Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ học Israel phát hiện ra các di tích sót lại của thành phố Beersheva (Bê-e-Sê-ba) trong thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai.
Các cuộc khai quật này là một phần của kế hoạch cải tạo khu dân cư mới trong thành phố. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Israel đã tình cờ phát hiện ra phần còn lại của một khu dân cư cổ xưa, từng là một thành có nhịp sống nhộn nhịp của người Do Thái cổ xưa.
Địa điểm này có niên đại từ Thế kỷ 1 S.C. cho đến Cuộc nổi dậy của Bar-Kokhba chống lại Đế chế La-mã vào năm 135 S.C. Thành này nằm dọc theo biên giới phía nam vương quốc Giu-đa cổ đại.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một mảnh vỡ của một cây đèn dầu được trang trí bởi một chân đèn 9 nhánh, đây là một trong những hình ảnh cổ nhất về chân đèn từng được tìm thấy.
Họ cũng đã tìm thấy các bình chứa bằng đá vôi được sử dụng trong các nghi lễ thanh tẩy của người Do Thái cổ xưa, một cái tháp canh, và thậm chí cả lối đi bí mật dưới lòng đất được sử dụng bởi các quân nổi dậy Do Thái.
“Phần còn lại của khu phố có diện tích khoảng 2 dunam (2.000 m2) và bao gồm một vài cấu trúc và phần lắp ráp, chẳng hạn như nền móng của một tháp canh lớn, các đồ dùng để nướng thịt, hố rác cổ xưa và hệ thống ngầm có lẽ được sử dụng như một nhà tắm nghi lễ của người Do Thái (Mikveh)”, Tiến sĩ Peter Fabian của Đại Học Ben-Gurion tại Negev và Tiến sĩ Daniel Varga thuộc Cơ quan Cổ Vật Israel giải thích.
“Những dấu vết của một đám cháy lớn được tìm thấy tại một số nơi cho thấy đã có một cuộc khủng hoảng mà khu vực này trải qua, đây có lẽ là Cuộc nổi dậy Đầu Tiên của người Do Thái”, họ nói thêm. Cuộc nổi dậy đó xảy ra vào năm 70 S.C.
Các nhà nghiên cứu đặc biệt hào hứng với chân đèn cổ xưa được tìm thấy trên mảnh vỡ cây đèn dầu.
“Có lẽ đây là một trong những hình ảnh nghệ thuật cổ nhất của chân đèn 9 nhánh chưa từng được tìm thấy”, Tiến sĩ Vargas nói.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hàng chục đồng xu được đúc bởi Đế chế La-mã.
Thành Bê-e-Sê-ba được nhắc đến trong Kinh Thánh nhiều lần liên quan đến Tổ phụ người Do Thái là Áp-ra-ham và Y-sác.
Trong Sáng thế ký 21, thành này được thành lập bởi Áp-ra-ham và A-bi-mê-léc sau khi hai người giải quyết sự tranh chấp về một cái giếng nước và lập giao ước với nhau. Cái tên Bê-e-Sê-ba có nghĩa là “Cái Giếng Bảy” hoặc “Cái Giếng Thề Nguyện”.
Kinh Thánh chép rằng Y-sác lập một bàn thờ tại Bê-e-Sê-ba và Gia-cốp có chiêm bao về cái thang bắc từ dưới đất đến tận trời sau khi rời khỏi thành này.
Về sau, tiên tri Ê-li đã trốn tránh ở Bê-e-Sê-ba sau khi Giê-sa-bên công bố sẽ lấy mạng ông.
Dịch: Nau Puih
Nguồn: CBN News
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com