Home Chuyên Đề Lý Do Chúng Ta Tin Vào Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu Christ

Lý Do Chúng Ta Tin Vào Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu Christ

by Sưu Tầm
30 đọc

Điều làm cho Cơ-đốc giáo khác với các tôn giáo khác là Chúa Giê-xu Christ đã sống lại từ cõi chết. Nếu Chúa Giê-xu cũng chết như các nhà sáng lập tôn giáo khác, thì niềm tin Cơ-đốc cũng không khác gì những tôn giáo do con người lập ra. Nhưng Chúa Giê-xu thật sự đã sống lại. Điều này làm chứng rằng Ngài thực sự đến từ Đức Chúa Trời, Đấng ban sự sống và có quyền năng khiến kẻ chết sống lại.

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu đã được báo trước trong Cựu Ước, chính Chúa Giê-xu cũng đã nói tiên tri về sự chết và sự phục sinh của Ngài cho các môn đồ, và lời chứng của những người tự nhận là chứng nhân của Ngài, họ sẵn sàng chết vì tin vào Đấng Christ phục sinh.

Những lẽ thật sau đây sẽ giúp bạn hiểu và biết làm thế nào để chia sẻ với mọi người tại sao bạn đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu và tin vào sự sống lại của Ngài.

Lẽ thật #1: Nhiều lời tiên tri trong Cựu Ước đã báo trước về sự phục sinh của Chúa Giê-xu.
Chúa Giê-xu là Con Người duy nhất trong lịch sử đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri về Đấng Mê-si được tìm thấy trong Cựu Ước từ nhiều thế kỷ trước khi Ngài giáng sinh. Những lời tiên tri này báo trước về nơi sinh của Ngài, chi tiết về cuộc đời của Ngài, sứ mệnh của Ngài, bản chất của Ngài, sự chết và sự phục sinh của Ngài.

Nhiều học giả ước tính rằng có hơn 300 lời tiên tri về Đấng Mê-si được ghi lại trong Cựu Ước đã được làm ứng nghiệm bởi Chúa Giê-xu. Một trong số đó là Thi-thiên 16:10-11:

Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong Âm-phủ, Cũng không để cho người thánh Chúa thấy sự hư nát. Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc. Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.

Bài giảng của Phi-e-rơ vào ngày Lễ Ngũ Tuần đã trích dẫn Thi-thiên này đề cập đến lời tiên tri về sự phục sinh của Chúa Giê-xu (Công-vụ 2:25-28 & 31) − thân xác Chúa đã không bị hư nát. Khi Sứ-đồ Phao-lô rao giảng tại một buổi nhóm trong nhà hội, ông cũng liên kết Thi-thiên 16 với sự phục sinh của Chúa Giê-xu:

Lại trong câu khác, [Đa-vít] cũng có phán rằng: Chúa chẳng cho Đấng Thánh Ngài thấy sự hư nát đâu. Vả, vua Đa-vít lúc còn sống, làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời, đoạn qua đời; người đã được trở về cùng các tổ phụ mình, và đã thấy sự hư nát; nhưng Đấng mà Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, chẳng có thấy sự hư nát đâu.” − Công-vụ 13:35-37

Lẽ thật #2: Chính Chúa Giê-xu đã nói tiên tri về sự sống lại của Ngài

Chúa Giê-xu đã nói rất rõ ràng về những gì sẽ xảy ra cho Ngài khi Ngài đến Giê-ru-sa-lem:

Lần #1 trong  Ma-thi-ơ 16:21: “Từ đó, Đức Chúa Giê-xu mới tỏ cho môn-đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.

Lần #2 trong Ma-thi-ơ 17:22-23: “Đang khi Đức Chúa Giê-xu và môn đồ trải qua trong xứ Ga-li-lê, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Con người sẽ bị nộp trong tay người ta. Họ sẽ giết Ngài, nhưng đến ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đồ bèn lo buồn lắm.

Lần #3 trong Ma-thi-ơ 20:17-19: “Trong khi Đức Chúa Giê-xu  đi lên thành Giê-ru-sa-lem, Ngài đem riêng theo mười hai môn đồ, dọc đường, phán cùng họ rằng: Nầy, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, bọn đó sẽ luận giết Ngài. Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.

(Cũng xem trong Mác 8:31; Lu-ca 9:22; và Giăng 2:18-21).

Những người không tin vào sự phục sinh thì cho rằng Hội-thánh đầu tiên đã đặt điều nói dối rằng những lời này là do Chúa Giê-xu nói ra sau khi Ngài đã chết đi. Nhưng bất cứ ai đọc Kinh Thánh cách thành thật và chịu mở lòng mình ra đều sẽ nhận thấy rằng bản thân Chúa Giê-xu rất thường nói về sự chết và sự phục sinh của Ngài. Các môn đồ lúc đó nghe mà không hiểu. Ở lần #1, Phi-e-rơ nói “Đức Chúa Trời nào nỡ vậy” (Ma-thi-ơ 16:22). Lần #2 thì họ đau buồn, nhưng chắc vẫn không hiểu lắm, vì trong lần #3, họ gần như chẳng để tâm mấy mà chỉ lo tranh cãi xem ai sẽ được làm lớn hơn trong nước Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 20:20-24).

Lẽ thật #3. Việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh là một sự kiện lịch sử được ghi lại trong sử sách La Mã

Chúa Giê-xu đã bị chính quyền La Mã đóng đinh (Ma-thi-ơ 27: 31-56; Mác 15: 20-41; Lu-ca 23: 26-49; Giăng 19: 16-30). Các sử gia như Josephus, Tacitus, Lucian, Mara-Bar Serapion, và bộ kinh thư Talmud của người Do Thái đều ghi lại việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh như một sự thật lịch sử!

Trong bộ Talmud, quyển Babylonian Sanhedrin 43a–b có ghi “…vào (đêm Sa-bát) trước Lễ Vượt Qua, họ treo Giê-xu người Na-xa-rét…”. Tacitus, sử gia nổi tiếng người La Mã, có chép thế này, “Christ, người mà các môn đồ của mình được gọi là Cơ-đốc nhân, đã chịu hình phạt cực độ dưới thời Sê-sa Ti-be-rơ dưới bàn tay của một trong các kiểm soát viên của chúng ta.”

Lẽ thật #4. Ngôi mộ trống
Câu hỏi được đặt ra ở đây là chuyện gì đã xảy ra với cái xác của Chúa Giê-xu?
Việc Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết nhanh chóng được lan truyền ở Giê-ru-sa-lem. Khi các Sứ-đồ bắt đầu công khai rao giảng rằng Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết, họ không chọn để đi đến một vùng đất xa xôi nào đó để nói với những người không biết tí gì về sự kiện đã xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Họ không kể chuyện ngày xửa ngày xưa ở một thiên hà xa xôi nào đó. Không, các Sứ-đồ bắt đầu công bố về sự phục sinh ngay tại thành Giê-ru-sa-lem − cũng chính là nơi mà Chúa Giê-xu đã bị giết một cách công khai. Đơn giản là họ sẽ không thể làm vậy nếu điều này không phải là sự thật.
Lời chứng dối của những kẻ ghét Chúa.

mấy tên lính canh vào thành thuật lại cho các thầy tế lễ cả biết mọi việc đã xảy đến. Các thầy bèn nhóm lại cùng các trưởng lão đặng bàn luận, xong rồi, thì họ cho những lính đó nhiều tiền bạc, mà dặn rằng: Các ngươi hãy nói rằng: Môn đồ nó đã đến lúc ban đêm, khi chúng tôi đương ngủ, mà lấy trộm nó đi. Nếu điều ấy thấu tai quan tổng đốc, thì chúng ta sẽ khuyên giải người, và làm cho các ngươi khỏi lo sợ. Mấy tên lính đó lấy bạc, và làm theo như lời. Tiếng ấy đã đồn ra trong dân Giu-đa cho đến ngày nay.” – Ma-thi-ơ 28:11-15

Những ai biết suy nghĩ sẽ nhận ra rằng lời chứng dối này thật không ổn. Lính canh có nhiệm vụ canh gác. Nếu làm mất đồ canh, họ sẽ bị xử tội chết. Nếu bị phát hiện ngủ quên trong khi canh gác, họ cũng sẽ bị phạt. Sao họ có thể ngủ quên? Còn nữa, nếu họ ngủ thật thì làm sao mà biết chuyện gì đã xảy ra? Làm sao họ biết các môn đồ đã đến lấy trộm xác đi? Để chứng minh Chúa Giê-xu không sống lại, giới giáo chức ở Giê-ru-sa-lem chỉ việc trưng ra xác Chúa. Nhưng tại sao họ không làm vậy, mà lại nói rằng các môn đồ đã ăn trộm xác? Vì họ không thể tìm được cái xác!

Tiếng ấy đã đồn ra trong dân Giu-đa cho đến ngày nay.” Ngôi mộ trống của Chúa Giê-xu và câu chuyện trộm xác vẫn còn được nhắc đến cho đến ngày nay dù là trực tiếp hay gián tiếp trong sách vở của những người chống đối đạo Cơ-đốc như tác phẩm “Dialogue with Trypho” của Justin Martyr, “On Spectacles” của Tertullian. Hay như trong cuốn Toledoth của người Do Thái (một phiên bản về cuộc đời Chúa Giê-xu nhưng được viết theo lối châm biếm) có đoạn viết thế này: “…Vào ngày đầu tiên của tuần lễ, các môn đồ liều lĩnh của hắn đã đến gặp nữ hoàng Helene để báo cáo rằng người bị giết thực sự là Đấng Mê-si và rằng hắn không còn ở trong mộ nữa mà đã thăng thiên lên trời như hắn đã nói tiên tri. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng đã được thực hiện thì đúng là xác của hắn không còn ở trong mộ nơi hắn đã được chôn. Một gã làm vườn đã trộm xác hắn từ trong mộ và đem về chôn trong vườn nhà mình dưới bãi cát chỗ con suối chảy vào vườn…” Thật là trào phúng! Nếu họ thực sự tìm ra chân tướng của sự việc, sao họ không cho trưng bày cái xác để dập tắt tin đồn? Và người làm vườn đã liều mạng trộm xác Chúa (lúc đó đang được canh giữ bởi những người lính La Mã) để làm gì? Và chỉ một mình người thì làm sao mà lăn nổi tảng đá nơi cửa mộ (và không đánh thức các lính canh lúc đó đang…‘ngủ’)? Thật là một lời chứng dối vụng về và đáng xấu hổ!

Lẽ thật #5. Đời sống được biến đổi của các môn đồ

Các môn đồ của Chúa khi ấy, từ những kẻ bỏ chạy tán loạn, sợ hãi, lẩn trốn trở thành những chứng nhân dạn dĩ cho Chúa phục sinh.

Sau khi Chúa chết trên thập tự giá, các môn đồ vô cùng thất vọng và chán nản. Họ vẫn chưa hiểu lời Kinh Thánh chép rằng Ngài phải từ kẻ chết sống lại (Giăng 20:9). Họ sầu than khóc lóc (Mác 16:10). Thậm chí khi Ma-ri Ma-đơ-len báo tin Chúa đã sống lại, họ vẫn không tin (Mác 16:11), và cho đó là chuyện viễn vông (Lu-ca 24:11). Khi nhìn thấy ngôi mộ trống, họ chỉ ngỡ ngàng rồi trở về nhà mình (Giăng 20:10). Thậm chỉ ngay cả khi có người nói Chúa Giê-xu đã hiện ra với các môn đồ, vì Thô-ma không ở đó, ông nhất quyết không tin (Giăng 20:25). Họ rõ ràng không có ý định trộm xác Chúa để phao tin.

Nhưng các môn đồ đã thấy điều gì mà có thể khiến họ từ hèn nhát trở thành những chứng nhân dạn dĩ có thể làm đảo lộn thế giới chỉ với Phúc Âm. Điều gì cho họ can đảm để dám nói trước mặt những người lãnh đạo rằng Chúa Giê-xu đã sống lại, và Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời? Khi bị Hội-đồng Công-luận Do Thái cấm nói về Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ và Giăng đã dũng cảm trả lời “Xin các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì chúng tôi không thể không nói về những điều mình đã thấy và nghe”(Công-vụ 4:19-20).

Họ cũng chứng tỏ niềm tin xác quyết vào sự phục sinh của Chúa Giê-xu bằng cách sẵn sàng trả giá bằng mạng sống của mình vì đã nói rằng “Chúa Giê-xu là Chúa”, “Chúa Giê-xu đã sống lại”, hay “Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời chứ không phải Sê-sa.” Lu-ca ghi lại trong Công-vụ sự tử đạo của Gia-cơ, con trai Xê-bê-đê, một trong những sứ đồ của Chúa Giê-xu. (Công-vụ 12:2). Sử gia người Do Thái, Flavius Josephus cũng xác nhận cái chết do bị hành quyết của Gia-cơ trong cuốn “Antiquities of the Jews” của ông (tạm dịch: Những Cổ Vật của Dân Do Thái), quyển 20 chương 9. Những chứng nhân này sẵn sàng chết cho lời chứng của họ, rằng Chúa Giê-xu đã sống lại! Không ai lại chịu chết để lan truyền một điều mà mình biết là dối trá.

Lẽ thật #6. Chúa Giê-xu hiện ra với nhiều kẻ thù nghịch và những kẻ chống đối Ngài

Lẽ thật này cũng không kém phần thú vị. Sau khi Chúa Giê-xu sống lại, Ngài không chỉ hiện ra với những người gần gũi nhất với Ngài, những người còn hoài nghi mà với cả những kẻ chống đối Ngài nữa.

Theo Sứ-đồ Giăng, “Ngay cả các em Ngài cũng không tin Ngài” (Giăng 7:5). Điều này thật là khó hiểu đúng không. Những người này đã sống với Chúa Giê-xu trong suốt 30 năm nhưng vẫn không thực sự biết Ngài. Không một người anh em nào của Chúa Giê-xu được nhắc đến như một môn đồ trong thời gian Chúa thi hành chức vụ trước khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá. Tuy vậy, sau khi Chúa Giê-xu sống lại và thăng thiên, họ đã cùng với những người khác ở trên phòng cao thờ phượng và suy tôn Ngài là Đức Chúa Trời (Công-vụ 1:14).

Và rồi sau đó có một người Pha-ri-si tên là Sau-lơ quê ở Tạc-sơ. Theo ngôn ngữ hiện đại của chúng ta ngày nay thì người có thể được coi là một “kẻ khủng bố” tôn giáo ở thế kỷ thứ nhất. Người giữ áo cho những người ném đá Ê-tiên trong Công-vụ 7. Người ủng hộ và chấp nhận việc bắc bớ hội thánh Cơ-đốc.

Tuy nhiên, cũng chính Sau-lơ của Tạc-sơ này, người mà sau này trở thành Phao-lô tuyên bố đã gặp Chúa Giê-xu phục sinh khi đang trên đường áp giải các tù nhân theo đạo Cơ-đốc (Công-vụ 8:1, 9:1-22, 17, 19, 20, 22:6-21, Phi-líp 2:2-11). Phao-lô là một người Pha-ri-si cuồng tín và là học trò của Ga-ma-li-ên, một giáo sư về luật pháp rất được dân Do Thái kính trọng. Tất cả những điều này đã khiến người chống lại niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Nhưng chính sự cải đạo, cũng như công tác truyền giáo sau đó và những thương khó mà Phao-lô phải chịu vì đức tin của mình là bằng chứng cho thấy việc Chúa Giê-xu sống lại và hiện ra với người là sự thật (Công-vụ 9:15-16).

Lời kết

Tin Lành về Chúa Giê-xu Christ có thể được tóm tắt như lời của Phao-lô,

Tôi đã truyền lại cho anh em điều quan trọng nhất mà tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh. Ngài đã bị chôn; đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại theo lời Kinh Thánh…” – I Cô-rinh-tô 15:3-4

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu không thể tách rời khỏi sứ điệp của Cơ-đốc nhân. NẾU Chúa Giê-xu không sống lại từ cõi chết, thì như chính Phao-lô đã nói, sứ điệp của ông và đức tin của chúng ta là VÔ ÍCH! (1 Cô 15:12-19). NHƯNG nếu Chúa Giê-xu thực sự đã sống lại, thì chúng ta có sự tha tội và có hy vọng để chiến thắng tội lỗi cùng sự chết. Chúng ta có thể sống trong quyền năng của sự phục sinh Ngài, và… trong mối tương giao về sự thương khó của Ngài nếu được kêu gọi để làm như vậy.

Các lẽ thật trên cho chúng ta lời chứng xác thực rằng việc tin vào sự phục sinh của Chúa Giê-xu là hợp lý. Sự kiện siêu nhiên này là chứng rằng Ngài thực sự đến từ Đức Chúa Trời, Đấng ban sự sống và có quyền năng khiến kẻ chết sống lại. Nếu chúng ta tin Ngài, chúng ta cũng sẽ có được quyền năng để chiến thắng sự chết.

Hallelujah! Ngợi khen Chúa!

Richard Huynh

Nguồn: Roblundberg.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like