu nguyện cho những trái tim tan vỡ được chữa lành, và những tấm lòng đã được chữa lành sẽ lại tan vỡ cho những người hư mất và bị tổn thương.

Đức Giê-hô-va ôi! Xin nhậm lời con, xin đáp lời con, để dân nầy biết rằng chính Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ quay trở lại.(1 Các-vua 18:37)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like