Home Chuyên Đề Đền Thờ Được Xây Dựng Trên Sân Đập Lúa

Đền Thờ Được Xây Dựng Trên Sân Đập Lúa

by Oneforisrael.org
30 đọc

Kể từ thời Môi-se, Đức Chúa Trời đã phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng Ngài đã chọn một nơi để làm nơi ngự của Ngài trong Xứ Hứa, rất lâu trước khi họ đến được đó:

“Nơi nào trong những chi phái các ngươi, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi sẽ chọn, đặng đặt danh Ngài, tức là nơi ngự của Ngài, thì các ngươi phải tìm đi đến đó” (Phục-truyền 12:5)

TẠI SAO ĐỊA ĐIỂM ĐÓ LẠI ĐƯỢC CHỌN

Địa điểm này không được xác định cụ thể vào thời điểm đó, nhưng Đức Chúa Trời đã quyết định chọn nơi đó từ rất lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên đến được xứ Ca-na-an. Chúng ta có thể ý thức được rằng Đức Chúa Trời đã đặt dấu ấn mang tính tiên tri của Ngài lên địa điểm mà Ngài chọn ngay từ trong Sáng-thế Ký 22: đó là nơi mà Đức Chúa Trời phán bảo Áp-ra-ham rằng ông phải dâng Y-sác – núi Mô-ri-a. Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn. Trên thực tế, Si-ôn có nghĩa là “được đánh dấu”. Vậy làm thế nào mà dân Y-sơ-ra-ên biết được Đức Chúa Trời đang muốn nói đến địa điểm nào? Mọi chuyện bắt đầu khi Đa-vít gặp rắc rối – một dịch bệnh đã bùng phát trong Y-sơ-ra-ên, và chỉ có một cách để ngăn chặn nó:

“Vậy, Đức Giê-hô-va khiến bệnh dịch hạch hoành hành trong Y-sơ-ra-ên từ sáng hôm đó cho đến thì giờ đã định. Số người chết trong dân chúng từ Đan đến Bê-e Sê-ba là bảy mươi nghìn người. Khi thiên sứ đưa tay ra để hủy diệt Giê-ru-sa-lem thì Đức Giê-hô-va đổi ý về tai họa ấy, nên phán với thiên sứ thi hành cuộc hủy diệt: “Đủ rồi! Bây giờ hãy rút tay ngươi lại.” Lúc ấy, thiên sứ của Đức Giê-hô-va ở gần sân đập lúa của A-rau-na, người Giê-bu-sít.” (2 Sa-mu-ên 24:15-16)

“…Vậy, Đa-vít mua sân đập lúa và bò với giá năm mươi siếc-lơ bạc. Đa-vít xây tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, và dâng tế lễ thiêu cùng tế lễ bình an. Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện và chấm dứt tai họa trên đất nước Y-sơ-ra-ên.” (2 Sa-mu-ên 24:18-25)

Vua Đa-vít đã mua lại khu đất đó, theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, và chính trên khu đất đó, đền thờ đầu tiên đã được xây dựng. Và sau đó, là cái thứ hai. Và ngày nay, thánh đường Hồi giáo Dome of the Rock (hay còn gọi là nhà thờ vòm đá vàng) đang tọa lạc tại địa điểm đó.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĐẬP LÚA

Sáng kiến của Vua Đa-vít khi mua sân đập lúa đó là để ngăn chặn thiên sứ thi hành án phạt dành cho tội lỗi. Đối với các tín hữu, mối liên kết này có một ý nghĩa – đó là địa điểm của sự chiến thắng tội lỗi và là nơi sức mạnh của sự chết bị chặn đứng.

Nhưng đập lúa thì có liên quan gì ở đây?

Việc đập lúa về cơ bản là để phân loại –  tách lúa ra khỏi rơm rạ.

Việc đập lúa nhiều lần được nhắc đến trong Kinh Thánh và có điều gì đó trong quá trình sản xuất nông nghiệp này mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta suy ngẫm.

Chủ đề đập lúa đã được thêu dệt xuyên suốt Kinh Thánh và trong tư tưởng của người Do Thái. Sách Thi-thiên bắt đầu với một bài ca so sánh người công bình với kẻ gian ác bằng cách ví von giữa một cái cây tươi tốt với rơm rác. Thi-thiên đầu tiên bắt đầu bằng cụm từ, “phước cho người nào” – giống như bài giảng về tám phước lành của Chúa Giê-xu trong bài giảng trên núi – phước cho người nào chẳng theo đường tội nhân, nhưng suy ngẫm về lời của Đức Chúa Trời:

Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,

Sinh bông trái đúng mùa đúng tiết,

Lá nó cũng chẳng tàn héo.

Mọi việc người làm đều sẽ thịnh vượng.

Kẻ ác chẳng như vậy đâu,

Nhưng chúng khác nào rơm rác gió thổi bay đi.

Vì thế, kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày phán xét,

Tội nhân cũng không được vào hội người công chính. (Thi-thiên 1:3-5)

SỐ PHẬN KHÁC NHAU CỦA NGƯỜI CÔNG BÌNH VÀ KẺ ÁC

Ma-la-chi, nhà tiên tri cuối cùng trong Cựu Ước, đã kết thúc cuốn sách của mình với cùng một bức tranh về sân đập lúa:

“Bấy giờ, các con sẽ trở lại và thấy sự khác biệt giữa người công chính và kẻ gian ác, giữa người phụng sự Đức Chúa Trời và kẻ không phụng sự Ngài.” (Ma-la-chi 3:18)

“Đức Giê-hô-va vạn quân phán: ‘Kìa, ngày ấy đang đến, sẽ cháy như lò lửa. Mọi kẻ kiêu ngạo, mọi kẻ làm ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu đốt chúng, chẳng để lại cho chúng hoặc rễ hoặc cành.’” (Malachi 4:1)

Giăng Báp-tít xuất hiện mấy trăm năm sau đó tiếp tục sứ điệp còn dang dở của Ma-la-chi! Người nói với dân chúng xứ Giu-đê về Đấng Mê-si thế này:

“Tay Ngài cầm nia mà sảy thật sạch sân lúa mình, rồi thu lúa vào kho; còn rơm rác thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.” (Ma-thi-ơ 3:12)

Đây không phải là bức tranh mà nhiều người thích về Chúa Giê-xu, nhưng Ngài chính là Đấng như vậy.

CHÚA GIÊ-XU CÓ QUYỀN TỂ TRỊ TRÊN SÂN ĐẬP LÚA

Như Phao-lô nói, chúng ta cần phải hiểu được tính cân bằng giữa lòng nhân từ và sự nghiêm khắc của Đức Chúa Trời. Chủ đề sàng sảy lúa mì tái xuất hiện trong bữa ăn tối cuối cùng. Chúa Giê-xu quay sang Phi-e-rơ, người mà Ngài chọn để chăn chiên mình, và nói:

“Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy, Sa-tan đòi sàng sảy các con như lúa mì. Nhưng Ta đã cầu nguyện cho con để con không thiếu đức tin…” (Lu-ca 22:31-32)

Chúng ta có một kẻ thù luôn tìm cách hủy diệt chúng ta. Nhưng tuyệt vời hơn, chúng ta có chính Đấng Mê-si đứng về phía mình! Chúa Giê-xu đang cầu thay cho chúng ta và Ngài luôn giúp đỡ mỗi khi chúng ta gặp khó khăn. 

Chúa Giê-xu đã đến với tư cách là người đầy tớ chịu khổ, Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta bằng tình yêu vị tha thuần khiết nhất mà vũ trụ từng biết. Ngài đã ban cho chúng ta từ ân điển này đến ân điển khác, và mở ra một con đường để chúng ta đến với Đức Chúa Cha – trong khi chúng ta vẫn còn là tội nhân. Như ai đó đã từng nói, Phúc Âm là câu chuyện duy nhất mà anh hùng chết vì kẻ ác! Chúa Giê-xu không chỉ chết cho những người tin Chúa từng sống trong tội lỗi, mà còn cho những người theo đạo Hồi, cho những người theo đạo Hindu, những người vô thần, phù thủy, phật tử, cho những người trong cộng đồng LGBTQ (và cho tất cả mọi thành phần hay đối tượng nào mà chúng ta có thể nghĩ đến), người bán thịt, thợ làm bánh, thợ làm đèn cầy… bất cứ ai ăn năn tội lỗi của họ và tin danh Ngài thì sẽ được chào đón vào Vương-quốc. Sự hy sinh của Con Đức Chúa Trời, huyết đã đổ ra của Chúa Giê-xu, Đấng Mê-si, có quyền năng cứu chuộc.

Nhưng cơ hội để con người chúng ta chấp nhận ân điển tuyệt vời này không phải là vĩnh cửu. Ngày Phán Xét chắc chắn đang đến rất gần rồi, vì Ngài đã nhân từ cảnh báo chúng ta hết lần này đến lần khác. Và sự phán xét công bình của Chúa Giê-xu là một điều tốt lành, như các bài hát trong sách Khải-huyền đã tuyên bố. Cuối cùng cái ác cũng sẽ bị diệt vong và trở về nơi mãi mãi thuộc về nó.

“Như cỏ lùng bị gom lại và đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng như vậy; Con Người sẽ sai thiên sứ Ngài nhặt mọi kẻ gây vấp phạm và mọi kẻ làm ác khỏi vương quốc Ngài, rồi ném chúng vào lò lửa, nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. Khi ấy, những người công chính sẽ tỏa sáng như mặt trời trong vương quốc của Cha mình. Ai có tai, hãy lắng nghe!” (Ma-thi-ơ 13:40-43)

“Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ làm nên sự ấy!” (Ê-sai 9:6)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like