Home Tin tức Làm Thế Nào Để Chúng Ta Có Nhận Thức Đúng Về Vi-rút Corona?

Làm Thế Nào Để Chúng Ta Có Nhận Thức Đúng Về Vi-rút Corona?

by Sưu Tầm
30 đọc

Chào mọi người. Tôi là Tony đang ở phòng thu cùng với mục sư John để chuẩn bị cho tập đặc biệt trong chuyên mục Hỏi Đáp cùng Mục-sư John. Tôi chắc rằng quý vị cũng nhận thức được là vi-rút corona vẫn đang là tin tức hàng đầu được nhiều người quan tâm khi mà nó tiếp tục lan rộng ra toàn cầu, hiện đã có khoảng 199 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng của loại vi-rút này. Số ca nhiễm trên toàn thế giới đã vượt hơn 597,000. Số ca tử vong trên 27,000 [số liệu tính đến 11:45 ngày 28/03 theo Bộ Y Tế]. Đây là một dịch bệnh đa quốc gia và đang trở thành đại dịch toàn cầu.

Vào sáng thứ Tư, ngài tổng thống đã giao cho phó tổng thống nhiệm vụ  ngăn chặn sự lây lan của vi-rút tại Hoa Kỳ. Một số người hy vọng nó sẽ được xử lý. Một số khác thì cho rằng điều này là vô vọng. Nó sẽ không dừng lại và sẽ tiếp tục lây lan trong vài tháng tới đây. Một số chuyên gia còn đi quá xa khi nói rằng phần lớn người Mỹ sẽ bị phơi nhiễm với loại vi-rút này trước khi nó được giải quyết. Có rất nhiều suy đoán đang diễn ra. Về mặt lý thuyết, thị trường thế giới đang tụt dốc. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm mạnh khi sự trì trệ của các ngành làm gián đoạn xuất nhập khẩu, và thương mại toàn cầu.

Ở trong hoàn cảnh này, con người rất dễ mất đi đức tin và sống trong nỗi sợ hãi khi đọc những tin tức và tưởng tượng về những điều mà chúng ta không biết. Sự khủng hoảng toàn cầu đã và đang xâm nhập vào Hoa Kỳ. Nhưng nhiều ngày vừa qua, chúng tôi bắt đầu nhận được tin tức từ những thính giả khắp Đông Nam Á, những người này giúp cập nhật tình hình tại đây. Trong số đó, có một người đàn ông ở Singapore đã viết cho chúng tôi thế này.

“Kính gởi Mục-sư John. Tôi muốn hỏi ông về sự bùng phát của vi-rút corona bắt nguồn từ Trung Quốc và đã lây lan sang nhiều nơi khác trên toàn thế giới. Khi vi-rút này đến Singapore, chính phủ và người dân đã có động thái rất tốt và tất cả sự cố gắng của chúng tôi được thế giới ca ngợi. Thế nhưng sự rối rắm là ở phía các hội thánh. Nhiều nơi vẫn tiếp tục tổ chức các buổi nhóm Chúa nhật, kèm theo các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Một số hoạt động nhà thờ bị đình chỉ hoàn toàn. Có vài mục sư hứa hẹn rằng: ‘Nếu anh chị là người tin Chúa, Chúa sẽ không để loại vi-rút này làm hại anh chị đâu!’. Còn những mục sư khác thì nói rằng ‘Đây là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên những thành phố tội lỗi và các quốc gia kiêu ngạo.’ Vậy thưa Mục-sư John, dựa trên lời Kinh Thánh, làm thế nào để Cơ-đốc nhân hiểu đúng về đại dịch này?”

Vâng, tôi sẽ cố gắng để trả lời câu hỏi này – “Làm thế nào để hiểu đúng về dịch bệnh này? Làm sao để bạn nhận thức được điều gì đang diễn ra?” – trước mặt tôi là quyển Kinh Thánh để mở.  Nhưng trước khi tôi trả lời, tôi phải nói rằng tôi cũng có những mối e ngại, bởi vì tôi muốn làm rõ giữa việc giúp mọi người sẵn sàng để chịu khổ bằng cách hiểu đúng về sự chịu khổ được nói đến trong Kinh Thánh – đó là một chuyện. Còn chuyện tiếp theo là sự ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của một người khi họ phải chịu khổ qua góc nhìn thần học. Và giờ đây chúng ta có hàng nghìn người chết, đồng nghĩa với việc có hàng trăm nghìn người đang đau buồn. Và điều mà tôi sắp nói ra đây có thể là không đúng thời điểm đối với một số người, bởi vì nếu tôi đang ở trước hội chúng, trong nhà thờ, tôi sẽ biết liệu đây có phải là thời điểm để nói những điều này hay không.

Không điều chi mạnh hơn Chúa Giê-xu

Bằng cách mở đầu như thế này, tôi sẽ trả lời cho câu hỏi: làm sao để hiểu đúng về loại vi-rút chết người này. Hãy bắt đầu với một thực tế, đã được trải nghiệm trong lịch sử, và một lẽ thật rõ ràng trong Kinh Thánh. Thực tế đã từng xảy ra là vào Ngày của Chúa, Chúa nhật, ngày 26 tháng 12 năm 2004, hơn 200,000 người đã bị thiệt mạng bởi sóng thần ở Ấn Độ Dương, bao gồm toàn bộ các thành viên hội thánh đang nhóm lại để thờ phượng vào Ngày của Chúa, tất cả đã bị quét sạch. Đó là sự thật lịch sử. Chuyện như vậy đã xảy đến với các Cơ-đốc nhân, bởi vì họ đã có mặt ở đó. Bây giờ, lẽ thật trong Kinh Thánh là Mác 4:41: “…gió và biển cũng đều vâng lịnh người [Chúa Giê-xu].” Điều này vẫn đúng cho đến ngày hôm nay. “Đức Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.” (Hê-bơ-rơ 13:8)

Ghép hai sự thật này lại với nhau – sự thật lịch sử và sự thật Kinh Thánh – bạn sẽ có được lẽ thật: Chúa Giê-xu có thể chặn đứng thiên tai, và Ngài đã không làm điều đó vào năm 2004. Bởi vì Ngài luôn làm những điều khôn ngoan, đúng đắn, chính đáng và tốt lành, do đó, Ngài cũng có những mục đích khôn ngoan và tốt đẹp trong thảm họa chết người đó.

Vì thế, tôi cũng sẽ nói điều tương tự về vi-rút corona. Chúa Giê-xu có mọi sự hiểu biết và thẩm quyền trên những thế lực tự nhiên lẫn siêu nhiên trong thế giới này. Ngài biết chính xác nơi bắt đầu của vi-rút và nơi mà nó sẽ đến tiếp theo. Ngài có quyền để ngăn chặn nó hay là không. Và đó là những gì đang diễn ra. Không có tội lỗi nào, hay Sa-tan, cũng không có bệnh tật hay sự tàn diệt nào mạnh hơn Chúa Giê-xu. Ngài không bao giờ bị dồn đến đường cùng, Ngài cũng không bao giờ bị ép buộc phải chịu đựng điều mà Ngài không muốn. “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia.” (Thi-thiên 33:11)

Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự”, ông Gióp nói trong sự ăn năn, “chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm” (Gióp 42:2). Cho nên, điều đáng hỏi ở đây không phải là liệu Chúa Giê-xu có đang nhìn thấy, có đang đặt ra giới hạn, có đang tiếp tục dẫn dắt, cai trị trên mọi thảm họa và bệnh tật trên thế gian bao gồm cả khía cạnh tội lỗi và gian ác của con người hay không. Ngài đang làm như vậy. Điều đáng hỏi ở đây là, với quyển Kinh Thánh trên tay, chúng ta phải làm thế nào để hiểu được nó? Chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của nó chăng?

Sau đây là 4 lẽ thật Kinh Thánh mà chúng ta có thể sử dụng như những viên gạch làm nền trong nổ lực tìm hiểu ý nghĩa của những sự việc đang diễn ra xung quanh.

1. Bị lệ thuộc vào sự hư không

Khi tội lỗi vào trong thế gian qua A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời đã định ra trật tự của tạo vật, bao gồm thân thể vật lý của chúng ta, vì loài người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, sẽ trải qua sự hư nát, trở về với sự hư không, và mọi vật sống đều phải chết.

Cơ-đốc nhân, được cứu nhờ Phúc Âm của ân điển Đức Chúa Trời, cũng không thoát khỏi sự hư nát, hư không và cái chết về thuộc thể. Cơ sở cho luận điểm này là Rô-ma 8:20-23:

Muôn vật đã bị lệ thuộc sự hư không, chẳng phải tự ý, nhưng bởi Đấng muốn chúng lệ thuộc, với hi vọng rằng chính muôn vật rồi đây cũng sẽ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ cho sự hư nát, để chung hưởng sự tự do trong vinh quang của con cái Đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng tất cả tạo vật đều than thở và quặn thắt cho đến ngày nay; [đây là câu gốc cho chúng ta] không những muôn vật mà cả chúng ta là những người có Thánh Linh là trái đầu mùa, cũng than thở trong lòng đang khi mong đợi được làm con nuôi, là sự cứu chuộc thân thể chúng ta. (Bản Hiệu Đính)

Ngày đó sẽ đến khi muôn vật được giải phóng khỏi sự trói buộc của bệnh tật, tai họa và sự chết, để dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời. Cho đến lúc đó, các Cơ-đốc nhân – mà Phao-lô gọi là “những người có Thánh Linh” – cũng sẽ than thở với mọi tạo vật, cùng chịu chung sự hư nát, lệ thuộc sự hư không, bệnh tật, tai ương và sự chết, đang khi chúng ta mong đợi sự cứu chuộc cho thân thể mình (điều mà sẽ xảy ra vào thời điểm chúng ta được sống lại).

Điểm khác biệt đối với các Cơ-đốc nhân, những người tin Chúa, là trải nghiệm của chúng ta về sự hư nát không phải là sự đoán phạt. Rô-ma 8:1 “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ.” Sự đau đớn mà chúng ta phải chịu là cho mục đích thanh tẩy, chứ không phải để trừng phạt. “Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9). Chúng ta chết vì bệnh tật như tất cả mọi người, không nhất thiết là vì bất kỳ tội lỗi cụ thể nào — điều đó thực sự quan trọng. Tất cả chúng ta đều phải chết là do hậu quả của sự sa ngã. Nhưng đối với những người ở trong Đấng Christ, nọc của sự chết đã được loại bỏ (1 Cô-rinh-tô 15:55). Đó là viên gạch nền đầu tiên để hiểu những gì đang diễn ra.

2. Bệnh tật là một dạng của lòng thương xót

Có lúc Chúa giáng bệnh tật trên dân Ngài để gột sạch tội lỗi và giải cứu họ khỏi sự phán xét, đó không phải là án phạt mà là một hành động của lòng thương xót cho mục đích cứu rỗi của Ngài. Luận điểm này dựa trên I Cô-rinh-tô 11:29-32. Phân đoạn Kinh Thánh này liên quan đến việc sử dụng sai Tiệc Thánh, nhưng nguyên tắc được áp dụng thì rộng hơn nhiều. Hãy đọc những câu này:

“…vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình [câu này nhắm vào những người theo Chúa được dự Tiệc Thánh]. Ấy vì cớ đó mà trong anh em [Cơ-đốc nhân] có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ (chết). Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét-đoán. Song khi chúng ta bị Chúa xét đoán [với bệnh tật, đau yếu và sự chết], thì bị Ngài sửa phạt [sửa phạt như con], hầu cho khỏi bị án làm một với người thế-gian.”

Bây giờ hãy suy ngẫm về điều này. Chúa Giê-xu cất đi sự  sống của những người Ngài yêu qua sự đau yếu và bệnh tật – Ngài cũng chữa lành những đau yếu và bệnh tật này khi còn ở thế gian (Ma-thi-ơ 4:23; 8:17; 14:14) – và đưa họ lên thiên đàng. Ngài mang họ về thiên đàng bởi vì Ngài đã cắt đứt quỹ đạo của vòng xoáy tội lỗi và cứu họ ra khỏi đó. Sự chết ở đây không phải để trừng phạt họ, mà là để cứu họ.

Nói cách khác, một số người trong chúng ta chết vì bệnh tật “để chúng ta không bị kết án chung với thế gian” (I Cô-rinh-tô 11:32). Nếu Ngài có thể làm điều đó cho một số người mà Ngài yêu ở Cô-rinh-tô, thì Ngài cũng có thể làm điều tương tự cho nhiều người, bởi vi-rút corona. Và không chỉ bởi việc lạm dụng Tiệc Thánh, mà còn vì những vòng xoay tội lỗi khác – mặc dù không phải cái chết nào cũng là do một tội lỗi cụ thể nào đó. Đây là viên gạch nền thứ hai.

3. Bệnh tật sự đoán phạt

Đức Chúa Trời đôi khi cũng dùng bệnh tật như một sự phán xét đặc biệt trên những người chối bỏ Ngài và phó chính mình cho tội lỗi. Tôi sẽ đưa ra 2 ví dụ. Trong Công-vụ 12, vua Hê-rốt đã tự tôn mình lên để người khác gọi mình là chúa. Liền lúc đó, có thiên sứ của Chúa đánh vua Hê-rốt, bởi cớ chẳng nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời; và vua bị trùng đục mà chết. (Công-vụ 12:23). Chúa có thể làm điều đó với những ai tự tôn mình lên. Điều này có thể sẽ làm chúng ta ngạc nhiên bởi không có nhiều nhà lãnh đạo chết mỗi ngày chỉ vì tính kiêu ngạo của họ trước mặt Chúa hay trước mặt người ta. Đây quả thật là ân điển và lòng thương xót.

Một ví dụ khác là tội đồng tính luyến ái (tình dục đồng giới). Rô-ma 1:27 chép Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người nầy với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo ứng xứng với điều lầm lỗi của mình. Đây là một ví dụ về cơn thạnh nộ của Chúa như có chép trong Rô-ma 1:18, Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời (đang diễn ra) từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. Đây là viên gạch nền thứ ba, rằng Chúa có thể sử dụng bệnh tật để đoán phạt những người chối bỏ Ngài và đường lối Ngài.

4. Tiếng Sấm từ Trời

Tất cả thiên tai – dù là lũ lụt, đói kém, cào cào, sóng thần hay dịch bệnh – đều là tiếng sấm của lòng thương xót thiên thượng giữa sự phán xét đang diễn ra, kêu gọi mọi người ở khắp mọi nơi ăn ăn và điều chỉnh lại đời sống của họ, bởi ân điển, cùng với sự cao trọng vô hạn của Đức Chúa Trời. Và cơ sở cho viên gạch nền này là Lu-ca 13:1-5. Phi-lát tàn sát những người thờ phượng Chúa trong đền thờ. Tháp Si-lô-ê sụp đổ đè chết 18 người đứng xem. Và đám đông muốn biết Chúa Giê-xu nghĩ sao về những chuyện này, giống như cách mà tôi được hỏi, “Được rồi, Ngài sẽ giải thích điều này như thế nào, Ngài Giê-xu. Hãy nói cho chúng tôi biết Ngài nghĩ gì về tai họa và hành động tàn ác này. Những người ngoài kia họ chỉ đứng đó và giờ thì họ chết rồi.”

Đây là câu trả lời của Chúa Giê-xu trong Lu-ca 13: 4-5: …mười tám người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội-lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy.

Giờ thì đó là sứ điệp của Chúa Giê-xu dành cho thế gian tại thời điểm này trong lịch sử, dưới thời của dịch Covid-19 – một sứ điệp dành cho tất cả mọi người. Tôi và bạn, Tony, và mọi người đang lắng nghe, mọi lãnh đạo trên toàn cầu, tất cả những ai nghe được điều này, đều nhận được tiếng sấm từ Trời, phán rằng, “Hãy ăn năn.” (Và tôi nghĩ chính quyền Trung Quốc nên đặc biệt lưu tâm, vì họ là những người mà gần đây – tôi vừa đọc một bài báo nữa – họ ngày càng  trở nên khắc nghiệt và đàn áp chống lại những người theo Chúa). Hãy ăn năn và tìm kiếm lòng thương xót Chúa để điều chỉnh đời sống của bạn – của chúng ta – cho phù hợp với giá trị vô hạn của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài vì chúng con có Ngài là Đấng Yêu Thương đang tể trị và nắm giữ mạng sống chúng con. Xin Chúa thương xót đồng bào và thế giới mà Ngài đã nặn nên theo ảnh tượng của Ngài, xin cứu chúng con ra hỏi sự tang tóc và đau thương này. Chúa Thánh Linh cảm động lòng mọi người trên thế giới để họ nhận biết và quay lại thờ phượng Ngài. Nguyện đời sống của chúng con dù sống hay chết cũng bày tỏ vinh hiển Ngài. Amen.

Dịch: Hữu Đức

Nguồn: Desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like