Vui thay, vẫn có một hy vọng cho chúng ta. Đó là chúng ta đều có thể được phục hồi và chữa lành tổn thương thẳm sâu trong tâm hồn mình do sự khước từ, chứng đồng phụ thuộc hoặc bất kỳ loại cưỡng chế hành vi và sự nghiện ngập gây ra nếu chúng ta cam kết bước vào trong tiến trình giải cứu và chữa lành siêu nhiên, đầy diệu kỳ của của Đức Chúa Trời. Thực tế, nghịch cảnh thường là chất xúc tác để con người đầu phục Chúa và nhận được sự chữa lành cùng sự phục hồi từ chính Ngài. Phục hồi là một tiến trình, nói một cách đơn giản, đó là một quá trình thánh hóa không ngừng và dài lâu mà quá trình ấy chính là học cách đầu phục Chúa mỗi ngày.
Một số người tin rằng không phải do con người chúng ta chọn lấy sự nghiệp ngập mà những nghiện ngập ấy chỉ là hệ luỵ của sự lạm dụng trong thời thơ ấu gây ra! Tuy nhiên, niềm tin này đã dẫn đến việc loại bỏ trách nhiệm cá nhân và ngăn chặn tiến trình chữa lành. Bởi lẽ, nhận lấy trách nhiệm cá nhân cho những lựa chọn sai lầm của mình chính là khởi đầu của sự phục hồi. Trái lại, sự cự tuyệt, phủ nhận và nuôi dưỡng nỗi đau chính là một hội chứng tâm lý của nạn nhân, đó là tự thương hại, tự huỷ hoại và gây tổn hại cho bản thân cùng trì hoãn sự phục hồi.
Tuy nhiên, mỗi người phải đưa ra sự lựa chọn cho riêng mình. Cuối cùng, không ai có thể đổ lỗi cho người khác vì sự lựa chọn của họ. Kinh Thánh cho chúng ta biết “nhưng mỗi người sẽ chết vì sự gian ác mình” (Giê-rê-mi 31:30).
Mặt khác, một số người cho rằng Cơ đốc nhân không nên nói về những tổn thương của họ hoặc bày tỏ cảm xúc tiêu cực vì đây là những điểm yếu – ấy là một sự lừa dối lớn của ma quỷ vì nó khiến cho mọi người sống với bản chất giả tạo. Một trái tim bị tổn thương giống như một lỗ hổng lớn trong tấm lòng. Nếu chúng ta tin rằng khoảng trống này sẽ không bao giờ được lấp đầy và chấp nhận nó, chúng ta sẽ ngừng cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng những mối quan hệ có ý nghĩa và bắt đầu xây dựng cuộc đời mình xoay quanh những khoảng trống. Vì thế, nói cách khác, sự khước từ và khoảng trống kết hợp với nhau bên trong chúng ta, chúng ta dè dặt với nó và đồng thời thận trọng không chạm đến để sửa chữa nó. Chúng ta học cách sống chung với những tổn hại ấy mà không nhận ra mình đang là nạn nhân của nó. Bởi cớ sự từ chối hoặc dồn nén tổn thương và những cảm xúc không lành mạnh trong lòng dẫn đến sự trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần.
Trái lại, khi chúng ta càng tin cậy Đức Chúa Trời và tin vào sự cứu rỗi, chữa lành thân thể, sự chu cấp dư dật, … của Chúa thì chúng ta càng phải thực hành đời sống đức tin để nhận được sự chữa lành cảm xúc bấy nhiêu.
Lời Chúa trong Giê-rê-mi 30:12-13 có chép rằng:“Vết thương ngươi không chữa được, dấu vít ngươi nặng lắm… ngươi chẳng có thuốc chữa.”
Qua phân đoạn Kinh Thánh trên, Chúa đang nói đến sự bất lực của loài người khi đương đầu với những nan đề xảy đến bằng sức riêng mình; gánh nặng của dân Y-sơ-ra-ên quá lớn và nhiều người phải mang sự xấu hổ, tội lỗi cùng sự cay đắng của những vết thương không có thuốc chữa. Tuy nhiên, đến câu 17, Ngài ban lời hứa về sự chữa lành: “Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ chữa lành thân thể ngươi, và chữa vết thương ngươi.”
Trong Giăng 10:10, Chúa Giê-xu phán: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt” nhưng Ngài “đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật.” Nhiều người giải thích câu này như một sự tương phản giữa công việc của Sa-tan và Chúa Giê-xu. Điều đó không sai nhưng Chúa Giê-xu còn cho biết rằng cho dù ma quỷ thành công trong việc cướp, giết và hủy diệt song Ngài vẫn có thể cứu chuộc, chữa lành, phục hồi và ban cho chúng ta sự sống sung mãn. Vì vậy mà câu Kinh Thánh trên không chỉ mô tả một mệnh đề đối lập mà còn nhấn mạnh vào chữ “mặc dầu”.
Bên cạnh đó, trong Lu-ca 4:18, Chúa Giê-xu phán rằng “Thần của Chúa” đã ngự trên Ngài và đã “xức dầu cho” Ngài để “truyền tin lành cho kẻ nghèo… rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do.” Thật vậy, Chúa Giê-xu đã đến để giải cứu và chữa lành tâm linh, linh hồn và thể xác của chúng ta. Ngài đã đến không chỉ để chết thay cho chúng ta mà còn để mang đến sự chữa lành đứa trẻ nội tâm thẳm sâu trong chúng ta. Ngài chữa lành chúng ta khỏi những đau khổ xuất phát từ sự khước từ và đồng phụ thuộc và phục hồi lại con người thật cho những ai đang sống với con người giả tạo. Vì cớ Chúa Giê-xu đã đến với mục đích ban sự cứu chuộc, tất cả những gì Ngài cần làm là phó chính mình chịu chết như một người vô tội để cất đi mọi tội lỗi chúng ta. Chúng ta được cứu bởi sự công chính và dòng huyết báu cứu chuộc của Ngài, như Lời Chúa được chép trong Rô-ma 5:19 rằng: “Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình.”
Thật vậy, sự phản bội Chúa Giê-xu đã chịu, sự chết trên thập tự giá, mão gai Ngài đội trên đầu, sự trần truồng, hổ nhục Ngài gánh thay nhân loại … tất cả đều có ý nghĩa lớn lao trong sự toàn cứu Ngài dành cho chúng ta. Tuy nhiên, không phải là ưu tiên hàng đầu để giải quyết từng chi tiết ấy tại đây. Trọng tâm của bài viết này là làm thế nào Đức Chúa Trời mang đến sự chữa lành đứa trẻ nội tâm sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta và trách nhiệm của chúng ta trong tiến trình này.
Giống như sự thánh hóa, sự chữa lành đứa trẻ nội tâm trong chúng ta bởi sự khước từ và đồng phụ thuộc gây ra cũng vừa là một sự kiện vừa là một tiến trình.
Dịch: Someone
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com