Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 36: Cách để thắng hơn sự lo lắng

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 36: Cách để thắng hơn sự lo lắng

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 6: 25-34
25Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân-thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí-trọng hơn đồ ăn sao, thân-thể há chẳng quí-trọng hơn quần-áo sao? 26Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu-trữ vào kho-tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao? 27Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? 28Còn về phần quần-áo, các ngươi lại lo-lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó-nhọc, cũng không kéo chỉ; 29nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang-trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. 30Hỡi kẻ ít đức-tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! 31Ấy vậy, các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? 32Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. 33Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. 34Vậy, chớ lo-lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó-nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.

Lời ngỏ:
Có người đã nói “Là con người mà không có sự lo lắng thì không phải là con người.” Đặc biệt, chúng ta đang sống trong thời kỳ sau rốt này càng có nhiều sự khó khăn hơn nên sự  lo lắng dường như là tâm trạng thường xuyên của mỗi người. Có bao giờ bạn thấy mình cũng có những suy nghĩ thế này không? “Lúc nào tôi cũng bận rộn và lo lắng cho công việc của mình, tôi chạy như con chuột chạy vòng vòng trên chiếc bánh xe tròn mà chẳng đi đến đâu, tôi làm việc đến kiệt sức mà chẳng có kết quả là bao, hoặc “tôi lúc nào cũng thấy mình căng thẳng, áp lực như chiếc bong bóng thổi căng bởi lo lắng về tương lai, về những việc sắp xảy ra”. Hay đôi khi có những suy nghĩ tương tự thế này. ”Nếu mình bị tai nạn thì sao nhỉ? Nếu mình bị mất việc thì cuộc sống của mình và gia đình sẽ thế nào? Nếu mình bị bệnh nặng thì làm sao đây?”… Khi có nhiều suy nghĩ, lo lắng, tâm trí chúng ta sẽ toàn nghĩ đến chuyện tiêu cực. Có nhiều người vì quá lo lắng về những việc trong tương lai nên đi hỏi thầy bói hay xin xăm, tìm số tử vi để biết trước về số phận của mình. Và nếu thầy bói bảo những chuyện không may sẽ xảy ra thì lại càng lo lắng hơn. Nhưng thực tế có bao nhiêu điều đã thật sự xảy ra? Và có bao nhiêu điều đã xảy ra mà bạn không hề lường trước? 
Chúng ta có khuynh hướng lo lắng nhưng thực thế những điều không bao giờ xảy ra. Các nghiên cứu về y học cho biết “Lo lắng tác động vòng tuần hoàn, tim mạch, các tuyến và toàn bộ hệ thần kinh. Vì thế người ta chết vì những căn bệnh có xuất phát từ sự lo lắng”.  Con người tự hành hạ mình bởi sự lo lắng nên việc ấy sẽ giết chết chúng ta.

    Lời Kinh Thánh hôm nay, Ma-thi-ơ 6:25-34, chỉ có 10 câu nhưng đã có 7 lần có từ lo lắng. Tại sao Chúa Giê-xu lại dạy về sự lo lắng trong phần Kinh Thánh này? Đây là chủ đề nối tiếp với phần Kinh Thánh trước, từ “vậy nên” ở đầu câu 25 cho thấy phần này diễn giải ý của những câu trên. Trong câu 24 cho chúng ta biết mình không thể chọn cùng lúc hai chủ, nếu chọn Chúa thì không thể chọn Ma-môn (tiền bạc, vật chất). Vì thế, một khi chúng ta chọn Đức Chúa Trời là Chủ của mình thì chúng ta sẽ không có gì phải lo lắng khi sống trên trần gian nầy.
    Từ “lo lắng” có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp, là một từ ngữ kép có ý nghĩa là “lý trí phân hai”. Khi lo lắng là lý trí của chúng ta bị phân làm hai. Chữ “lo lắng” theo tiếng Anh có nguồn gốc từ một chữ cổ của tiếng Đức, có nghĩa là “bị kìm hãm hay bị nghẹt ngòi”. Vì thế “lo lắng” sẽ kìm hãm hay làm nghẹt ngòi đức tin của chúng ta và khiến cho đời sống chúng ta không có kết quả. Điều khiến người ta lo lắng nhiều nhất là những nhu cầu hằng ngày về vật chất. Chúa đã chỉ ra hai nhu cầu dễ thấy nhất của con người là ăn và mặc. Tuy nhiên, ngày nay người ta không chỉ lo lắng về đồ ăn, thức uống, hay quần áo, mà còn lo lắng về nhiều việc khác nữa. Có thể đó là sức khỏe, việc học, việc làm, việc thăng tiến, việc mua nhà, đổi xe…  Nói chung là những nhu cầu cho cuộc sống ở thế gian này. Vì thế, Chúa Giê-xu khuyên chúng ta, nhưng thực ra đây là mạng lệnh chứ không phải là sự lựa chọn đối với con cái Chúa, đó là “ĐỪNG LO LẮNG”. Có nghĩa là đừng để tấm lòng và tâm trí bị phân tâm, vì “một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định” (Giacơ 1:8).
    Điều này thật khó, nhưng Chúa không bắt buộc chúng ta làm điều gì mà Ngài không giải thích. Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy con người lo lắng vì đã hiểu sai giá trị của sự sống thật. Những cái chúng ta lo lắng thực chất không mang lại cho chúng ta sự sống. Những cái ăn và mặc thật ra chỉ là phương tiện để sống. Vì thế Chúa Giê-xu đã nói “Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao?” (câu 25). Nói cách khác, điều quan trọng hơn thức ăn là sự sống và quan trọng hơn đồ mặc là thân thể, nếu Chúa không ban cho chúng ta thân thể và sự sống thì đồ ăn và đồ mặc không cần thiết. Thế nên khi Ngài đã ban cho chúng ta sự sống và thân thể này, thì chắc chắn Chúa cũng sẽ ban cho phương tiện để nuôi sự sống và bảo vệ thân thể chúng ta.
    Bên cạnh đó, Chúa Giê-xu đã dẫn chứng về việc Ngài chăm sóc các loài thọ tạo như thế nào, như loài chim ở trên trời và loài hoa ở ngoài đồng Ngài đã chăm sóc những tạo vật bé nhỏ và có sự sống ngắn ngủi kia thể nào thì chắc chắn Ngài sẽ chăm sóc chúng ta, là những kẻ được dựng nên theo ảnh tượng của chính Ngài. Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta nên Ngài chăm sóc và nuôi dưỡng chúng tốt hơn nhiều so với việc chúng ta tự chăm sóc mình. Chúa đã đưa một ví dụ rất rõ, vua Sa-lô-môn được kể là vị vua khôn ngoan và giàu có bậc nhất trong các thời đại, nhưng cái áo của ông mặc thậm chí cũng không thể sánh với những bông hoa mọc ở ngoài đồng kia. Chúng ta biết Chúa đã tạo dựng chúng ta có giá trị nhất trong mọi loài thọ tạo của Ngài nên sự lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống này là vô ích, mọi nan đề và nhu cần trong đời sống của chúng ta chẳng là gì hết, chỉ như một giọt nước sánh với cả đại dương. Nên Chúa bảo “Có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?” (câu 27).  Đức Chúa Trời đã đặt một giới hạn cho đời sống của chúng ta và Ngài đã đếm số ngày sống trên đất của chúng ta. Vì vậy, lo lắng về việc chúng ta sống bao lâu là vô ích vì lo như thế cũng chẳng thay đổi được sự sống đó.
    Khi chúng ta đã nhận thức được giá trị của sự sống của mình ở trong Chúa mà vẫn cứ lo lắng thì đáng bị Chúa quở trách “Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!” (câu 30). Chúng ta đừng tìm cách chạy theo những gì mà người không tin Chúa tìm kiếm là “ăn”, “uống”, và “mặc” vì họ chẳng có một hy vọng gì trong cuộc sống hầu đến cả. Bởi thế con cái Chúa mà lo lắng là có tội vì thiếu đức tin nơi Lời Chúa. Có thể nói, đây là một tội mà nhiều con cái Chúa đang vấp phải.
    Vậy thì, thay vì lo lắng, Chúa Giê-xu đã chuẩn bị cho chúng ta một giải pháp để thắng hơn nó, đó là  chúng ta “trước hết tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” (câu 33). Có nghĩa là tìm cầu sự tể trị của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta và tìm cầu sự công chính của Ngài như phước hạnh thứ tư Chúa đã dạy trước đó “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (5:6) Sự tìm kiếm Chúa chính là mục đích của cuộc đời chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta không cần cơm ăn, áo mặc nhưng ở đây muốn nói đến ưu tiên trước hết của chúng ta không phải là cần thoả mãn các nhu cầu ấy, nhưng cần phải sống theo mục đích mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta. Khi chúng ta tìm cầu “nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài”, chúng ta sẽ biết ý muốn và chương trình của Chúa trên đời sống và làm theo lời dạy của Chúa, thì Ngài sẽ thành tín đáp lại như đã hứa “thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”, tức là những điều mà chúng ta đang lo toan về nhu cầu hàng ngày của mình.

Bài học áp dụng:
Xin mời bạn cùng tôi dành ít phút để xem lại hiện tại chúng ta đang có điều gì lo lắng nhất.  Trong số những nan đề đó, có thể là về gia đình, công ăn việc làm, kế hoạch tương lai, nợ nần… Chúng ta cần thành thực trao dâng mọi nan đề của chúng ta cho Chúa và từ hôm nay Chúa dạy chúng ta điều trước tiên là phải tìm kiếm Chúa và ý muốn của Ngài. Khi đó Chúa sẽ cho chúng ta sức lực để sống trọn vẹn cho một ngày và mọi việc rắc rối của ngày mai hãy để Chúa giải quyết. 

Cầu nguyện:
Lạy Cha Ái Từ của con,
Xin tha thứ cho sự ít đức tin của con bởi những sự lo lắng về đời này. Xin cho con thay đổi tầm nhìn và cách sống của mình. Thay vì chú tâm vào những việc “ăn gì, uống gì, mặc gì”, xin cho con biết chọn lựa ưu tiên quan trọng nhất trong đời sống con là tìm kiếm Chúa, vâng phục Ngài và vui thỏa trong sự ban cho của Chúa. Vì chúng con biết rằng Ngài yêu chúng con và ban cho chúng con mọi điều tốt nhất, hơn cả điều chúng con cầu xin và suy tưởng nữa. Con cảm tạ Chúa, nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like