Home Chuyên Đề Ngay Cả Trong Phòng Chăm Sóc Đặc Biệt – Niềm Hy Vọng Sẽ Chiến Thắng Sự Chết

Ngay Cả Trong Phòng Chăm Sóc Đặc Biệt – Niềm Hy Vọng Sẽ Chiến Thắng Sự Chết

by Desiringgod.org
30 đọc

Mỗi ngày, những vòng tròn đỏ càng mở rộng hơn trên bản đồ khi vi-rút corona nuốt chửng các quốc gia. Tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới hiện đã vượt mức 3 triệu. Trong những tuần vừa qua, vi-rút đã cướp đi sinh mạng của 2 nghìn người mỗi ngày tại Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, và tổng cộng nó đã giết chết hơn 200 nghìn người. Mỗi số liệu nêu trên là đại diện cho một bà mẹ, một ông bố, con trai hoặc con gái. Hơn 200 nghìn người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, mỗi người đều có những ước mơ, hoài bão, tình yêu và hy vọng, giờ thì đã ra đi mãi mãi.

Cũng giống như nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã về hưu khác, tôi gia nhập đội ngũ y bác sĩ để hỗ trợ khi các ca nhiễm tăng đột biến. Khi tôi chuyển từ những ngày đắm mình trong những cuốn sách cùng với các con sang những đêm giúp mọi người bám lấy sự sống, tôi trăn trở về những khuôn mặt với từng cái tên đằng sau những con số. Có bao nhiêu người sẽ trút hơi thở cuối cùng trong ca trực của tôi? Bao nhiêu người trong số họ sẽ ra đi trong cô đơn? Phòng chăm sóc đặc biệt là nơi dành cho những bệnh nhân nặng nhất trong bệnh viện, nhưng thậm chí là trong tình trạng tồi tệ nhất những người thân yêu của họ vẫn thường túc trực bên giường bệnh, thường xuyên trò chuyện, đôi khi là hát, luôn nắm chặt tay họ trong giờ phút lâm chung. Nhưng giờ đây, vi-rút corona tạo ra những rào cản mà trước nay chưa từng có, các căn phòng trở nên trống rỗng cách lạ thường.

Tôi cũng lo lắng cho những người nhà bệnh nhân mà tôi phải thông báo tin dữ qua điện thoại. Mỗi con số ghi nhận tử vong cũng chính là số những người đang than khóc. Ngay cả khi làn sóng các ca nhiễm có giảm xuống, thì nỗi đau của họ vẫn còn dai dẳn. Nhiều tháng, hay có lẽ là nhiều năm, họ sẽ nghe lại bản nhạc quen thuộc, đi dọc trên con đường thân thương và nỗi đau đó sẽ khiến họ không thở được khi những ký ức ùa về.

Sau đó, sẽ có vô vàn những số liệu thống kê không được ghi nhận: những con người đang sợ hãi cho số phận của gia đình họ khi nền kinh tế sụp đổ. Người ta lo lắng về hóa đơn điện nước khi thu nhập hàng tuần đang dần cạn kiệt. Những người khác thì gặp rắc rối về việc con cái họ bị tụt lại phía sau nếu chúng không thể tiếp cận được với cách học trực tuyến. Vẫn còn nhiều người đầy ý thức trách nhiệm đang phải làm việc tại các cửa hàng bách hóa hay hiệu thuốc, tất cả họ đều có chung nỗi sợ sẽ mang vi-rút về cho nhà mình. Và có rất nhiều người trong chúng ta đang bị cô lập,  hoặc có thể là đang tự cách ly, ngày ngày chìm trong nỗi cô đơn.

Tuy nhiên, bạn có thể phân tích các số liệu, một vài người trong chúng ta sẽ nổi lên từ cuộc khủng hoảng này mà không có bất kỳ tổn thương nào. Nguyện xin Chúa thương xót.

Thành tín giữa tai ương

Chúng ta biết Chúa là Đấng nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy lòng nhân từ và thành tín (Xuất 34:6). Nhưng tôi phải thừa nhận rằng tôi đã vấp phạm, trong khi tôi vừa phải tập trung vào việc làm sao để chăm sóc những bệnh nhận này được tốt nhất cũng vừa phải bảo vệ gia đình mình, đôi lúc tôi phải tranh đấu dữ dội để hiểu được sự thương xót của Ngài. Khải tượng của tôi về tình yêu không dời đổi của Ngài bị lu mờ khi mọi thứ trong cuộc sống mà chúng ta biết dường như tan ra thành từng mảnh.

Không phải chỉ có một mình tôi. Trong suốt Kinh Thánh, những người yêu mến Chúa phải chịu khổ, co rúm người lại trong sợ hãi, cùng với tấm lòng van nài và những bàn tay siết chặt khóc than, Chúa ôi! Chúa chịu xem điều ấy cho đến chừng nào? (Thi-thiên 35:17). Vua Đa-vít than khóc với bộ dạng đau buồn. Ông Gióp tự cào mình bằng mảnh sành. Bà Ma-ri, đau buồn đến kiệt quệ vì cái chết của ông La-xa-rơ, đã sấp mình xuống chân Chúa Giê-xu mà kêu lên, Lạy Chúa, nếu có Chúa đây, thì anh tôi không chết! (Giăng 11:32)

Trong thế gian này, chúng ta than khóc. Sự hiểu biết của chúng ta bị giới hạn. Chúng ta quay cuồng trong nỗi đau của mình. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Kinh Thánh bày tỏ rằng ngay cả trong những thời khắc tuyệt vọng nhất của chúng ta, Đức Chúa Trời  vẫn thành tín. Tình yêu của Ngài đầy dẫy và kiên định ngay cả khi tội lỗi đánh gục và nhận chìm sự thông biết của chúng ta. Vượt trên những gì chúng ta có thể hiểu, Ngài hành động thông qua những tai họa đang tàn phá thế gian này để đưa chúng ta vào sự vinh hiển của Ngài.

Mục đích ẩn giấu của Đức Chúa Trời

Ví dụ của bà Ma-thê và Ma-ri là minh họa điển hình cho quan điểm này. Trong Giăng 11:3, hai chị em nhờ người đưa tin giục Chúa Giê-xu mau đến để cứu người anh em đang hấp hối của họ, là ông La-xa-rơ. Họ đã từng chứng kiến Chúa Giê-xu chữa lành những đám đông: bại liệt, phung cùi, người mù và động kinh. Chắc chắn, Ngài cũng sẽ vội vã đến để cứu người bạn yêu dấu của mình.

Nhưng thay vì chạy thật nhanh đến chỗ La-xa-rơ, Chúa Giê-xu đã trì hoãn tận hai ngày. Trong khoảng thời gian đó, La-xa-rơ không chống chọi nổi với căn bệnh của mình và qua đời. Hãy thử hình dung sự hoang mang và đau lòng của hai chị em là thể nào. Chúa Giê-xu có đủ quyền năng để cứu người anh em của họ, vậy tại sao Ngài không làm? Tại sao Ngài cho phép sự kinh khủng này xảy ra?

Chúng ta đọc thấy câu trả lời gây ấn tượng trong Giăng 11. Bịnh nầy không đến chết đâu,” Chúa Giê-xu giải thích. “nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh” (Giăng 11:4). Kế đó, tại ngôi mộ, Chúa Giê-xu “bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: ‘Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!’. Người chết đi ra, chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Giê-xu phán cùng chúng rằng: ‘Hãy mở cho người, và để người đi’.” (Giăng 11:43-44)

Ngay cả khi Ma-thê và Ma-ri không thể nhận ra mục đích của Ngài, thì Chúa vẫn hành động, bao phủ họ bằng ân điển và sự vinh hiển của Ngài. Bằng việc cho phép cái chết tạm thời cầm giữ La-xa-rơ, Chúa Giê-xu đã bày tỏ quyền năng và vinh quang của Đức Chúa Trời. Ngài cũng chỉ ra món quà tối thượng của Đức Chúa Trời dành cho loài người: sự tha tội qua dòng huyết của Đấng Christ, và sự sống đời đời trong sự hiện diện của Chúa chúng ta.

Tội lỗi tiêm nhiễm vào tấm lòng của mọi tạo vật trên đất. Nhưng trong Đấng Christ, bệnh tật không dẫn đến cái chết. Vì tình yêu dành cho thế gian, Chúa đã chiến thắng sự chết (Giăng 3:16; I Cô-rinh-tô 15:55), để không có bệnh tật nào, hay thậm chí là một đại dịch đã nuốt chửng cả thế giới nào có thể kéo chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài (Rô-ma 8:38-39).

Hy vọng để chịu đựng

Là tiền công của tội lỗi, sự chết chia cắt những người mà chúng ta yêu thương ra khỏi chúng ta cũng như làm hỏng tất cả những gì tốt đẹp và đáng yêu. Phúc Âm chính xác là tin tức tốt lành bởi vì sự chết thật quá đáng sợ. Trong những tuần, những tháng sắp tới, chúng ta sẽ khóc cho những người bạn đã ra đi. Các con số sẽ tiếp tục tăng. Nước mắt sẽ rơi. Tôi sẽ phải đi lòng vòng trong bóng đêm của sự chết và nghẹn ngào trong nỗi sầu thảm. Chúa Giê-xu chưa bao giờ hứa rằng chúng ta sẽ thoát khỏi đau đớn trong khi chờ đợi sự trở lại của Ngài (Giăng 15:18).

Tuy nhiên Ngài ban cho chúng ta hy vọng để chịu đựng. Ngôi mộ trống nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời thì lớn hơn các tế bào vi-rút đang chui vào trong phổi chúng ta. Vi-rút corona lây lan một cách thầm lặng đầy ác ý, nhưng bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời che chở chúng ta, và sự vinh hiển của Ngài là vô tận. Như Ma-thê và Ma-ri, chúng ta chỉ nhận biết sự vắng mặt của Chúa, sự chậm trễ, cùng sự im lặng của Ngài. Nhưng theo lời sứ đồ Phao-lô thì: Vì hoạn nạn tạm và nhẹ của chúng ta hiện nay sẽ đem lại cho chúng ta vinh hiển đời đời vô lượng vô biên, bởi chúng ta không nhìn chăm vào những gì thấy được, nhưng vào những gì không thấy được, vì những gì thấy được chỉ là tạm thời, còn những gì không thấy được mới là đời đời bất diệt.(II Cô-rinh-tô 4: 17-18)

Tôi mạo muội quay trở lại phòng chăm sóc đặc biệt để yêu thương những người lân cận mình trong cuộc khủng hoảng, bởi vì Chúa Giê-xu đã yêu tôi trước. Những đêm dài và khó nhọc. Nước mắt sẽ chảy. Nhưng khi tôi nhắm mục đích chăm sóc cho những người nhiễm bệnh mà con số đang ngày càng gia tăng, tôi có thể vui mừng về Đức Chúa Trời chúng ta, Đấng đã ban Con rất yêu dấu của Ngài để chúng ta có được sự sống đời đời, Ngài biết từng người một theo tên của họ (Thi thiên 139:1-2). Ngay cả tóc trên đầu chúng ta Ngài cũng đã đếm cả rồi (Lu-ca 12:7). Trong khi hiện tại chúng ta đang than khóc, thì Ngài đã chiến thắng sự chết vì tình yêu dành cho chúng ta và đảm bảo cho chúng ta một nơi chốn trên thiên đàng.

Bất kể tai họa nào đang chờ đợi chúng ta, khi Đấng Christ trở lại, Ngài sẽ xóa sạch dịch lệ. Ngài sẽ sắp xếp lại các phân tử bướng bỉnh của chúng ta, lau ráu hết nước mắt, và làm mọi thử trở nên mới.

Giờ đây, chúng ta than thở. Giờ đây, chúng ta khóc lóc. Nhưng ngôi mộ vẫn trống. Đấng Christ đã sống lại. Và trong Đấng Christ, chúng ta bám vào lời hứa không còn vi-rút, không còn bệnh tật, không còn kẻ thù vô hình nào có thể chia cách chúng ta khỏi tình yêu của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Cha yêu thương của chúng con. Ngay cả khi chúng con không thấy cánh tay Ngài giúp đỡ, xin nhắc chúng con nhớ về thập tự giá, ngôi mộ trống và thiên đàng phước hạnh đời đời mà Ngài dành sẵn cho những ai vững lòng theo Ngài, để chúng con tiếp tục yêu Ngài và phục vụ Ngài. Amen.

Dịch: Hữu Đức

Nguồn: Desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like