Rất ít câu chuyện nào trong lịch sử Cơ-đốc mà lại kịch tính hơn câu chuyện của John Newton, cuộc đời của ông đã thể hiện đúng với tiêu đề của bài thánh ca nổi tiếng “Ân Điển Lạ Lùng” do chính ông viết ra.
Newton sinh ra ở Luân Đôn vào năm 1725 trong một gia đình có cha làm nghề đi biển và người mẹ sùng đạo. Ông theo cha đi biển vào năm 11 tuổi, nhưng chối bỏ đức tin của mẹ mình và trở thành một thanh niên nổi loạn, liều lĩnh và có lối sống vô đạo đức.
Ông là một kẻ chuyên gây rắc rối: từ chối nhiều công việc tốt, bị đuổi sau 6 chuyến đi biển, rồi vào năm 19 tuổi, bị ép vào Hải-quân Hoàng-gia. Ông đào ngũ, bị bắt và bị đánh bằng roi trước công chúng.
Ra khỏi Hải-quân, Newton tham gia vào việc buôn bán nô lệ, vận chuyển nô lệ từ Châu Phi sang Bắc Mỹ. Có một thực tế đáng buồn là nạn buôn bán nô lệ – một hoạt động thương mại mang lại lợi nhuận rất lớn ở Anh lúc đó, lại gần như là vô hình đối với những nhà cầm quyền – mặc dù lúc đó cũng đã gợi lên ít tranh cãi. Newton, từng gây thù chuốc oán với rất nhiều người, bị các tay buôn người khác bỏ lại ở Châu Phi, bị giam cầm trong xiềng xích và bị đối xử tàn tệ suốt 18 tháng.
Khi Newton được giải cứu vào năm 1748, ông không hề tỏ ra ăn năn. Tuy nhiên, khi đang trên đường trở về Anh, tàu của ông gần như bị đánh chìm bởi một cơn bão lớn. Lúc tàu sắp chìm, Newton bắt đầu cầu nguyện, phó mặc bản thân mình cho lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Và bằng cách nào đó, con tàu đã có thể về lại Anh một cách an toàn. Mặc dù về sau Newton xem lời cầu nguyện lúc đó là một cột mốc đánh dấu thời điểm cải đạo của mình, nhưng ông đã viết, “Tôi không thể xem mình là một người tin Chúa, theo đúng nghĩa của danh xưng này, cho đến một thời gian dài sau đó.“
Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi, Newton bắt đầu cầu nguyện và đọc Kinh Thánh.
Năm 1750, Newton cưới Polly Catlett, người phụ nữ mà ông đã gắn bó suốt 40 năm với một cuộc hôn nhân hạnh phúc dù không có con. Ông trở lại phục vụ trên các con tàu buôn bán nô lệ, thực hiện ba chuyến đi trong vai trò thuyền trưởng và có vẻ như không quan tâm mấy đến sự mâu thuẫn giữa nghề nghiệp và đức tin của mình.
Vào năm 29 tuổi, sau khi sức khỏe kém đi, Newton từ bỏ nghề đi biển và thay vào đó là nhận một công việc ở bến cảng Liverpool. Tại đó, đời sống Cơ-đốc của ông bắt đầu nở rộ và ông được ảnh hưởng bởi những người giảng đạo vĩ đại trong cuộc phấn hưng của phong trào Giám Lý, như John và Charles Wesley cùng George Whitefield. Đời sống của Newton được biến đổi và ông tham gia vào các nhóm Tin Lành cũng như tổ chức học Kinh Thánh. Ông mong muốn được tấn phong bởi Giáo-hội Anh nhưng qua nhiều năm bị từ chối vì thiếu bằng cấp và nghi ngờ rằng ông đã nhiễm ‘nhiệt huyết’ của bên Giám Lý.
Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của một người ủng hộ có ảnh hưởng, Newton được phong chức và trở thành mục sư phụ tá của nhà thờ Olney tại Buckinghamshire. Là một người chăn bầy năng nổ, toàn tâm và biết quan tâm đến người khác, một người dạy Kinh Thánh và giảng những bài giảng thu hút và phù hợp với thời cuộc, ông đã gia tăng quy mô hội thánh của mình lên gấp ba lần. Ông cũng viết những quyển sách mà đã giúp ông được chú ý bởi đông đảo công chúng.
Nhà thơ kiêm người viết thánh ca William Cowper chuyển đến Olney, ông và Newton trở thành bạn thân của nhau, điều này đã đem lại nguồn động viên to lớn cho Cowper vì ông bị trầm cảm. Họ cùng nhau viết thánh ca. Newton cũng đóng góp với nhiều bài thánh ca mà vẫn còn rất phổ biến cho đến ngày nay bao gồm, “Ân Điển Lạ Lùng” (Amazing Grace), “Danh Chúa Giê-xu Nghe Thật Ngọt Ngào Làm Sao” (How Sweet the Name of Jesus Sounds), và “Này Si-ôn” (tên nguyên tác: Glorious Things of Thee Are Spoken, tạm dịch là: Những Điều Vinh Quang của Ngài Đã Được Rao Ra). Mặc dù về mặt chuyên môn Cowper có thể là một nhà thơ giỏi hơn, nhưng Newton đã thể hiện một khả năng đáng chú ý trong việc sử dụng ngôn ngữ đơn sơ dễ hiểu và dễ nhớ.
Sau 16 năm làm chức vụ đầy kết quả ở Olney, Newton chuyển tới nhà thờ ở thành phố Luân Đôn vào năm 1780. Ở đó, tại trung tâm của đất nước, ông có thể trở thành một người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, khích lệ, cố vấn và thăng tiến trong mọi mặt, trên nền tảng của Cơ-đốc giáo Tin Lành sống động. Khi chính trị gia trẻ tuổi và đầy triển vọng William Wilberforce tin Chúa và bị cám dỗ từ bỏ con đường chính trị để phục vụ Hội-thánh, Newton khuyến khích ông ở lại Nghị Viện và “hầu việc Chúa tại vị trí của mình”.
Bấy giờ, thái độ của cả nước xoay sang chống lại chế độ nô lệ, và Newton, vẫn còn đau buồn về những việc làm của mình nhiều thập kỷ trước đó, ông đã viết một cuốn sách nhỏ với ngôn từ đầy mạnh mẽ – “Suy Nghĩ Về Việc Buôn Bán Nô Lệ Châu Phi” (Thoughts Upon the African Slave Trade) – dựa trên những trải nghiệm của chính mình. Cuốn sách được lưu hành rộng rãi và giúp ích rất nhiều cho thành công cuối cùng của Wilberforce trong cuộc vận động chống lại nạn buôn bán nô lệ.
Trong những năm tháng cuối đời của mình, Newton trở thành chính khách cấp cao của Hội-thánh Tin Lành ở Anh Quốc, làm bất cứ điều gì ông có thể để truyền bá Phúc Âm; hỗ trợ các mục sư ở mọi hệ phái và giúp thành lập cả Giáo-hội Truyền Giáo (Church Missionary Society – CMS) và Thánh Kinh hội (Bible Society). Newton qua đời năm 1807 ở tuổi 82, sau 50 năm phục vụ Đấng Christ và chỉ vài tháng sau khi chế độ nô lệ chấm dứt trên toàn Đế Quốc Anh.
Có nhiều bài học dành cho chúng ta trong cuộc đời của John Newton, nhưng với tôi nổi bật nhất là những điều nảy sinh từ sự cải đạo của ông. Dưới đây là bốn điều cần suy ngẫm:
Đầu tiên, chúng ta thấy giá trị ưu tiên của việc cải đạo. Sự biến đổi của Newton từ một cuộc đời rối ren thành một người hầu việc Chúa đầy ân điển dạy chúng ta về tiềm năng biến đổi cuộc đời của việc gặp gỡ đấng Christ; Chính Chúa Giê-xu đã biến đổi những cuộc đời như vậy.
Thứ hai, chúng ta thấy nguyên tắc của việc cải đạo. Câu chuyện của Newton nhắc nhở chúng ta rằng tuy chúng ta không thể tự cứu lấy mình, Chúa có thể và Ngài làm được. Trong lời bài hát “Ân Điển Lạ Lùng”, Newton đã đến với Đức Chúa Trời khi ông còn là một người “lầm than trong nơi tội đày”, “hư mất” và “lầm lạc”, nhưng đấng Christ vẫn cứu ông.
Thứ ba, chúng ta thấy quá trình của sự cải đạo/biến đổi. Ai trong chúng ta cũng đều thích những câu chuyện về sự cải đạo đầy kịch tính với những thay đổi về hành vi lối sống chỉ sau một đêm. Những câu chuyện như vậy cũng có xảy ra, nhưng với Newton là cả một quá trình dài. Chúng ta cần được nhắc nhở rằng đôi khi phải mất một khoản thời gian dài sau khi hạt giống được gieo ra để bông hoa đức tin có thể nở rộ.
Và cuối cùng, chúng ta thấy sản phẩm của sự cải đạo. Newton đã nhận được ân điển dư dật. Nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là, sau khi nhận được ân điển đó, ông đã chia sẻ với những người khác. Ân điển rời rộng mà Chúa ban cho Newton đã tràn ra cho những cuộc đời xung quanh và cho cả thế giới.
Những lời cuối cùng của John Newton được ghi lại là: “Tôi gần như không nhớ được gì nhiều nữa, nhưng có 2 điều tôi không bao giờ quên: rằng tôi là một tội nhân tệ hại và Đấng Christ là một Cứu Chúa vĩ đại.” Amen.
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: christiantoday.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com