Ngày 8/1/2019, một vài doanh nhân có tâm tình dâng hiến tại Đà lạt, khi đọc được bài viết của báo Oneway.vn về các em nhỏ phải đi học xa, có cuộc sống rất khó khăn, thuộc Tiểu khu 181, Liêng sronh, Đam Rông, Lâm Đồng. Bởi tấm lòng thương xót họ muốn đến xem cuộc sống của các bé có thật sự khó khăn như bài báo nói và có thể giúp đỡ được gì cho họ.
Tìm thêm các thông tin khác, chúng tôi đọc được một bài chia sẻ trên Facebook, từ một nhóm sinh viên đã đến thăm một vài ngôi làng cùng khu vực nhân dịp tết dương lịch, chia sẻ: “Các ngôi làng H’mông trong khu vực có cuộc sống gần giống nhau, vì bản làng xa xôi heo hút nên hầu hết các em phải đi học ở xa nhà, cuối tuần các em mới trở về bản cùng gia đình,” tôi cảm động khi nhìn một tấm hình của một bé gái chụp chung với “búp-bê tự chế” của mình. Thật buôn làng tách biệt khiến tuổi thơ của các bé đã thiếu thốn lại càng thêm thiệt thòi, chúng tôi quyết định gom đồ chơi và mua thêm búp bê cho các bé.
Qua những thông tin có được anh Khoa, người có tâm tình làm cầu nối giữa các mạnh thường quân, anh kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, anh chia sẻ: “Chỉ sau vài ngày đã có rất nhiều sự đóng góp đến từ nhiều người khác nhau”, không những thế, “Chúa còn chu cấp một chiếc xe hơi cho chuyến đi từ một người chưa tin Chúa nữa”.
Chuyến xe bắt đầu lăn bánh từ 4:00 sáng, ngày 12/1/2019 từ Đà lạt. Do địa hình đường đi khó nên chúng tôi phải bỏ lại xe ô-tô để di chuyển vào bản làng bằng xe máy và cuối cùng cũng tìm được ngôi làng mang tên: Tiểu khu 181, xã Liêng sron, huyện Đam Rông.
Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, ngơ ngác, các em dường như chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Những bẽn lẽn bởi lần đầu tiên được nhận quà, lần đầu được chơi các món đồ chơi thành phố như ô tô, máy múc, búp bê, thú nhồi bông…để rồi khi cảm xúc sung sướng được sở hữu một món cho riêng mình thì giữ chặt nó như thể là thứ đồ quý giá.
Trên cùng đoạn đường chúng tôi ghé qua ngôi làng thứ hai mang tên Đạ-mpô, Đạ Long, Đam Rông, Lâm Đồng, cách Tiểu Khu 181 khoảng 50 km, chúng tôi mang theo những món đồ chơi cho thiếu nhi và gặp anh Sùng Văn Quý chấp sự ở điểm nhóm Đạ-mpô. Tôi hỏi: “Nhu cầu cho Thiếu nhi ở đây là gì ạ”? – Anh Quý trả lời: “Các cháu cần sách vở để đi học”. Khi nói ra nhu cầu của mình, thật Chúa ban cho vượt quá sự suy tưởng, Chúa cảm động tấm lòng của những người hay ban cho, một thư viện cho các cháu sẽ sớm được đầu tư, trong đó sẽ có truyện Kinh Thánh, sách tô màu, bút màu… Sau khi thư viện được hình thành, thay vì loanh quanh làm đồ chơi tự chế thì các cháu có thể học chung, chơi chung. Qua đó có thể giúp các em vun trồng sự hiểu biết trong tuổi thơ, chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp theo được ở trong sự khôn ngoan và tri thức.
Không bỏ qua các bé đang đi học xa nhà mà bài báo đề cập đến, anh Khoa chia sẻ: “Đã đến thăm được chỗ trọ của các bé tiểu khu 181, thăm thêm nhà trọ của các bé từ Tây Sơn.” (Ngôi làng Tây Sơn cách Tiểu Khu 181 khoảng 10km đi sâu vào trong rừng)
Lần theo bài báo trên NEWS.ONEWAY.VN, chúng tôi tìm được cậu bé, nhờ cậu mà chúng tôi có được chuyến đi đầy ý nghĩa.
Một trong số những mạnh thường quân tài trợ cho chuyến đi là chị Lan Anh, chị người chưa đặt niềm tin nơi Chúa, nhưng tấm lòng của chị chỉ muốn dâng hiến để làm việc thiện giúp đỡ những người thật sự khó khăn. Sau chuyến đi, chị Lan Anh nói lên suy nghĩ của mình về sự khác biệt giữa những Cơ đốc nhân và người theo tôn giáo: “Người theo tôn giáo khác họ chỉ có tin thôi, nhưng ở các bạn tôi thấy không chỉ có niềm tin mà còn có tình yêu bên trong nữa”. Chúng tôi chỉ nở nụ cười đáp lại, Kinh thánh nói: “Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu thương mà làm – I Côrinhtô 16:14”. Vì chúng tôi muốn vâng theo lời Chúa, muốn làm muối của đất và là ánh sáng của thế gian, thế nên chúng tôi ‘tin cậy tuyệt đối’ và có thể sống với ‘tình yêu đam mê của Chúa’ cho tha thân. Cảm ơn chị Lan Anh đã đồng hành cùng chuyến đi, Chúng tôi cầu nguyện để qua những câu chuyện này, chị có thể kinh nghiệm tình yêu thương cùng chương trình kỳ diệu của Đức Chúa Trời trên đời sống chị, chị cũng sẽ có một niềm tin mạng mẽ, và một tình yêu lớn bên trong, đó là tình yêu được bắt nguồn từ Chúa của tình yêu.
Những bản làng mọc rải rác bên trong những đồi cà phê đang chuyển mình hé nở. Những nhành hoa trắng muốt tinh khiết ngạt ngào hương thơm… Phải chăng đây là mùi hương của Đấng Tạo Hóa? Ngài đang trải mùi hương đến mọi nơi, mùi hương nồng nàn như nói cho chúng ta biết rằng: “Một mùa hát xướng đẫ đến rồi, hãy đến để hình thành Đấng Christ bên trong một tâm hồn”.
Chúng tôi chia tay anh em ra về. Những món quà của chúng tôi giải quyết được nhu cầu trước mắt cho các bé, nhưng những nhu cầu khác vẫn còn đó, làm sao để cải thiện được các bữa ăn, khi mỗi tuần các em lại về làng mang rau xanh ra phố, bảo quản nó trong cái nắng nóng của Tây nguyên, bởi vì một tuần ròng mới trở lại bản làng để tiếp thêm lương thực. Chúng tôi nghĩ đến giải pháp là một chiếc tủ lạnh bảo quản đồ ăn cho các bé, thậm chí hỗ trợ thêm tiền điện mỗi tháng, như thế thôi có lẽ sẽ giúp các bé được no lòng thêm phần nào…
Anh em sắc tộc H’mông ở Tây Nguyên chiếm một bộ phận không nhỏ trong nhóm người H’mông trên đất nước Việt Nam. Câu chuyện của chúng tôi về các em thiếu nhi chỉ là một mảng nhỏ trong một bức tranh rộng lớn của người H’mông. Đây là lời kêu gọi thay cho người anh em này trong chi thể của Đấng Christ. Họ đang cần chúng ta chào đón, cần được cầu thay, và cần cộng đồng giang rộng vòng tay yêu thương, ban cho, khích lệ và nâng đỡ, không phải chỉ là những đồ ăn thuộc thể nhưng cả nhưng đồ ăn thuộc linh nữa.
Xin quý tôi tớ Chúa nhớ đến anh em H’mông ở Tây nguyên trong sự cầu nguyện, để chúng ta lại có lời chứng về những ngôi làng được biến đổi trong các cộng đồng anh em sắc tộc. Ở đây chúng tôi cũng khao khát những câu chuyện giống như bản Sin Suối Hồ ở Lai Châu. Chúng tôi tin điều đó vì chẳng gì là không thể cho Chúa là Đấng chúng ta đang thờ phượng.
(Vươn đến anh em H’mông, Đam Rông, Lâm Đồng, ngày 12/1/2019, Cám ơn Sem, Klong Ha Đêm là những anh em đã hỗ trợ nhiệt tình trong chuyến đi này).
Grace Peace
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com