Home Lời Chứng Sơ Lược Tiểu Sử: Mục sư Thomas Stebbins – Tôn Thất Bình (1933-2018) – Phần 3

Sơ Lược Tiểu Sử: Mục sư Thomas Stebbins – Tôn Thất Bình (1933-2018) – Phần 3

by Van Anh
30 đọc

Thời Gian Đầu Tại Việt Nam

Ngày 11/1/1957, Thomas Stebbins cùng vợ và con gái là Jennifer Ruth rời San Francisco đi Việt Nam.  Ngày 15/2/1957, tàu đến Vũng Tàu.  Trong năm đầu tiên, hai giáo sĩ dành thì giờ để học tiếng Việt tại Sài Gòn.

Năm 1958, Giáo sĩ Thomas Stebbins được cử về lo công việc truyền giáo tại tỉnh Phú Yên. Cũng trong thời gian đó, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã cử ba Truyền Đạo trẻ đến Phú Yên là Ngô Tấn Phi (Sông Cầu), Đặng Đăng Khoa (Thạch Bàn), và Trương Đoan Dương (La Hai).  Tại Phú Yên, Giáo sĩ Thomas Stebbins cùng với các truyền đạo Việt Nam được Mục sư Nguyễn Văn Thìn hướng dẫn về văn hóa Việt Nam và cách truyền giáo cho người Việt.  Mục sư Nguyễn Văn Thìn đã giúp những nhà truyền đạo trẻ hiểu nguồn gốc sâu xa của những suy nghĩ và tập quán của người Việt, nhờ đó các nhà truyền đạo biết cách tiếp cận với người chưa tin Chúa một cách thích ứng với từng hoàn cảnh.  Những điều Mục sư Nguyễn Văn Thìn đã hướng dẫn các nhà truyền đạo trẻ tại Phú Yên là điều mà nhiều thập niên về sau các chủng viện thần học tại Hoa Kỳ đã dạy các sinh viên về vấn đề hội nhập văn hóa.

Hàng trước: TĐ. Đặng Đăng Khoa, Mục sư Nguyễn Văn Thìn, TĐ. Trương Đoan Dương, TĐ. Nguyễn Kim Khánh
Hàng sau: TĐ. Ngô Tấn Phi, Giáo sĩ Thomas Stebbins

Trong thời gian ở Phú Yên, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã khiêm tốn học hỏi với các Mục Sư Truyền Đạo Việt Nam. Giáo sĩ Thomas Stebbins cho biết được hầu việc Chúa với Mục sư Nguyễn Văn Thìn trong những năm đầu tại Việt Nam là một đặc ân. Điều đó đã giúp ông rất nhiều trong chức vụ hầu việc Chúa cho người Việt trong những năm về sau. Trong các chương trình truyền giảng tại nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên, lúc đầu Mục sư Nguyễn Văn Thìn chỉ cho Giáo sĩ Thomas Stebbins thổi kèn trombone.  Một thời gian sau, Giáo sĩ Thomas Stebbins được dạy Kinh Thánh bằng hình ảnh cho thiếu nhi.  Và khá lâu sau đó, Giáo sĩ Thomas Stebbins được phép giảng cho người lớn.  Mặc dầu có những giới hạn về ngôn ngữ, Phúc Âm của Chúa đã được công bố, và một số người đã tiếp nhận Chúa qua lời giảng của Giáo sĩ Thomas Stebbins. Ông biết rằng Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của mình để ban cho ông ân tứ làm nhà truyền giảng Phúc Âm cho người Việt.

Để trở thành một nhà truyền giảng Phúc Âm cho người Việt, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã tìm cách học hỏi phương thức giảng của các mục sư người Việt có ơn Chúa.  Khi biết được Mục sư Phan Đình Liệu – một mục sư Việt Nam đã về hưu – là một mục sư có ơn Chúa trong việc truyền giảng cho công chúng, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã tổ chức một chương trình truyền giảng kéo dài suốt một tháng và mời Mục sư Phan Đình Liệu đến giảng.  Kết quả của chương trình truyền giảng kéo dài suốt một tháng này đã có một trăm người tin Chúa và hai hội thánh mới được thành lập.

Giáo sĩ Thomas Stebbins  cho biết trong suốt một tháng đó, ông ngồi dưới chân Mục sư Phan Đình Liệu, theo dõi cách Mục sư Phan Đình Liệu thu hút sự chú ý của thính giả như thế nào, cách ông dùng Kinh Thánh ra sao, cách ông minh họa sứ điệp thế nào, cách ông tiếp xúc với người quan tâm tìm hiểu đạo Chúa ra sao, và cách ông “kéo lưới” như thế nào.   Giáo sĩ Thomas Stebbins  cho biết tháng đó là tháng vô cùng quý giá cho ông vì ông đã học được từ một nhà truyền giảng Việt Nam hàng đầu – một người được xức dầu của Chúa – về cách giới thiệu Phúc Âm của Chúa cho người Việt trong bối cảnh văn hóa của người Việt, với một phương thức rất chinh phục.

Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm cho trách nhiệm truyền giảng trong tương lai, Giáo sĩ Thomas Stebbins thường đến thăm các Mục Sư và Truyền Đạo Việt Nam.  Tình hình chính trị tại tỉnh Phú Yên vào cuối thập niên 1950 rất phức tạp.  Ngay tại tỉnh lỵ Tuy Hòa, thỉnh thoảng có một viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị sát hại; do đó việc Giáo sĩ Thomas Stebbins đến thăm các Hội Thánh Việt Nam tại những địa phương xa tỉnh lỵ vài chục cây số là vô cùng nguy hiểm.  Những lần đi thăm viếng như vậy, Giáo sĩ Thomas Stebbins biết rằng những điều xấu nhất có thể xảy ra; ông nói sự thật về những nguy hiểm với vợ mình, và thậm chí còn dặn rằng nếu ông không trở về ông muốn bà phải tái giá với một giáo sĩ khác và tiếp tục hầu việc Chúa.  Dầu vậy, ông vẫn tiếp tục đến thăm các Hội Thánh Việt Nam.

Giáo sĩ Thomas Stebbins, Truyền Đạo Đặng Đăng Khoa
và Hội Thánh Thạch Bàn, Phú Yên (1958)

Giáo sĩ Thomas và Donna Stebbins hầu việc Chúa tại tỉnh Phú Yên hơn ba năm.  Trong thời gian này, ông bà có thêm hai người trai là Jeff và John.  Sáu tháng trước khi mãn nhiệm kỳ đầu tiên (1957-1961), Giáo sĩ Thomas Stebbins được điều về tạm thời đảm trách chức giám thị tại Trường Đà Lạt, là nơi ông đã theo học từ nhỏ.  Sau đó, Giáo sĩ Thomas Stebbins và gia đình đã trở về Hoa Kỳ để nghĩ phép.

(Còn tiếp)

Nguồn: thuvientinlanh.org

Ảnh: youtube.com

Bình Luận:

You may also like