Hãy cùng xem Phúc Âm được chép trong Ma-th-ơ, chương chín, câu ba mươi lăm đến ba mươi tám: “Đức Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng…” Nếu chú ý phân đoạn này, bạn sẽ thấy Ngài đi khắp các thành và làng. Ngài không ở lại với bất cứ cộng đồng nào. Đức Chúa Giê-xu chưa bao giờ trở thành một mục sư. Ngài cứ tiếp tục lên đường: “Đức Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bệnh.”
“Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót…” Còn chúng ta thì sao? Chuyện gì xảy ra khi chúng ta nhìn thấy đám dân đông? Liệu chúng ta cũng sẽ động lòng thương xót như Chúa? “Ngài thấy đám dân đông thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.”
“Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng song con gặt thì ít.” Vậy, chính đây là nan đề. Và nan đề từ thời điểm của Ngài là nan đề của chúng ta ngày nay– mùa gặt thì thật trúng, con gặt lại ít. Các em bé ngoại đạo đang ra đời nhiều hơn bao giờ hết. Giờ thì đến cách giải quyết cho nan đề nầy: “Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình.”
Tôi có thể ở lại Canada hay không?
Vài năm về trước, tôi tìm hiểu trong Kinh Thánh xem liệu mình có thể ở lại Canada mà vẫn được coi là vâng lời Chúa. Liệu có khả thi không, tôi tự hỏi bản thân, rằng mình sẽ yên lòng tận hưởng chức vụ mục sư; khi chẳng bao giờ vượt khỏi biên giới nước mình nhưng vẫn thực hiện mạng lệnh của Chúa? Chúa có hài lòng về việc đó không?
Và khi tôi nghiên cứu Kinh Thánh, tôi đã tìm thấy những dòng đại loại như:“Mọi nước, toàn thế giới, mọi kẻ, mọi dân tộc, và tiếng nói, và con người, và đất nước cho tới tận cùng trái đất.” Hay nói cách khác, tôi khám phá được rằng Phúc Âm là để rao truyền cho toàn thế giới. Mọi nước, mọi loài, mọi tiếng nói, và dân tộc đều phải được nghe.
Khi thấy điều này, câu hỏi tôi đặt ra là: Mọi quốc gia đều nằm trong Canada chứ? Nếu đúng như vậy, và nếu không có một quốc gia nào nằm ngoài biên giới lãnh thổ, thì tôi có thể ở lại đất nước của mình, truyền giảng Phúc Âm tại đây và không bao giờ rời khỏi biên giới dù chỉ một lần; nhưng, nếu một quốc gia tồn tại ngoài biên giới Canada, thì bổn phận của tôi chính là rời khỏi quê hương, vượt khỏi biên giới và đi tới quốc gia đó. Và nếu tôi không thể, thì tôi phải tìm cho mình một người thay thế và gửi họ đi như là người đại diện cho mình. Và dù tôi có làm vậy, thì tôi cũng sẽ không được đứng trong hàng Cơ Đốc nhân trong ngày nhận lãnh phần thưởng.
“Cánh Đồng Chính Là Thế Giới”
Nước Mỹ không phải là thế giới. Nước Anh không phải là thế giới. Cánh đồng chính là toàn thế giới. Trong cuộc đời bạn hẳn chưa từng nghe thấy một người nông dân nào chỉ làm lụng trên một góc cánh đồng của mình. Người nông dân làm việc trên cả cánh đồng. Nước Mỹ cũng chỉ là một góc; Canada cũng chỉ là một góc nhỏ. Thế giới, chính cả thế giới cần phải được truyền bá Phúc Âm. Và vì “cánh đồng là thế giới”, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài đi đến mọi bộ phận của thế giới. Công việc chỉ có một, và cần phải được thực hiện, không phải từng góc một, nhưng là hết thảy.
Các hãng thuốc lá đều có đại lý của mình ở ngay cả những địa điểm xa nhất. Hàng triệu điếu thuốc được gửi đi để kích thích sự ham muốn mới. Bạn có định trả lời rằng lý do của việc gửi đi là do không còn nhu cầu tại nơi quê nhà chăng? Tất nhiên là không. Nhu cầu ở đây – đặc biệt là khi phụ nữ đã bước khỏi khuôn mẫu xưa của họ và bắt đầu hút thuốc – đang lớn hơn bất cứ lúc nào. Và các hãng thuốc lá gửi đại sứ của mình đi nước ngoài. Họ muốn thị trường mới. Họ khôn khéo hơn chúng ta, chính vì vậy, sau tất cả, đều là kế hoạch của Đức Chúa Trời, và chúng ta phải làm tốt như họ. Ý tưởng của Chúa không bao giờ là để chúng ta ở quê nhà cho tới khi công việc được hoàn thành. Ngài muốn chúng ta đi khắp thế giới và đồng thời thực hiện công việc trên cả cánh đồng.
Bạn của tôi ơi, còn bạn thì sao? Bạn biết rằng Phúc Âm cần được đem đến mọi quốc gia, đến cả thế giới, mọi chủng tộc, ngôn ngữ và mọi dân tộc, cho đến tận cùng trái đất. Bạn đang góp phần gì trong đó? Bạn sẽ làm gì? Một là tự bản thân bước đi hoặc gửi một ai đó thế chỗ cho mình, và thật đáng buồn cho bạn, nếu bạn không làm gì cả. Mạng lệnh của Chúa phải được tuân theo, mạng lệnh của Ngài cần phải được thực hiện, và không có cách nào lảng tránh điều này.
Những Hàng Người Phía Sau
Bạn có nhớ khi Đức Chúa Giê-xu Christ cho năm ngàn người ăn chứ? Bạn có hồi tưởng Ngài cho họ ngồi xuống, từng hàng một, trên đồng cỏ hay không? Và bạn có nhớ khi Ngài cầm bánh mì và cá, chúc phước rồi bẻ ra đưa cho môn đồ của Ngài không? Và bạn có nhớ môn đồ của Chúa bắt đầu từ góc của hàng phía trước và đi dọc hàng đó giúp đỡ mọi người? Rồi bạn có nhớ khi họ quay một vòng và lại đưa bánh cho hàng đầu tiên, hỏi mọi người có cần giúp đỡ lần thứ hai hay không? Bạn có nhớ không?
Không ư? Hàng ngàn lần không! Giả sử như họ làm như vậy, các hàng phía sau sẽ nổi dậy và phản đối kịch liệt, “Ở đây,” họ có thể đã nói: “Hãy tới lại đây. Giúp chúng tôi. Chúng tôi chưa có đồ ăn. Chúng tôi đang đói; như vậy là không đúng; là không công bằng. Tại sao những người ở các hàng đầu được ăn lần hai trong khi chúng tôi chưa được ăn lần đầu?”
Và họ đã có thể nói đúng. Chúng ta nói về ơn phước thứ hai. Họ chưa có ơn phước đầu tiên. Chúng ta nói về Đấng Christ đến lần thứ hai. Họ còn chưa được nghe về lần đầu khi Ngài đến. Điều này là không công bằng. Tại sao một người lại được nghe về Phúc Âm những hai lần trong khi mọi người khác chưa hề nghe lần một? Bạn cũng biết rõ điều này như tôi vậy, không một cá nhân nào trong đám đông năm ngàn người, chưa kể phụ nữ và trẻ em, được giúp đỡ lần hai cho đến khi mọi người khác được giúp đỡ lần đầu tiên.
Tôi chưa từng biết một vị mục sư nào gặp phải vấn đề với những hàng phía sau cả. Mọi vấn đề của ông đều xuất phát từ các hàng đầu. Những người ở hàng đầu bị cho ăn quá no, và họ bắt đầu phát sinh chứng khó tiêu về thuộc linh. Họ cho ông biết ông phải cho họ ăn bao nhiêu là đủ, khi nào cho họ ăn; khi nào ngưng cho họ ăn, cho họ ăn trong bao lâu, cho họ ăn cái gì, …vv,…vv, và nếu ông không làm theo vậy, họ phàn nàn và bắt lỗi. Nếu một vị mục sư cảm nhận được điều đó, ông sẽ rời những hàng đầu đó một thời gian, để họ đói lấy một lần trong đời và mình tiến đến những hàng sau, và khi ông trở lại thì họ đã sẵn sàng để tiếp tụp nghe ông giảng, và sẽ không còn những lời xì xào hay phàn nàn.
Bạn của tôi ơi, tôi đã từng đi đến những hàng phía sau. Tôi đã nhìn thấy hàng triệu người ở hàng phía sau đói khát Bánh của Sự Sống. Có đúng như vậy không? Chúng ta có nên chỉ chăm chăm vào những hàng phía trước? Chúng ta không nên huấn luyện những người ở hàng phía trước chia sẻ những gì họ nhận được cho các hàng phía sau, và như thế đem Phúc Âm đến cho họ, là những người chưa có gì được chuẩn bị cho họ hay không?
Bạn có biết điều tuyệt vời nhất một hội thánh làm cho mình ấy là gửi mục sư của họ đi đến một nước trong khu vực nước ngoài cần truyền giáo chứ? Chẳng một chuyến đi nghỉ nào như vậy cả. Ông ấy sẽ trở lại là một con người hoàn toàn mới; vì không ai có thể nhìn thấy được nhu cầu cấp thiết ấy bằng chính mắt mình mà trở lại làm con người cũ cả. Điều đó sẽ tác động lên ông. Ông có nhiều thứ đề nói tới. Ông sẽ trở nên vô cùng hữu ích với hội thánh hơn cả trước kia. Tôi đề nghị việc này bởi vì tôi biết việc này đã tác động lên tôi như thế nào, và tôi khuyên các hội thành từ khắp nơi nhận ra tầm quan trọng của nó để thực hiện. Hãy để ông ấy nhìn thấy những hàng phía sau. Hãy để tự bản thân ông ấy nhìn thấy. Để ông thấy họ đang chờ Phúc Âm đến trong bóng tối và màn đêm u ám.
Lời Kêu Gọi Của Tiến Sĩ Duff
Tiến sĩ Alexander Duff, nhà cựu truyền giáo vĩ đại cho Ấn Độ, trở lại Scotland trong tuổi già, và khi ông đứng trước Tổng Liên Hội của Hội Thánh Trưởng Lão, ông kêu gọi, nhưng không một ai hồi đáp. Trong lúc kêu gọi, ông ngất đi và được đưa khỏi bục giảng. Bác sĩ quỳ bên cạnh và kiểm tra tim của ông. Giờ khi ông mở mắt ra:
“Tôi đang ở đâu đây? Ông la lên. “Tôi đang ở đâu đây?”
“Hãy nằm yên,” vị bác sĩ trả lời. “Tim của ông rất yếu.”
“Nhưng” người chiến binh già cả kêu lên, “Tôi còn phải hoàn thành nốt lời kêu gọi của mình. Đưa tôi trở lại. Hãy đưa tôi trở lại. Tôi còn chưa hoàn thành lời kêu gọi của tôi.”
“Hãy nằm yên,” vị bác sĩ lặp lại, “Ông quá yếu để quay lại đó.”
Nhưng vị giáo sĩ già nua vật vã trên đôi chân mình, quyết tâm của ông vượt qua cả sự yếu ớt; cùng với bác sĩ một bên và giáo sư thần học phía bên còn lại, vị chiến binh tóc bạc được dẫn trở lại bục giảng, ông đạp từng bước lên bục giảng, cả Hội Thánh Trưởng Lão đứng dậy giúp ông. Và rồi ông tiếp tục lời kêu gọi.
“Khi hoàng hậu Victoria kêu gọi tình nguyện viên đến Ấn Độ,” ông kêu lên, “hàng trăm người trẻ tuổi đáp lại; nhưng khi Vua Giê-xu kêu gọi, không một ai bước đi.” Rồi ông tạm dừng. Và một lần nữa ông nói: “Có đúng như vậy không” ông hỏi, “rằng Scotland không còn một đứa con trai nào cho Ấn Độ?” Ông lại tạm dừng, “Được thôi.” Ông kết lời, “nếu Scotland không còn người trẻ tuổi nào đi đến Ấn Độ, thì, dù tôi có già yếu và hư nát, thì vẫn sẽ trở lại, và dù tôi không thể giảng được nữa, tôi có thể nằm xuống bờ biển Ganges và chết đi, để mọi người ở Ấn Độ biết rằng ít nhất cũng từng có một người tại Scotland lo lắng cho linh hồn họ và sẵn sàng dành cả cuộc đời mình cho họ.”
Trong một khoảnh khắc, những người trẻ tuổi khắp cả hội trưởng lão, bật khỏi ghế đứng dậy, kêu lớn: “Tôi sẽ đi! Tôi sẽ đi! Tôi sẽ đi” Và sau khi vị giáo sĩ nổi tiếng qua đời, những người trẻ đó đi đến Ấn Độ, dâng cuộc đời họ thành các nhà truyền giáo, như là kết quả của lời kêu gọi mà Chúa thực hiện qua ông Duff.
Bạn của tôi ơi, bạn sẽ đi chứ? Chúa đã nói với bạn chưa? Bạn đã nghe thấy tiếng gọi của Ngài chưa? Liệu bạn sẽ không trả lời rằng: “Lạy Chúa ôi, con đây, hãy để con đi”chăng? Và nếu bạn không thể đi được,bạn có gửi người thay thế cho bạn không? Điều đó tùy thuộc vào quyết định của bạn.
Tại sao mọi người được nghe Phúc Âm hai lần trước khi mọi người được nghe lần đầu?
Dịch: H.U
Tác giả: Oswald J. Smith
Nguồn: The Travelling Team
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com