Chắc con có nhiều lần nóng giận. Nhưng hy vọng là con không quá giận đến nỗi xô cửa, quăng đồ, và gây tổn thương cho người khác. Rất dễ để thấy kiểu tức giận đó là tội. Nhưng con cũng có thể làm tổn thương cảm xúc của mọi người bởi cơn giận của con. Ví dụ như con là người dễ tức giận. Con để một chuyện rất nhỏ khiến con tức giận. Hoặc con thường xuyên nóng giận đến nỗi người khác phải khẽ khàng khi ở gần con. Hoặc con nổi giận để họ làm theo ý con. Kinh Thánh chống lại kiểu nổi giận như vậy:
“Người nóng nảy làm điên làm dại” (Châm ngôn 14:17). “Người hay giận gây điều tranh cạnh” (Châm ngôn 29:22). “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu muội” (Truyền đạo 7:9).
Ngay cả người hiền lành đôi khi cũng giận. Không phải tất cả sự giận dữ đều xấu xa. Chúa tạo nên cảm xúc của con––yêu thương, vui vẻ, bình an, đau buồn, và cả nóng giận nữa. Có người nghĩ tất cả mọi cơn giận đều là sai. Họ còn nghĩ khi Chúa Giê-su giận là Ngài cũng phạm tội. Khi có nhiều người lãnh đạo tôn giáo giả hình, “Ngài lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi” (Mác 3:5). Khi các môn đồ ngăn cản các em bé đến chỗ Ngài, “Đức Chúa Jêsus thấy vậy, bèn giận mà phán cùng môn đồ rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó” (Mác 10:14).
Giận không phải luôn là sai. Ê-phê-sô 4:26 nói “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội.” Nghĩa là con có thể giận, nhưng đừng phạm tội. Sẽ có lúc con có lý do chính đáng để nổi giận, như khi con thấy ai đó ăn hiếp các em nhỏ.
Vấn đề là con không được vội giận. “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Chính Đức Chúa Trời cũng tức giận, nhưng Kinh Thánh nói, “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ” (Thi thiên 103:8).
Và tranh luận không phải lúc nào cũng xấu. Ngay cả những người tin kính cũng có những ý kiến khác nhau, và tranh luận. Một lần kia, sứ đồ Phao-lô và sứ đồ Ba-na-ba có một trận tranh luận nảy lửa. Sứ đồ Phao-lô là người đã viết chương Kinh Thánh nói về tình yêu thương, I Cô-rinh-tô 13, và sứ đồ Ba-na-ba được Kinh Thánh mô tả là “người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin” (Công vụ 11:24). Nhưng tạ ơn Chúa, sau đó họ đã giải quyết sự khác biệt và hòa thuận lại.
Trong hầu hết các trường hợp, kiêu ngạo và vội giận là nguyên nhân gây ra tranh cãi. Vậy nên con hãy tránh xa hai điều đó.
*****
Người vội giận thì dễ gây ra điều gì?
Có phải nổi giận luôn luôn là tội lỗi?
Nguồn: Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com