Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 106: Người Chết Vẫn Còn Nói

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 106: Người Chết Vẫn Còn Nói

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 14:1-12
1 Lúc ấy, Hê-rốt là vua chư hầu, nghe tiếng đồn Đức Chúa Jêsus, 2 thì phán cùng bầy tôi rằng: Đây là Giăng Báp-tít. Người chết đi sống lại, nhân đó mới làm được mấy phép lạ như vậy. 3 Số là, bởi cớ Hê-rô-đia, vợ Phi-líp là em mình, nên vua Hê-rốt đã truyền bắt trói Giăng và bỏ tù.4 Vì Giăng có can vua rằng: Vua không có phép được lấy người đó làm vợ.(b) 5 Vua muốn giết Giăng, song sợ dân chúng, vì họ đều tôn Giăng là đấng tiên tri. 6 Vừa đến ngày ăn mừng sanh nhựt vua Hê-rốt, con gái của Hê-rô-đia nhảy múa ở giữa người dự đám, vua lấy làm thích lắm, 7 đến nỗi lấy lời thề mà hứa cho con gái ấy điều chi nàng muốn xin. 8 Vậy, nàng bị mẹ xui giục, bèn tâu rằng: Xin lấy cái đầu Giăng Báp-tít để trên mâm mà cho tôi đây. 9 Vua lấy làm buồn rầu; song vì đã thề lỡ rồi, và có những người dự yến ở đó, nên truyền cho nàng như lời. 10 Vua bèn sai người chém Giăng trong ngục, 11 rồi họ để đầu người trên mâm mà đem cho con gái ấy, nàng bèn đem cho mẹ mình. 12 Đoạn, các môn đồ của Giăng đến, lấy xác mà chôn, rồi đi báo tin cho Đức Chúa Jêsus.

Lời ngỏ:
Các bạn thân mến, con người thì ai cũng sẽ đối diện với cái chết, ai cũng biết có sinh thì phải có tử, nhân sinh rồi cũng có ngày kết thúc. Người không tin Chúa cho rằng “chết là hết” và nấm mồ là nơi chôn vùi tất cả ước mơ và hoài bão của họ. Do đó, cái chết là nỗi sợ hãi, là sự cô đơn và trống vắng. Trái lại, người tin Chúa Giê-xu thì biết rằng chết chưa phải là hết, chết là để chuẩn cho một giai đoạn mới, và có một nơi để đến sau cái chết, bởi đã có  một Đấng từ Trời xuống đã đi trước để dọn đường cho chúng ta. Vì vậy người tin Chúa Giê-xu không sợ chết, vì sống hay chết đều ở trong tay của Đức Chúa Trời. 

Trở lại với đoạn Kinh Thánh hôm nay, mở đầu đoạn 14 của Phúc âm Ma-thi-ơ, là sự ký thuật cuối cùng về Giăng Báp-tít, người đã trả giá bằng chính mạng sống của mình cho sự cam kết trung tín với sứ mạng mà ông đã nhận được từ Đức Chúa Trời.  Cái chết của ông đã để lại nhiều bài học giá trị cho hậu thế. Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những tình tiết xung quanh bản án tử hình của Giăng Báp-tít dưới tay vua chư hầu Hê-rốt.

Vua chư hầu Hê-rốt còn được gọi là Hê-rốt An-ti-ba, là một trong ba con trai của Hê-rốt Đại Đế. Cha ông là người đã truyền lệnh sát hại các trẻ em tại thành Bết-lê-hem trong thời Chúa Giê-xu giáng sinh. Hê-rốt Đại đế là một người Y-đu-mê, thuộc dòng dõi của Ê-sau (tức là anh của Gia-cốp- tổ phụ của dân Do Thái) nên người Do Thái không công nhận gia đình Hê-rốt thuộc dòng dõi của tuyển dân. Hơn nữa, ông lại cưới vợ là người Sa-ma-ri, thuộc dòng dõi của những người Do Thái không thuần chủng. Sau khi ông chết, La Mã chia xứ Pa-lét-tin ra bốn phần cho ba con của ông. Trong đó, Hê-rốt A-chê-la-u cai trị hai phần là Giu-đê và Sa-ma-ri (Ma-thi-ơ 2:22), Hê-rốt An-ti-ba một phần là Ga-li-lê và Bê-rê, Hê-rốt Phi-líp một phần là Y-tu-rê và Tra-cô-nít (Lu-ca 3:1). Cũng giống như Hê-rốt Đại Đế, vốn không được dân Do Thái tôn trọng bởi nguồn gốc không thuần chủng, Hê-rốt An-ti-ba cũng gian ác và tệ hại không kém. Ông đã lấy Hê-rô-đia, em dâu của mình, tức là vợ của Hê-rốt Phi-líp, người em cùng cha khác mẹ với ông. Để lấy được Hê-rô-đia, Hê-rốt đã ly dị bất hợp pháp với người vợ trước của ông và mang vợ của em trai về sống chung.

Giăng báp-tít là người công bình, không thể lặng thinh trước việc làm bất chính của vua chư hầu Hê-rốt và Hê-rô-đia, ông đã lên tiếng kết án cả hai người này về tội tà dâm và loạn luân. Việc Giăng Báp-tít lên án hành động vô luân của Hê-rốt đã khiến ông ta tức giận, và khi việc này bị phơi bày lại khiến dân chúng càng không nể phục ông. Đối với Hê-rốt, Giăng là mối đe dọa cho sự nghiệp chính trị của ông.

Còn Hê-rô-đia, bà này không chỉ là một phụ nữ phạm tội bất trung, lăng loàn mà còn là người  nuôi sự căm thù trong lòng để tìm cơ hội trả thù đối với những người lên án mình. Tệ hơn nữa là bà đã không ngần ngại sử dụng ngay con gái mình để thực hiện mục đích báo thù. Bà đã mưu mô lập kế hoạch, trong dịp “sinh nhật của Hê-rốt” bà cho con gái riêng của mình với chồng trước là vua chư hầu Phi-líp đến nhảy múa trước mặt vua để chúc mừng sinh nhật cha kế. Cô ta nhảy múa trước mặt vua và quan khách những vũ điệu khiêu gợi sự khoái lạc, khiến cho Hê-rốt “lấy làm thích lắm”,  trong sự phấn khích ấy vua đã cao hứng “lấy lời thề mà hứa cho con gái ấy điều cho nàng muốn xin” Con gái của Hê-rô-đia theo lời “mẹ xui giục” bèn tâu rằng: “Xin lấy cái đầu Giăng Báp-tít để trên mâm mà cho tôi đây”. Hê-rô-đia phạm tội chưa đủ, bà còn xô đẩy con gái mình vào con đường tội lỗi nhằm đạt mục tiêu cá nhân và mưu đồ xấu xa của mình.

Trước đây, Hê-rốt là người bắt Giăng vào ngục “vì Giăng có can vua rằng: Vua không có phép được lấy người đó làm vợ” thật trong lòng ông “muốn giết Giăng” song ông ta “sợ dân chúng, vì họ tôn Giăng là đấng tiên tri” Hê-rô-đia hiểu lòng dạ của ông, nên tìm cơ hội này để thúc đẩy mưu đồ của mình. Mặc dù Hê-rốt “buồn rầu” vì ông ta không muốn giết Giăng Báp-tít theo kiểu này, nhưng ông đã “lỡ thề rồi” và vì có “những người dự yến ở đó” mà ông không muốn mất mặt trước đông đảo quan khách, ông vua nhu nhược này đã  “truyền cho nàng như lời”. Bản án tử hình một người công chính, một tiên tri của Đức Chúa Trời được thực thi bởi mưu đồ của người đàn bà gian ác cùng với một lời hứa ngông cuồng trong lúc cao hứng của vua nhu nhược. Hê-rốt cố giữ một lời thề điên rồ để rồi vi phạm một tội lỗi lớn.

Bởi thế, Hê-rốt không thể nào bình an, lương tâm ông luôn nặng trĩu tội lỗi vì đã giết hại một người công chính như Giăng, là người dám nói lên sự thật. Vì thế, khi nghe tin về những việc làm lạ lùng của Chúa Giê-xu, Hê-rốt liền kết luận ngay rằng “Đây là Giăng Báp-tít. Người chết đi sống lại, nhân đó mới làm được mấy phép lạ như vậy”  Hê-rốt là sự minh chứng cho chúng ta thấy không ai có thể loại bỏ tội lỗi bằng cách thủ tiêu người tố cáo tội lỗi ấy. Cho dù người ta cố tình bịt miệng người công bình thì lương tâm của kẻ phạm tội sẽ tố giác chính hành động của họ. Dù Giăng đã bị thủ tiêu nhưng tiếng nói của lẽ thật và sự công chính không thể bị dập tắt. Khi nghe người ta đồn đại rằng Giăng Báp-tít đã sống lại trong hình hài của Chúa Giê-xu, vua chư hầu Hê-rốt lại càng bối rối và lo sợ. Sau này, trong lúc xử án Chúa Giê-xu, ông ta cũng muốn xem Chúa Giê-xu làm phép lạ. Nhưng đó chỉ là sự tò mò hiếu kỳ của ông mà thôi chứ trong lòng ông không muốn hoán cải hoặc thay đổi lối sống của mình, vì vậy Chúa Giê-xu không đáp lời nào với ông ta.

Kết luận: Bạn thân mến, giá trị của một con người không phải là người đó làm gì, có khả năng kiếm bao nhiêu tiền hay quyền lực của người đó mạnh thế nào, nhưng giá trị là ở cuộc đời và cách sống của người đó có ảnh hưởng và ý nghĩa ra sao với những người xung quanh, và dẫu người đó chết đi thì điều mà người đó để lại cho hậu thế mới là quan trọng. Giăng Báp-tít là hình ảnh của “người chết mà hãy còn nói” Đối với Đức Chúa Trời ông là một tôi tớ thật trung thành và tận hiến. Đối với Cơ Đốc nhân hậu thế, cuộc đời của Giăng Báp-tít là một tấm gương sống động một người dám nói lên sự thật, không luồn cúi trước kẻ uy quyền và luôn đứng lên bảo vệ sự công chính cũng như sự thánh khiết. Còn đối với kẻ có tội, ông là tiếng nói trong lương tâm của những kẻ đang chống nghịch lại Đức Chúa Trời bất chấp họ tìm cách che đậy tội lỗi và dập tắt tiếng nói tố giác của ông. Dù Giăng Báp-tít phải trả giá cho sứ mạng của mình bằng chính cái đầu của ông nhưng sự chết của ông không phải là vô ích. Có người đã từng nói “thà sống như Giăng Báp-tít, chấp nhận lấy đầu mình để trả giá cho sự công chính còn hơn là giữ được nó mà mất đi sự công chính.”  Bài học hôm nay là một thách thức cho mỗi chúng ta, đó là chúng ta có sẵn sàng bảo vệ chân lý và sống theo ý muốn của Chúa dù bị thế gian chống đối, thậm chí là có dám trả giá cho Phúc âm hay không? Lời Chúa trong Mác 8:36 có chép: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” Ngày xưa dám chịu chết cho Chúa đã khó, ngày nay sống cho Ngài còn khó hơn.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa Ngài dùng cuộc đời của Giăng Báp-tít dám nói lên tiếng nói của sự công bình, chính trực của Đức Chúa Trời. Xin giúp con có tấm lòng mềm mại để khi đối diện với Lời Chúa con biết ăn năn tội lỗi của mình chứ không sống miệt mài trong đó rồi dẫn đến sự phạm tội triền miên không dứt. Và xin giúp con khi đã ăn năn rồi thì cũng có lòng trung tín và can đảm, dám trả giá để nói lên tiếng nói chân lý và sự công bình của Đức Chúa Trời. Con cảm tạ Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like