Home Chuyên Đề Thách Thức Của Big Bang – Phần 2: Tính phi logic của “Thiết kế Vĩ đại”

Thách Thức Của Big Bang – Phần 2: Tính phi logic của “Thiết kế Vĩ đại”

by Sưu Tầm
30 đọc

2/ Tính phi logic của “Thiết kế Vĩ đại”

Theo John Lennox:

Khi Hawking diễn giải và áp dụng khoa học vào những vấn đề cơ bản như sự hiện hữu của Chúa thì ông đã rơi vào lĩnh vực siêu hình. Nói “triết học đã chết” là tự đưa mình vào bẫy khi chính mình đang thảo luận triết học. Chẳng hạn, khi Hawking nói “Vì có một định luật như định luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không”, thì rõ ràng là ông đã giả định rằng lực hấp dẫn hoặc định luật hấp dẫn đã tồn tại. Như thế thì đâu phải là “hư không”? Vậy vũ trụ không phải đã được tạo ra từ “hư không” như Hawking nói.

Tệ hơn nữa, câu nói “vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không” là một mệnh đề tự mâu thuẫn về logic ngữ nghĩa. Thật vậy, khi nói “X tạo ra Y” thì có nghĩa là X ĐÃ TỒN TẠI từ trước để từ đó mới dẫn tới sự tồn tại của Y. Nếu nói “X tạo ra X” thì có nghĩa là thừa nhận sự tồn tại của X để suy ra sự tồn tại của X. Tóm lại, lập luận của Hawking là: THỪA NHẬN SỰ TỒN TẠI CỦA VŨ TRỤ ĐỂ SUY RA SỰ TỒN TẠI CỦA VŨ TRỤ!

Không thể tưởng tượng nổi một lập luận logic luẩn quẩn như thế có thể được chấp nhận bởi những nhà khoa học nổi tiếng có uy tín cao. Không chỉ Hawking lập luận như vậy. Nhà hóa học Peter Atkins, cũng là một nhà khoa học vô thần nổi tiếng tại Đại học Oxford, có những quan điểm tương tự. Ông này cho rằng không-thời-gian tạo ra các đám mây bụi của nó trong quá trình tự lắp ráp nó. Atkins gọi quá trình này là nguyên lý “vũ trụ tự lắp ráp” (cosmic bootstrap). Nguyên lý này làm ta liên tưởng tới những hệ thống tự mâu thuẫn như trường hợp một người tự túm tóc mình để nhấc bổng mình lên.

Nhà triết học Keith Ward tại Đại học Oxford nhận xét: Nguyên lý “tự lắp ráp vũ trụ” là bất khả thi về mặt logic, vì không thể có một kết quả vật lý mà không có một thực thể vật lý đã tồn tại từ trước đó. Ward kết luận rằng tư tưởng “tự lắp ráp vũ trụ” chắc chắn thất bại.

John Lennox kết luận: “Sự vô nghĩa vẫn là vô nghĩa ngay cả khi nó được nói ra bởi những nhà khoa học nổi tiếng thế giới (nonsense remains nonsense even when talked by world-famous scientists).

Lennox nhắc nhở: “Isaac Newton, một bậc tiền bối từng ngồi trên chiếc ghế của Hawking tại Đại học Cambridge, là người khám phá ra Định luật Hấp dẫn, nhưng không bao giờ nói “Bây giờ tôi có lực hấp dẫn, tôi không cần Chúa”. Điều ông làm là viết cuốn “Nguyên lý Toán học của Triết học Tự nhiên” (Philosophiæ Naturalis Principia Mathematica), cuốn sách nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học, thể hiện niềm hy vọng rằng nó sẽ “thuyết phục những người biết suy nghĩ” tin vào Chúa”.

Lennox nhấn mạnh: “Định luật hấp dẫn do Newton khám phá không tạo ra lực hấp dẫn. Thậm chí nó cũng không giải thích lực hấp dẫn, như Newton tự nhận thấy”.

Theo Lennox, tư tưởng của chủ nghĩa tự nhiên cho rằng những định luật toán học thông minh tự nó dẫn tới sự tồn tại của vũ trụ và sự sống là một câu chuyện hoàn toàn chỉ là khoa học viễn tưởng.

Và Lennox gợi ý: Nếu Hawking không dửng dưng với triết học như thế thì có thể một lúc nào đó ông đã tình cờ gặp một nhận định triết học thâm thúy do nhà triết học trứ danh LudwigWittgenstein nêu lên từ những năm 1920. Đó là cụm từ “sự lừa dối của chủ nghĩa hiện đại” (deception of modernism). Cụm từ này nói rằng chủ nghĩa hiện đại đã lừa dối thiên hạ khi tuyên truyền tư tưởng cho rằng các định luật tự nhiên có thể GIẢI THÍCH thế giới, trong khi thực tế chúng chỉ MÔ TẢ thế giới mà thôi.

Liệu giới khoa học chạy theo chủ nghĩa tự nhiên có hiểu được ý tứ thâm sâu trong ý kiến của Wittgenstein không?

Richard Feynman, một nhà vật lý đoạt Giải Nobel, đẩy vấn đề đi xa hơn khi cho rằng bản thân sự tồn tại của các quy luật vật lý ở khắp mọi nơi mà chúng ta có thể kiểm nghiệm được chính là một PHÉP LẠ, chẳng hạn như sự tồn tại của định luật hấp dẫn với nghịch đảo của bình phương khoảng cách là một phép lạ.

Đối với Albert Einstein, một trong những nhà tư tưởng khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại, thì chính cái sự thật rằng những định luật tự nhiên có thể được công thức hóa bằng toán học là điều thường xuyên làm cho ông kinh ngạc, đến mức ông cho rằng cái sự thật đó nằm ở phía bên kia tầm với của vật lý và mang tính “thần thánh cao cấp vượt trội hơn hẳn tinh thần của con người” (spirit vastly superior to that of man).

Chú ý rằng Hawking đã thất bại trong việc trả lời câu hỏi cốt lõi: Tại sao thế giới lại có cái gì đó chứ không phải là hư không? Ông nói rằng sự tồn tại của lực hấp dẫn (hoặc định luật hấp dẫn) có nghĩa là sự hình thành của vũ trụ là không thể tránh được. Nhưng làm thế nào mà lực hấp dẫn (hoặc định luật hấp dẫn) xuất hiện trước tất cả mọi thứ? Lực sáng tạo nào nằm đằng sau sự ra đời của nó? Ai đặt nó ở đấy với tất cả mọi tính chất của nó và khả năng mô tả nó bằng toán học?

Allan Sandage, người được hầu hết các nhà khoa học xem như cha đẻ của thiên văn hiện đại, người khám phá ra quasars và đoạt Giải Crafoord, một giải thưởng thiên văn học sánh ngang với Giải Nobel, không do dự gì để trả lời: “Tôi thấy không thể xảy ra chuyện trật tự sinh ra từ hỗn độn. Ắt phải có một nguyên lý tổ chức nào đó. Đối với tôi, Chúa là một bí ẩn nhưng là lời giải thích đối với phép lạ của sự tồn tại ─ tại sao phải có cái gì đó chứ không phải là hư không”

Trong khi cố né tránh bằng chứng rõ ràng đối với sự tồn tại của trí tuệ thông minh thần thánh đằng sau Tự Nhiên, các nhà khoa học vô thần bị ép buộc phải gán ghép sức mạnh sáng tạo cho những ứng cử viên ít được tin cậy như khối lượng / năng lượng và các định luật tự nhiên, vì chính bản thân những lý thuyết do họ nêu lên nhằm gạt bỏ “Chúa của những khoảng trống”[3]đều mang tính phỏng đoán rất cao và không thể nào kiểm chứng được.

Đó là tình trạng bế tắc của khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên. Bằng mọi giá các nhà khoa học theo chủ nghĩa này phải thoát ra khỏi bế tắc đó. Không có bất kỳ một thực tế nào giúp họ tìm thấy lối thoát. Họ buộc phải phỏng đoán, rồi từ phỏng đoán tạo dựng nên những giả thuyết mới. Đưa các phương trình toán học vào để tạo cho nó một “vẻ đẹp quyến rũ của khoa học” để dễ bề thuyết phục đám đông. Đó là lý do ra đời những lý thuyết “khủng”, làm cho những người mắc bệnh sùng bái khoa học (scientism) mở to mắt thán phục, tin đó là “khoa học hiện đại”. Nhưng những người có bản lĩnh khoa học và triết học thì biết đó chỉ là những cái thùng rỗng kêu to, bởi “Vô nghĩa vẫn là vô nghĩa, cho dù được nói ra bởi những nhà khoa học nổi tiếng thế giới”, như John Lennox đã nói.

(Còn tiếp)

Nguồn: viethungpham.com

Ảnh: play.goodle.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like