“Nếu ở một mình dễ bị người khác áp đảo, nhưng hai người thì có thể chống cự lại; Một sợi dây bện ba tao thật khó đứt” (Truyền Đạo 4:12, TTHĐ).
Trải khắp hàng trăm dặm dọc theo miền duyên hải Bắc California là những thung lũng được phủ kín bằng một trong những loài thực vật kỳ vĩ nhất thế giới: cây tùng bách. Chúng như những cây cột chọc trời đầy kiêu hãnh. Nhiều cây có độ cao hơn cả một tòa nhà 30 tầng. Tháp Big Ben của London sẽ trở nên nhỏ bé nếu được đặt kế cây tùng bách cao thứ hai thế giới. Tháp nghiêng Pisa sẽ chỉ cao quá nửa so với độ cao trung bình của cánh rừng cao thứ sáu trên thế giới.
Tuổi thọ của cây tùng bách cũng thật đáng kinh ngạc. Cây tùng được xem là lớn nhất thế giới, có tên là Grizzly Giant, đã hơn 2.500 tuổi; rất có thể nó đang là một cây con vào thời điểm tiên tri Ê-sai dự ngôn về sự giáng sinh của Chúa Giê-xu bởi một nữ đồng trinh. Những cây khác của loài thực vật hùng vĩ này đang vươn mình hướng lên mây trời khi Cứu Chúa của chúng ta còn ở tuổi thanh niên và đang làm việc cho xưởng mộc của gia đình ở xứ Na-xa-rét. Cây tùng có tên là Founder’s Tree ở rừng Redwood Creek thuộc Humboldt County được xem là cây lớn thứ năm thế giới, với chu vi của thân cây dài 12.2 mét, rất có thể nó đang lớn nhanh vào thời điểm Hiến chương Magna Carta được ký vào năm 1215. Nhiều cây khác đang phát triển thành những cánh rừng nhỏ khi Columbus khám phá ra châu Mỹ vào năm 1492.
Một điều ngạc nhiên và kỳ lạ nữa đó là loài cây khổng lồ này có bộ rễ cạn khác thường. Những bộ rễ vươn ra mọi hướng để hút chất dinh dưỡng nhiều nhất có thể từ lớp đất bề mặt. Hiếm khi nào người ta nhìn thấy một cây tùng đứng đơn độc, bởi vì gió mạnh có thể làm nó trốc gốc dễ dàng. Những cây này có rễ bện chặt vào nhau để giúp chúng đứng vững trong mưa bão. Thật tuyệt vời, đến cây cối còn biết nương dựa vào nhau!
Tại vườn Giết-sê-ma-nê, trong đêm trước Chúa Giê-xu khi bị bắt để chịu chết, sự hỗ trợ và nâng đỡ này cũng là điều mà Ngài mong đợi nơi Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng. Chúa Giê-xu biết rõ điều gì đang chờ đợi mình: cái chết khổ nhục của một tội nhân để trả án cho tội lỗi của cả nhân loại. Ngài sắp phải hứng trọn chén thịnh nộ và sự lìa bỏ của Đức Chúa Trời với mình, là chén đau đớn mà Ngài cầu nguyện xin Đức Chúa Cha cất khỏi Ngài nếu có thể. Trong thời khắc đau buồn, cô độc ấy, Ngài mong các môn đồ sẽ tỉnh thức trong sự cầu nguyện và cảm thông với Ngài. Nhưng họ làm Ngài thất vọng biết bao! Cảnh tượng các môn đồ vẫn say ngủ bất kể ba lần Ngài bảo họ thức cùng Ngài chắc hẳn càng làm cho sự cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi và đau buồn càng thêm lên.
Nếu Chúa Giê-xu còn phải kêu gọi sự hỗ trợ từ con người trong những giờ phút khủng hoảng thì Cơ Đốc nhân còn cần đến nhau hơn biết bao nhiêu khi đối diện trước khó khăn, thử thách! Sự quan tâm, chăm sóc và cầu nguyện cho nhau là điều ai cũng phải cần. Sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu không chỉ giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi mà còn là cánh cửa để chúng ta được bước vào gia đình của Đức Chúa Trời. Trong gia đình Ngài, mỗi thành viên đều có một vị trí, một vai trò của mình để hỗ trợ và nhận hỗ trợ từ những thành viên khác. Không ai có thể đứng một mình mà không vấp ngã, không ai có thể kết quả mà độc hành. Kinh Thánh dùng nhiều hình ảnh minh họa khác nhau để Cơ Đốc nhân chúng ta hiểu thấu được sự đoàn kết, hiệp một và nâng đỡ nhau là một thực tế và điều kiện bắt buộc để có thể đứng vững nhằm mở mang Vương quốc Chúa và đánh bại mọi thế lực. Chúng ta cần đến nhau!
Cơ Đốc nhân là chi thể trong cùng một thân thể Đấng Christ (Rô-ma 12:4; Ê-phê-sô 4:15–16; 1 Cô-rinh-tô 6:15; 12:27), là thành viên của cùng một gia đình và là đền thờ thánh của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:19–22), là những cành nho cùng gắn chặt vào gốc nho (Giăng 15:5; Ê-phê-sô 3:17–18). Vậy nên, chúng ta hãy sẵn lòng và hạ mình để nhờ đến sự nâng đỡ của người khác, cũng như chính mình cũng trở thành sự nâng đỡ cho họ. Hãy tỉnh thức trong sự cầu nguyện và tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn. “Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (Hê-bơ-rơ 10:24–25).
Hãy nhớ rằng, sự đoàn kết và nâng đỡ nhau là bắt buộc nếu chúng ta muốn hoàn thành Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-xu; cũng như với tất cả mạng lệnh khác trong Kinh Thánh, không ai có thể đứng một mình để làm theo những mạng lệnh ấy! Không một của lễ thờ phượng nào được chấp nhận từ con người hoặc nơi có tinh thần chia rẽ (Ma-thi-ơ 5:24).
“Anh em hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy can đảm và mạnh mẽ. Mọi điều anh em làm, hãy làm trong tình yêu thương.” (1 Cô-rinh-tô 16:13–14) Nguyện xin tình yêu hy sinh vô điều kiện của Chúa chúng ta sẽ là động lực và sức mạnh để chúng ta yêu thương và nâng đỡ người khác.
Dịch: Blessing
Nguồn: Bill Bright
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com