Home Chuyên Đề 5 Tin Lành Sai Lạc Trong Hội Thánh

5 Tin Lành Sai Lạc Trong Hội Thánh

by Sưu Tầm
30 đọc

Sa-tan vẫn luôn cám dỗ và gây áp lực lên Hội-thánh nhằm khiến chúng ta mất đi sự sắc bén của niềm tin Cơ-đốc và từ bỏ những lẽ thật khó truyền đạt khi đối diện với áp lực về mặt văn hóa và tôn giáo. Việc truyền lại một đức tin sống động cho thế hệ kế tiếp luôn là một thách thức, đặc biệt là nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, tòa án, các phương tiện truyền thông, trường công và những người theo chủ nghĩa dân tộc luôn thúc ép chúng ta hãy buông xuôi và thả trôi theo dòng sông quan điểm của thế gian.

Sau đây là 5 trong số rất nhiều cám dỗ sai lạc về mặt giáo lý mà Hội-thánh phải đối mặt:

Tin Lành Sai Lạc #1: Tin Lành về Ân Điển Buông Thả (Siêu Ân Điển)

Nhiều người được giải thoát khỏi nhà thờ Cơ-đốc giáo khô khan, buồn tẻ, dựa trên những việc làm công đức khi họ nhận ra rằng chúng ta không chỉ được cứu bởi Ân Điển mà còn được đổi mới hàng ngày và được chấp nhận bởi Ân Điển. Họ được giải cứu khỏi một đời sống phụ thuộc vào giới luật mà không có sự tương giao với Chúa, cũng như việc tuân thủ bề ngoài mà không có sự vâng phục cách vui vẻ từ bên trong tấm lòng. Ân điển, khi được hiểu đúng, thực sự là diệu kỳ, không chỉ cho những kẻ tội lỗi nặng nề mà còn cho cả các thánh đồ đang tranh chiến với những thiếu sót của mình. Nhưng ngày nay, chúng ta lại chứng kiến một sự giải thích sai lạc về ân điển (nếu không muốn nói là xuyên tạc) mà chúng tôi gọi là Phong Trào Ân Điển: các giáo sư và nhà truyền giảng Tin Lành đã cung cấp cho người ta ân điển trước cả khi họ tin rằng họ cần điều đó.

Ngày nay nhiều người giảng đạo nói rằng “Chúa yêu bạn vô điều kiện” và “Chúa yêu bạn khi bạn là chính mình.” Tình yêu vô điều kiện được hiểu là sự chấp nhận vô điều kiện lối sống của một người (dù người đó có tội lỗi thế nào đi chăng nữa).

Chúa yêu dân sự của Ngài, những người “ở trong Đấng Christ” một cách vô điều kiện, như Ngài yêu chính Con Ngài vậy (Giăng 17:20-23). Nhưng điều này không có nghĩa là Chúa luôn hài lòng với cách sống của chúng ta; cũng không có nghĩa là Chúa sẽ không sửa trị chúng ta khi chúng ta ngoan cố trong tội lỗi của mình. Dù rằng Chúa có lòng nhân từ với tất cả mọi người và yêu thương thế gian (Giăng 3:16), nhưng Kinh Thánh nói rằng, “Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!” (Hê-bơ-rơ 10:31). Và một lần nữa, “… vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài; vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt.” (Hê-bơ-rơ 12:28-29)

Tin Lành Sai Lạc #2: Tin Lành về Công Bằng Xã Hội

Vào đầu thế kỷ 20, nhiều nhà thờ đã bỏ việc rao giảng về thập tự giá của đấng Christ và thay thế bằng việc “làm điều tốt cho đồng loại.” Họ biện minh cho lập trường của mình bằng những câu Kinh Thánh từ Cựu Ước, như “Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa.” (Ê-sai 1:17) và những phân đoạn tương tự trong Tân Ước, chỗ Chúa Giê-xu dạy rằng khi chúng ta thăm viếng những môn đồ của Ngài đang ở trong tù, tức là chúng ta đang thăm viếng Ngài (Ma-thi-ơ 25:35-40). Những mối quan tâm xã hội thay thế công việc vốn đã hoàn tất của Đấng Christ, Đấng đã chết và sống lại để cứu tội nhân, và Tin Lành của Đức Chúa Trời cứu chúng ta khỏi tội lỗi gần như hoàn toàn bị bỏ lơ. Để phản ứng lại, những người theo trào lưu chính thống đã bác bỏ tin lành xã hội, tự giới hạn mình trong  nhu cầu cấp thiết về sự cải đạo cá nhân, mà bỏ qua những tác động xã hội của Phúc Âm.

Lịch sử ngày nay đang lập lại, nhưng với một khúc quanh khác. Nhiều người trẻ cảm thấy như thể họ không phù hợp với sự nồng nhiệt của công tác truyền giáo trong một thế giới chính trị bảo thủ, đã chọn cống hiến hết mình cho các công tác xã hội, và thật đáng buồn là, nhiều người trong số họ đã từ bỏ giáo lý về sự ăn năn cá nhân và chọn đi theo cái mà họ cho là thiết thực hơn Phúc Âm, giúp đỡ người nghèo đói và thiếu thốn.

Chúng ta được truyền lệnh phải sống như Đấng Christ, dấn thân phục vụ những nhu cầu của người khác cả về thuộc thể, cảm xúc, và tâm linh. Nhưng chúng ta phải phụng sự với một tư tưởng mang người ta đến với sự cứu chuộc, luôn tìm kiếm cơ hội để xây những cây cầu  dẫn họ đến với sự sống đời đời. Chúng ta cần những công tác xã hội được thúc đẩy bởi Phúc Âm để phục vụ mọi người bởi vì họ thiếu thốn và bởi vì chúng ta muốn họ tin nơi Đấng Christ. Nếu lòng thương xót là động cơ thúc đẩy chúng ta giúp con người giảm bớt những đau khổ trong đời này, thì nó còn thúc đẩy chúng ta chia sẻ Tin Lành để loại bỏ những đau khổ của họ trong đời sau đến mức nào nữa?

Tin Lành Sai Lạc #3: Tin Lành theo phong trào Tâm Linh Thời Đại Mới

Nhiều người Tin Lành trẻ không cảm thấy thoải mái khi ở trong nhà thờ. Họ lạc trôi đến những nhóm mà họ cảm thấy có sự kết nối cách cá nhân trong việc chia sẽ tâm tư, có nhiều hoạt động thiện nguyện, và các mối quan hệ bạn bè. Những buổi thờ phượng trang trọng và lặp đi lặp lại theo một kịch bản thường thiếu cái sức sống mà vài người trong số họ đang tìm kiếm. Họ là một thế hệ “tìm kiếm” và không thích việc được chỉ dạy phải tin vào điều gì nhưng quyết chí tìm kiếm một niềm tin phù hợp với mình.

Mặc dù có nhiều phẩm chất đáng ngưỡng mộ, thế hệ này vẫn mở cửa đón nhận việc tìm kiếm những trải nghiệm tâm linh độc lập với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Vậy nên, để trở nên hợp thời, nhiều hội thánh và trường thần học đã đem tư tưởng Tâm Linh Thời Đại Mới, vốn được chấp nhận rộng rãi trong nền văn hóa của chúng ta, vào dạy kèm với Kinh Thánh. Trong nhiều trường hợp, sách giáo khoa có chứa đựng các giáo lý của Tâm Linh Thời Đại Mới dựa trên trải nghiệm huyền bí về Đức Chúa Trời chứ không phải dựa trên Kinh Thánh.

Các sách kiểu như vậy trở nên rất phổ biến vì chúng miêu tả Đức Chúa Trời là một Đấng dễ gần, dễ tiếp cận hơn mà không cần đến những giáo lý cụ thể của Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải dạy cho dân sự của mình hiểu rằng những kiến thức chắc chắn và duy nhất về Đức Chúa Trời mà chúng ta có là dựa trên Kinh Thánh, điều mà chúng ta phải tin dù chúng ta có trải nghiệm hay không. Chúng ta có thể học được vài điều về Đức Chúa Trời khi chúng ta trải nghiệm thế giới, nhưng chỉ trong Kinh Thánh chúng ta mới có một sự hướng dẫn đáng tin cậy để dẫn dắt chúng ta đến với Đức Chúa Trời và sự cứu chuộc. Đôi khi chúng ta không kinh nghiệm được gì về Chúa hết, nhưng “ chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy.” (2 Cô-rinh-tô 5:7)

Tin Lành Sai Lạc #4: Tin Lành của Sự Tự Do về mặt Tình Dục

Liệu Hội-thánh có sẵn sàng thực hành những lời dạy của Kinh Thánh về sự kỷ luật trong Hội-thánh không? Hầu hết sẽ nói không. Tôi từng nói chuyện với một mục sư, và ông nói rằng họ cho phép tất cả mọi người trở thành thành viên của hội thánh mình, bất kể người đó đang ở đâu trong hành trình thuộc linh của mình; các cặp đôi chung sống trước hôn nhân, những cặp đồng tính có con, v.v… đều được phép trở thành thành viên bất chấp việc Hội-thánh phản đối những lối sống như thế này. Nhưng hội thánh đó đã kết luận rằng họ cho phép những người này gia nhập để họ có thể lớn lên trong đức tin thay vì nói với họ rằng “Vị trí thành viên không dành cho bạn”. Tóm lại, hội thánh này đã ngần ngại không nâng chuẩn thành viên của hội thánh lên cao trên mức chung chung.

Còn một lý do khác khiến các lãnh đạo ngần ngại trong việc thi hành kỷ luật trong hội thánh: họ biết sức mạnh của việc bị xấu hổ, bị coi thường, và bị nêu tên. Họ không muốn bị cáo buộc là không biết yêu thương.

Gởi đến tất cả những mục sư đang sợ rằng việc chống lại các mối quan hệ đồng giới sẽ khiến hội thánh của mình bị coi là một nhóm thù ghét, và do đó làm ảnh hưởng đến Tin Lành, hãy đặt mình vào vị trí của Sứ-đồ Phao-lô: hãy đọc lại Rô-ma 1:18-32, và nhớ rằng ông đang viết cho một hội thánh trong một xã hội đầy những tội lỗi tình dục ô uế dưới mọi hình thức. Nhưng ông vẫn viết cách thẳng thắn về quan điểm của Đức Chúa Trời đối với các mối quan hệ đồng tính, biết rằng lá thư của mình sẽ được đọc công khai trước hội thánh. Ông biết rằng sự thật thường mất lòng và có thể gây tổn thương, nhưng nó cũng mang đến sự chữa lành (1 Cô-rinh-tô 6:9-11).

Tin Lành Sai Lạc #5: Tin Lành của Sự Hòa Hợp Tôn Giáo

(Lời người dịch: tác giả bài viết này đề cập đến Hồi giáo, nhưng chúng ta có thể áp dụng những ý này với Phật giáo ở Việt Nam)

Nền văn hóa của chúng ta đã chọn cúi đầu trước những tôn giáo khác, và Hội-thánh cũng bị áp lực phải làm theo. Hãy để tôi nói ngay từ đầu rằng tôi không phản đối việc gặp gỡ những người Hồi giáo hay Phật giáo để nói chuyện về sự khác biệt giữa hai tôn giáo bên ngoài tòa giảng. Tôi thích những cuộc trao đổi như vậy. Được quen biết với nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau là một đặc ân mà Chúa ban cho chúng ta. Tôi phản đối việc tranh cãi, tìm cách chứng minh ai đúng ai sai, và nói những lời chỉ trích. Chúng ta không nên cố gắng để giành chiến thắng trong một cuộc tranh cãi mà hãy giành lấy sự tin tưởng cũng như thể hiện lòng tôn trọng và sự quan tâm. Thực tế là, tôi đã nghe nhiều lời chứng của những người Hồi giáo cải đạo sang Cơ-đốc giáo, và tất cả các câu chuyện như thế này đều có cùng một chủ đề: tình yêu thương và sự quan tâm không vụ lợi đến từ Cơ-đốc nhân.

Tuy nhiên, dưới vỏ bọc của lòng khoan dung, tình yêu thương, và thậm chí một số người có thể nói là để rao giảng Phúc Âm, nhiều người Hồi giáo đang được mời đến các hội thánh để chia sẻ một phiên bản được sửa đổi đặc biệt của Hồi giáo. Sự hòa hợp tôn giáo trong hội thánh đã cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo một bục giảng không bị tranh cãi để phát biểu cách công khai và mời họ trình bày một phiên bản của Hồi giáo mà hoàn toàn không tồn tại ở các nước Hồi giáo. Và điều này cũng không dựa trên lịch sử hay các kinh sách Hồi giáo.

Nếu một hội thánh muốn biết người Hồi giáo tin gì, tại sao không mời một người Hồi giáo đã cải đạo đến với hội thánh mà chia sẻ câu chuyện của mình? Cá nhân tôi thấy những lời chứng này có nhiều thông tin hữu ích giúp hiểu được đời sống ở những nước Hồi giáo mà chưa bị ảnh hưởng bởi các giá trị Phương Tây. Chúng ta có nhiều điều cần học, và có rất nhiều người có thể dạy chúng ta.

Về phương tiện để rao truyền Phúc Âm, có rất nhiều cơ hội khác nhau để tiếp cận những người Hồi giáo với tình yêu của đấng Christ và sứ điệp Phúc Âm. Cơ-đốc nhân và người Hồi giáo nói riêng cũng như những người thuộc các tôn giáo khác nói chung có thể kết nối với nhau tại nhà, trường học, khu dân cư, và nơi làm việc của họ. Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta vươn qua những hố sâu ngăn cách và làm chứng nhân cho Ngài tại mọi nơi mà chúng ta đến. Đây là lúc để chúng ta nhớ lại những lời mà Chúa Giê-xu đã nói cùng các môn đồ của Ngài: “Nầy, Ta sai các con đi như chiên giữa bầy muông sói. Vậy hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.” (Ma-thi-ơ 10:16)

Chúng ta có thể tin cậy Người Chăn Hiền Lành luôn ở giữa chúng ta trong mỗi bước đường.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: Christianity.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like