Home Chuyên Đề Miền Đất Hứa Xa Vời – Quan điểm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về Nguồn gốc sự sống – Phần 1

Miền Đất Hứa Xa Vời – Quan điểm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về Nguồn gốc sự sống – Phần 1

by Viethungpham.com
30 đọc

“Qua gần một thế kỷ nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc sự sống, cánh cổng đến Miền Đất Hứa trở nên xa vời hơn bao giờ hết…”, một nhà sinh học thốt lên. Câu hỏi về nguồn mã DNA đã và đang đẩy Thuyết phi tạo sinh vào bế tắc. Những sự thật này đã được tiết lộ bởi nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới mà mọi người nên biết.

Câu chuyện hôm nay là phần tiếp theo câu chuyện hôm trước, The Impossibility of Abiogenesis / Tính bất khả thi của thuyết phi tạo sinh, đã công bố trên PVHg’s Home ngày 22/02/2019  

Trừ những ý kiến có chú thích riêng, tất cả các ý kiến của các nhà khoa học được dẫn trong bài này đều trích từ tài liệu sau đây:

COMPILATION OF QUOTES ON THE COMPLEXITY OF A CELL AND THE SCIENTIFIC MYSTERY OF LIFE’S ORIGIN

(Tài liệu sưu tập các trích dẫn về sự phức tạp của tế bào và bí mật khoa học của nguồn gốc sự sống) của Ashby L. Camp

Sau đây là một số ý kiến tiêu biểu, xin trân trọng giới thiệu.

1/ Stephen Grocott, TS Hoá học

Trong cuốn “In Six Days” (Trong Sáu Ngày), do Green Forest, AR: Master Books xuất bản năm 2001, trang 149, Stephen Grocott viết:

“Sự phức tạp của các sinh vật đơn giản nhất mà ta biết là quá sức tưởng tượng… và cho đến nay không ai tin rằng chúng nẩy sinh một cách tình cờ”.

BINH LUẬN:

Đại văn hào Victor Hugo từng nhận xét: “Ngu múa mép, hợm múa may” (Stupidity talks, vanity acts). Dưới ánh sáng khoa học ngày nay, các nhà tiến hoá đều biết rõ rằng những sinh vật đơn giản nhất dù chỉ có 1 tế bào cũng đã là những cỗ máy siêu tinh vi phức tạp quá sức tưởng tượng. Nhưng họ vẫn cố nói năng nguỵ biện để tuyên truyền rằng sự sống đầu tiên vẫn có thể ra đời nhờ một cơ may nào đó, và chỉ cần 1 cơ may là đủ! Cơ sở lý luận của họ rất đơn giản: THỜI GIAN! Với thời gian đủ dài, cỡ vài tỷ năm, cơ may ấy chắc chắn sẽ xảy ra. “Thời gian sẽ tự nó làm ra phép lạ”, như tuyên bố của George Wald, nhà sinh học đoạt Giải Nobel năm 1967. Qua đó có thể thấy George Wald không hiểu Lý thuyết Xác suất, và Giải Nobel không phải là thước đo chân lý.

2/ David E. Green & Robert F. Goldberger, hai nhà sinh hoá,

Trong cuốn “Molecular Insights into the Living Process” (Cái nhìn thấu vào phân tử bên trong quá trình sống) do NXB Hàn lâm Academic Press xuất bản tại New York, 1967, trang 407, David Green và Robert Goldberger viết:

“Sự chuyển tiếp từ đại phân tử sang tế bào là một bước nhảy vọt vĩ đại, vượt quá phạm vi của một giả thuyết có thể kiểm chứng. Trong lĩnh vực này tất cả chỉ là phỏng đoán. Các sự kiện thực tế hiện có không cung cấp một cơ sở nào cho việc đưa ra định đề cho rằng tế bào đã ra đời trên hành tinh này”.

BÌNH LUẬN:

Với ý kiến trên, hai nhà sinh hoá David E. Green & Robert F. Goldberger đã khẳng định:

  • Thuyết phi tạo sinh là một giả thuyết không thể kiểm chứng;
  • Toàn bộ thuyết phi tạo sinh chỉ là phỏng đoán;
  • Thuyết phi tạo sinh hoàn toàn vô bằng chứng.

3/ Hubert P. Yockey (1916 – 2016), Giáo sư vật lý và Lý thuyết Thông tin Đại học California, Berkeley

Hubert Yockey là một tiến sĩ vật lý và một nhà lý thuyết thông tin, Giáo sư Đại học California ở Berkeley, từng làm việc dưới quyền Robert Oppenheimer trong Dự án Manhattan về chế tạo bom nguyên tử của Mỹ những năm 1940. Ông nổi tiếng với những nghiên cứu áp dụng lý thuyết thông tin vào sinh học, kết quả được công bố trên Tạp chí Sinh học Lý thuyết (Journal of Theoretical Biology). Trong bài báo “Một Phép tính Xác suất theo Lý thuyết Thông tin về sự Hình thành Sự sống Tự phát” (A Calculation of the Probability of Spontaneous Biogenesis by Information Theory) trên tạp chí Journal of Theoretical Biology Tập 67, năm 1977, trang 396, Hubert Yockey viết:

“Kịch bản “cái ao nhỏ ấm áp” đã được phát minh ra nhằm mục đích đưa ra một lời giải thích duy vật về nguồn gốc sự sống. Nó không được hỗ trợ bởi bất kỳ bằng chứng nào cả và nó sẽ vẫn còn cần thiết cho mục đích ấy cho đến khi nào tìm thấy bằng chứng như thế… Người ta phải kết luận rằng, trái với kiến thức đã được thiết lập và hiện tại, vẫn chưa hề có một kịch bản nào mô tả sự sống ra đời trên trái đất nhờ cơ may và nguyên nhân tự nhiên có thể chấp nhận được, mà dựa trên các sự kiện thực tế chứ không phải đức tin”.

BÌNH LUẬN:

Ý kiến của Hubert Yockey cho thấy thuyết phi tạo sinh chỉ là một ĐỨC TIN, một tuyên ngôn của chủ nghĩa duy vật trong vấn đề nguồn gốc sự sống, chứ không phải một lý thuyết khoa học có cơ sở thực tế. Trong một trường hợp khác ông nói rõ hơn: “Niềm tin cho rằng sự sống trên trái đất nẩy sinh một cách tự phát từ vật chất không sống, đơn giản là một vấn đề đức tin trong sự quy giản hết mức và hoàn toàn dựa trên ý thức hệ”[1].

Trang mạng Bách khoa toàn thư Wikipedia cho biết Hubert Yockey là người quyết liệt phê phán lý thuyết nồi súp nguyên thuỷ, tức lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hoá, và tin chắc rằng VẤN ĐỀ NGUỒN GỐC SỰ SỐNG LÀ MỘT BÀI TOÁN KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC BẰNG KHOA HỌC. Nhận định này được ủng hộ mạnh mẽ bởi mã DNA và Định lý Bất toàn của Kurt Gödel. Nhưng chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này sau.

(Còn tiếp)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like