Home Chuyên Đề Cơ Đốc Nhân Nên Nói Chuyện Với Con Cái Về Vấn Đề Đồng Tính Luyến Ái Như Thế Nào?

Cơ Đốc Nhân Nên Nói Chuyện Với Con Cái Về Vấn Đề Đồng Tính Luyến Ái Như Thế Nào?

by ibelieve.com
30 đọc

Khi chúng tôi đang xem một tập của chương trình House Hunters trên kênh HGTV. Con gái tôi mới học lớp một khi đó nhìn tôi với ánh mắt tò mò.

“Tại sao nhà đó lại có hai người cha vậy mẹ?” con bé băn khoăn.

Câu hỏi bất ngờ này khiến tôi thấy choáng. Tôi không mong đợi chủ đề này sẽ xuất hiện khi xem một chương trình cải tiến nhà cửa. Các chương trình nghị sự trên truyền hình không còn được chiếu trên giờ vàng hay các kênh đăng ký nữa.

Hầu hết các trang mạng đang có xu hướng chiếu nhiều bộ phim về chủ đề đồng tính hơn. Truyền hình cáp Hallmark trước đây thường né các bộ phim có nội dung về mối quan hệ đồng tính nam và đồng tính nữ công khai, nhưng gần đây họ lại chiếu những chương trình về đám cưới đồng giới.

Thật kỳ lạ, vậy mà họ cũng bị hai chương trình dành cho trẻ em đi trước một bước: Clifford the Big Red Dog của PBS, trong đó có chiếu cảnh một gia đình với hai bà mẹ quây quần trong một bữa tiệc tối hồi đầu năm nay, và Disney đã cho ra mắt nhân vật hoạt hình lưỡng tính đầu tiên trong loạt phim siêu nhiên, The Owl House.

Cho dù bạn đang xem chương trình dành cho trẻ em hoặc chương trình cải tiến nhà cửa, hoặc có thể bạn tiếp xúc với một gia đình có hai người cha hay hai người mẹ kiểu như vậy ở trường hay tình cờ gặp gỡ một người chuyển giới ở công viên, các vấn đề về đồng tính/chuyển giới/hay lưỡng tính là một thực tế trong văn hóa của chúng ta. Là Cơ-đốc nhân, chúng ta cần biết cách thảo luận về chủ đề này với con cái theo quan điểm Kinh Thánh.

Dưới đây là 7 điểm chính cần đề cập khi nói chuyện với con bạn về các vấn đề có liên quan đến cộng đồng những người có xu hướng giới tính bất thường (LGBTQ):

1. Hãy nói cho con bạn biết về LẼ THẬT

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà người ta thường có xu hướng chối bỏ lẽ thật. Thế gian nói rằng những gì đúng với bạn chưa chắc đã đúng với tôi. Lẽ thật của thế gian là chủ quan. Điều đó ổn miễn là chúng ta đang nói về cửa hàng nào bán bánh mì kẹp thịt ngon nhất hoặc ai là cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng chày. Nhưng khi chúng ta chuyển sang chủ đề đạo đức, bao gồm các vấn đề về tình dục và giới tính của mình, thì lẽ thật không còn là chủ quan nữa.

Chúng ta phải dạy cho con cái mình lẽ thật mà được áp dụng cho toàn cõi vạn vật.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể diễn giải một cách dễ hiểu các khái niệm phức tạp như “chủ quan” và “phổ quát” cho con cái của chúng ta?

Nếu con bạn còn nhỏ, hãy bắt đầu với món bánh mì kẹp thịt. Con thích Wendy’s còn ba mẹ thì thích What-a-Burger. Đó là một sở thích. Chúng ta có thể bất đồng về việc bánh mì thịt ở đâu là ngon nhất hoặc cầu thủ bóng chày nào là giỏi nhất.

Nhưng lẽ thật của Đức Chúa Trời thì không phải là một sở thích. Nó là phổ quát, có nghĩa là nó áp dụng cho tất cả mọi người, cho toàn cõi vũ trụ.

Hãy giải thích cho các con hiểu rằng chân lý của Đức Chúa Trời thì cũng chắc chắn như lực hấp dẫn vậy. Tôi có thể không tin vào định luật đó, nhưng nếu tôi nhảy khỏi tầng 50 của một tòa nhà chọc trời, thì tôi sẽ phát hiện ra rằng… nó có thật. Cũng như việc Đức Chúa Trời đã tạo ra các định luật chi phối thế giới vật chất của chúng ta, thì Ngài cũng tạo ra các luật để chi phối thế giới thuộc linh vậy. Ngài đã tạo ra một luật về đạo đức, và luật đó cho chúng ta một chân lý mà sẽ được áp dụng cho tất cả mọi người.

Chúng ta có thể tìm thấy lẽ thật ở đâu?

Trong lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể chọn tạo ra lẽ thật của riêng mình, nhưng nếu lẽ thật của chúng ta khác với lẽ thật của Chúa, thì chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn.

2. Hãy nói cho con bạn hiểu về TỘI LỖI.

Thế gian nói rằng Đức Chúa Trời là một quan án to lớn, xấu tính, ngồi trên ngai vàng ở trên trời, luôn ngăn cấm chúng ta làm những việc mình thích. Ngài có một danh sách ngắn những việc nên làm và một danh sách dài những điều không nên làm, và trong danh sách không nên làm đó là tất cả những gì mang lại niềm vui mà Ngài gọi là tội lỗi.

Nhưng trên thực tế, Đức Chúa Trời đang nhìn chúng ta như một Người Cha đầy tự hào khi ngắm nhìn những đứa con mang ảnh tượng của Ngài, Đấng mà sẽ nhăn mặt chau mày khi chúng ta phạm tội vì Ngài biết điều đó sẽ khiến chúng ta chịu đau đớn như thế nào. Tội lỗi là Đức Chúa Trời nói, “Đừng tự làm hại chính mình! Ta yêu con rất nhiều nên không thể để con đi theo con đường đó mà không báo trước cho con về nỗi đau mà nó sẽ gây ra.

Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh chính là sự thể hiện tình yêu thương của Ngài. Khi Chúa gọi điều gì đó là tội lỗi, Ngài đang tạo ra một ranh giới để bảo vệ chúng ta. Giống như bạn tạo ra các quy tắc để bảo vệ con mình—không được chạm vào bếp còn nóng, không được nghịch dao hoặc chạy ra đường mà không quan sát trước sau—Chúa đã tạo ra các quy tắc để bảo vệ chúng ta.

Hãy cho con bạn biết rằng tất cả chúng ta đều phạm tội. Tất cả chúng ta đều trượt mất mục tiêu và Chúa không nói rằng tội lỗi này thì nặng hay nhẹ hơn tội lỗi khác. Nếu con bạn lớn hơn một chút, bạn có thể giải thích rằng tội đồng tính luyến ái không tệ hơn tội lỗi tình dục giữa những người khác giới với nhau. Nói một cách rõ hơn, các loại tội lỗi khác nhau sẽ mang lại những hậu quả khác nhau. Ví dụ, giết người sẽ có hình phạt khắc nghiệt hơn là trộm cắp, nhưng Chúa Giê-xu đã phải trả giá như nhau cho mọi tội lỗi và mọi tội nhân.

Theo Kinh Thánh, thực ra chỉ có hai loại tội lỗi — đó là tội mà chúng ta ăn năn và tội mà chúng ta không ăn năn. Đây là lý do tại sao chúng ta không được nắm lấy tội lỗi. Chúng ta không được biến nó thành bản sắc của mình. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh với cám dỗ phạm tội, và chúng ta phải để Đức Chúa Trời tạo ra một bản chất mới, và một tấm lòng mới trong chúng ta (Thi-thiên 51:10).

3. Hãy nói với con bạn về ĐẠO ĐỨC.

Làm thế nào để chúng ta biết được đâu là tội lỗi, đâu là đúng và đâu là sai về mặt luân lý?

Chúa đã bày tỏ điều đó cho chúng ta trong Lời của Ngài. Ngài định nghĩa điều gì là tốt và điều gì là xấu trong Kinh Thánh. Nhưng ngay từ đầu, người nam và người nữ đã muốn tự mình xác định điều gì là đúng và điều gì là sai cho chính mình. Họ muốn giống như Chúa.

Chúng ta đã không ngừng làm điều này. Chúng ta vẫn muốn trở thành chúa của chính mình. Chúng ta vẫn muốn nói với Chúa điều gì là đúng và sai thay vì để Ngài nói với chúng ta.

Chúng ta thấy rất rõ điều này khi đề cập đến các vấn đề giới tính, tình dục và hôn nhân. Thế gian nói rằng chúng ta sẽ quyết định một gia đình và một cuộc hôn nhân là trông như thế nào. Thế gian nói rằng cảm xúc của chúng ta sẽ quyết định chúng ta là con trai hay con gái, không phải Chúa hay thậm chí là những bằng chứng về mặt sinh học. Thế gian nói rằng trái tim của chúng ta sẽ quyết định người mà chúng ta yêu.

Nhưng Kinh Thánh nói rằng ý tưởng, cảm xúc và trái tim của chúng ta sẽ khiến chúng ta lạc lối (Châm-ngôn 14:12). Chúng ta có thể chọn con đường mà có nhiều người đang bước đi, nhưng con đường được nhiều người đi không phải là con đường của Chúa. Con đường của Chúa là con đường hẹp (Ma-thi-ơ 7:13-14).

4. Nói cho con bạn biết về SỰ THIẾT KẾ THIÊN THƯỢNG.

Thi-thiên 139 nói rằng Chúa đã dệt nên chúng ta trong lòng mẹ. Giới tính của bạn không phải là một sự tình cờ. Đó là mục đích của Chúa cho cuộc đời bạn.

Chúa đã tạo ra chúng ta để trở thành nam hay nữ, và Ngài đã thiết lập hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Điều này có nghĩa là giới tính và hôn nhân truyền thống của chúng ta là một phần trong thiết kế của Ngài. Thiết kế của Chúa là thiêng liêng và việc thay đổi thiết kế đó cũng giống như việc nói với Chúa rằng Ngài đã sai. Kiểu như là, “Con biết Ngài đã tạo ra con, nhưng con không tin rằng Ngài biết điều gì là tốt nhất cho con.”

Dưới đây là một phép so sánh hữu ích về thiết kế thiên thượng phù hợp với tâm trí con trẻ:

Năm 1908, Ford Motor Company giới thiệu chiếc xe có động cơ đầu tiên, Model T, còn được gọi là Tin Lizzie. Henry Ford đã viết một sách hướng dẫn vận hành mở rộng giải thích cách bảo dưỡng xe đúng cách.

Sẽ thật ngớ ngẩn biết bao nếu Tin Lizzie đọc hướng dẫn sử dụng rồi nhìn Henry và tuyên bố, “Ở đây nói rằng tốc độ tối đa của tôi là 45 dặm/giờ, nhưng tôi muốn đi nhanh hơn thế. Tôi muốn nó lên tới 90 cơ. Và ở đây nói rằng tôi phải được đổ xăng, nhưng tôi thích Dr Pepper* hơn.

* Dr Pepper là một loại nước ngọt có ga.

Henry có thể sẽ nói với Tin Lizzie thế này, “Bạn có thể muốn làm những điều đó, nhưng đó không phải là cách mà tôi tạo ra bạn. Bạn sẽ không thể đi đến nơi mà tôi bắt bạn phải đi và làm những gì tôi đã tạo ra bạn để làm nếu bạn bỏ qua hướng dẫn sử dụng và vận hành bên ngoài bản thiết kế của tôi.”

Kinh Thánh là cẩm nang của Đấng đã tạo ra chúng ta. Trong Sách này, Chúa cho chúng ta biết chúng ta được dựng nên như thế nào và tại sao chúng ta được dựng nên. Chúng ta không thể đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã tạo ra chúng ta để đi và làm những gì Ngài đã tạo ra chúng ta để làm nếu chúng ta bỏ qua quyển sách hướng dẫn này và vận hành bên ngoài sự thiết kế của Ngài.

5. Hãy nói với các con về TÌNH YÊU THƯƠNG.

Chúa yêu thương tội nhân. Ngài yêu thương những người tội lỗi đến nỗi Ngài đã chết cho họ.

Hãy  giải thích cho con bạn biết rằng chúng ta được kêu gọi để yêu thương mọi người như Chúa Giê-xu Christ. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng yêu thương không có nghĩa là đồng ý hay tán thành với những hành động sai trái. Chúa không đồng ý với tiêu chuẩn của con người; Ngài không tán thành tội lỗi — nhưng Ngài vẫn yêu chúng ta.

Giống như việc chúng ta vẫn yêu thương con mình trong khi có nhiều việc chúng ta không thể đồng ý với chúng, cũng giống như những giới hạn mà chúng ta đã đặt ra nhằm bảo vệ cuộc sống non nớt của chúng, thì Đức Chúa Trời cũng yêu thương chúng ta ngay cả khi Ngài không đồng tình với chúng ta và Ngài thiết lập ranh giới đầy yêu thương xung quanh cuộc đời của chúng ta vậy.

Là Cơ-đốc nhân, chúng ta phải yêu thương những người thuộc cộng đồng LGBTQ. Chúng ta phải kết bạn với họ cũng như tôn trọng họ và quan tâm đến họ. Chúng ta phải tiếp cận với họ và giúp đỡ họ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải đồng ý với lối sống của họ.

6. Hãy nói với con bạn về SỰ KHOAN DUNG.

Có lẽ “đức tính” lớn nhất trong thời đại của chúng ta là lòng khoan dung. Nhưng Đức Chúa Trời không khoan dung với tội lỗi.

Sự đóng đinh, trọng tâm của Kinh Thánh và toàn bộ lịch sử nhân loại, cho chúng ta thấy tầm quan trọng của tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Và nó cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời không dung thứ tội lỗi như thế nào. Rốt cuộc, nếu Chúa khoan dung với tội lỗi của chúng ta, thì Ngài đã không phải chết vì tội lỗi đó. Đó là cách Chúa không khoan dung với tội lỗi — Ngài chịu đóng đinh vào thập tự giá để khắc phục hậu quả của tội lỗi chúng ta.

Hãy giải thích cho con bạn hiểu rằng tội lỗi giống như một căn bệnh ung thư trong tâm hồn của chúng ta vậy. Nó ăn mòn thiết kế của Đức Chúa Trời cho đời sống của chúng ta. Nó phá hủy mục đích thiêng liêng của chúng ta.

Làm sao Chúa có thể dung thứ cho những gì tạo ra sự chết trong con cái Ngài?

Ngài không thể.

Bạn có muốn một bác sĩ bỏ lơ các tế bào ung thư trong cơ thể bạn không?

Hãy tưởng tượng một bác sĩ nói thế này:

“Này, Catherine, có một số tế bào ung thư trong gan của cô và một số khác trong phổi của cô. Ồ, và đây là một cái nhỏ hơn trong não của cô. Nhưng mặc dù là như vậy, cô vẫn trông rất khỏe! Vì vậy, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào tất cả các cơ quan đang hoạt động tốt và quên đi những tế bào ung thư khó chịu ở một vài cơ quan không hoạt động.”

Một bác sĩ phớt lờ với căn bệnh ung thư trong cơ thể bệnh nhân là một bác sĩ tồi tệ. Vậy thì tại sao bạn lại mong chờ Đức Chúa Trời bỏ qua căn bệnh ung thư trong tâm hồn bạn?

Và có rất nhiều người muốn Ngài bỏ qua. Tại sao vậy?

Bởi vì, trong khi chúng ta ghét căn bệnh ung thư thể chất, thì chúng ta lại yêu tội lỗi. Và chúng ta không muốn từ bỏ những gì chúng ta thích, ngay cả khi nó đang giết chết chúng ta. Vì vậy, chúng ta tạo ra một tiêu chuẩn khác và một lẽ thật khác, một tiêu chuẩn cho phép chúng ta sống theo cách mà chúng ta muốn với một lương tâm không bị cắn rứt, trong khi căn bệnh ung thư đang dần tàn phá bên trong tâm hồn chúng ta và chúng ta đánh mất mục đích tồn tại mà Chúa ban cho chúng ta.

Đức Chúa Trời yêu thương không thể dung thứ cho những gì đã hủy hoại con cái của Ngài, và chúng ta đừng mong chờ Ngài sẽ  làm như vậy.

7. Hãy dạy con bạn về LÒNG CAN ĐẢM.

Cuối cùng, việc đi ngược lại với văn hóa của nhiều người cần có lòng can đảm, và lòng can đảm đòi hỏi chúng ta phải đặt những câu hỏi hóc búa.

Chúng ta có tin rằng Lời của Đức Chúa Trời (Kinh Thánh) là Lẽ Thật không? Hay chúng ta tin rằng đó là một cuốn sách hay với một số gợi ý hay được viết bởi một nhóm người đã sống từ cách đây rất lâu mà chúng ta có thể cắt xén và chọn lấy hoặc bỏ đi một số điều tùy thuộc vào mức độ phổ biến của nó?

Là người tin Chúa, bạn phải trả lời câu hỏi này. Là cha mẹ, bạn cũng phải giúp con cái của mình trả lời được câu hỏi này.

Là cha mẹ, chúng ta có thể đi theo đường lối của thế gian về cách mà họ ủng hộ hay tung hô những người thuộc cộng đồng LGBTQ, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ có một phúc âm do chính mình tạo ra. Một phúc âm thuận tiện, thoải mái và tự mãn. Một phúc âm không gây tranh cãi hay làm gì để gây chú ý. Một phúc âm hoạt động giống như hệ thống làm mát (Ga-la-ti 1:8-9).

Nhưng phúc âm đó không có quyền năng, sự biến đổi, sự cứu chuộc, sự cứu rỗi và Lẽ Thật.

Phúc âm đó không phải là phúc âm thật.

“Các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ giải phóng các ngươi,” Chúa Giê-xu hứa.

Hãy dạy con bạn rằng Lẽ Thật thường không được ưa chuộng. Lẽ Thật thường bị xóa bỏ. Nhưng Lẽ Thật đáng để chúng ta đứng về phía nó, sống cho nó và chết cho nó. Lẽ Thật của Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta phải có lòng can đảm, nhưng điều đó xứng đáng với bất cứ giá nào mà chúng ta phải trả — bởi vì nó là thật.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: ibelieve.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like