“Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn, nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ” – Châm–ngôn 12:25
Trong một lần tham dự lớp học Kinh Thánh cho người trưởng thành tại trường Chúa nhật mà chồng tôi phụ trách, tôi đã được nghe anh ấy giảng về chủ đề “khích lệ”. Hôm đó tôi học được rằng khích lệ có nghĩa là vực dậy tinh thần bằng cách nói những lời tích cực và đem lại ích lợi cho một người.
Nội dung của bài học này là “bất luận là bạn gặp ai, cũng hãy đặt mục tiêu là bạn sẽ trở thành người khích lệ cho người đó”. Tôi chắc sẽ không bao giờ có thể quên được câu nói này. Một điều đơn giản nhưng mang lại ảnh hưởng tích cực. Tất cả mọi người đều muốn trở nên tích cực. Và chúng ta cần những điều dưới đây để khích lệ được dân sự của Chúa.
Hãy dành thời gian để lấp đầy bản thân
Nếu bạn dành thì giờ ngồi dưới bệ chân Chúa học lời của Ngài và để Chúa Thánh Linh làm đầy dẫy tấm lòng mình, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy đầy đủ trong công tác hầu việc Ngài. Vì ân điển của Chúa sẽ tràn đầy và lan toả đến cuộc sống của những người xung quanh mà bạn tiếp xúc.
Hãy học những phân đoạn Kinh Thánh mang tính khích lệ
“Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp với mỗi người thể nào” – Cô-lô-se 4:6
Hãy nhớ lấy điều này, để biết cách “thêm muối” khi trò chuyện với tất cả những người mà bạn gặp; hãy khích lệ họ. Bạn không thể cho đi điều mà bạn không có. Bạn nên học những câu Kinh Thánh mang tính chất khích lệ. Nếu bạn biết Kinh Thánh, bạn có thể sử dụng lời Chúa đúng lúc và đúng hoàn cảnh.
Hãy nghĩ là việc bạn học thuộc lòng câu gốc cũng giống như việc bác sĩ cầm theo đầy đủ dụng cụ bên mình. Tôi đã từng có kinh nghiệm ở trong phòng phẫu thuật. Khi đó, tôi nhìn thấy bác sĩ với xe đẩy chứa nhiều dụng cụ phẫu thuật to nhỏ khác nhau. Tôi đã nghĩ, ‘sao mà nhiều dữ vậy’, tất cả những dụng cụ phẫu thuật này đều cần cho sức khoẻ của tôi.
Câu Kinh Thánh được ghi nhớ và sử dụng đúng lúc giống như dụng cụ phẫu thuật linh hoạt dành cho những tấm lòng đói khát lời Chúa. Hãy cố gắng sử dụng lời Chúa để khích lệ. Lời Chúa sẽ khiến sự khích lệ của bạn có trọng lực.
Hãy gọi điện khích lệ
Châm-ngôn 12:25 có câu “Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn, nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ”. Tôi chắc chắn bạn đã kinh nghiệm được điều này. Cách dễ nhất để khích lệ một ai đó là gọi điện để thăm hỏi họ.
Bạn có thể khiến người khác cảm thấy vui chỉ bằng cách gọi cho họ. Mỗi khi gọi điện tôi thường dùng những lời như “Chị đã ăn cơm chưa? Dạo này em không thấy chị nên đã rất lo lắng”. Ví dụ như đối phương đang gặp khó khăn tôi sẽ hẹn gặp mặt trực tiếp để có thể nói được nhiều hơn trước khi gác máy.
Bạn cũng có thể gặp mặt nói chuyện và khích lệ trực tiếp. Tuy vậy việc gọi điện cũng rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là tấm lòng chăm sóc.
Khi chồng tôi làm mục vụ trong ban lão niên, anh ấy cũng đã gọi điện rất nhiều để khích lệ họ. Đổi lại với chúng ta cũng vậy, nếu có ai đó quan tâm, lo lắng và khích lệ chúng ta thì chúng ta cũng sẽ rất cảm kích.
Hãy viết thiệp khích lệ
Gửi tặng một tấm thiệp cũng là một cách để khích lệ. Khi tôi và chồng làm mục vụ tại ban lão niên, tôi đã cầu nguyện rằng “Chúa ơi con có thể làm gì cho những người này? Họ đã đồng hành với Chúa rất lâu rồi.”
Chúa đã trả lời tôi bằng cách cho tôi nghĩ đến việc viết thiệp để khích lệ họ. Mỗi buổi sáng Chúa nhật tôi đều ghi chép lại những người vắng mặt, những người đi du lịch, những người đau ốm và gửi thiệp khích lệ tới từng người. Nội dung là tôi luôn quan tâm tới họ, hãy liên lạc với tôi bất cứ lúc nào họ cần và tôi mong được gặp lại họ vào Chúa nhật tới.
Khi nhìn vào những đường kẻ trong tấm thiệp, tôi hay nói với bản thân mình là: “Chỉ cần viết 3 câu thôi là đủ”. Dù người nhận là người đang đau bệnh, người vừa được nhận giải thưởng, hay là người mới gặp gần đây tôi đều viết như vậy.
Câu đầu tiên tôi thường cảm tạ Chúa rồi ghi ra suy nghĩ của tôi về người nhận. Câu thứ hai tôi nói cho họ biết lý do tôi viết thiệp này, và câu thứ ba tôi viết lời cầu nguyện tôi dành cho họ.
Hãy khích lệ thông qua mục vụ
“Ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm” – Rô-ma 12:7-8
Cơ-đốc nhân có thể khích lệ người khác qua chức vụ của mình. Việc cho đi là một trong những mục vụ mà tôi và bạn phải làm. Cho đi có thể là tiền bạc, thời gian, sự nhiệt tình. Và việc cho đi này phải làm với tấm lòng không mong được nhận lại.
Hãy sống theo thứ tự ưu tiên của bạn
Châm-ngôn 31:11-31 cho chúng ta thấy người nữ tài đức đã sống theo thứ tự ưu tiên của cô ấy. Kinh Thánh không ghi chép lại những lời mà người nữ này đã nói, nhưng những hành động cô ấy làm đều được ghi lại.
Đời sống của cô ấy có thể khích lệ đời sống bạn. Và bạn cũng có thể khích lệ người khác trong năng lực Chúa ban cho bạn. Hãy nghĩ đến nghĩa vụ và vai trò Chúa đặt để cho bạn. Nếu bạn đang là một người vợ, một người mẹ, hãy là người quán xuyến gia đình và hiểu điều Chúa muốn đối với bạn là gì như chúng ta đã bàn với nhau trong những bài trước về thứ tự ưu tiên.
Cảm tạ ơn Chúa vì đã cho con thấy rằng con cần phải trở thành người khích lệ người khác. Xin Chúa thêm sức cho con để bất kỳ người nào con gặp được, cũng sẽ nhận được sự khích lệ từ con và ngợi khen Chúa. Amen
Biên dịch: Mymy
Sưu tầm: A woman after God’s own heart
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com