Nhiều cặp vợ chồng cho rằng ba chữ “Anh yêu em/ Em yêu anh” là quan trọng nhất trong hôn nhân. Nhưng chúng ta cần phải có nhiều can đảm và hạ mình hơn để có thể nói rằng “Anh/ Em xin lỗi”. Hơn nữa, nếu chúng ta không chịu thừa nhận những sai trật, yếu đuối của mình và cầu xin sự tha thứ, mà cứ lặp đi lặp lại rằng “Anh yêu em/ Em yêu anh”, thì sẽ không thể đổ đầy bể chứa tình cảm của người phối ngẫu. Chính sự căm phẫn và cay đắng đã tạo nên những vết nứt khiến cho bể tình yêu ấy bị rò rỉ.
Và nếu “Anh yêu em/ Em yêu anh” thực sự là ba chữ quan trọng nhất trong việc xây dựng và khôi phục lại sự thân mật, thì “Anh tha thứ cho em./ Em tha thứ cho anh” là ba chữ quan trọng tiếp theo mang lại sự chữa lành cho mối quan hệ hôn nhân.
Truyền Đạo 7:20 “Thật, chẳng có người công bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội.”
Đây là chân lý căn bản và thực tế mà chúng ta cần lưu ý. Người mà chúng ta yêu mến nhất và đã cam kết sống cùng suốt cuộc đời này là một người không hoàn hảo. Người này chắc chắn sẽ làm tổn thương chúng ta và khiến chúng ta thất vọng bằng nhiều cách, đôi khi rất nghiêm trọng hoặc không, đôi khi còn lập lại nhiều lần.
Sự đồng cảm làm cho việc tha thứ trở nên dễ dàng hơn. Sẽ dễ tha thứ hơn khi chúng ta hiểu được lý do đằng sau hành vi của người ấy. Hầu hết chúng ta có xu hướng ban cho bản thân nhiều ân điển hơn, nhưng lại rất nghiêm khắc đánh giá người phối ngẫu của mình. Chúng ta cần ban ra ân điển rời rộng cho người phối ngẫu như khi chúng ta ban cho bản thân.
Điều gì sẽ xảy ra khi người phối ngẫu có điểm yếu hoặc sai sót? Làm thế nào khi người ấy không có khả năng luôn đáp ứng đúng mong đợi của chúng ta? Và nếu như người ấy có một thời thơ ấu đầy tổn thương chưa được chữa lành nhưng đã và đang để nó bước vào trong mối quan hệ hôn nhân của hai bạn?
Rô-ma 7:19 “Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.”
Giống như Phao-lô, tất cả chúng ta đều phải đấu tranh với những điểm yếu của bản thân. Chúng bắt nguồn từ những chấn động, tổn thương và đau đớn đến từ gia đình. Chúng ta cần phải nhân từ và tin tưởng vào ý muốn tốt đẹp của người phối ngẫu. Người ấy chủ tâm yêu thương nhưng buồn thay lại thành gây tổn thương. Chúng ta đều là những người không hoàn hảo; và để sống cùng nhau cách thành công, chúng ta cần phải học cách cầu xin sự tha thứ và biết tha thứ. Tha thứ là từ bỏ quyền trừng phạt khi người khác làm sai với bạn.
I Phi-rơ 4:8 “Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi.”
Tình yêu vô điều kiện là yếu tố quan trọng nhất giúp duy trì và xây dựng một hôn nhân lành mạnh để tôn vinh Thiên Chúa. Thật không may, nhiều người trong chúng ta tiếp tục trừng phạt cảm xúc của người phối ngẫu bằng cách đổ đầy oán hận lên trên thất bại của người ấy.
II Cô-rinh-tô 2:10-11 “Nhưng anh em tha thứ ai, thì tôi cũng tha thứ. Vả, nếu tôi đã tha, là vì anh em mà tha, ở trước mặt Đấng Christ, hầu đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của nó.”
Việc không tha thứ đem lại lợi thế cho Sa-tan. Chúng ta nên làm cho Satan không có chỗ đứng trong mối quan hệ của mình. Lý do cuối cùng mà nhiều người cay đắng là vì họ muốn như vậy. Chúng ta hoan nghênh sự cay đắng vì nó kích hoạt năng lượng trong chúng ta. Đáng buồn thay, sự kích hoạt ấy lại bắt nguồn từ động lực sai trái!
Nỗi Sợ Và Lạm Dụng Tội Lỗi Để Điều Khiển
Nhiều người trong chúng ta sợ rằng nếu tha thứ cho người phối ngẫu quá dễ dàng, thì người ấy sẽ lặp lại cùng một sai lầm và làm tổn thương chúng ta lần nữa. Vì vậy, chúng ta chọn cách kìm nén tình cảm và sử dụng nó để lạm dụng tình cảm từ phía người phối ngẫu. Đáng buồn thay, khi làm như vậy, chúng ta đang làm cho bản thân trở nên “không đáng yêu” và việc này sẽ lái người phối ngẫu ra xa chúng ta. Người có lòng khoan dung là người đáng mến. Và bằng cách giải phóng sự tha thứ, chúng ta sẽ giải phóng người phối ngẫu của mình, giúp họ có thể yêu mến ta thực sự chứ không phải yêu vì mang cảm giác tội lỗi.
Ga-la-ti 6:1 1934 “Hỡi anh em, vì bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Chúa Trời, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng.”
I Cô-rinh-tô 10:12 “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.”
Hãy nhớ rằng, chúng ta gặt những gì mình gieo ra và sau này chúng ta có thể là người cần được tha thứ. Nếu chúng ta xuất hiện không đúng nơi đúng lúc, và với không đúng người, thì đều có khả năng phạm lỗi.
Ma-thi-ơ 19:8 “Ngài phán rằng: Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môi-se cho phép để vợ; nhưng, lúc ban đầu không có như vậy đâu.”
Theo Chúa Giê-xu, do tấm lòng cứng cỏi, chứ không vì những sai trật, là nguyên nhân gây nên việc ly dị. Tấm lòng cứng cỏi đang được học tất cả những sự thật này nhưng không muốn áp dụng vào thực tế. Và sự cứng lòng là gốc rễ của hầu hết những cuộc hôn nhân thất bại. Đó là lý do mà tấm lòng mềm mại nhân từ có giá trị rất cao trong Kinh Thánh.
Phi-líp 3:13 “Hỡi Anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước.”
Chúng ta không thể tiến lên phía trước cho đến khi học được cách quên đi những thứ ở phía sau. Tha thứ là sự lựa chọn nằm trong tinh thần và tình cảm, là một nỗ lực có ý thức. Thật không may, nhiều người trong chúng ta muốn nhận được những ơn phước và lời hứa của Chúa nhưng lại không sẵn lòng chấp nhận vâng lời Ngài.
“Những bất đồng không gây mất đoàn kết, mà là do thiếu tha thứ” – Loren Cunningham
Điều đáng suy ngẫm
Có phải chúng ta khoan dung với bản thân nhưng lại hà khắc hoặc đặt kỳ vọng cao đối với người phối ngẫu?
Bạn đã vô tình cho phép hoặc thậm chí mời Satan bước vào mối quan hệ hôn nhân của mình bằng việc cầm giữ oán hận và cay đắng đối với người phối ngẫu?
Chúng ta nhận được năng lượng từ tình yêu hay từ những cay đắng?
(Còn tiếp)
Sophie Nguyễn Thu Vịnh dịch
Tác giả: Adrian Chua
Ảnh: theplaidzebra.com
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com