Home Dưỡng Linh Nhân Diện Chính Mình – Phần 9b: Dụ Ngôn Về Người Cha Nhân Từ

Nhân Diện Chính Mình – Phần 9b: Dụ Ngôn Về Người Cha Nhân Từ

by AdrianChua
30 đọc

Đứa con trai cả mặc dù sống cùng người cha nhưng chưa từng hiểu tấm lòng, tính cách và bản chất của cha mình. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh bản thân của anh ta. Người này ở với cha mình, đáng buồn thay, anh ta đã chẳng phát triển mối quan hệ mật thiết với cha, chính vì vậy, anh ta đã không thể thiết lập một nhân thân vững mạnh.

Người này chẳng tự tin về sự rộng rãi và tình yêu của cha mình. Người cha đã nói rõ rằng mọi thứ thuộc quyền sử dụng của anh ta. Tuy nhiên, nhận thức của riêng anh về cha đã ngăn anh ta khỏi việc tận hưởng sự rộng rãi của cha mình. “Tâm linh mồ côi” của người con này tạo ra sự nghèo nàn về tâm lý.

Người con trai này biểu lộ tâm linh mồ côi của mình theo một cách khác, đầy sự ghen tị và thiếu sự nhân từ. Bởi anh ta đã chẳng kết nối với cha mình cách mật thiết, anh đã chẳng thể hiểu thấu đáo về tình yêu thương và đức khoan dung của người cha. Anh không hiểu ân điển và sự tha thứ dạt dào của cha mình. Anh đã không bao giờ thấy được nỗi đau và sự thống khổ của cha khi ông đang buồn rầu vì đứa con trai thứ; bởi vậy, anh không chia sẻ cùng một lòng trắc ẩn mà cha mình dành cho đứa em. Thực tế, người này giận dữ và đố kỵ với em mình thay vì nhớ nhung người em. Khi chúng ta không mang trong mình “tấm lòng người cha của Chúa”, chúng ta mất đi tình yêu thương dành cho con người, chúng ta ghen ghét và đố kỵ với thành công của người khác và cảm thấy như họ không xứng đáng với điều đó.

Điều quan trọng là chúng ta không thể ở “Nhà” khi vẫn mang tâm linh mồ côi trong lòng. Một đứa con trai thì quá quan trọng việc thỏa mãn những dục vọng của bản thân, trong khi đứa con còn lại thì quá quan trọng “việc làm” của mình cho cha, bởi trách nhiệm chứ chẳng phải tình thương.

Có một sự khác biệt rõ rệt giữa việc biết rằng Chúa là cha chúng ta và tin rằng Ngài là người cha chăm sóc chúng ta. Hơn hai nghìn năm, hàng triệu Cơ đốc nhân khắp thế giới cầu nguyện không biết bao nhiêu lần: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” nhưng chẳng mấy ai có thể tận hưởng trải nghiệm mật thiết trong chính mối quan hệ này.

I Giăng 4:19 (BTT)“Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”.

Chúng ta yêu Chúa bởi vì ta biết rằng Chúa đã yêu chúng ta trước. Chúng ta chẳng thể yêu Chúa bằng trọn cả tấm lòng cho đến chừng ta biết Chúa yêu ta bằng cả tấm lòng Ngài. Chúng ta cũng chẳng thể yêu Chúa ngoài lượng tình yêu mà ta để Chúa đổ vào lòng mình. Tình yêu của chúng ta đến từ tình yêu của Đức Chúa Trời.

Tiên tri Ê-sai nói rằng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đến nỗi “chạm ảnh của chúng ta” trong lòng bàn tay Ngài.

Ê-sai 49:15-16 (BTT)“Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi. Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta; các tường thành ngươi thường ở trước mặt ta luôn”.

Chúa Giê-xu Chịu Cảnh Lõa Thể

Ma-thi-ơ 27:35 (BTT) – “Họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự rồi, thì bắt thăm mà chia nhau áo xống của Ngài”.

Lu-ca 15:22 (BTT)“Nhưng người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhứt mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân”.

Đức Chúa Giê-xu bị lột sạch áo khi Ngài bị treo trên cây thập tự. Ngài bị khiến cho lõa thể để Ngài có thể khoác chiếc áo choàng làm con cho chúng ta. Đấy là chiếc áo choàng nhân thân. Trong thí dụ, khi người cha mặc lấy “chiếc áo tốt nhất” cho đứa con bội nghịch, người con trai được phục hồi địa vị làm con của mình. Sự cứu chuộc và địa vị làm con đi đôi với nhau. Chúa cứu chuộc chúng ta để Ngài nhận chúng ta làm con. Cách tốt nhất để che lấp tội lỗi và sự xấu hổ ấy chính là nhận biết rằng chúng ta nay đã “ở trong Đấng Christ” và được mặc lấy vinh quang của Ngài.

I Giăng 3:1 (BTT)“Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời”;

Đức Chúa Giê-xu đã chẳng đến thế gian chỉ để cứu chúng ta; Ngài đến để thay thế tâm linh mồ côi của chúng ta bằng tâm linh làm con của Ngài. Áo choàng công chính chẳng phải chỉ là một tấm khiên để làm nín lặng lời cáo buộc của anh em mình, nhưng đó còn là tấm huy hiệu quyền lực, khẳng định nhân thân của chúng ta trong vương quốc thuộc linh.

Nhận Thức Về Mối Quan Hệ Của Chúng Ta Với Đức Chúa Cha

Giăng 8:32 (BTT)“Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi”.

Câu Kinh Thánh này không chỉ nói về kiến thức mà chúng ta có và lĩnh hội được; nhưng còn về việc mắt ta được mở ra để nhận biết một lẽ thật còn lớn hơn, có một sự nhận biết về con người thuộc linh và quyết định có ý thức của chúng ta về việc sống thể hiện điều đó mỗi ngày.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy được mỗi lần Đức Chúa Giê-xu bị thử thách phải chứng tỏ nhân thân của Ngài, Ngài luôn chỉ ra mối quan hệ giữa Ngài với Đức Chúa Cha. Nhân thân của Ngài được thắt chặt với mối quan hệ với Cha Ngài.

Giăng 10:15 (BTT)“Cũng như Cha biết ta, và ta biết Cha vậy; ta vì chiên ta phó sự sống mình”.

Lu-ca 10:22 (BTT)“Cha ta đã giao mọi sự cho ta; ngoài Cha không ai biết Con là ai; ngoài Con, và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không có ai biết Cha là ai”.

Mỗi khi người Pha-ri-si cố hạ uy tín của Chúa Giê-xu, Ngài sẽ nói họ rằng Ngài biết Cha và Cha biết Ngài. Nếu Sa-tan có thể khiến chúng ta nghi ngờ về nhân thân làm con trai, con gái của Đức Chúa Cha, thì ta sẽ phấn đấu để có được sự chấp thuận và được chấp nhận. Chính vì vậy, điều quan trọng là ta học từ Chúa Giê-xu để nhận lấy nhân thân của mình từ mối quan hệ của ta với Cha. Lẽ thật này là thuốc giải duy nhất cho tâm linh mồ côi. Ta chỉ có thể nhận được chứ không phải cố gắng đạt được. Chúng ta cần phải học cách nhận lấy nhân thân, và sau đó sống thể hiện nó một cách có ý thức mỗi ngày.

Nguyện Chúa ban phước cho bạn!

Dịch: H.U

Tác giả: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like