Home Chuyên Đề Vu Lan – Hiếu Kính

Vu Lan – Hiếu Kính

by Hồ Galilê
30 đọc

Lời nói đầu:

Xuất phát từ sự tích về Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.

Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng, và là ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Vào “tháng cô hồn” (tháng 7 âm lịch), người Trung Quốc và người Việt Nam theo phong tục dân gian tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ, cũng như là khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện. Trong ngày lễ nầy, người con có bổn phận, có cơ hội để đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ, ông bà, nên còn gọi là Lễ báo hiếu hay Vu Lan Bồn.

Phật giáo có hai ngày đại lễ trong năm, đó là rằm tháng tư Âm lịch Lễ Phật đản, kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời và rằm tháng bảy Âm lịch Lễ Vu Lan Báo hiếu.

Ngày nay, Lễ Vu Lan còn mang tính xã hội rộng rãi trong cuộc sống của người Việt, là mùa không chỉ báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ mà còn là mùa yêu thương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Thế nhưng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời đã giải bày chân lý nầy, xin mời các bạn đón đọc qua hai chủ đề: VU LAN – HIẾU KÍNH:

Dẫn nhập:

Khi con người cảm thấy ngoại giới có một thứ năng lực hơn năng lực của mình thì trong lòng xuất hiện ý muốn thờ lạy, nếu đem ý muốn ấy ra tổ chức hóa hoặc nghi thức hóa thì nó sẽ trở thành tôn giáo. Tôn giáo giúp con người hướng đến những điều chân thiện mỹ, thế nhưng tôn giáo không cứu được bất cứ ai bởi lẽ tất cả các lãnh tụ tôn giáo đều chết, đều nằm trong phần mộ không thể sống lại được, duy chỉ có Đức Chúa Giê-su là Đấng từ kẻ chết sống lại, Ngài mới có quyền ban cho bạn sự sống và sự sống vĩnh cửu. Đồng thời, Ngài dạy dỗ bạn từ lời Ngài qua Thánh Kinh. Ngài cũng dùng Thánh Linh soi sáng và dẫn dắt bạn có năng lực để vừa muốn vừa làm theo ý tốt lành của Ngài.

SỰ HIẾU KÍNH TRONG CƠ-ĐỐC GIÁO

Sách Xuất Ê-díp-tô ký 20: 12 chép: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho”.

Người Việt Nam thường tôn trọng chữ hiếu và mong cho cha mẹ sống lâu gia đình được phước, vì thế họ lập bàn thờ ông Thiên ngay trước cửa nhà, người con có hiếu thường đêm đến trước bàn thờ cúng khẩn:

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.

Chịu ảnh hưởng của đạo đức Khổng giáo, Lão giáo nên người Việt Nam thường bảo nhau về cách sống cho phải đạo, nhất là đạo làm con, đạo vợ chồng:

“Đạo làm con chớ hững hờ
Phải đem hiếu kính mà thờ mẹ cha”.

Hoặc:

“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời mai sau”.

Thế nhưng, vẫn còn nhiều người quan niệm rằng Đạo của Chúa hay đạo Tin Lành nói riêng, là đạo Tây phương, đạo của Mỹ không thích hợp với Á đông. Vì không dạy con cái hiếu kính với ông bà cha mẹ, không biết thờ cúng ông bà cha mẹ khi qua đời. Khi có người tin Chúa, thờ Chúa theo đạo Tin Lành một số người cho họ là không làm tròn đạo làm con vì không được phép thờ cúng ông bà. Tuy nhiên đọc kỹ lời Chúa chúng ta thấy Chúa dạy điều răn thứ năm:“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho”, điều này nói lên một cách mạnh mẽ rằng: Đối với Chúa trong tất cả bổn phận con người đối với nhau, thì bổn phận con cái đối với cha mẹ là bổn phận quan trọng nhất. Theo Nho giáo thứ tự ưu tiên trong đời sống con người là: Quân – Sư – Phụ.

Nghĩa là:

Trước hết chúng ta làm tròn bổn phận đối với Vua hay người lãnh đạo đất nước, vì đó là người thay mặt Trời để hướng dẫn chúng ta, sau đó đến bổn phận đối với các bậc Thầy, vì Thầy là người dạy dỗ ta và cuối cùng là bổn phận đối với cha mẹ. Đạo của Chúa thì ngược lại, dạy chúng ta phải chu toàn bổn phận đối với Đức Chúa Trời trước nhất, vì Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta (Thiên sinh nhơn). Sau đó đến bổn phận đối với ông bà, cha mẹ, vì là điều răn đầu tiên trong sáu điều răn còn lại dành cho loài người.

Đạo Chúa xem trọng bổn phận làm con, vì đây là điều răn căn bản ảnh hưởng sâu đậm đến các bổn phận khác. Nếu một người không hiếu kính cha mẹ, không tôn trọng cha mẹ thì khi ra đời, người đó không yêu thương người xung quanh, và cũng không phục dưới thẩm quyền nào. Nếu một người con không yêu thương, tôn trọng cha mẹ khi còn nhỏ, lúc đi học sẽ không kính trọng thầy giáo và khi ra đời ắt sẽ ngang ngược. Người tin Chúa biểu lộ hiếu kính với ông bà cha mẹ chủ yếu khi ông bà cha mẹ lúc còn đang sống, còn khi ông bà cha mẹ qua đời con cháu lo chôn cất chu đáo theo lễ nghi của Hội thánh, trang nghiêm trong tinh thần tiếc thương hy vọng, ngoài ra không hương đèn, bài vị không van vái người đã chết. Vì lẽ người Tin Lành không làm theo phong tục cổ truyền, nên một số đồng bào cứ lầm tưởng là họ bỏ ông, bỏ bà, thậm chí có người cho là bất hiếu.

Có đạo nào dạy con người bất hiếu không? Đạo dạy bất hiếu sao là đạo được? Câu hỏi đặt ra: Tai sao người tin Chúa không thờ cúng ông bà cha mẹ?

Khi đã thờ Chúa thì không được thờ cúng ông bà cha mẹ vì những lý do sau đây:

Chúa dạy:“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” điều răn thứ năm, không hàm ý là cúi lạy cha mẹ khi cha mẹ còn sống, hay thờ cúng khi cha mẹ qua đời. Con người không thể thờ lạy con người, dù là ông bà cha mẹ đi nữa. Phúc-âm Giăng 10:3 “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta”. Vả lại, lập bàn thờ cho ông bà cha mẹ khi qua đời không phải là cách duy nhất bày tỏ sự hiếu kính. Thầy Tăng Tử có dạy:“làm một con gà cho cha mẹ ăn lúc còn sống còn hơn là vật trâu vật bò cúng tế khi cha mẹ qua đời”.

Kinh Thánh có nói rõ trong sách Gióp 7:9 (Bản Diễn Ý) rằng cha mẹ ông bà người đã chết không trở về:

“Người nhìn tôi rồi đây không thấy nữa
Trong phút giây đời tôi đã qua rồi
Người đã chết không bao giờ trở lại
Nơi cố hương nào ai còn hay biết”.

Trên thế giới có trên 2 tỷ người tin và thờ Chúa, họ không có bàn thờ, không cúng lạy, chẳng lẽ họ đều bất hiếu cả sao? Chúng ta thờ cúng ông bà cha mẹ người đã chết, là chúng ta đã phạm tội với Đức Chúa Trời, vì đó là thờ lạy vật thọ tạo thay cho Đấng Tạo Hóa. Mặt khác, sự thờ cúng theo phong tục cổ truyền tức là thờ 5 bài vị: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển (thờ ngũ đại chi mai thần chủ). Khi có người trong Tộc qua đời con cháu đem vào chỗ ông Hiển, chỗ thấp nhất, đưa ông Hiển lên ông Khảo, đưa ông Khảo lên ông Tổ, đưa ông Tổ lên ông Tằng, đưa ông Tằng lên ông Cao… rồi bỏ ông Cao đầu tiên, cứ như thế mà bỏ lần làm sao thờ hết cho được?

Một điều chúng ta lầm tưởng là người chết trở về hưởng hơi, ban phước, giáng họa thì thật là sai lầm. Chúng ta biết rõ là người chết không thể trở về như đã trình bày ở trên, nhưng họ ở một nơi giam giữ chờ Chúa xét xử. Nhiều người lúc cha mẹ còn sống hắt hủi không tôn trọng, không phụng dưỡng lúc đau ốm nhưng khi chết thì thờ cúng, rước dàn nhạc đánh suốt đêm không cho hàng xóm yên nghỉ. Đem cúng những món ngon vật lạ thì chẳng ích chi, mỗi dịp giỗ chúng ta tốn kém bao nhiêu tiền bạc cho việc sắm sửa hoa quả, áo quần, đốt bao nhiêu là vàng mã, thậm chí có người còn gửi cả xe Taxi, xe Dream, Dollar địa phủ nữa, thử hỏi những thứ đó người bên kia làm sao sử dụng? Có người còn tính toán làm những nải chuối bằng nhựa, những cây hương điện tử đủ màu chớp nháy, thì mùi vị đâu mà hưởng hơi, thật là dối giỗ lọc lừa… Người tin Chúa chú trọng khi ông bà cha mẹ lúc còn sống thật chu đáo, khi qua đời thì lo tròn bổn phận, có điều kiện thì xây cất mộ phần. Tổ chức lễ kỷ niệm không nhất thiết hằng năm, để nhớ ơn người sinh thành dưỡng dục ta, và ta phải sống một cuộc đời tốt đẹp đạo hạnh kính Chúa, yêu người làm gương sáng trước mặt mọi người. Trong dịp kỷ niệm bà con tập họp lại để cảm tạ Đức Chúa Trời, cầu nguyện để Chúa ban phước cho người còn sống, những vật thực dọn lên không phải để người chết hưởng bèn là một bữa tiệc thân mật tạo nên một bữa ăn yêu thương đồng cảm trong tinh thần gắn bó với nhau.

Hồ Galilê – 2021

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like