Link bài đọc: https://youtu.be/eqpcAb899uY
“Ðâu không có khải tượng, dân buông tuồng thác loạn; Nhưng phước thay cho ai vâng giữ luật pháp.” (Châm Ngôn 4:22)
Kinh Thánh là sứ điệp và sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho loài người nói chung, cũng như mỗi chúng ta một cách cá nhân. Tất cả vĩ nhân trên thế giới đi đến một nhận thức và sự tôn kính dành cho Thượng Đế – Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của mọi sự vật – cũng như kính trọng Kinh Thánh, là Lời Thánh được thần cảm của Ngài.
Martin Luther mô tả việc ông nghiên cứu Kinh Thánh giống như đang hái táo. Trước tiên, ông sẽ rung lắc cả cái cây để những quả táo chín nhất sẽ rơi xuống. Sau đó, ông lắc từng cành cây, rồi đến từng nhánh cây. Sau khi lắc từng nhánh cây, sẽ đến từng tán lá. Và cuối cùng, ông tìm kiếm bên dưới từng chiếc lá.
Martin Luther nói: “Việc học Kinh Thánh cũng giống như vậy. Trước tiên hãy tìm cả Kinh Thánh, giống như rung lắc cả cái cây, hãy đọc qua các sách có trong Kinh Thánh. Sau đó, hãy lắc từng cành cây, tức là nghiên cứu từng sách trong Kinh Thánh. Kế đến, lắc từng nhánh cây, chú ý đến mỗi chương (đoạn)… Và rồi, lắc từng tán lá – đọc và nghiên cứu từng phân đoạn, từng câu. Cuối cùng, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng khi tìm kiếm bên dưới mỗi chiếc lá, bằng cách suy ngẫm ý nghĩa của từng từ”.
Tướng Ulysses S. Grant, một vị tướng vĩ đại của Cuộc nội chiến Mĩ, cũng là vị Tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ, từng phát biểu về Lời Chúa như sau: “Hãy giữ chặt Kinh Thánh như cái neo của sự tự do của chúng ta. Hãy ghi nhớ các mạng lệnh Kinh Thánh trong lòng và thực hành chúng trong đời sống. Chúng ta phải nương dựa vào quyển sách này trong suốt quá trình xây dựng nền văn minh thật sự, phải tìm kiếm sự dẫn dắt cho tương lai của chúng ta ra từ đó. ‘Sự công chính làm cho đất nước được tôn trọng, nhưng tội lỗi làm cho dân tộc bị hổ thẹn.’” (Châm Ngôn 14:34).
Tướng Grant đã nhận ra được một chân lý thiết yếu về Kinh Thánh, đó là: Thông điệp được thần cảm bởi Đức Chúa Trời dành cho con người này có thể biến đổi bất cứ ai, hàn gắn bất cứ mối quan hệ nào, cũng như thay đổi vận mệnh của bất cứ dân tộc nào. Vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, nói: “Cai trị đất nước mà không có Đức Chúa Trời và Kinh Thánh là điều bất khả thi!” Thomas Jefferson nói: “Kinh Thánh là đá móng của sự tự do. Việc học hỏi và làm theo Sách Thánh sẽ giúp chúng ta trở thành những công dân tốt hơn cho đất nước”. Ngoài ra, nhiều vĩ nhân khác cũng thể hiện sự tôn kính dành cho Lời Đức Chúa Trời:
“Nước Anh có hai cuốn sách: Kinh Thánh và Shakespeare. Nước Anh sinh ra Shakespeare; còn Kinh Thánh làm nên nước Anh”. (Victor Hugo)
“Vẻ vinh quang của thái dương hệ, các hành tinh, sao chổi, chỉ có được là do sự điều hành của Một Đấng Thông Minh, Toàn Năng … Tôi nhìn thấy Thượng Đế qua viễn vọng kính … Thánh Kinh có nhiều biểu hiện chắc chắn về tính có thực hơn bất cứ một câu chuyện nào chống lại Sách đó”. (Isaac Newton)
“Kinh Thánh Tân Ước chính là quyển sách tốt nhất đã từng và sẽ được biết đến trên thế giới”. (Charles Dickens)
“Một chút khoa học sẽ gạt bỏ Chúa, giàu khoa học sẽ quay về với Chúa … Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng kinh ngạc trước công việc của Đức Chúa Trời. Khoa học đưa con người đến gần hơn với Thượng Đế”. (Louis Pasteur)
“Sự gian ác là do vắng bóng Thiên Chúa trong linh hồn … khoa học không tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt….Tôi chưa hề gặp điều gì trong Khoa học của tôi mà lại đi ngược với Tôn giáo … Những ai nghiêm túc nghiên cứu khoa học đều chắc một điều là trong tất cả những định luật của vũ trụ đều có bóng dáng của một thần linh siêu vượt lên trên con người và chúng ta phải cảm thấy mình thật thấp kém … Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Đức Chúa Trời”. (Albert Einstein)
Tiến sĩ Phan Như Ngọc, Giáo sư vật lý, người đã được dạy một cách thấm nhuần về thuyết vô thần từ lúc sinh ra và lớn lên trong lòng miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhân một chuyến công tác ở nước ngoài, ông đã xin tị nạn và gia nhập Đạo Chúa. Ông viết: “Sức mạnh nào khiến cho hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hầu hết các nhà khoa học vĩ đại mà tôi từng ngưỡng mộ, tin Kinh thánh? … Tính muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên, tính di truyền kỳ diệu: hạt giống nào sinh cây trái đó, vẻ đẹp tuyệt vời của những nàng hoa, sự hài hòa và hoàn thiện của cơ thể con người, sự hùng vĩ của bầu trời sao; tất cả những cái đó, cộng với những ý kiến các vĩ nhân mà tôi hằng kính phục, chính là sự chứng minh tuyệt vời và làm cho tôi tin rằng phải có Đấng Sáng Tạo. Đó chính là Thượng Đế toàn năng, toàn tri, toàn trí và toàn tại.”
Còn đây là Lời từ chính Đức Chúa Trời phán với mỗi chúng ta: “Hỡi con ta, hãy chú tâm đến lời ta dạy, lắng tai nghe những lời thuyết giảng của ta. Các lời ấy chớ để xa tầm mắt con, hãy giữ lấy nơi lòng con mãi mãi. Vì những lời ấy là sự sống cho ai tìm được nó, là sức khỏe cho toàn thân của họ.” (Châm Ngôn 4:20–22).
Biên tập: NLPH
Nguồn: Bill Bright
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com